Phong tục Vào nhà mới của người Nùng

Việt Hưng 06/11/2023

Phong tục Vào nhà mới của người Nùng

1. Tên gọi: Phong tục Vào nhà mới của người Nùng

Tên gọi khác: “An lùng slườn”

2. Loại hình: Tập quán xã hội.

3. Địa điểm: huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

4. Chủ thể văn hoá:

Đại diện

- Cộng đồng dân tộc Nùng huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

5. Miêu tả về Di sản văn hoá phi vật thể

Phong tục vào nhà mới của người Nùng đã có từ rất lâu đời. Theo quan niệm của người Nùng: Việc dựng vợ, gả chồng, làm nhà, nuôi dạy con cái là những công việc lớn lao mà các cặp vợ chồng trong mỗi gia đình luôn phấn đấu để thực hiện. Do đó, cả đời vất vả lao động để làm được một căn nhà là điều rất lớn lao đối với mỗi gia đình dân tộc Nùng. Việc làm này chỉ được thực hiện, khi gia chủ thấy cần thiết và đã đủ điều kiện để dựng nhà mới… Khi đó, họ sẽ nhờ đến sự chung tay góp công sức của anh em họ hàng, làng xóm, những người bạn thân thiết nhất để giúp gia đình xây dựng một ngôi nhà mới để ở. Bởi vậy, khi nhà cửa đã được xây dựng xong, họ sẽ làm Lễ mừng vào nhà mới; mục đích nhằm để thông báo với tất cả mọi người thân thiết rằng: “Việc xây dựng nhà cửa đã được hoàn thành, mời mọi người đến góp vui cùng gia đình; đồng thời làm lễ báo cáo tổ tiên và rước ông bà tổ tiên vào ở nhà mới…”.

Khi thấy điều kiện kinh tế, nhân lực, vật liệu để làm nhà đã đủ; gia chủ sẽ đến gặp thầy Mo, nhờ thầy đến xem hộ mạch đất dựng nhà và lựa chọn ngày đẹp để gia đình được làm nhà. Khi đã lựa chọn được ngày đẹp, thầy mo hướng dẫn gia chủ chuẩn bị các đồ lễ và hẹn ngày đến đón thầy về xem mạch đất.

Gia chủ cắt cử người trong gia đình đến nhà thầy mo để đón thầy về làm lễ“An lùng slườn”  cho gia đình – đây là buổi lễ trọng đại nhất trong suốt quá trình làm nhà của dân tộc Nùng. Đến dự mừng lễ tân gia có đầy đủ con cháu trong gia đình, anh em, họ hàng, làng xóm láng giềng, bạn bè thân hữu; đặc biệt là không thể thiếu được những người đã giúp gia đình trong suốt quá trình làm nhà. Theo tập quán của người Nùng nếu con gái đã đi lấy chồng, thì trong ngày này phải mang về mừng cho cha mẹ một con lợn quay. Nếu con trai đã lấy vợ và ra ở riêng thì mừng cho cha mẹ một con lợn thịt (để thầy mo làm lễ). Họ nhà ngoại (tức họ vợ chủ nhà) quay một con lợn đến để mừng. Các bên thông gia đến mừng nhà mới cũng mang các lễ vật đến mừng, gồm: 1 con lợn quay, một đôi gà trống thiến “Cáy ton”, 15 cặp bánh giầy - bánh được bôi phẩm màu đỏ (thể hiện sự may mắn, vui mừng và sung túc).

Thực hiện theo hướng dẫn của thầy mo, gia chủ tiến hành lập 1 bàn cúng của thầy mo ngay trước ban thờ gia tiên của gia chủ; trên bàn cúng gồm có 1 bát gạo, trên thắp 3 nén hương; 01 mâm lễ cúng, bao gồm:

- 1 con gà luộc (gà trống thiến).

- 2 bát xôi trắng.

- 1 chai rượu.

- 5 chén rượu, 5 cái bát, 5 đôi đũa, 1 bát nước lã.

- Hương, vàng mã…

Trên ban thờ gia tiên gia chủ, hay tại nơi thờ thần bếp (dưới bếp) thầy mo cũng hướng dẫn cho đặt mâm lễ (tương ứng với mỗi bát hương là 1 mâm lễ cúng), đồ cúng tương tự như mâm lễ của thầy, duy chỉ thay gà trống thiến là gà giò.

Tiếp sau mâm lễ của thầy mo là các lễ vật của mọi người đem đến mừng nhà mới; các lễ vật này được xếp đặt theo thứ tự: Trên cùng là mâm lễ của bên ngoại (họ bên vợ của gia chủ); tiếp đến là mâm lễ của các gia đình thông gia (cũng được sắp xếp theo thứ bậc); kế tiếp là mâm lễ của các con trai; sau cùng là mâm lễ của các cô con gái đã đi làm dâu. Các mâm lễ được bày xong thầy mo bắt đầu cúng mời tổ tiên gia chủ, thánh thần xuống dự lễ và chứng giám cho buổi lễ mừng vào nhà mới, phù hộ cho gia chủ làm ăn phát đạt, bình an.

Sau bài cúng lễ của thầy mo, gia chủ treo 1 tấm vải vuông màu đỏ lên xà nhà (xà ngang ở giữa nhà), buộc 2 bên cạnh tấm vải đỏ là 1 bó lúa (hạt mẩy, đẹp); 1 túi bánh giày, 1 con gà trống (còn sống). Thầy mo tiến hành dùng 7 lá bùa (viết bằng chữ nho) dán lên 4 góc nhà, cửa trước, cửa sau và ban thờ gia tiên gia chu. Khi việc yểm bùa đã hoàn thành, thầy mo thả con gà treo dưới tấm vải đỏ ra cho gà nhảy trên các xà ngang trong nhà; đồng thời đổ túi bánh giày ra giữa sàn nhà để con cháu nhặt bánh (thể hiện sự phát lộc cho con cháu).

6. Hiện trạng Di sản văn hoá phi vật thể

Hiện nay phong tục đặt vào nhà mới vẫn đ­ược áp dụng trong đời sống.

7. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước, quy ước, hương ước của làng, xã trong việc tổ chức các hoạt động hiếu – hỷ... Thực hiện tổ chức văn minh, tiết kiệm phù hợp với truyền thống của dân tộc, bản sắc văn hóa của địa phương. Hạn chế mời khách tràn lan, làm tiệc cỗ linh đình…

- Bảo tồn có chọn lọc các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc trong lễ mừng vào nhà mới, loại bỏ dần các hủ tục lạc hậu, xây dựng thêm các yếu tố văn hoá mới phù hợp với thuần phong, mỹ tục của từng dân tộc, gắn với việc xây dựng nông thôn mới. Hình thành phép ứng xử văn hoá, thực hiện nếp sống văn minh phù hợp với truyền thống văn hoá và đạo lý của địa phương.

8. Danh mục tài liệu có liên quan: Phiếu kiểm kê di sản văn hóa năm 2013 – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn.

 

 

Bài liên quan
Lễ hội Háng pỉnh
13/11/2023

Lễ hội Háng pỉnh

Lễ hội Nhị - Tam Thanh
13/11/2023

Lễ hội Nhị - Tam Thanh

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
13/11/2023

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

0.02836 sec| 822.148 kb