Lễ hội Háng pỉnh

Minh Chuyển 13/11/2023

Lễ hội Háng pỉnh

1. Tên gọi: Lễ hội Háng pỉnh

Tên gọi khác:  Chợ bánh nướng

2. Loại hình: Lễ hội truyền thống.

3. Địa điểm: TP. Lạng Sơn

4. Chủ thể văn hoá: Cộng đồng các dân tộc TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

5. Thời Gian: 12 tháng 8 ÂL hàng năm

6. Miêu tả về Di sản văn hoá phi vật thể

Hội Háng Pỉnh được tổ chức vào ngày 12/8 âm lịch hàng năm. Theo tiếng dân tộc Tày, Nùng: "Háng" là Chợ, "Pỉnh" là Bánh Nướng. Đặc sắc trong lễ hội Háng Pỉnh là người Tày, Nùng không chỉ mua bánh nướng, bánh dẻo cúng rằm, biếu bà Tai (bà ngoại) tỏ lòng hiếu lễ mà chủ yếu là hát giao duyên. Với các em nhỏ, Tết Trung thu là dịp để các em có được những món quà, đồ chơi, lồng đèn, bánh kẹo, được vui chơi trong không khí đầm ấm. Nhưng đặc biệt hơn, ở mảnh đất biên giới xứ Lạng, Trung thu không chỉ của riêng các em nhỏ mà còn là dịp để các bà, các mẹ nam thanh nữ tú áo chàm xúng xính trẩy hội, đông vui nhất tại khu vực tượng đài Hoàng Văn Thụ. Đến với Lạng Sơn vào ngày này, dễ dàng bắt gặp hình ảnh bà con nhân dân nô nức trẩy hội trong màu áo xanh của trang phục truyền thống,cùng nhau mua sắm, thưởng thức bánh nướng và hát những câu Sli, Lượn.

Hội trước đây thường diễn ra ở chợ phiên Kỳ Lừa, hiện nay không gian được chính tại công viên tượng đài Hoàng Văn Thụ (phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn). Hàng ngàn người tham dự, đa phần là người Tày, Nùng với sắc áo chàm xanh, đen truyền thống. Chợ càng về chiều càng đông, tiếng hát sli càng bay cao, bay xa. “Háng Pỉnh” được khai hội từ rất sớm khi những câu hát sli, hát lượn được cất lên từ trai gái người Tày, Nùng xuống phố. Đây là lối hát dân ca đối đáp giữa các bên nam- nữ. Nội dung của những câu hát đơn giản là hỏi thăm, làm quen sau đó gửi gắm, chia sẻ tình cảm hay học tập các kỹ thuật, phương pháp làm ăn giữa các bản làng nhưng được đối đáp sắc sảo, ý nhị. Cuộc hát tại hội Háng Pỉnh có thể kéo dài đến khuya và nhiều đôi nam nữ đã nên duyên vợ chồng từ những câu hát. Hội Háng Pỉnh là nét đẹp văn hóa độc đáo, là nếp sinh hoạt mang tính cộng đồng thu hút đông đảo nhân dân các dân tộc cùng tham dự. Việc tổ chức chương trình giao lưu dân ca vào dịp tết Trung thu đã tạo không khí vui tươi phấn khởi cho quần chúng nhân dân qua đó góp phần bảo tồn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đặc biệt là các Lễ hội mang tính đặc trưng của các dân tộc Xứ Lạng để giới thiệu đến mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.       

7. Hiện trạng Di sản văn hoá phi vật thể

Lễ hội được tổ chức định kỳ thường xuyên, một năm 1 lần                                    

8. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị:

Kết hợp hai biện pháp là: bảo tồn tĩnh ( ghi âm; ghi hình; phỏng vấn ghi tài liệu để lưu trữ bảo quản lâu dài ) và bảo tồn động ( cố gắng làm tốt công tác duy trì lễ hội ).

 Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong quản lý lễ hội. Cơ chế và phương thức quản lý phải phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm lễ hội ở địa phương. tổ chức thực hiện đúng mục đích và đạt hiệu quả của lễ hội.

Đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục về giá trị lịch sử, văn hoá của lễ hội từ đó có ý thức để nâng cao việc thực hiện pháp luật và tự giác thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động lễ hội để tăng cường sự tham gia một cách chủ động, sáng tạo của đông đảo nhân dân góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống.

 4.9 Danh mục tài liệu có liên quan:  Phiếu kiểm kê di sản văn hóa năm 2013 – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn.

Bà con dân tộc Nùng tham gia lễ hội

Hát Sli giao duyên dân tộc Nùng

 

 

Bài liên quan
Lễ hội Nhị - Tam Thanh
13/11/2023

Lễ hội Nhị - Tam Thanh

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
13/11/2023

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

Trang phục của người Sán Chỉ
13/11/2023

Trang phục của người Sán Chỉ

0.10384 sec| 812.305 kb