Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

Quỳnh Ngọc 13/11/2023

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

1. Tên gọi: Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

Tên gọi khác: Lễ hội Đầu Pháo Kỳ Lừa

2. Loại hình: Lễ hội truyền thống.

3. Địa điểm: TP. Lạng Sơn

4. Chủ thể văn hoá: Cộng đồng các dân tộc TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

5. Thời Gian: 22 tháng Giêng đến ngày 27 tháng Giêng hàng năm

6. Miêu tả về Di sản văn hoá phi vật thể

Lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ (Lễ hội Kỳ Cùng – Đầu Pháo) được tổ chức  ngày 22 tháng Giêng đến ngày 27 tháng Giêng hàng năm (kéo dài một chợ phiên Kì Lừa). Ngày 22 tháng Giêng tổ chức rước Quan lớn Tuần Tranh từ đền Kỳ Cùng lên  đền Tả Phủ. Ngày 27 tháng Giêng rước Quan lớn Tuần Tranh Từ Đền Tả Phủ về đền Kỳ Cùng. Các ngày còn lại nhân dân trong vùng vui hội tại tại cả hai đền.

Đền Tả Phủ được xây dựng năm Chính Hoà thứ 4 (1683) triều Lê thờ viên tướng Thân Công Tài, chức Tả đô đốc, Hán Quận công (vì thế nhân dân gọi là đền Tả Phủ). Ông là người xã Như Thiết, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang nay là xã Nghi Thiết, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ông được chúa Trịnh trọng dụng, bổ nhiệm lên Lạng Sơn làm Phó tướng, nhậm chức Đồng tri giúp việc cho Vũ quận công Vi Đức Thắng trấn giữ biên thuỳ. Theo truyền thuyết của nhân dân địa phương, trong thời gian tại chức ở Lạng Sơn chính ông Thân Công Tài là người đã giải nỗi oan cho Quan lớn Tuần Tranh, được thờ ở đền Kì Cùng, nên trong lễ hội đền Kì Cùng - Tả Phủ có nghi thức rước kiệu đưa và đón bát hương quan lớn Tuần Tranh lên thăm hỏi, tạ ơn Tả Phủ Thân Công Tài.

Lễ hội Đền Kì Cùng trong dịp đầu năm là một trong những ngày hội văn hoá lớn, đặc sắc của xứ Lạng, vào ngày 22 và 27 khi có hoạt động rước kiệu các gia đình trên đường đi sẽ bày mâm lễ để cầu bình an, cầu tài, cầu lộc. Đây là dịp để nhân dân các dân tộc xứ Lạng gặp gỡ tụ hội vui chơi, ca hát, thực hiện những nghi lễ cầu cúng, mong đạt được những ước vọng về một cuộc sống tốt đẹp may mắn cho một năm mới no đủ, hạnh phúc. Qua lễ hội này, những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc nhất của xứ Lạng được thể hiện một cách sống động. Lễ hội Đền Kỳ Cùng – Tả Phủ đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 8 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

7. Hiện trạng Di sản văn hoá phi vật thể

Lễ hội được tổ chức định kỳ thường xuyên, một năm 1 lần                                     

8. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị:

Kết hợp hai biện pháp là: bảo tồn tĩnh ( ghi âm; ghi hình; phỏng vấn ghi tài liệu để lưu trữ bảo quản lâu dài ) và bảo tồn động (cố gắng làm tốt công tác duy trì lễ hội ).

Trong bối cảnh Lạng Sơn là một tỉnh miền núi nền kinh tế, công nghiệp chưa phát triển cao như các tỉnh khác nhưng Lạng Sơn có lợi thế là một địa phương có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh đẹp cho nên chính sách chiến lược của Lạng Sơn là ưu tiên phát triển văn hoá du lịch và các ngành dịch vụ. Với chương trình "Việt Nam - điểm đến của thiên niên kỉ mới" Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lạng Sơn đã ra Nghị quyết số 18/NQ - TU ngày 16 tháng 6 năm 2000 về việc “Phát triển du lịch năm 2000 đến 2010”; và Quyết định số 45/2000/QĐ-UB ngày 4 tháng 8 năm 2000 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn về “Chương trình hành động phát triển du lịch đến năm 2005”. Trong những năm qua, bằng nhiều nguồn ngân sách Trung ương, địa phương các ngành văn hoá du lịch đã tiến hành trùng tu tôn tạo nhiều khu di tích, danh thắng, cùng các hệ thống đường xá, điện, cơ sở hạ tầng... đến các khu du lịch, di tích để phục vụ việc khai thác du lịch và phục vụ khách tham quan, đi lễ được tốt hơn. Đặc biệt thời gian vừa qua sau khi Nhà nước đầu tư cải tạo nâng cấp tuyến đường quốc lộ 1A từ Đồng Đăng, Lạng Sơn về Hà Nội, việc đi lại bằng các phương tiện xe cộ khá thuận tiện, thời gian đi lại được rút ngắn rất nhiều do vậy lượng du khách đến Lạng Sơn tham quan du lịch, đi lễ ở các di tích hoặc mua sắm ở các chợ Lạng Sơn tăng lên rõ rệt.

Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn cần có kế hoạch tôn tạo lại các di tích liên quan đến lễ hội Kì Cùng, Tả Phủ để nhằm mục đích giữ gìn môi trường cho lễ hội được tồn tại lâu dài và cũng là bảo tồn các di sản văn hoá của quốc gia, làm cho cảnh quan thành phố Lạng Sơn ngày nay và thành phố Lạng Sơn trong tương lai được đẹp hơn với những nét truyền thống, hiện đại được kết hợp hài hoà. Đền Kì Cùng trong thời gian tới sẽ được tôn tạo khang trang hơn với những hạng mục như xây dựng tam quan đúng với kiểu truyền thống, kè đá dọc hai bên bờ sông Kỳ Cùng, đoạn chạy qua trước cửa đền bến đá Kì Cùng được tôn tạo lại cùng với di tích chùa Thành (Diên Khánh tự) đối diện bên bờ sông đang được trùng tu lại sẽ trở thành một điểm di tích văn hoá đặc sắc, nơi thăm quan, hành hương của đông đảo của nhân dân gần xa.

Qua việc tham gia quản lí và tổ chức lễ hội đền Kì Cùng cũng là dịp để các cơ quan chức năng của các ngành liên quan như văn hoá, giáo dục, du lịch thương mại... có thêm được những kinh nghiệm, những đóng góp về mặt quản lí của Nhà nước vào những hoạt động văn hoá trong cơ chế thị trường hiện nay. Từ đó có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm tốt cho hoạt động của ngành ở những nơi khác

9. Danh mục tài liệu có liên quan: Lý lịch di tích Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ năm 2025; Phiếu kiểm kê di sản văn hóa năm 2013 – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn.

Nghi lễ xin bát hương quan lớn Tuần Tranh từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ.

 

Rước kiệu trong lễ hội đền Kỳ Cùng (Ảnh: báo Tổ Quốc).

Kiệu Long Đình rước bát hương quan lớn Tuần Tranh

Các gia đình chuẩn bị mâm lễ để đón đoàn rước kiệu đi qua

 

 

 

Bài liên quan
Lễ hội Háng pỉnh
13/11/2023

Lễ hội Háng pỉnh

Lễ hội Nhị - Tam Thanh
13/11/2023

Lễ hội Nhị - Tam Thanh

Trang phục của người Sán Chỉ
13/11/2023

Trang phục của người Sán Chỉ

0.05544 sec| 824.516 kb