Lễ hội Quỳnh Sơn

Việt Hưng 08/11/2023

Lễ hội Quỳnh Sơn

1. Tên gọi: Lễ hội Quỳnh Sơn

2. Loại hình: Lễ hội Dân gian                   .

3. Địa điểm: Xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

4 Chủ thể văn hoá: Cộng đồng các nhân dân Xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

5. Thời Gian: Ngày 12 – 13 tháng giêng âm lịch

6 Miêu tả về Di sản văn hoá phi vật thể

Lễ hội Quỳnh Sơn diễn ra vào ngày 12, 13 tháng giêng (âm lịch) nhưng các công việc chuẩn bị đã được tiến hành triển khai thực hiện từ trước đó khoảng 2 tuần. UBND xã Quỳnh Sơn và Ban quản lý Đình họp, bàn, phân công nhiệm vụ và chuẩn bị các công việc liên quan đến lễ hội như: thành lập ban tổ chức, các tiểu ban giúp việc chuẩn bị kinh phí, nguồn nhân lực; phân công người đóng và luyện tập các vai diễn, chuẩn bị trang phục, đạo cụ, chuẩn bị lễ vật…và các điều kiện khác để phục vụ cho lễ hội.

- Nhóm phụ trách nghi thức, nghi lễ: Là những người được mọi người tin tưởng, tín nhiệm, đồng thời là những người hiểu biết về phong tục tập quán ở địa phương. Mặt khác đây là những người khỏe mạnh, phải là người gia đình không có tang, ăn chay…Trong lễ hội nhóm phụ trách nghi lễ tại lễ hội Quỳnh Sơn thông thường cần khoảng 12 người, trong đó:

+ Chủ hội (2 người): Là người phụ trách các nghi thức, nghi lễ trong lễ hội.

+ Quan lễ hay tiến tước (8 người): Là người phụ giúp Chủ hội triển khai thực hiện các nghi thức nghi lễ trong lễ hội như: cung tiến lễ vật, đọc lời thông xướng và các chúc văn khác.

- Nhóm phụ trách trò diễn và các hoạt động khác: khoảng 90 người, bao gồm: Đội cầm cờ thần, cờ rồng 12 người, đội múa sư tử, lân 6 người, đội trống, chiêng 02 người, đội quân cờ 36 người (2 nữ tướng và 32 quân, 2 người lọng tàn); đội bát bửu 12 người, đội long ngai – bài vị - lọng tàn 12 người (8 người khiêng kiệu, 2  người cầm lọng, 2 người cầm tàn), đội lễ vật 6 người (đại diện cho 6 thôn, đội múa tán đàn 2 người, múa chầu 4 người, hát nhà tơ 2 – 4 người…Đây thường là những nam thanh, nữ tú khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hoạt bát, có đạo đức tốt (riêng 2 nữ tướng phải là người  trẻ đẹp, chưa chồng có độ tuổi từ 18- 25).

Nội dung chính phần lễ:

a. Ngày 12 tháng riêng.

Sáng sớm ngày 12 tháng Giêng (âm lịch) làng bắt đầu khai hội. Sau khi  đã chuẩn bị lễ vật xong hai ông chủ tế, 8 ông quan lễ (tiến tước) và các thầy Mo, thầy Pháp Sư sẽ tiến hành các tuần tế tại Đình theo thứ tự: Lễ cúng Đức Vua, Lễ cúng Thổ Công (hai bên tả hữu), Lễ khoán an và lễ tế nghinh thần.

Sau phần tế yên vị là phần cúng thần nông và làm lễ hạ điền tại một đám ruộng đã được chuẩn bị từ trước. Sau khi đọc xong bài cúng ông hội cầm thẻ âm dương sẽ thực hiện nhiệm vụ xin âm dương, được sự đồng ý của thần linh sẽ tiến hành đốt (hóa) hương vàng và hô khẩu hiệu cho 6 thôn bắt đầu cày.

b. Ngày 13 tháng Giêng.

Đến ngày 13 tháng giêng, khoảng 4h chiều tiến hành rước kiệu về Đình. Trước tiên hai ông Chủ hội cúng với bài cúng Hồi cung xin rước thần về đền (có bài cúng riêng) sau đó thay mâm cỗ xôi thủ lợn bằng mâm cỗ xôi gà đặt lên kiệu. Thực hiện xin quẻ âm dương, được sự đồng ý của thần linh sẽ rước kiệu về đền. Nghi lễ rước về được tiến hành theo các quy trình thứ tự như khi rước đi.

Khi đến Đền đội hình rước kiệu vẫn giữ nguyên, kiệu được đưa cất trong Đình, lễ vật đặt lên ban thờ tiếp theo ông chủ tế sẽ thực hiện màn tế Hồi cung (giống với nghi lễ khi chuẩn bị rước đi, có nội dung thông xướng và chúc văn kèm theo). Bài tế thực hiện xong sẽ đốt (hóa) hương vàng và chủ tế đốt (hóa) bài văn tế báo hiệu kết thúc màn tế. Lúc này các nghi lễ trong đám rước đã hoàn thành đội hình rước kiệu tự giải tán.

Nội dung chính phần hội: Lễ hội Quỳnh Sơn diễn ra với nhiều trò chơi dân gian truyền thống: Đánh cờ tiên,  Múa tán đàn, Múa rối – hát tiên. Ngoài các trò chơi, trò diễn trên tại lễ hội Quỳnh Sơn còn diễn ra nhiều hoạt động phong phú và đa dạng với nhiều loại hình như: Kéo co; Đánh đu; Tung còn; Bóng chuyền (Mới được tổ chức thêm từ năm 2005); Hát ví – Hát lượn; Hát then; Múa chầu; Hát nhà tơ; Hội vật…

7. Hiện trạng Di sản văn hoá phi vật thể

Lễ hội được tổ chức định kỳ thường xuyên, một năm 1 lần. Trước đây Lễ hội Quỳnh Sơn được tổ chức vào ngày ngày 15 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, Lễ hội Cầu mùa: vào tháng 4 (âm lịch) hàng năm. Hiện nay, làng làm gộp 2 lễ hội thành 1 lễ hội. Được tổ chức ngày 12 - 13 tháng Giêng (âm lịch)  hàng năm.                                    

8. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị:

- Trùng tu, tôn tạo, phục dựng lại ngôi chùa Quỳnh Sơn để làm nơi sinh hoạt tôn giáo – tín ngưỡng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân, duy trì và phát triển các hoạt động của lễ hội theo truyền thông xưa bằng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.

9. Danh mục tài liệu có liên quan: Phiếu kiểm kê di sản văn hóa năm 2013 – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn.

Lễ rước kiệu trong Lễ hội Quỳnh Sơn

 

 

Bài liên quan
Lễ hội Háng pỉnh
13/11/2023

Lễ hội Háng pỉnh

Lễ hội Nhị - Tam Thanh
13/11/2023

Lễ hội Nhị - Tam Thanh

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
13/11/2023

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

0.08547 sec| 824.305 kb