Lễ cưới người Dao

Quỳnh Ngọc 07/11/2023

Lễ cưới người Dao

1.Tên gọi:  Lễ cưới người Dao

(Tên gọi khác: Không)

2. Loại hình: Tập quán xã hội

3. Địa điểm: Các huyện Bắc Sơn, Hữu Lũng, Cao Lộc, Lộc Bình

4. Chủ thể văn hoá

Cộng đồng Dao Lo gang Các huyện: Bắc Sơn, Hữu Lũng, Cao Lộc, Lộc Bình

Đại diện cộng đồng dân tộc Dao xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

5. Miêu tả về Di sản văm hoá phi vật thể

Lễ cưới của người Dao là một trong những nghi lễ vòng đời mang đậm tính nhân văn, thể hiện nét đẹp truyền thống, tinh thần đoàn kết gắn bó trong cộng đồng của đồng bào dân tộc Dao nói riêng và các dân tộc Việt Nam nói chung. Tập quán cưới hỏi của dân tộc Dao Lù Gang đã có từ lâu đời, được lưu truyền qua nhiều thế hệ và cho đến ngày nay. Lễ Dạm hỏi (Nải chìn cha): Để chứng tỏ sự quan tâm tới hạnh phúc của các con và sự tôn trọng với gia đình nhà gái, cha mẹ chàng trai sẽ trực tiếp đi sang nhà gái thực hiện lễ nghi này. Trong trường hợp người con trai không còn cha mẹ thì người đỡ đầu phải thay mặt cha mẹ người con trai đi thực hiện lễ dạm hỏi này. Trước khi sang nhà gái, bố mẹ chàng trai sẽ nhờ người đánh tiếng cho nhà gái biết trước). Lễ vật mang theo: 2 chai rượu, 1 bao thuốc lá. Với tập quán mến khách của dân tộc Dao, nhà gái đã chuẩn bị sẵn mâm cơm tươm tất để hai nhà bàn chuyện. Trong bữa cơm này, nếu nhà gái thấy ưng ý sẽ trao cho nhà trai lá “bản mệnh” ghi ngày tháng năm sinh của cô gái. Nhà trai đón nhận tờ bản mệnh và mang về nhờ thầy mo xem giúp; nếu thấy hợp số thì bố mẹ chàng trai sẽ báo cho bên nhà gái biết (mừng hợp số - muổng chìn cha) và hẹn ngày sang làm lễ ăn hỏi. Lễ ăn hỏi – “Tịng chìn cha”: Nghi lễ này vẫn do bố mẹ chàng trai thực hiện. Lễ vật mang đến nhà gái, gồm:2 con gà (hoặc 1kg thịt lợn);2 lít rượu;2 quả cau. Khi sang đến nhà gái, nếu đại diện nhà gái đón nhận các lễ vật trên và tiến hành mổ gà thì nghĩa là lễ đính hôn đã suôn sẻ. Ngược lại, nếu nhà gái không tiến hành mổ 2 con gà trên thì có nghĩa lễ đính hôn đã có sự trục trặc và cần xem xét lại... Trong buổi lễ này, nhà trai và nhà gái cùng thỏa thuận các nghi thức công tác chuẩn bị đám cưới cho đôi trẻ (thách cưới). Lễ báo ngày cưới (quan tíu): Đây là nghi lễ được tổ chức rất long trọng (chỉ sau lễ cưới chính). Bố mẹ chàng trai đem 02 lít rượu đến nhà gái báo ngày cưới (1 lít dùng để uống tại chỗ, 1 lít dùng để làm quà biếu cho ông bà ngoại cô gái – ý muốn báo cho ông bà ngoại biết là sắp gả cháu đi làm dâu). Bên nhà gái cũng có sự hiện diện đầy đủ của anh, em, cô, dì, chú, bác của cô dâu... để đón tiếp họ nhà trai. Trong buổi lễ này họ nhà gái sẽ thách cưới đối với nhà trai; lễ vật thách cưới gồm có: Thịt sọt (Thịt vai liền với thịt ba chỉ - mỗi miếng phải đủ 8kg/miếng): Dùng để biếu ông bà nội, ông bà ngoại và anh trai ruột của cô gái, quy định như sau: Nếu lấy người con gái cả: 5 miếng thịt sọt/người, Nếu lấy người con gái thứ hai: 3 miếng thịt sọt/người, nếu lấy người con gái thứ ba: 2 miếng thịt sọt/người, Nếu lấy người con gái thứ tư: 1 miếng thịt sọt/người, Thịt để làm cỗ: Khoảng 80kg thịt lợn móc hàm; Gạo tẻ: 60kg; Tiền mặt: Khoảng 10 đến 20 triệu đồng; Đề nghị nhà trai sắm sửa giường, tủ… cho cô dâu. Các lễ vật trên sẽ được nhà trai cử người mang đến nhà gái trước lễ cưới chính thức là 1 hôm. Lễ cưới “Hốp chìn cha - tíu”: Theo tập quán của người Dao Lù Gang thì lễ cưới được cử hành diễn ra trong 1 ngày: Buổi chiều tối nhà trai sang làm lễ đón dâu; buổi gần sáng cô dâu sang nhà chồng (theo quy định thì cô dâu phải bước chân vào nhà chồng trước lúc bình minh). Hôm cưới chú rể chỉ ở nhà mình mà không đi sang nhà gái. Người đi sang nhà gái làm các nghi lễ đón dâu lại là 2 bạn thân của chú rể (phải là người chưa có vợ và mặc trang phục chú rể người Dao). Đoàn họ nhà trai gồm có: Bác hoặc chú ruột của chú rể (người khéo ăn nói, có uy tín); 2 nam thanh niên (chú rể giả); 02 nữ thanh niên chưa chồng (phù dâu).  Hôm cưới, nhà gái làm cỗ cưới để đón tiếp khách và chuẩn bị các thủ tục để cô dâu đi ra cửa làm dâu. Đến giờ ra cửa, cô dâu trong trang phục rất nhiều áo mới, đi ra vái lạy tổ tiên 3 vái rồi bước thẳng ra cửa, không được phép ngoái đầu lại. Đoàn đưa dâu gồm có anh chị em ruột, phụ dâu (bật ô che cho cô dâu), các cháu ruột và một số anh em họ hàng của cô dâu cùng theo đoàn nhà trai đi sang nhà chồng của cô dâu. Gần đến nhà trai, cả đoàn đưa dâu dừng lại (tại một chiếc lán được lập tạm) để cô dâu chỉnh sửa lại trang phục. Sau đó, cô phụ dâu dùng 1 tấm khăn (khăn cô dâu – được thêu thùa rất đẹp) đội lên đầu và che kín mặt cho cô dâu rồi 1 tay dùng ô che cho cô dâu, 1 tay dắt cô dâu đi vào cổng nhà chồng… Lúc này bên nhà trai cũng cử 1 đội thổi kèn đứng đón nhà gái ở 2 bên cổng và trước cửa. Nghi thức long trọng nhất của đám cưới là lễ Bái Đường “Pái Toòng”. Nghi lễ này được nhà trai chuẩn bị rất kỹ lưỡng: Ngay bên dưới bàn thờ tổ tiên của nhà trai được kê một chiếc bàn để đặt 1 mâm lễ, gồm: 12 đôi đũa, 12 bát, 12 chén rượu và một đĩa gan lợn luộc. Cô dâu (đội khăn che mặt) và chú rể được 2 người lớn tuổi (một người đàn ông và một phụ nữ) dẫn đến đứng trước “Hồng Toòng” để làm lễ bái đường. Trước mâm lễ, cô dâu chú rể cùng cử hành các lễ bái, gồm 3 lần bái lạy: Bái lạy trời đất, thánh thần; Bái lạy tổ tiên; Bái lạy cha mẹ cùng họ hàng bề trên đang ngồi trước “Hồng Toòng” (nghi lễ này chỉ có chú rể quì xuống lạy còn cô dâu đứng bên cạnh chú rể). Lễ bái đường kết thúc, cô dâu được chú rể dìu vào buồng. Bố mẹ chú rể dùng con dao cắt từng miếng gan lợn để mời các bậc họ hàng đáng kính của nhà trai và nhà gái cùng ăn và uống rượu… gia đình nhà trai tiếp tục cử hành tiệc cưới mời khách đến chia vui cho gia đình. Lễ lại mặt “Ùi Mịn”:Sau khi cưới 3 ngày, nhà trai chuẩn bị lễ vật và cắt cử 2 thiếu niên gánh đồ theo 2 vợ chống trẻ đi sang nhà gái, lễ vật gồm:01 đôi gà thiến;01 đôi gà con (1 trống, 1 mái); 7 lít rượu; 8 kg thịt móc hàm; 5 kg gạo nếp. Sang đến nhà bố mẹ vợ, chú rể phải dùng 1 phần gạo nếp trên để tự tay tiến hành gói 02 chiếc bánh (dạng bánh trưng). Sau 2 hôm ở nhà bố mẹ vợ, đôi vợ chồng trẻ quay trở về nhà chồng. Khi trở về, bố mẹ cô dâu lấy 1 đôi gà con của gia đình (1 trống, 1 mái) cho 2 vợ chồng mang về. Hai người gánh đồ đi cùng cũng được bên gia đình nhà vợ cho mỗi người 1 gói lì xì.

6. Đánh giá thực trạng

Tập quán trên vẫn được áp dụng khi gia đình đồng bào dân tộc Dao khi tổ chức đám cưới cho con cái. Tập quán trên vẫn được duy trì thực hiện qua các thế hệ trong đời sống văn hóa của cộng đồng dân tộc Dao Lù Gang thôn Khuổi Đeng - xã Mẫu Sơn – huyện Cao Lộc. Số lượng người biết và am hiểu hiện có: Hầu hết những người lớn tuổi tại địa phương. Số lượng người thường xuyên thực hành: Những người đàn ông đã được làm lễ cấp sắc tại địa phương đều có thể thực hiện được nghi lễ này. Đây là phong tục, tập quán của nhân dân địa phương đã được lưu truyền lại lâu đời. Hiện nay, phong tục này vẫn được duy trì tuy thường xuyên vào các dịp lễ cưới diễn ra tại dịa phương. Nhà nước tôn trọng các nghi lễ cưới xin của các dân tộc; cộng đồng dân tộc Dao giữ đúng tập tục cưới xin của dân tộc mình.

7. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị

 Tăng cường, đẩy mạnh hoạt động truyền, dạy nghề cho thế hệ trẻ nhằm tạo ra một đội ngũ kê cận đủ năng lực, nhiệt huyết để tiếp tục duy trì và phát triển nghề trong những năm tiếp theo. Cần tìm tòi thêm mẫu mã sản phẩm mới, kết hợp một cách hài hòa giữa kỹ thuật thủ công truyền thống với tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhằm từng bước nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Vận động các hộ gia đình sản xuất đơn lẻ tập hợp thành một hợp tác xã làng nghề nhằm từng bước định hướng, nâng cao quy mô phát triển của nghề, một cách bài bản và có hệ thống.  Xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ để cho nghề Đan lát phát triển một cách ổn định, lâu dài.

8. Danh mục tài liệu có liên quan

 Phiếu kiểm kê văn hoá phi vật thể DSVH PHI VẬT THỂ TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2011 – 2015 (Loại hình Tập quán xã hội) Lễ cưới của người Dao.

Đám cưới người Dao Logang Lạng Sơn (Ảnh tư liệu)

 

 

Đám cưới người Dao Logang Lạng Sơn (Ảnh tư liệu)

 

 

 

 

 

Bài liên quan
Lễ hội Háng pỉnh
13/11/2023

Lễ hội Háng pỉnh

Lễ hội Nhị - Tam Thanh
13/11/2023

Lễ hội Nhị - Tam Thanh

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
13/11/2023

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

0.05509 sec| 852.336 kb