Hát Quan Lang
Hát Quan Lang
1. Tên gọi: Hát Quan Lang
Tên gọi khác: Tước khói
2. Loại hình: nghệ thuật trình diễn dân gian.
3. Địa điểm: Huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
4 Chủ thể văn hoá:
- Cộng đồng dân tộc Tày huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
- Cộng đồng dân tộc Tày xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
5. Miêu tả về Di sản văn hoá phi vật thể
“Hát Quan làng là một nét văn hóa độc đáo, đặc sắc trong đám cưới truyền thống của người Tày. Đó là những câu hát được dùng trong đám cưới với nội dung chủ yếu là kể chuyện và sự kiện diễn ra trong đám cưới và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trước những năm 1975 đây là một hoạt động rất phổ biến và không thể thiếu trong các đám cưới của người Tày.
Trong đám cưới truyền thống của người Tày còn có một nét văn hóa độc đáo, đặc sắc khác, đó là hát Quan làng để xin dâu. Thông thường để xin được dâu ông đón (quan lang) và đoàn nhà trai phải trải qua hai giai đoạn: giai đoạn thử thách và giai đoạn thủ tục.
Trong đó giai đoạn thử thách bao gồm các bài ca: bài ca mở cổng, bài ca chăng dây, bài ca rửa chân, bài ca lên cầu thang, ca mở cửa chính, bài ca cất chổi., bài ca rải chiếu… Giai đoạn thủ tục bao gồm các bài ca như: bài ca mời nước, bài ca mời rượu, bài ca bái tổ, bài ca nhận rể, bài ca xin đón dâu…. Quan làng lần lượt cất tiếng hát mà phải hát hay, hát đối đáp nhanh hơn nhà gái. Lời hát Quan làng có khi được truyền miệng từ đời này sang đời khác nhưng cũng có câu hát phải ứng tác kịp thời. Có nhiều đám cưới trở thành đám thi hát. Khi hát xong, những thử thách ấy sẽ được nhà gái tự động tháo gỡ. Không hát được thì phải chờ đợi phạt uống rượu thay lời hát. Hai họ vừa là công chúng thưởng thức vừa là người xét thưởng, phạt. Những việc đó diễn ra sôi nổi hào hứng, náo nhiệt. Ông Quan làng phải vượt qua bao cửa ải thì đám cưới mới được tiến hành sang giai đoạn tiếp theo.
Đây là một loại hình thơ ca dân gian phần nhiều được viết theo thể 5- 7 chữ Tuy nhiên vì cỏ lẩu là lối hát thơ ứng tác nên đôi khi cũng được sáng tác theo thể thơ tự do. Trong hệ thống lời ca, vẫn còn một số câu mẫu, hay nên phần đông các chàng trai, cô gái Nùng trước đây đều học thuộc. Song cái hay, cái sống động của quan làng hầu hết nằm ở chỗ khả năng ứng đối linh hoạt của người hát và lối ví von, so sánh mang đậm các giá trị nghệ thuật trong bản sắc văn hoá Tày. Thể hiện qua các lời thơ nói lên nội dung đón và đưa dâu ra sao, sinh hoạt trong ngày cưới như thế nào. Họ hát và nói những lời thơ đối đáp về thủ tục hôn lễ trong ngày cưới diễn ra tại nhà trai và nhà gái trong ngày cưới và còn có cả những lời đối đáp trao duyên giữa bạn cô dâu và bạn chú rể.
6. Hiện trạng Di sản văn hoá phi vật thể
Còn tồn tại, nhưng những người biết hát còn rất ít, chủ yếu ở lứa tuổi từ 50 trở lên.
7. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị:
- Tiến hành công tác sưu tầm và ghi chép lại một cách hệ thống các làn điệu hát quan làng để tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân để tiếp tục khôi phục, duy trì loại hình hát quan làng trong các đám cưới truyền thống của dân tộc.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi sự ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ, phát triển các làn điệu hát Quan làng. Đầu tư hỗ trợ kinh phí để đội được duy trì và hoạt động thưòng xuyên nhằm từng bước thu hút, mở rộng thành viên tham gia sinh hoạt, đặc biệt là các thành viên am hiểu và biết thực hành các làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc.
- Có chính sách ưu đãi, trưng dụng đối với các nghệ nhân hát quan làng. Tuyên truyền vận động thế hệ trẻ nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo trao truyền, phát huy vốn văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.
8. Danh mục tài liệu có liên quan: Phiếu kiểm kê di sản văn hóa năm 2013 – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn.
Xin đón dâu trong hát Quan Lang tại Bắc Sơn