Hát Cò Lẩu Vùng Công viên địa chất Lạng Sơn

Việt Hưng 03/11/2023

Hát Cò Lẩu

           1. Tên gọi: Cò Lẩu

           2. Loại hình: Tri thức dân gian về trang phục.

           3. Địa điểm: huyện  Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

           4. Chủ thể văn hoá:

           Đại diện

           - Cộng đồng dân tộc Nùng huyện Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

           - Cộng đồng nhân dân xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

            5 Miêu tả về Di sản văn hoá phi vật thể

           Hát Cò Lẩu hay còn gọi là Thơ Lẩu của dân tộc Nùng xuất hiện từ rất lâu đời. Đây là một phong tục đẹp được trình diễn trong đám cưới truyền thống của người Nùng với hệ thống các bài thơ, bài hát được chia thành các cung đoạn cụ thể. Cùng với nhiều địa phương khác người Nùng ở xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng đã duy trì và phát triển Cò Lẩu khá mạnh mẽ, đặc biệt là thời kỳ những năm 1980 về trước. 

          Xưa kia việc hát Cò Lẩu song hành cùng với lễ cưới. Đây là nghi thức quan trọng và tạo nên sự vui nhộn của đám cưới. Những lời hát Cò Lẩu được ngân lên từ khi đi đón dâu, đến khi cô dâu về nhà chồng và tới tận sang hôm sau khi tiệc cưới đã tan. Mọi công việc sẽ được bàn bạc, quyết định thông qua việc hát Cò Lẩu như: nhà trai hát xin đón dâu, hát hỏi thăm quan viên hai họ, hát xin phép tiến hành các thủ tục trong đám cưới...Hát Cò Lẩu được chia thành hai giai đoạn: hát ban ngày và hát ban đêm. Hát ban ngày mang tính nghi lễ chủ yếu do ông (bà) mối, phù dâu, phù rể thể hiện; hát ban đêm là hát giao duyên dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là thanh niên nam, nữ bạn bè của cô dâu và chú rể. Những câu hát thường tập trung vào chủ đề muôn thuở là tình yêu đôi lứa

          Các bài Cò Lẩu phần nhiều được viết theo thể thơ 5 đến 7 chữ. Trong hệ thống lời ca, vẫn còn một số câu mẫu, hay nên phần đông các chàng trai, cô gái Nùng trước đây đều học thuộc. Tuy nhiên, Cò Lẩu là lối hát thơ ứng tác nên đôi khi cũng được sáng tác theo thể thơ tự do thể hiện khả năng ứng đối linh hoạt của người hát và lối ví von, so sánh mang đậm các giá trị nghệ thuật trong bản sắc văn hoá Nùng

          Nội dung của các bài hát Cò Lẩu là cách chỉ bảo, lối ứng xử tinh tế, tao nhã của con người trong đời sống. Trong đám cưới, lời hát thay cho lời chào xã giao lịch sự, thể hiện tình cảm trân trọng nhau, thể hiện lối ứng xử thông minh, khéo ứng xử, giàu tri thức và am hiểu phong tục tập quán của con người…do vậy xét về mặt văn hóa, ngôn ngữ và tri thức ứng xử thì nội dung các bài hát Cò Lẩu góp phần giáo dục, hình thành nhân cách sống và ứng sử giữa người với người trong gia đình và ngoài xã hội.

          Hiện nay, Hát Cò Lẩu đang có nguy cơ bị mai một trong đời sống hiện đại. Do vậy, Hát Cò Lẩu đang được Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân địa phương quan tâm khôi phục, bảo tồn, giữ gìn và phát huy nhằm lưu truyền cho thế hệ trẻ mai sau.

          6 Hiện trạng Di sản văn hoá phi vật thể

          Hát Cò Lẩu vẫn được thực hành trong đời sống.

          7 Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị:

          - Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho cỏ lẩu phát triển, đẩy mạnh việc thực hiện nếp sông văn minh trong việc cưới, khuyến khích và tạo điều kiện để bảo tồn, duy trì  và tổ chức các đám cưới theo nghi thức, phong tục truyền thống xưa, loại bỏ các nghi thức, hủ tục rườm rà trong mối liên kết hài hòa với nhu cầu, thị hiếu hiện nay.

          - Đẩy mạnh công tác sưu tầm, ghi chép, tư liệu hóa nội dung các bài cò lẩu; bảo tồn ở dạng nguyên tác các làn điệu cò lẩu và bảo tồn diễn xướng; có cơ chế, chính sách và đầu tư kinh phí để lập và duy trì các CLB Văn hóa nghệ thuật dân tộc tại các xã, thôn; phát triển mạnh mẽ phong trào văn nghệ quần chúng, tổ chức các hội thi, hội diễn về dân ca; tổ chức các lớp học cho các thế hệ trẻ và những người yêu thích dân ca; khuyến khích các nhạc sĩ sáng tác tác phẩm mới phù hợp với thời đại mới mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc…

          + Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động thế hệ trẻ nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo trao truyền, phát huy vốn văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc, cải biên đặt lời hát mới cho làn điệu cò lẩu phù hợp với đời sống sinh hoạt hiện nay và thị hiếu của công chúng, thông qua việc xây dựng các không gian diễn xướng sli gắn liền với các tua, tuyến du lịch, các hội thi, hội diễn.

          8 Danh mục tài liệu có liên quan: Phiếu kiểm kê di sản văn hóa năm 2013 – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn.

 

Bài liên quan
Lễ hội Háng pỉnh
13/11/2023

Lễ hội Háng pỉnh

Lễ hội Nhị - Tam Thanh
13/11/2023

Lễ hội Nhị - Tam Thanh

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
13/11/2023

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

0.03322 sec| 812.68 kb