Trang phục của người Sán Chỉ

Minh Chuyển 13/11/2023

Trang phục của người Sán Chỉ

1.Tên thường gọi: Trang phục dân tộc Sán Chỉ.

Tên gọi khác: Không có.

2. Loại hình: Tri thức dân gian

3. Địa điểm: Xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

4. Chủ thể: Cộng đồng dân tộc Sán Chỉ, xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

Người đại diện:

1. Bà Hoàng Thị Phát

  Ngày, tháng, năm sinh: 1951                   Dân tộc: Sán Chỉ

Nghề nghiệp: Làm ruộng.

Địa chỉ liên lạc: Thôn Nà Pán, xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

2. Bà Lý Thị Ngân

Ngày, tháng, năm sinh: 1971                  Dân tộc: Sán Chỉ

Nghề nghiệp: Làm ruộng.

Địa chỉ liên lạc: Thôn Hán Sài, xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

5. Miêu tả về trang phục truyền thống:

 Trang phục của dân tộc Sán Chỉ có từ lâu đời. Cùng với sự phát triển của xã hội, sự giao lưu với đồng bằng đã làm cho người Sán Chỉ ăn mặc như người Kinh. Nếu như trước đây, những bộ trang phục của dân tộc Sán Chỉ luôn hiện diện trong cuộc sống hàng ngày, ngày cưới, ngày lễ Tết thì hiện nay những bộ trang phục ấy chỉ còn được người già cất giữ cẩn thận, những bộ quần áo được nhuộm bằng chàm không còn giữ được vai trò chủ đạo trong đời sống nhân dân.

Không rực rỡ như trang phục của người Mông, người Dao, trang phục của người Sán Chỉ đơn giản nhưng vẫn có những nét độc đáo riêng biệt.

Trang phục Sán Chỉ của cả nam và nữ đều do đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ làm ra. Không có những đường nét thêu thùa sặc sỡ, người phụ nữ Sán Chỉ luôn mặc váy chàm dài ngang bọng cổ chân; áo đi theo cặp: Áo trong thường do sở thích của từng người chọn kiểu và màu sắc nhưng thường là áo sáng màu, áo ngoài là áo chàm có hai mảnh được khâu chéo sang bên phải, các mép áo được viền một dải màu đỏ.

Mặc trang phục truyền thống của dân tộc, người phụ nữ Sán Chỉ phải vấn tóc, đội khăn màu đen và kèm theo các phụ kiện như: Đeo thêm vòng cổ, vòng tay bằng bạc; vào những ngày lễ, tết mỗi cô gái Sán Chỉ đều có từ 2 - 3 chiếc thắt lưng làm bằng lụa hoặc nhiễu với nhiều màu sắc khác nhau được các cô khéo léo kết hợp cho phù hợp với trang phục của mình.

Trang phục nam của người Sán Chỉ mộc mạc, đơn giản hơn nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp khoẻ khoắn, mạnh mẽ với áo màu chàm, được may theo kiểu bà ba, có hai túi rộng; quần dài, cạp chun, ống quần rộng để thuận lợi cho việc leo núi đồi.

Để nhuộm được một mảnh vải may trang phục người phụ nữ phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau: Cây chàm được lấy về, rửa sạch cắt thành từng khúc ngâm vào vại. Qua một đêm, thứ nước đó được hoà với nước tro bếp và một bát nước vôi, sau đó khuấy đều và để lắng trong khoảng 30 phút. Vải sẽ được đem ngâm hỗn hợp nước này cùng với một số loại lá cây rừng. Khi nhuộm lần đầu, vải có màu xanh nhạt, dễ phai. Qua nhiều lần nhuộm rồi đem phơi nắng, vải sẽ sẫm lại giống như màu của núi rừng.

Đối với vải để may trang phục cho nam giới, công đoạn nhuộm vải đơn giản hơn và không mất nhiều thời gian. Vải đó được người phụ nữ nhuộm bằng củ nâu cho đến khi có màu chàm sẫm. Vải có được màu sắc đẹp hay không là do kinh nghiệm của mỗi người nhuộm.

6. Đánh giá thực trạng

Trang phục truyền thống của người Sán Chỉ hiện nay bị mai một, biến đổi do nhiều nguyên nhân khách quan, không còn sử dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, chỉ được sử dụng khi có yêu cầu. Người dân từ lứa tuổi 40 trở lên đều biết quy trình và cách nhuộm chàm, nhưng hiện nay không ai thực hiện nữa. Đây là loại hình tri thức dân gian không còn khả năng duy trì, phát triển.

7. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị

Cần tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân hiểu về tầm quan trọng của việc bảo tồn trang phục truyền thống của chính dân tộc mình. Nâng cao niềm tự hào của người dân về văn hóa của dân tộc nói chung và trang phục truyền thống nói riêng. Từ đó có ý thức tự bảo vệ, phát triển bộ trang phục truyền thống của các tộc người. Công tác bảo tồn trang phục truyền thống sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu được chính người dân tộc - chủ thể văn hóa có ý thức tự giác bảo tồn.

Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương cần phải có chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ cũng như khuyến khích việc giữ gìn, bảo tồn, và phát huy những giá trị văn hóa nói chung và giá trị văn hóa trong trang phục truyền thống của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Xác định được phương hướng để đưa trang phục truyền thống ngày càng trở nên tiên tiến nhưng vẫn giữ lại được yếu tố văn hóa gốc của dân tộc .

8. Danh mục tài liệu có liên quan

Phiếu kiểm kê văn hoá phi vật thể tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 - 2015, loại hình Tri thức dân gian.

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài liên quan
Lễ hội Háng pỉnh
13/11/2023

Lễ hội Háng pỉnh

Lễ hội Nhị - Tam Thanh
13/11/2023

Lễ hội Nhị - Tam Thanh

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
13/11/2023

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

0.14754 sec| 824.438 kb