Lễ hội đình Vằng Khắc
Lễ hội đình Vằng Khắc
1.Tên gọi: Lễ hội đình Vằng Khắc xã Vân Mộng
Tên gọi khác: Lễ hội đình Vằng Khắc
2. Loại hình: Lễ hội truyền thống
3. Địa điểm: Thôn Còn Trả, xã Vân Mộng, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn (nay là xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình).
4. Chủ thể văn hoá: Cộng đồng các dân tộc xã xã Vân Mộng, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.
Những người đại diện:
Họ và tên: ông Đinh Văn Bội.
Năm sinh: 1954 Dân tộc: Tày
Nghề nghiệp: chủ nhang đình Vằng Khắc.
Địa chỉ liên lạc: Thôn Còn Trả, xã Vân Mộng, huyện Lộc Bình.
Họ và tên: ông Đinh Tiến Lạng
Năm sinh: 1950 Dân tộc: Tày
Địa chỉ liên lạc: Thôn Còn Trả, xã Vân Mộng, huyện Lộc Bình.
5. Miêu tả về Di sản văn hoá phi vật thể:
Lễ Hội tổ chức ngày 17/4 âm lịch hàng năm sẽ tổ chức lễ rước thần sông, tắm tượng thần sông và kiệu nước từ sông Kỳ Cùng về đền.
Lễ hội ra đời gắn liền với lịch sử hình thành của ngôi đình, được nhân dân trong xã và dòng họ Đinh duy trì tổ chức hàng năm. Đây là sự kiện được nhân dân đặt niềm tin trong việc cầu tài, cầu phúc, cầu lộc, cầu mùa màng tươi tốt bội thu, gia đình ấm no, hạnh phúc.
Quá trình chuẩn bị Lễ hội bắt đầu từ ngày 3/4 âm lịch gọi là ngày mở cửa đình, thủ nhanh và các chức sắc có liên quan đến nghi lễ sẽ tổ chức họp bàn. Sau đó một thành viên trong số chức sắc được phân công lên đình Cha thắp hương, báo cáo về việc tổ chức hội tại đình Vằng Khắc. Đến ngày 17/4 sẽ tổ chức lễ rước thần sông, tắm tượng thần sông và kiệu nước từ sông Kỳ Cùng về.
Phần lễ:
Khoảng 10h30 đoàn rước bắt đầu xuất phát, Ông chúa người ôm Khám thờ thần sông đi đầu, bên trong có bình nước ra sông Kỳ Cùng đoạn Vằng Khắc để tế thần. Tiếp theo là đội khênh Long ngai, và các đồ tế lễ. Ra tới bờ sông, ông Chúa lên thuyền và được các trèo chở đưa ra giữa sông lấy nước. Tại đây, ông chúa thắp hương khấn cầu thần rắn về dự lễ với dân làng, gieo quẻ xin âm dương, sau đó đốt vàng mã và múc nước vào 4 Đài nước khi thuyền trở vào bờ ông chúa đưa 4 đài nước cho các thanh niên bê lên Long Ngai và đi giật lùi Kính lễ lên khỏi bờ rồi quay người lại rước về đình Vằng Khắc. Về tới đình, lúc này ban chức sắc đã chờ sẵn để đón nước và tế lễ, ông Chúa đưa 4 Đài nước cho 4 vị quan viên để đặt lên ban thờ chính điện. Xong việc, ông Chúa đọc bài văn khấn nêu rõ lý do của buổi tế và cầu mong đức Thành Hoàng và Thần Giao Long phù hộ cho dân làng bình an, hạnh phúc, mùa màng bội thu, đồng thời cầu mong cho lễ hội diễn ra được tốt đẹp.
Nghi thức tế lễ: Hành lễ quan 3 tuần tế gồm dâng trà, dâng tửu, oản, hoa quả. Đồ lễ tế gồm 1 con lợn đã thịt, 2 mân xôi trắng, bánh kẹo, quả. Sau lễ tế, những người họ Đinh và dân làng mang lễ vật của gia đình đến lễ tại gian Tiền Tế.
Chiều 17/4, lợn dâng tế sẽ được hạ xuống để làm cơm tối, đến 12h đêm ngày 17/4 Quan viên hạ có trách nhiệm thay 2 mân xôi khác lên ban thờ và thắp hương tại đình. Ngày 18/4 đình đón khách thập phương đến lễ và tham gia các trò chơi dân gian. Đến chiều khoảng 2h, kết thúc hội. Ông Chúa các vị trong ban chức sắc làm lễ tế báo cáo thần, dâng trầu, rượu, thuốc, sau đó thực hiện lễ rước Thành Hoàng về giữa sông, nghi thức được tiến hành như lúc rước đi.
Phần hội:
- Trò chơi: Ban ngày, sau khi rước Thần về đình, làm lễ xong nhân dân địa phương thường tổ chức các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, múa sư tử vv….., các trò chơi diễn ra tại khu vực sân đình.
+ Múa sư tử: đội múa có khoảng 5 người, được tập luyện trước khoảng một tuần. Trang phục bình thường,có đầu sư tử và trống chiêng. Múa sư tử thường được lồng vào phần chuyển giữa các nghi lễ.
+ Kéo co: khoảng 8 người 1 đội chơi; Dây kéo co được chia đôi đánh dấu bằng 1 dây lụa đỏ ở giữa; kẻ 3 vạch, buộc 3 dây đỏ để bắt đầu chơi dây sẽ ko lệch về bên nào.
+ Đẩy gậy: Vẽ một vòng tròn bán kính theo độ dài của gậy đẩy. Người chơi thì chọn người có cân nặng gần tương đương nhau. Luật lệ quy định chỉ được đẩy bằng tay, nếu người chơi quỳ xuống đất hoặc ra khỏi vòng sẽ bị thua, người nào thắng sẽ được nhận lì xì do trộng tài trao cho.
- Văn nghệ: thường được tổ chức vào đêm ngày 17/4, các tâng lớp thanh niên và người già tham gia hát sli, hát lượn. Xưa kia trong lễ hội, địa phương mời cả những gánh hát chầu văn, hát chèo từ các tỉnh miền xuôi lên góp vui.
6. Đánh giá thực trạng
Lễ hội đã có sự cải biên, đổi mới, nhất là phần hội.
Nhiều năm trở lại đây tại lễ hội, các trò chơi, trò diễn dân gian không còn được tổ chức thường xuyên. Nhân dân không còn tự ra đình hát Sli, Lượn như trước; Nội dung văn nghệ chủ yếu do Phòng Văn hóa huyện và Xã Vân Mộng dàn dựng và biểu diễn, xong không thường xuyên.
7. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị
Những năm gần đây lễ hội được Nhà nước và cộng đồng cùng quan tâm bảo vệ, khôi phục và duy trì. Được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu kiểm kê, sưu tầm, đề xuất biện pháp bảo tồn, gìn giữ và phát triển.
8. Danh mục tài liệu có liên quan
Phiếu kiểm kê văn hoá phi vật thể tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 - 2015, loại hình Lễ hội dân gian.