Hát Xắng cọ của người Sán Chỉ

Minh Chuyển 13/11/2023

Hát Xắng cọ của người Sán Chỉ

1.Tên thường gọi: Hát Xắng cọ.

Tên gọi khác: Không có.

2. Loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian

3. Địa điểm: Xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

4. Chủ thể: Cộng đồng dân tộc Sán Chỉ, xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình.

Bà Lý Thị Ngân

Ngày, tháng, năm sinh: 1971                  Dân tộc: Sán Chỉ

Nghề nghiệp: Làm ruộng.

Địa chỉ liên lạc: Thôn Hán Sài, xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

5. Miêu tả nghệ thuật trình diễn dân gian:

 Hát Xắng cọ tồn tại từ lâu đời trong đời sống tinh thần của người Sán Chỉ. Vào những ngày lễ tết, hội hè hay khi nông nhàn mỗi khi có dịp gặp gỡ bạn bè, người thân họ lại hát cho nhau nghe. Hát Xắng cọ thuộc thể loại dân gian trữ tình, có riêng ở người Sán Chỉ ở Nhượng Bạn nói riêng và trên cả nước nói chung, đây là hình thức hát đối đáp nam nữ giống như làn điệu lượn của người Tày, điệu Sli của người Nùng, từng tốp từng cặp nam nữ hát đối đáp với nhau, mỗi bài hát thường có 4 câu 7 chữ, đôi lúc lại có những bài hát chỉ có 5 chữ.

Hát Xắng cọ tại xã Nhượng Bạn, có 03 hình thức cơ bản: Xắng cọ (hát ban đêm); Chục cọ (hát ban ngày); Cáng cọ (hát cả ban ngày và ban đêm). Nội dung chủ yếu thường là các biểu tượng ví von trong dân gian, trong tự nhiên, các điển tích trong văn học cổ Trung Quốc để bày tỏ tình cảm nam nữ theo mô típ chung từ gặp nhau, làm quen, vượt qua khó khăn để đến với nhau.

Người thực hành hát sẽ mặc trang phục truyền thống của người Sán Chỉ, không có nhạc cụ đi kèm khi hát, thường là hát đối đáp giữa 2-3 cặp nam nữ với nhau. Các hình thức hát Xắng cọ được phân biệt với nhau ở âm điệu, không gian diễn xướng, nội dung bài hát. Âm điệu: hát Xắng cọ có tiết tấu dài hơi khiến người nghe không nghe rõ được âm tiết, hát Chục cọ tiết tấu ngắn hơn, âm tiết rõ hơn, hát Cáng cọ tiết tấu không dài âm tiết rõ ràng.

- Hát Xắng cọ: loại hình này chỉ hát ở trong nhà hoặc ngoài sân, tuyệt đối không hát ở ngoài đường hay ở chợ. Thời gian hát thường diễn ra vào sau Tết, là lúc nông nhàn và là thời gian diễn ra nhiều lễ hội tại Lộc Bình. Ngày xưa mỗi cuộc hát thường hát 7 đêm liên tục, sau này rút gọn xuống chỉ còn 5 đêm, số lượng các bài hát giảm dần theo từng đêm cho đến khi kết thúc cuộc hát.

Hát Xắng cọ ban đêm có luật là nội dung cuộc hát của đêm ngày hôm sau không được lặp lại nội dung của đêm trước đó. Số lượng các bài hát giảm dần theo các đêm sau này. Các bài hát được ghi chép chủ yếu tron sách Hán Nôm, hiện nay chỉ còn lưu giữ được 03 quyển (của các thầy mo trong xã),  hiện nay ngoài các nội dung cũ đã có những sáng tác mới nhưng không được sử dụng thường xuyên.

- Hát Chục cọ: là hình thức hát đối đáp giữa nam và nữ, được hát trên đường đi chợ, đi hội, khi đến làng khác chơi. Đây là hình thức đòi hỏi sự ứng biến nhanh nhạy của người hát về đề tài hát, không nhất thiết phải lấy điển tích trong văn học cổ Trung Quốc. Nội dung chủ yếu của hát Chục cọ là để nam nữ trêu ghẹo, làm quen với nhau. Không gian và thời gian hát không bó buộc, có thể hát khi gặp nhau trên đường, khi làm ruộng, khi trên rừng..., tạo nên sự hồn nhiên mộc mạc một cách chân thực.

- Hát Cáng cọ: được hát trong các đám cưới, là thể loại hát với tiết tấu nhanh không ngân dài âm cao. Đội hát là bạn bè của cô dâu chú rể. Quy trình gồm: hát đón cửa khi nhà trai đến nhà gái sẽ hát, nhà trai phải hát đối lại, nếu không hát đối được sẽ không cho vào nhà và bị phạt uống rượu, hát cáng láu cọ (hát mời trầu) phù râu mời ông bà cha mẹ người cao tuổi trong họ nhà trai lần lượt theo thứ tự khi đưa cô dâu đến nhà trai, và ngược lại phù rể cũng làm như vậy khi đến nhà gái, hát cáng cháu cọ (hát mời rượu) hát trong lúc ăn cơm.

Ngoài ra, hát Cáng cọ còn được hát khi đôi bạn hát không có nhiều thời gian (ban đêm hoặc ban ngày) với tiết tấu nhanh, không kéo dài âm điệu. Ví dụ như đôi nam nữ vừa quen nhau, chưa muốn kết thúc cuộc hát mà trời đã sáng....

Hát Xắng cọ làm cho con người thấy thoải mái tinh thần, yên tâm trong lao động sản xuất, sống vui vẻ hạnh phúc hơn. Yêu cầu người hát phải biểu cảm, thể hiện sự chân thành, cởi mở, thân thiện, hoà đồng, tuân thủ đúng luật.

6. Đánh giá thực trạng

Hát Xắng cọ hiện nay đang mai một do điều kiện sinh hoạt vật chất được nâng cao, đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần đã thay đổi, cùng ảnh hưởng của các nền văn hóa mới. Hiện nay chỉ duy trì hát vào các ngày lễ tết, ngày hội. Số lượng biết hát và am hiểu hiện không nhiều, chỉ còn một số ít người hát khi tham gia các hội thi văn nghệ hay khi có khách đến nhà.

Địa phương đã duy trì hoạt động truyền dạy, biểu diễn các loại hình văn nghệ truyền thống tại địa bàn, đây là cơ sở quan trọng để khôi phục lại và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

7. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị

Cần tiến hành công tác sưu tầm, nghiên cứu, ghi chép lại các bài hát Lượn để lưu giữ và phổ biến cho cộng đồng (sách “Hát Xắng cọ của dân tộc Sán Chỉ xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn” đã được Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Lạng Sơn xuất bản năm 2013).

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thế hệ trẻ nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy vốn văn hoá truyền thống quý báu của dân tộc nhận thức được giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình, để cùng nhau giữ gìn và bảo vệ.

Thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ quần chúng hay giao lưu văn hóa giữa các địa phương để nghệ thuật hát lượn được thể hiện nhiều hơn đối với nhân dân trong vùng.

Có sách chính sách ưu đãi và trưng dụng đối với các nghệ nhân hát Lượn, động viên, khuyến khích các nghệ nhân, những người am hiếu sang tác thêm nhiều bài hát để đóng  góp làm phong phú thêm vốn văn hoá truyền thống của dân tộc.

8. Danh mục tài liệu có liên quan

Phiếu kiểm kê văn hoá phi vật thể tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 - 2015, loại hình Trình diễn nghệ thuật dân gian.

 

 

 

 

 

 

 

Bài liên quan
Lễ hội Háng pỉnh
13/11/2023

Lễ hội Háng pỉnh

Lễ hội Nhị - Tam Thanh
13/11/2023

Lễ hội Nhị - Tam Thanh

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
13/11/2023

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

0.05475 sec| 824.469 kb