THÔNG TIN VỀ CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT

04/07/2023

 

I. KHÁI QUÁT VỀ CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU UNESCO

1. Di sản địa chất

Di sản địa chất (DSĐC, tiếng Anh: Geoheritage) là những địa điểm trên Trái Đất nơi lưu giữ những bằng chứng, dấu ấn của quá trình hình thành và phát triển Trái Đất, lịch sử tiến hóa sự sống của một vùng, một khu vực trên hành tinh của chúng ta. Một số ví dụ như các cảnh quan địa mạo, các di chỉ cổ sinh, hóa thạch, các miệng núi lửa đã tắt hoặc đang hoạt động, các hang động, hẻm vực sông, hồ tự nhiên, thác nước, các diện lộ tự nhiên hay nhân tạo của đá và quặng, các thành tạo, cảnh quan còn ghi lại những biến cố, bối cảnh địa chất đặc biệt, các địa điểm mà tại đó có thể quan sát được các quá trình địa chất đã và đang diễn ra hàng ngày... Những địa điểm, khu vực như vậy rất có giá trị khoa học, giá trị thẩm mỹ, giá trị lịch sử và tiềm năng thu hút khách du lịch. Chúng được gọi chung là DSĐC - dạng di sản quan trọng hàng đầu trong số các di sản thiên nhiên. Cũng như các di sản khác, DSĐC là tài nguyên không tái tạo nên cần được bảo tồn, khai thác và sử dụng bền vững.

2. Công viên địa chất

Công viên địa chất (CVĐC, tiếng Anh: geopark) là một khu vực có ranh giới địa lý-hành chính rõ ràng, liền khoảnh, trong đó chứa đựng một tập hợp các DSĐC có giá trị khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế. Đồng thời khu vực đó còn là nơi hội tụ được các giá trị khác về cảnh quan, đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa, xã hội... Tất cả các giá trị đó cùng được nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn và khai thác, sử dụng một cách bền vững. CVĐC cần có diện tích đủ lớn để có thể đóng góp đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đặc biệt là dưới hình thức phát triển du lịch và các dịch vụ phụ trợ khác.

CVĐC là hình thức bảo tồn DSĐC “mở” - đây là một xu hướng mới của Khoa học Địa chất, đã trở thành vấn đề được nhiều quốc gia và tổ chức khoa học trên thế giới quan tâm, thảo luận rộng rãi tại các hội nghị quốc tế về địa chất cũng như về chủ đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản, và được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) và Hiệp hội Địa chất Quốc tế (IUGS) tích cực ủng hộ, vận động trong khoảng thời gian hai chục năm trở lại đây. CVĐC hướng tới 3 mục tiêu cụ thể là:

- Bảo tồn các DSĐC và các giá trị khác trong khu vực như di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ, cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái...

- Góp phần quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò và giá trị của các khoa học Trái Đất, khuyến khích học tập và nghiên cứu về các khoa học Trái Đất và giáo dục lòng yêu thiên nhiên và trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ và khai thác bền vững các DSĐC, góp phần vào chiến lược nâng cao dân trí, phát triển kinh tế và văn hóa của địa phương và đất nước.

- Thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế bền vững, hài hòa với bảo tồn như tham quan, du lịch (du lịch sinh thái, du lịch địa chất) và các hoạt động kinh tế phụ trợ khác, tạo nguồn thu nhập bổ sung cho các cộng đồng địa phương.

Như vậy CVĐC là một mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững, khuyến khích những hoạt động thân thiện với môi trường, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của các loại hình di sản. Các di sản được nhận dạng, được bảo tồn và sử dụng hợp lý trong CVĐC góp phần làm tăng giá trị của CVĐC hay một khu vực, một địa điểm cụ thể của nó, khiến cho chính quyền các cấp, cộng đồng địa phương và các nhà đầu tư cẩn trọng hơn đối với các hoạt động kinh tế có thể tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đến các giá trị di sản (như khai thác khoáng sản, phát triển thủy điện, san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng...). Việc tuân thủ, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của một CVĐC, qua đó, cũng là công cụ để chính quyền các cấp, cộng đồng địa phương và các doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ hơn, từ góc độ bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, bảo đảm an sinh xã hội... đối với các hoạt động kinh tế kể trên.

Tuy nhiên, khác với hai danh hiệu khác của UNESCO là Di sản Thế giới và Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới - vốn là những khu vực nhấn mạnh các hoạt động bảo tồn, rất hạn chế các hoạt động phát triển, nhất là các hoạt động phát triển không thân thiện với môi trường, với cộng đồng, ví dụ như như khai thác mỏ, đóng tàu, các khu công nghiệp... - CVĐC không phải là một khu bảo tồn. Hay nói cách khác, bên trong phạm vi một CVĐC, chỉ có một số diện tích nhất định ở xung quanh các di tích, danh thắng, các điểm di sản (ví dụ như vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng bảo vệ cảnh quan, các di tích văn hóa, lịch sử, các di chỉ khảo cổ học, và các điểm DSĐC sẽ được nhận dạng, phát hiện mới trong quá trình hình thành CVĐC) mới cần phải bảo tồn. Đại bộ phận các diện tích còn lại của CVĐC vẫn diễn ra các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội hợp pháp, hợp lệ khác như bình thường.

3. Công viên địa chất toàn cầu UNESCO

Manh nha từ những năm cuối của thế kỷ 20, những CVĐC đầu tiên trên thế giới đã được thành lập vào năm 2000 ở Châu Âu, hình thành nên Mạng lưới CVĐC Châu Âu (EGN) năm 2001. Năm 2004 UNESCO đã bảo trợ cho việc hình thành Mạng lưới CVĐC toàn cầu (Global Geoparks Network, GGN). Năm 2008 cũng theo mô hình đó Mạng lưới CVĐC Châu Á-Thái Bình Dương (APGN) được thành lập. Mạng lưới CVĐC toàn cầu hàng năm xem xét hồ sơ và công nhận các thành viên mới, đến nay đã công nhận được 177 CVĐC của 46 quốc gia.

Ngày 17/11/2015, phiên họp toàn thể của Đại hội đồng UNESCO đã phê duyệt Chương trình Khoa học Địa chất và CVĐC Quốc tế (IGGP), qua đó chính thức thông qua danh hiệu “CVĐC toàn cầu UNESCO”.

Một CVĐC muốn được UNESCO xem xét, công nhận là CVĐC toàn cầu cần đáp ứng một số yêu cầu tiên quyết sau:

- Đã tồn tại trên thực tế ít nhất một (01) năm trước khi trình hồ sơ;

- Có một số DSĐC tầm cỡ quốc tế;

- Có Ban quản lý có đủ năng lực và quyền hạn để điều hành mọi hoạt động của CVĐC, có kế hoạch quản lý và nguồn kinh phí hoạt động ổn định dài hạn và hàng năm;

- Có các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh của CVĐC, nâng cao nhận thức cộng đồng của người dân địa phương;

- Tham gia tích cực vào các hoạt động của Mạng lưới các CVĐC toàn cầu.

4. Công viên địa chất ở Việt Nam

Ở Việt Nam, những bước đi đầu tiên hướng đến việc hình thành CVĐC cũng đã được các nhà khoa học khởi động từ khá sớm. Đặc biệt là một số hoạt động của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Viện ĐCKS), trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, như Đề tài KHCN cấp Nhà nước mã số KC.08.20/06-10 “Điều tra nghiên cứu các DSĐC và đề xuất xây dựng CVĐC ở miền Bắc Việt Nam” (2007-2010), Dự án hợp tác Việt-Bỉ “Nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển CVĐC ở một số khu vực Đông Bắc Việt Nam” (2007-2013). Kết quả đã giúp UBND tỉnh Hà Giang hình thành CVĐC đầu tiên của Việt Nam trên Cao nguyên đá Đồng Văn năm 2009. Ngay sau đó Viện ĐCKS cũng hỗ trợ UBND tỉnh Hà Giang xây dựng hồ sơ để sau đó một năm, ngày 03/10/2010, Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là thành viên Mạng lưới CVĐC toàn cầu tại Hội nghị quốc tế khu vực Châu Âu lần thứ 9 về CVĐC tổ chức ở Lesvos (Hy Lạp).

Trong khoảng thời gian 2012-2014 Viện ĐCKS đã xây dựng đề cương Đề án của Chính phủ về “Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 09/09/2014 tại Quyết định số 1590/QĐ-TTg, dự kiến triển khai bắt đầu từ năm 2021.

Cũng trong khoảng thời gian kể trên, từ năm 2009 Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã thành lập Đầu mối quốc gia về CVĐC toàn cầu Việt Nam đặt tại Viện ĐCKS. Đến năm 2016 Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã nâng cấp Đầu mối quốc gia kể trên thành Tiểu ban Chuyên môn về CVĐC toàn cầu của Việt Nam, với Chủ tịch Tiểu ban là Viện trưởng Viện ĐCKS. Đồng thời cũng trong năm 2016, Mạng lưới CVĐC Việt Nam đã được thành lập, với thành viên là CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, CVĐC toàn cầu Đắk Nông, tỉnh Đắk Nông và một số địa phương khác như Gia Lai, Phú Yên, Lào Cai, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế... cũng đang tiến hành những bước đi đầu tiên trong việc thành lập CVĐC và lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu. Sau khi được công nhận CVĐC toàn cầu, khách du lịch, doanh thu du lịch của những tỉnh kể trên đã có tăng trưởng rõ rệt, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội đáng kể.

II. KHÁI QUÁT VỀ CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT LẠNG SƠN

Theo Báo cáo kết quả khảo sát sơ bộ về tiềm năng và triển vọng thành lập Công viên Địa chất toàn cầu ở tỉnh Lạng Sơn do Trung tâm Karst và Di sản Địa chất, Viện ĐCKS phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND một số huyện của tỉnh Lạng Sơn thực hiện gần đây, tỉnh Lạng Sơn có nhiều giá trị di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể), DSĐC và đa dạng sinh học, cụ thể là:

1. Di sản văn hóa

 Là mảnh đất hội tụ, giao lưu của 07 dân tộc chính gồm: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, Mông..., với những lợi thế về địa lý và truyền thống sẵn có, cũng như nhiều địa phương khác, Lạng Sơn có các giá trị văn hóa, xã hội, lịch sử rất đa dạng, phong phú. Về giá trị khảo cổ học, tỉnh Lạng Sơn có nhiều di chỉ khảo cổ có giá trị như ở Mai Pha, hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng, Phai Vệ, nền văn hóa Mai Pha, nền văn hóa Bắc Sơn..., chứng minh rằng đây là một trong những chiếc nôi của người Việt cổ thời sơ sử, tiền sử. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều di vật có giá trị, trong đó có khu đền cổ và hầm mộ Cự Thạch (mộ và đền thờ đá lớn), nằm trong một khu vực rộng tới gần 1.000m2 ở khu linh địa cổ Mẫu Sơn.

Theo các chuyên gia Viện Khảo cổ học Việt Nam, kiểu kiến trúc mộ đá này thuộc dạng Dolmen đã được phát hiện nhiều nơi ở Việt Nam và Châu Á, như ở Cự Thạch (Vũ Xá, Lục Nam, Bắc Giang), trên sườn núi Lạn Kha (xã Phượng Hoàng, huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh)..., được xếp vào giai đoạn văn hóa Đông Sơn (cách đây trên dưới 2.500 năm, sơ kỳ đồ sắt). Điều này chứng tỏ rằng trên đỉnh núi cao 1.190 m Mẫu Sơn cũng là vùng phân bố của nền văn minh sông Hồng - mở đầu cho kỷ nguyên dựng nước trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Trong 8 huyện/thành phố vùng CVĐC Lạng Sơn hiện nay đang lưu giữ, bảo tồn hàng trăm di tích lịch sử, nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Có gần 200 lễ hội lớn nhỏ trong đó có những lễ hội tiêu biểu được xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ, lễ hội Ná Nhèm, lễ hội Trò Ngô, lễ hội chùa Bắc Nga, chùa Tam Thanh, hội đền Mẫu Đồng Đăng…

2. Giá trị đa dạng sinh học

Lạng Sơn là một trong những tỉnh Đông Bắc Việt Nam có hệ sinh thái đặc biệt trên núi đá vôi mà điển hình là ở Khu dự trữ thiên nhiên Hữu Liên, nằm trên địa bàn 05 xã thuộc 03 huyện gồm: các xã Hữu Liên, Hòa Bình, Yên Thịnh huyện Hữu Lũng; xã Hữu Lễ huyện Văn Quan; xã Vạn Linh huyện Chi Lăng (theo quyết định số 2447/QĐ-UBND ngày 30/11/2018 của UBND tỉnh Lạng Sơn). Khu dự trữ được thành lập năm 1990, cách Hà Nội khoảng 90 km về phía Bắc, gồm toàn bộ xã Hữu Liên và một phần của xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Theo http://birdlifeindochina.org/source_book thì đã ghi nhận được 794 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 162 họ, với 31 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, trong đó đặc biệt đáng chú ý là các loài: Hoàng đàn Cupressus torulosa, Nghiến Burretiodendron tonkinensis, Trai Garcinia fagraeoides.

Theo Nguyễn Xuân Đặng et al. (1999) thì ở khu hệ động vật Hữu Liên đã ghi nhận được 57 loài thú, 23 loài bò sát, 14 loài lưỡng cư. Trong số đó, có 29 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Tác giả cũng khẳng định sự có mặt của loài Hươu xạ Moschus berezovskii và hai loài linh trưởng là: Voọc đen má trắng Semnopithecus francoisi francoisi và Vượn đen Hylobates concolor.

Một số đại diện tiêu biểu của đa dạng sinh học Lạng Sơn ngày nay đã trở thành nổi tiếng như hoa hồi (diện tích Hồi trên địa bàn tỉnh khoảng 34.825 ha, sản lượng trên 15.000 tấn/năm, sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn được coi là tài sản quốc gia, được nhà nước bảo vệ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ), Đào phai và đặc biệt, có cây Sấu thuộc loại lâu đời nhất ở Việt Nam với trên 1.000 năm tuổi ở Bản Nầng, xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan, cây đa, cây khế 300-500 năm tuổi ở xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn...

3. Một số đặc điểm và giá trị di sản địa chất

Tỉnh Lạng Sơn chủ yếu được cấu thành bởi các đá trầm tích-phun trào Phanerozoi, được phân chia thành 12 giai đoạn phát triển địa chất với 21 hệ tầng từ Cambri giữa-muộn đến nay. Khu vực này nằm trên các võng chồng nguồn rift Sông Hiến và An Châu với hoạt động đứt gãy mạnh mẽ.

Đứt gãy sâu Cao Bằng-Tiên Yên cùng các đứt gãy Đông Bắc – Tây Nam khác (Đồng Mỏ-Lạng Sơn) hoạt động theo kiểu khối tảng, tạo thành một loạt bồn trũng như Na Dương, Cao Bằng, Thất Khê (Neogene), Tiên Yên, Lạng Sơn (Đệ Tứ), khối nâng Bắc Sơn, khối nâng Mẫu Sơn...

Khu vực này thể hiện nhiều tính đa dạng địa chất như:

- Đa dạng thạch địa tầng (nhiều phân vịđịa tầng được hình thành trong nhiều môi trường trầm tích khác nhau như lục địa, lục địa-ven bờ và vũng vịnh, biển nông đến sườn lục địa...;

- Nhiều mặt cắt địa chất chuẩn của các hệ tầng Si Ka-Bắc Bun-Mia Lé, Đồng Đăng, Lạng Sơn, Bắc Thủy, Khôn Làng, Điềm He, Nà Khuất...;

- Đa dạng về sinh địa tầng và cổ sinh vật học với nhiều nhóm hóa thạch chính như Foraminifera, Rugosa, Tabulata, Stromatoporoidea, Trilobita, Bivalvia, Ammonoidea, Crinoidea, Brachiopoda, Phyllopoda, Conodonta, Gastropoda, Cá cổ, các di tích lá thực vật, gỗ hóa thạch và Bào tử phấn hoa;

- Nhiều bất chỉnh hợp quan trọng, như giữa hệ tầng Thần Sa với các hệ tầng Devon; hệ tầng Tân Lập và các đá cổ hơn; Đồng Đăng và Bắc Sơn; bất chỉnh hợp Permi/Trias (hay giữa Đồng Đăng và Lạng Sơn); Khôn Làng và Bắc Thủy (gián đoạn trầm tích Trias hạ/Trias trung); Hà Cối và Mẫu Sơn; Bản Hang và Hà Cối; Khôn Làng và Tam Lung; Na Dương và các đá cổ hơn...

Tiềm năng DSĐC ở các huyện thuộc tỉnh Lạng Sơn khá phong phú, đặc biệt là hệ thống các hang động rất nhiều và rất đồ sộ (cả về chiều dài, chiều rộng lẫn chiều cao, nhiều tầng lớp (có cả các hang khô, hóa thạch và các hang ướt, còn đang hoạt động; trong một hang có thể có nhiều tầng hang; thậm chí có thể còn có cả các hang ngầm; các hang phát triển chủ yếu theo chiều nằm ngang; hệ thống thạch nhũ trong hang phong phú, đa dạng, đẹp mắt, đa phần còn được bảo tồn tốt...). Hệ thống các trũng hoặc thung lũng giữa núi, đa phần chưa liên thông với nhau, còn phân cách nhau bởi các cụm đỉnh dạng chóp nón khá cân đối và các quèn, yên ngựa nối đỉnh (có thể tạo nên các hồ nước tự nhiên ở lưng chừng núi). Những đặc điểm này cho thấy địa hình, cảnh quan karst ở Khối đá vôi Bắc Sơn chủ yếu đang ở giai đoạn trưởng thành. Chỉ dọc theo một số đứt gãy lớn mới hình thành nên các tháp karst tách rời nhau trong khi các trũng/thung lũng giữa chúng liên thông với nhau tạo nên các cánh đồng karst khá rộng và kéo dài. Những đặc điểm này khá khác biệt so với các cảnh quan karst ở Cao Bằng (nổi bật là các tháp karst tách rời nhau nổi cao trên các cánh đồng karst đã liên thông hết, đặc trưng cho cảnh quan karst trưởng thành và già, một số tháp chỉ còn là các chỏm sót, tàn dư), hoặc Đồng Văn (nổi bật là karst dạng dãy, còn đang ở giai đoạn trẻ)... Rất có thể, sự hiện diện của vô số các thung lũng giữa núi kể trên đãđược con người ởđây nhận biết, làm quen, thích ứng với vàđược khai thác, sử dụng trong cuộc sống thường nhật của họ từ rất xa xưa đến nay (những dấu tích của người tiền sử đã được xác định niên đại khoảng 470.000 năm BP; khu vực này đồng thời cũng là quê hương của các nền Văn hóa Bắc Sơn, Mai Pha...), từ đó mà thành tên - Xứ Lạng (theo một giả thiết khá thú vị và thuyết phục, chữ“Lạng” bắt nguồn từ tiếng bản địa “Ljang” có nghĩa là“Lũng”);

Sự có mặt của nhiều phân vị địa chất, trong đó nhiều phân vị lần đầu tiên được xác định ở tỉnh Lạng Sơn, cũng là một tiền đề để xác định nhiều kiểu loại DSĐC khác, ví dụ như như các bất chỉnh hợp địa tầng, các ranh giới thời địa tầng (ví dụ như P/T hoặc F/F)... Sự có mặt của các thành tạo phun trào núi lửa rhyolite cũng là một nét khác biệt thú vị so với Cao nguyên đá Đồng Văn hoặc Non Nước Cao Bằng, và rất có thể chúng là tiền đề để phát triển cây Hồi - một sản vật địa phương nổi tiếng của khu vực này...;

Một số giá trị DSĐC (ví dụ như hang động, thác nước, sông suối) bước đầu đã được nhận dạng, phát hiện, khai thác, sử dụng mặc dù có thể còn chưa ý thức được đó là các DSĐC mà mới chỉ là các danh lam thắng cảnh. Cần triển khai công tác điều tra, nhận dạng, thống kê, phân loại, đánh giá, đề xuất xếp hạng các DSĐC một cách hệ thống, toàn diện (bao gồm cả các tri thức địa phương về chúng) để có một bức tranh tổng quan đầy đủ hơn về dạng tài nguyên mới này, để cùng các giá trị di sản hiện có và hiện đã biết khác, đưa vào bảo tồn, phát huy giá trị tổng thể trong khuôn khổ một CVĐC.

III. SỰ CẦN THIẾT, Ý NGHĨA CỦA VIỆC THÀNH LẬP CVĐC LẠNG SƠN

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi phía Đông Bắc của Việt Nam có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, được biết đến là phên giậu biên thuỳ, nơi có thiên nhiên hùng vĩ và văn hóa đa sắc màu.Văn hóa Lạng Sơn được hình thành và phát triển đa dạng gắn với nền văn hóa Mai Pha và nền văn hóa Bắc Sơn rực rỡ, với hệ thống di chỉ khảo cổ như (Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng, Phai Vệ..); các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như (Ải Chi Lăng, Ải Nam Quan, Đoàn Thành, Bắc Sơn, Bó Củng, Lũng Vài, Đường số 4 anh hùng, khu di tích Nhị Tam Thanh - Núi Tô Thị - Thành Nhà Mạc…); các lễ hội truyền thống vừa gắn liền với tín ngưỡng văn hóa bản địa vừa thể hiện nét giao lưu văn hóa tộc người như (lồng tồng, cầu mùa, Kỳ Cùng - Tả Phủ, Ná Nhèm, Bắc Lệ…); các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như (then, sli, lượn, xắng cọ, múa sư tử…); các loại trang phục dân tộc (Tày, Nùng, Dao…); các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống, tri thức dân gian và các loại hình văn hóa phi vật thể tiêu biểu khác. Tựu chung lại trải qua hàng nghìn năm phát triển, quần cư đã hình thành hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, khảo cổ, địa chất, đa dạng sinh học..., có thể nói Lạng Sơn có đầy đủ các điều kiện, yếu tố để phát triển các mô hình kinh tế gắn với bảo tồn di sản thiên nhiên và văn hóa theo hướng vền vững. Trong những năm gần đây, tỉnh Lạng Sơn đang nỗ lực quan tâm đầu tư, quản lý, bảo tồn các giá trị di sản trên, song song với khai thác, phát huy để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 nhấn mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, du lịch, dịch vụ, hạ tầng khu, cụm công nghiệp và tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị; đẩy mạnh phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo đảm biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác, xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, liên quan đến phát triển du lịch, Đại hội đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 4,4 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt 5.200 tỷ đồng, phấn đấu đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để đạt được chỉ tiêu đã đề ra, cần hình thành, phát triển sản phẩm du lịch mang tính đột phá, thu hút lượng lớn khách du lịch nội địa và quốc tế.

Hiện nay, Công viên địa chất (CVĐC) là mô hình bảo tồn thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, vừa bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ được môi trường vừa quản lý hoạt động khai thác giá trị văn hóa, di sản thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng dân cư. Mô hình CVĐC tuy mới ra đời nhưng đã phát huy được những ưu thế về các giá trị tự nhiên và xã hội, đã được UNESCO công nhận và được các quốc gia hưởng ứng tích cực triển khai. Danh hiệu CVĐC toàn cầu chứa đựng nhiều giá trị cao quý song song với danh hiệu Di sản thế giới và Dự trữ sinh quyển... Tại Việt Nam đã hình thành CVĐC toàn cầu đầu tiên trên Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, sau đó là CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng….đã đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội đáng ghi nhận. Triển vọng xây dựng CVĐC ở Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng (khoảng 60 CVĐC trên phạm vi toàn quốc, trong đó khoảng ½ có giá trị quốc gia, quốc tế), chúng có thể trở thành hạt nhân cho mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên cơ sở bảo tồn và sử dụng hợp lý các giá trị di sản.

Tuy nhiên, thời gian qua việc tổ chức khai thác các giá trị tiềm năng về di sản thiên nhiên và xã hội còn nhiều hạn chế, chưa tạo ra được những mô hình phát triển toàn diện, bền vững; đảm bảo hài hòa giữa đầu tư cho khai thác phát triển và đầu tư cho bảo tồn lưu giữ; giữa lợi ích quốc gia, doanh nghiệp và lợi ích cộng đồng dân cư; sự phát triển kinh tế chưa đảm bảo các nguyên tắc bảo vệ môi trường… điều này đòi hỏi phải đổi mới cơ cấu phát triển kinh tế, mô hình tăng trưởng, chú trọng các yếu tố phát triển bền vững.

Tại tỉnh Lạng Sơn, qua điều tra, nghiên cứu sơ bộ đã thu được những kết quả ban đầu rất quan trọng, có triển vọng để xây dựng mô hình công viên địa chất toàn cầu. Để đạt được danh hiệu cần có giải pháp quản lý, bảo vệ, phát huy những giá trị di sản, có thể hình thành mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng. Việc thành lập, xây dựng và phát triển công viên địa chất nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản địa chất và các loại hình di sản khác, quảng bá các giá trị di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh đặc sắc của tỉnh, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với tỉnh Lạng Sơn, phát triển nhanh và bền vững du lịch trên cơ sở tôn trọng tự nhiên, bảo vệ môi trường, khai thác hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh bền vững. Do đó, xây dựng Đề án Công viên Địa chất Lạng Sơn là bước đi cụ thể, cần thiết, tiến tới đề nghị công nhận UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu theo Đề án Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam đã được phê duyệt tại Quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 09/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

IV. VỊ TRÍ, DIỆN TÍCH CỦA CVĐC LẠNG SƠN

Xác định rõ phạm vi, ranh giới của CVĐC để từ đó đưa ra được chiến lược, quy hoạch bảo tồn và phát triển, quy hoạch xây dựng cũng như kế hoạch quản lý hợp lý là một trong những yêu cầu của UNESCO; phạm vi CVĐC cần hội tụ được những giá trị DSĐC nổi bật của khu vực cùng nhiều kiểu loại giá trị di sản khác như ĐDSH, văn hóa, xã hội, lịch sử, khảo cổ học… Quy mô của CVĐC cần đủ lớn để góp phần đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có CVĐC; trong phạm vi CVĐC không khuyến khích các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội không bền vững, không thân thiện với môi trường, không góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình di sản (như khai thác khoáng sản, đá, sản xuất xi măng...).

Công viên địa chất Lạng Sơn bao gồm phạm vi địa giới hành chính của các huyện: Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Văn Quan, thành phố Lạng Sơn, một phần của huyện Bình Gia, một phần của huyện Cao Lộc. Tổng diện tích là 4.842,58 km2 , dân số khoảng 627.500 người chiếm khoảng 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh.

- Phía Bắc tiếp giáp với huyện Văn Lãng, một phần của huyện Cao Lộc và biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

- Phía Nam tiếp giáp với tỉnh Bắc Giang.

- Phía Đông tiếp giáp với huyện Đình Lập.

- Phía Tây tiếp giáp với tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn.

Giá trị nổi bật của CVĐC Lạng Sơn: CVĐC Lạng Sơn được xây dựng trên 2 nền tảng chính gồm sự tiến hóa của sự sống qua các hóa thạch di sản địa chất từ hơn 500 triệu năm trước và Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam/Tứ Phủ. Kết quả khảo sát đã nhận định một số địa điểm trong vùng có giá trị tầm cỡ quốc tế như cảnh quan thiên nhiên Đồng Lâm (xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng), hang Thẩm Khoách (thị trấn huyện Bình Gia), giá trị cổ sinh học qua những sinh vật hóa thạch ở mỏ than Na Dương (huyện Lộc Bình), di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu tại đền Bắc Lệ…ngoài ra còn có dấu ấn tiêu biểu của nền Văn hóa Bắc Sơn và Văn hóa Mai Pha. Hiện nay VCĐC Lạng Sơn đang trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng của 4 tuyến với 38 điểm tham quan du lịch dự kiến.

V. TRÌNH TỰ CÔNG NHẬN CVĐC TOÀN CẦU CỦA UNESCO

Theo tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), trình tự xét công nhận một CVĐC toàn cầu như sau:

1. UBND cấp tỉnh ban hành quyết định thành lập CVĐC.

2. Ban quản lý CVĐC cấp tỉnh xây dựng hồ sơ trình, đề nghị Ủy ban Quốc gia (UBQG) về CVĐC xem xét, công nhận CVĐC Quốc gia.

3. Ban quản lý CVĐC xây dựng hồ sơ, thông qua UBQG UNESCO trình UNESCO xem xét, công nhận là CVĐC toàn cầu.

Hiện nay, Việt Nam chưa có Ủy ban quốc gia về CVĐC, việc xây dựng CVĐC Lạng Sơn ở giai đoạn này không phải lập hồ sơ đề nghị công nhận CVĐC Lạng Sơn là CVĐC cấp Quốc gia, sẽ tập trung xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận CVĐC Lạng Sơn là CVĐC toàn cầu.

Một CVĐC muốn được UNESCO xem xét, công nhận là CVĐC toàn cầu cần đáp ứng một số yêu cầu bắt buộc như sau:

- Đã tồn tại trên thực tế ít nhất một (01) năm trước khi trình hồ sơ;

- Có một số DSĐC tầm cỡ quốc tế;

- Có Ban quản lý có đủ năng lực và quyền hạn để điều hành mọi hoạt động của CVĐC, có kế hoạch quản lý và nguồn kinh phí hoạt động ổn định dài hạn và hàng năm;

- Có các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh của CVĐC, nâng cao nhận thức cộng đồng của người dân địa phương;

- Tham gia tích cực vào các hoạt động của Mạng lưới...

Một CVĐC toàn cầu UNESCO chú trọng hướng đến 10 lĩnh vực ưu tiên như sử dụng hợp lý tài nguyên, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, tri thức dân gian, nghiên cứu khoa học, giáo dục, văn hóa, phát triển bền vững...

 

 

Bài liên quan
Khảo sát, kiến tạo cảnh quan tại một số điểm du lịch trên địa bàn huyện Cao Lộc, Văn Quan
20/07/2024

Khảo sát, kiến tạo cảnh quan tại một số điểm du lịch trên địa bàn huyện Cao Lộc, Văn Quan

Khảo sát, đánh giá tiềm năng hợp tác phát triển du lịch vùng Công viên địa chất Lạng Sơn
19/07/2024

Khảo sát, đánh giá tiềm năng hợp tác phát triển du lịch vùng Công viên địa chất Lạng Sơn

Xúc tiến hợp tác tuyên truyền, quảng bá, phát triển du lịch, dịch vụ du lịch vùng Công viên địa chất Lạng Sơn
19/07/2024

Xúc tiến hợp tác tuyên truyền, quảng bá, phát triển du lịch, dịch vụ du lịch vùng Công viên địa chất Lạng Sơn

0.09494 sec| 1072.242 kb