Tổ chức Đoàn công tác khám phá và lập bản đồ cho Hang Ngườm Moóc, Hố sụt Thẩm Lũm, xã Mông Ân, huyện Bình Gia (Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn)
Từ ngày 02 đến ngày 12 tháng 3 năm 2025, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn hợp tác với Hiệp hội Hang động Quốc gia Hoa Kỳ, Công ty Cổ phần Việt Nam Expeditions tổ chức khám phá, lập Bản đồ Hang Ngườm Moóc, Hố sụt Thẩm Lũm, xã Mông Ân, huyện Bình Gia. Thành phần Đoàn khảo sát gồm Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch, lãnh đạo và viên chức Phòng Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn; 05 chuyên gia Hoa Kỳ - Thành viên Hiệp hội Hang động Quốc gia Hoa Kỳ; Công ty Cổ phần Viet Nam Expeditions; Đại diện UBND huyện Bình Gia, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Gia, UBND xã Mông Ân, huyện Bình Gia.
Mục đích của chuyến công tác nhằm lập bản đồ kỹ lưỡng cho Hang Ngườm Moóc, Hố sụt Thẩm Lũm, xã Mông Ân với hy vọng thiết lập mối liên hệ giữa chúng; phát triển sự hiểu biết về địa chất/thủy văn của khu vực này; đánh giá các hang động để xem có phù hợp cho du lịch mạo hiểm trong Công viên địa chất hay không và xác định các khu vực hình thành hang động nhạy cảm cần được bảo vệ.
Hang Ngườm Moóc và Hố sụt Thẩm Lũm
Hang Ngườm Moóc có tổng chiều dài 3,307m và độ sâu 148m, 03 cửa (Cửa chính: 360m; Cửa Phụ - 350m; Hố sụt Thẩm Lũm - 460m).
Hố sụt Thẩm Lũm: Diện tích gần 15,000 m2 với các nhánh hang và thạch nhũ đã dạng, hệ sinh thái nguyên sinh và cực kỳ độc đáo.
Hình ảnh tư liệu Doàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Quốc gia Hoa Kỳ và nhóm chuyên gia Việt Nam
Giá trị địa chất và sinh thái
Địa chất: Hệ thống karst cổ đại, trang trí bằng nhũ đá, ngọc hang động và hồ canxi.
Đa dạng sinh học: Các loài quý hiếm như rắn, cá bống, nhện câu cá.
Tiềm năng du lịch mạo hiểm hang động
Đặc điểm địa chất: Hang động lớn với nhiều điểm phù hợp cho các mức kỹ năng.
Khả năng tiếp cận: Dễ dàng qua các cửa hang có trang bị dây thừng, những có điểm nguy hiểm cần được trang bị các thiết bị chuyên dụng để thám hiểm.
Trải nghiệm độc đáo: Khả năng lặn ngầm và khám phá các hệ thống phụ cận.
Cân nhắc an toàn: Hướng dẫn viên và thiết bị chuyên nghiệp là bắt buộc.
Các bước cần thực hiện cấp thiết
Bảo tồn và nghiên cứu: Lập bản đồ chi tiết và khảo sát các khu vực chưa kết nối như Hố sụt Ùng Roặc, xã Hoàng Văn Thụ; giám sát thường xuyên để ngăn chặn sự xâm hại môi trường.
Phát triển du lịch bền vững: Tổ chức các tour khám phá chuyên sâu, bao gồm lặn ngầm và cắm trại; phát triển thêm các dự án nghiên cứu thông tin về thủy văn, hệ sinh thái và các tuyến đường an toàn.
Quảng bá toàn cầu: xây dựng thương hiệu hang động với các sự kiện quốc tế; hợp tác với UNESCO và các tổ chức có chuyên môn về lĩnh vực địa chất để nghiên cứu, nâng cao giá trị.
Khoảng khắc ánh sáng - ảnh chụp trong chuyến thám hiểm Hố sụt Thẩm Lũm
Hang Ngườm Moóc, xã Mông Ân – Huyện Bình Gia
- Địa hình và hệ thống thạch nhũ trong hang: Theo việc khảo sát sơ bộ ban đầu thì địa hình di chuyển trong hang khá phức tạp do hang phân hóa thành hai tầng.
Tầng 1: Có địa hình suối chảy trong lòng hang, dòng chảy không liên tục có đoạn chảy ngầm trong trong các hốc đá hoặc chảy ngầm trong lòng đất, địa hình này tiềm ẩn khá nhiều nguy hiểm khi tổ chức du khách vào trong hang tham quan vì có nhiều hầm hố góc khuất nguy hiểm.
Tầng 2: Là tầng hang khô địa hình đá gồ ghề kết hợp với những khối thạch nhũ khổng lồ, hệ thống thạch nhũ phát triển mạnh mẽ tuy nhiên đã xảy ra nhiều điểm thạch nhũ bị phá hoại. Việc di chuyển trong tầng 2 cũng khá nguy hiểm khi xuất hiện nhiều hầm, hố, liên kết với tầng một, cũng như có nhiều vách đá dựng đứng có khả năng gây nguy hiểm cho khách khi di chuyển trong hang. Vì vậy cần phải có hệ thống dây, thang an toàn và phải phải được thiết kế phù hợp với môi trường trong hang, tránh tình trạng phá vỡ hiện trạng môi trường tự nhiên trong hang động.
Trong tầng hai cũng phát hiện các khu vực có thạch nhũ cực kỳ đẹp mắt nhưng rất dễ bị xâm hai cần được bảo vệ nghiêm ngặt như: Ngọc động, thạch nhũ chứa các tinh thể silicat lấp lánh.
Đoàn khảo sát có phát hiện thêm một hồ nước to phía cuối của hang, hồ nước hồ nước này liên kết với sông ngầm kết nối với Hố sụt Thẩm Lũm. Đây là một phát hiện cựu kỳ quan trọng để khẳng định là có một hệ thống Hang động và Hố sụt đồ sộ trong CVĐC Lạng Sơn – tầm cỡ thế giới.
Đánh giá tiềm năng:
- Hang Ngườm Moóc có vị trí nằm ở xã Mộng Ân chỉ cách UBND xã 1,5km đi bộ về phía hướng thác Đăng Mò, với địa hình và địa thế thuận lợi cho việc phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá hang động gắn với du lịch cộng đồng sinh thái và các hoạt động trải nghiệm văn hóa ở trong Xã Mộng Ân.
- Hang Ngườm Moóc có thể phát triển các loại hình du lịch khám phá trải nghiệm hang động theo tour nửa ngày hoặc 1 ngày để du khách có thể khám phá hết các điểm đẹp trong hang, nhưng phải đặc biệt lưu ý bảo vệ an toàn cho du khách và bảo tồn hang động vì trong hang có hệ thống thạch nhũ rất đẹp nhưng cực kỹ dễ vỡ.
- Khu vực phía ngoài cửa hang có thể kết hợp các hoạt động dưới nước như bơi lội, chèo thuyền kayak hoặc chèo SUP.
- Hang này có hệ thống suối ngầm nên sẽ có lũ vào mùa mưa, phải hết sức lưu ý khi tổ chức tour và phải dừng hoạt động tham quan vào mùa mưa để đảm bảo an toàn cho du khách.
- Hang này có cửa hang dễ tiếp cận nên cần có phương án bảo vệ cấp bách khi trong hang có hiện tượng các thạch nhũ bị phá hoại.
Hố Sụt Thẩm Lũm
Vị trí địa lý: Hố Sụt Thẩm Lũm có định vị GPS là: 21°58'45.7"N 106°19'46.7"E. Hố Sụt Thẩm Lũm có vị trí nằm giữa vách núi ở độ cao tầm 500m so với mực nước biển. Để tiếp cận hố sụt đoàn thám hiểm Đoàn công tác phải đi bộ tầm 1,5km băng và các Rừng Hồi của đồng bào địa phương và cũng cách quốc lộ 279 khoảng 1,5km theo hướng về Thác Đăng Mò.
Đặc điểm địa chất: Hố sụt nằm ở độ cạo 500m so với mực nước biển và được hình thành do dòng sông ngầm chảy xuyên qua hành lang hang trong lòng núi đá vôi và bào mòn nền đá, khiến cho nền đá yếu dần và trần hang mỏng đi, dẫn đến sụt xuống tạo thành một hố sụt khổng lồ hình phễu ngược, miệng hố sụt nhỏ hơn nhưng lòng hố sụt lại rộng dần.
Theo như khảo sát sơ bộ Hố sụt Thẩm Lũm có rất nhiều hang động và hố sụt liên kề, các dòng sông ngầm trong bán kính từ 3km đến 5km. Đây là kiểu đặc điểm địa chất đặc trưng của một mạng lưới hang động đồ sộ. Để xác định chính xác được cần khảo sát và lập bản đồ chi tiết toàn bộ khu vực.
Hố sụt Thẩm Lũm có địa hình là một hố sụt thẳng đứng do trần hang sụt xuống, nên để tiếp cận hố sụt cần cố dây và thiết bị an toàn. Điểm thả dây đu xuống thám hiểm có độ sâu 35m và càng đi sâu xuống phía dưới đáy hố sụt, sẽ phát hiện hai nhánh Hang ngầm phát triển theo hướng Đông Nam – Tây Bắc, hai nhánh hang này phát triển theo chiều dòng chảy của Sông ngầm.
Trong lòng Hố sụt là khu rừng nguyên sinh với hệ thống thực vật đa dạng dưới hố sụt; có những khoảng trống rất tiềm năng để phát triển loại hình du lịch cắm trại – Camping. Tuy nhiên địa điểm cắm trại cần được quy hoạch cụ thể để không ảnh hưởng cảnh quan và tác động đến hệ sinh thái rừng còn nguyên sơ.
Hệ thống hang động trong lòng hố sụt là một hệ thống hang động còn nguyên sơ, chưa có tác động của con người với rất nhiều loại thạch nhũ đẹp, có tiềm năng rất lớn trong du lịch thám hiểm khám phá và nghiên cứu khoa học.
Phía dưới sâu dưới lòng hang sau khi tiếp tục du dây xuống 100m thì xuất hiện sông ngầm. Đây là một cơ sở rất hữu ích để tiếp tục thám hiểm và khảo sát để xác định được toàn bộ hệ thống hang và hố sụt.
Nếu Hố sụt Thẩm Lũm và hang động phía dưới hố sụt thông với hệ thống hang động và hố sụt xung quanh thì đây sẽ là phát hiện chấn động cũng như có tiềm năng là một hệ thống hang động và hố sụt lớn nhất miền Bắc, có khả năng ngang tầm hệ thống Hang Sơn Đoòng.
Hố sụt số 2 - Ùng Roặc tại xã Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia: nằm cách Hố sụt Thẩm Lũm khoảng 1,5km theo hướng Đông Nam và cũng phù hợp với chiều phát triển hang động, dòng chảy của sông ngầm.
Đây cũng là căn cứ quan trọng việc định hướng các hoạt động khảo sát và quy hoạch phát triển vùng, tạo tiền đề cho một phát lộ thêm tiềm năng về du lịch địa chất, thám hiểm khám phá vùng CVĐC Lạng Sơn.
Đánh giá kết quả: Hố sụt Thẩm Lũm là một phát hiện quan trọng và cực kỳ ấn tượng trong vùng CVĐC Lạng Sơn, khẳng định sự độc đáo và đa đạng các loại địa hình, địa mạo trong vùng CVĐC, cũng như từ đấy có thể phát triển thêm các loại hình tour du lịch khám phá, thám hiểm hố sụt. Đây là cũng là một hố sụt có sự đa đạng cao về hệ thống rừng vật trong lòng hố sụt, cũng như hang động và sông ngầm. Có tiềm năng cao để tạo nên các sản phầm tour du lịch tham quan, thám hiểm hố sụt, cắm trại trong lòng hố sụt, thám hiểm hang động trong lòng hố sụt cũng như thám hiểm sông ngầm,…Tuy nhiên, Hố sụt Thẩm Lũm có rất nhiều tiềm năng nhưng địa hình và hệ thống rừng nguyên sinh, hang động trong lòng hố sụt rất dễ tổn thường và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Việc phát triển tour cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn cho du khách và bảo vệ, bảo tồn được sự đa dạng sinh học và nguyên vẹn của hố sụt.
Hoạt động khám phá, lập Bản đồ Hang Ngườm Moóc, Hố sụt Thẩm Lũm, xã Mông Ân, huyện Bình Gia đã diễn ra thành công tốt đẹp, đảm bảo tuân thủ các quy định của Đảng, Nhà nước khi tiếp xúc, làm việc, trao đổi với người nước ngoài; chính quyền địa phương đã đảm bảo an ninh, an toàn cho Đoàn, đón tiếp Đoàn trọng thị trong quá trình làm việc tại địa phương. Nhóm chuyên gia hang động Hoa Kỳ đã phác thảo sơ bộ các bản đồ, các nội dung tư vấn liên quan và dự kiến chuyển lại cho Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch 02 tháng sau chuyến khảo sát.
Phạm Hương