Tang ma người Dao

Việt Hưng 07/11/2023

 Tang ma người Dao

1. Tên gọi: Tang ma người Dao

2. Loại hình: tập quán xã hội.

3. Địa điểm: huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn, Cao Lộc, Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

4. Chủ thể văn hoá:

Đại diện Cộng đồng dân tộc Dao huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn, Cao Lộc, Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

5. Miêu tả về Di sản văn hoá phi vật thể  

Nghi lễ làm đám tang cho người chết đã tồn tại từ lâu đời trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân tộc Dao. Nghi lễ này được lưu truyền từ đời nay qua đời khác, qua nhiều thế hệ và được duy trì tồn tại cho đến ngày nay.

Khi gia đình có người không may qua đời, gia đình tang chủ sẽ thông báo cho tất cả con cháu họ hàng biết để về chịu tang và cùng đóng góp tiền của để làm đám tang cho người chết. Sau khi làm lễ tắm rửa cho người đã khuất con trai sẽ mang theo một bó hương, một tờ giấy to màu vàng đến nhà thầy mo. Đến nhà người chết, thầy mo lấy cuốn gia phả của gia đình tang chủ để ghi chép thông tin của người chết ra thành nhiều bản để làm lễ tang cho người đã khuất:

Lễ cúng thần mộc: Thầy mo niệm trú cúng mời Thần mộc về nhận lễ, cảm ơn Thần đã cho cây gỗ để làm nơi an nghỉ cho người chết.

Lễ nhập quan: Khi đã chọn được giờ nhập quan, thầy mo tiến hành làm làm phép tắm cho người chết – Xảo ủi. Thầy mo lấy một tấm vải trắng để trải lót quan tài, sau đó con cháu đặt người đã khuất vào quan tài, Sau nghi lễ này, thầy mo tiến hành dán các lá bùa lên quan tài để yểm.

Lễ chọn huyệt: Người đi chọn huyệt phải là con trai trưởng trong gia đình đi theo thầy mo. Khi đi chọn huyệt, con trai trưởng tiến hành thắp hương; thầy mo làm lễ xin thần thổ địa cho linh hồn người chết được nghỉ ở đó.

Lễ đưa ma: Thời giờ đưa ma được người Dao lựa chọn một cách cẩn thận tránh trùng với ngày sinh hoặc ngày mất của ai đó trong gia đình, nếu trùng thì sẽ phải lựa chọn đưa ma vào giờ khác.

 Lễ hạ huyệt: thầy mo chính dùng 1 chiếc cần để làm lễ: một đầu dây được buộc vào ngọn cần tre, đầu dây còn lại được buộc vào 1 con gà trống. Thầy mo  tiếp tục cúng báo và đốt tiền âm phủ gửi cho Thần Thổ Địa và các thần ma cai quản vùng đất đó, sau đó con cháu bốc một nắm đất thả xuống huyệt. Mộ được đắp cao, không rào và không lợp mái. Sau khi đã mồ yên mả đẹp, con cháu đặt một mâm lễ để thắp hương mộ rồi vái chào người chết và ra về.

6. Hiện trạng Di sản văn hoá phi vật thể

Vẫn thực hiện trong đời sống.

7. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước, quy ước, hương ước của làng, xã trong việc tổ chức các hoạt động nghi lễ tại địa phương. Bảo tồn có chọn lọc các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc trong việc cưới, việc tang… của người Dao, loại bỏ dần các hủ tục lạc hậu, xây dựng thêm các yếu tố văn hoá mới phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, gắn với việc xây dựng nông thôn mới. Hình thành phép ứng xử văn hoá, thực hiện nếp sống văn minh phù hợp với truyền thống văn hoá và đạo lý của địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào Dao. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ là người dân tộc Dao, để từ đó họ góp phần nghiên cứu, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

8. Danh mục tài liệu có liên quan: Phiếu kiểm kê di sản văn hóa năm 2013 – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn.

 

 

Bài liên quan
Lễ hội Háng pỉnh
13/11/2023

Lễ hội Háng pỉnh

Lễ hội Nhị - Tam Thanh
13/11/2023

Lễ hội Nhị - Tam Thanh

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
13/11/2023

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

0.05325 sec| 808.305 kb