Tục thờ chó đá của người Nùng (Phàn Slình)
Tục thờ Chó Đá
1.Tên gọi: Tục thờ chó đá của người Nùng (Phàn Slình)
(Tên gọi khác: Ma hin, Quan lớn Hoàng Thạch, cụ Thạch, Thần Cẩu)
2. Loại hình: Tập quán xã hội (phong tục, tập quán) .
3. Địa điểm: Các huyện; Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Cao Lộc,thành phố Lạng Sơn tỉnh Lạng Sơn
4 Chủ thể văn hoá
Cộng đồng dân tộc Nùng - Các huyện; Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Cao Lộc,thành phố Lạng Sơn tỉnh Lạng Sơn.
Đại diện cộng đồng dân tộc Nùng (nhóm Nùng Phàn Slình) xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
5 Miêu tả về Di sản văm hoá phi vật thể
Từ thời xa xưa, người Nùng nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung đều có quan niệm vạn vật hữu linh. Vì vậy tín ngưỡng dân gian thờ cúng tự nhiên đã giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân. Và trong các tín ngưỡng dân gian ấy tín ngưỡng thờ động vật, cụ thể là thờ chó đá là một trong những phong tục tập quán tiêu biểu. Trong tâm thức của cộng đồng, những con chó bình thường chỉ coi giữ được phần dương, còn muốn canh giữ phần âm thì phải nuôi (thờ) “chó đá”. Bởi vậy mà bao đời nay chó đá đã trở thành biểu tượng dân gian quen thuộc trong tâm thức của cộng đồng được bảo lưu, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và còn tồn tại cho đến ngày nay.
Người Nùng quan niệm việc thờ chó đá trước cửa nhà sẽ giúp cho gia chủ gặp dữ hóa lành, mùa màng bội thu, gia đình yên ấm. Con chó đá sẽ bảo vệ cho yên mảnh đất nơi họ sống. Chính vì điều đó nên người dân sống ở đây khi dựng nhà mới họ cực kỳ quan trọng ví trí đặt con chó đá. Chủ nhà phải mời các ông thầy chuyên xem hướng nhà, am hiểu về địa hình để quyết định vị trí đặt linh vật. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có thể thờ chó đá, bởi muốn thờ chó đá bên cạnh yếu tố gia truyền thì phải đáp ứng được một số yêu cầu nhất định về vị trí, địa điểm, thế đất, cũng như việc thờ chó đá phải hợp với bản mệnh của gia chủ. Để xác định được việc này gia chủ phải nhờ thầy mo xem xét, quyết định mới được phép tiến hành.
Để thờ chó đá trong nhà, trước tiên phải chuẩn bị tượng chó đá. Trước đây người dân thường dùng đá xung quanh nhà để tự tạc tượng (nay có thể tự tạc hoặc mua tượng có sẵn). Khi bắt đầu thờ tượng chó đá phải làm nghi lễ, mời thầy cúng đến cúng cho chó đá mở mắt, mở miệng và nhập thần, cấp phép cho chó đá. Nếu không làm lễ cúng thì đó chỉ là một hòn đá bình thường chứ không phải là “thiên cẩu”. Trước khi làm lễ phải dùng nước lá bưởi, lá đào tắm cho chó đá. Người Nùng ở đây quan niệm nước của 2 loại lá này đều có hương thơm và có tác dụng trừ tà ma, tẩy uế. Theo tục lệ, chỉ có người đàn ông lớn tuổi nhất trong gia đình mới được tắm cho tượng chó. Vị trí đặt tượng chó đá do thầy mo quyết định. Chó đực đặt ở bên trái, chó cái đặt ở bên phải cửa nhà. Lễ cúng bắt buộc do thầy mo thực hiện cùng với người đàn ông làm chủ gia đình. Người phụ nữ trong nhà chỉ chuẩn bị đồ lễ chứ không được tham gia lễ cúng. Mâm lễ dù đơn giản mấy cũng cần có đủ gạo, thịt và hoa quả các màu. Thầy mo sẽ chuẩn bị một tấm bùa cùng một tấm khăn đỏ. Khăn đỏ khi buộc cổ chó để mang ý nghĩa giống như cái xích giữ thần ở với gia đình và chỉ bảo vệ riêng cho ngôi nhà chủ này mà thôi. Ngoài ra, người Nùng còn quan niệm rằng màu đỏ chỉ sự giàu sang, mới mẻ và đặc biệt là chỉ sự may mắn. Nghi lễ thường diễn ra vào ngày lành tháng tốt, kéo dài khoảng 3 tiếng. Sau khi kết thúc 3 tuần hương, gia chủ làm lễ tạ xin đón thần về.
Vào những ngày lễ, tết, chó đá được chăm sóc đặc biệt: Tắm chó, trang điểm cho chó và làm lễ cúng chó. “Những ngày rằm, mùng một, những người dân nơi đây lại lấy nước mưa hoặc nước đun lá bưởi để tắm rửa cho chó đá. Có gia đình còn lấy một lá trầu không quệt sẵn vôi và miếng cau khô, một nén hương, đặt trước mõm chó đá. Gia đình nào có điều kiện còn có thêm đĩa thịt lợn sống, một bát rượu men lá. Vào ngày lễ tết, chó đá còn được tặng bao lì xì. Khi đó gia chủ sẽ chắp tay vái lạy, mời thần chó về ăn cỗ sẽ đem lại may mắn”.
6 Hiện trạng Di sản văn hoá phi vật thể
Việc thờ chó đá không chỉ là tín ngưỡng đa thần mà còn là nét văn hóa thờ đá độc đáo của người Nùng nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung. “Chó đá” không chỉ là linh vật có nhiệm vụ trông coi nhà cửa, cai quản cõi âm, trừ tà ma, xua đuổi tà khí mà còn là vật cho ngôi nhà hiện vẫn được duy trì. Ngoài những giá trị trên chó đá là linh vật được dùng để thay thế linh vật ngoại lai góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
7. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị
Tiến hành công tác sưu tầm và ghi chép lại một cách hệ thống các thông tin, tư liệu liên quan đến tục thờ chó đá thông qua ghi chép, ghi hình, ghi âm..và các hình thức khác. Qua đó, đối chiếu, phân tích, tổng hợp và tư liệu hóa khoa học thông qua việc bảo tồn tĩnh kết hợp với với việc duy trì, phát triển trong đời sống cộng đồng.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động thế hệ trẻ nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo lưu trao truyền, phát huy bản sắc văn hóa văn hóa truyền thống của dân tộc trong đời sống hiện nay.
8. Danh mục tài liệu có liên quan
- Phiếu kiểm kê văn hoá phi vật thể DSVH PHI VẬT THỂ TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2011 – 2015 (Loại hình tập quán xã hôi) Tục thờ chó đá của người Nùng (Phàn Slình).
Hình ảnh tục thờ chó đá của người Nùng Lạng Sơn (Ảnh tư liệu)