Nguồn cảm hứng từ Cộng đồng cho sự phát triển thịnh vượng vùng Công viên địa chất Lạng Sơn

Phạm Hương 20/12/2024

Ngày 17/12/2024, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch nhận được Thư kiến nghị của Nhân dân thôn Long Sơn, xã Xuân Long, huyện Cao Lộc, trong đó giới thiệu về tiềm năng thế mạnh phát triển du lịch bền vững (leo núi thể thao ở ngọn núi 639 – Cổng trời 639, săn mây, ngắm toàn cảnh thành phố Lạng Sơn, cắm trại, nghe kể chuyện truyền thuyết), đồng thời mời Phòng Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển du lịch bền vững. 

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch rất cảm kích trước sự tin tưởng của Nhân dân dành cho Phòng Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn, những chia sẻ rất tâm huyết, niềm tự hào và khát vọng phát triển địa phương của Nhân dân thôn Long Sơn. Một trong những tiêu chí quan trọng để UNESCO xem xét, công nhận Công viên địa chất toàn cầu là nhận thức, sự tự hào của cộng đồng về môi trường sống quanh họ, tích cực bảo tồn và phát huy những giá trị họ đang có, tham gia vào các dự án của Công viên địa chất. Trung tâm đánh giá cao nhận thức sâu sắc của Nhân dân thôn Long Sơn về giá trị lịch sử, văn hóa và tự nhiên của địa phương mình, sự lưu truyền và gìn giữ những câu chuyện dân gian ý nghĩa như truyền thuyết về các nàng tiên gắn liền với khu vực Hang Nàng Tiên và tên gọi làng Báo Slao, trách nhiệm của cộng đồng trong tồn, phát huy giá trị di sản không chỉ cho hiện tại mà còn cho các thế hệ mai sau. Chính nhận thức này là nền tảng vững chắc để cộng đồng địa phương cùng các cơ quan chức năng hợp tác xây dựng các kế hoạch bảo tồn và phát triển bền vững. Nhân dân thôn Long Sơn nhận ra tiềm năng to lớn của các giá trị này trong việc phát triển du lịch và cải thiện đời sống kinh tế - xã hội. Đây là dấu hiệu cho thấy một sự thay đổi tích cực trong nhận thức, từ việc coi di sản như một phần ký ức lịch sử sang việc xem di sản như một nguồn lực quý giá để xây dựng tương lai.

Đáp lại sự tin tưởng của Nhân dân thôn Long Sơn, xã Xuân Long, huyện Cao Lộc, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch sẽ tổ chức chương trình khảo sát và làm việc tại thôn Long Sơn, xã Xuân Long, huyện Cao Lộc. Dự kiến tổ chức khảo sát thực địa tại khu vực Núi 639 và Hang Nàng Tiên (Đại diện Nhân dân thôn Long Sơn hỗ trợ dẫn Đoàn khảo sát đến khu vực Núi 639 và Hang Nàng Tiên, cũng như cung cấp thông tin, tài liệu liên quan để phục vụ công tác khảo sát); tập huấn, giới thiệu về Công viên địa chất Lạng Sơn và các tuyến, điểm du lịch; thảo luận, đánh giá tiềm năng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, phát triển du lịch bền vững của thôn Long Sơn, phát triển hành động chống biến đổi khí hậu (quản lý chất thải, sử dụng thay thế chai nhựa, bảo vệ môi trường, cảnh quan ở thôn Long Sơn) (13h30 - 16h00) (đề nghị UBND xã Xuân Long phối hợp, thu xếp địa điểm tổ chức tập huấn). 

Trải dài trên lãnh thổ rộng lớn 4.849 km2, Công viên địa chất Lạng Sơn là viên ngọc ẩn mình trong vùng núi phía Bắc Việt Nam. Đó là một minh chứng sống động, gói gọn trong những cảnh quan đa dạng của nó hành trình trải qua 500 triệu năm tiến hóa của sự sống. Từ vùng biển cổ xưa và vùng đất núi lửa đến rừng gỗ nghiến, mỗi mặt của Công viên địa chất đều kể một câu chuyện độc đáo. Công viên địa chất là một tấm thảm rực rỡ về sự đa dạng sắc tộc, với những đóng góp về phong tục và truyền thống độc đáo của mỗi nhóm dân tộc. Đời sống tâm linh của Công viên địa chất bắt nguồn sâu xa từ Đạo Mẫu, một tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO công nhận. Sự kết hợp hài hòa giữa lịch sử tự nhiên, đa dạng văn hóa và truyền thống tâm linh khiến Công viên địa chất Lạng Sơn trở thành một điểm đến độc đáo để tìm hiểu, khám phá. Nó được coi là ngọn hải đăng cho sự phát triển bền vững, là sự tôn vinh khả năng phục hồi của thiên nhiên và văn hóa.

 

Công viên địa chất Lạng Sơn hướng tới bảo tồn nguyên vẹn và khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững các giá trị di sản địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa (vật thể, phi vật thể), đa dạng sinh học… Bảo tồn các di sản địa chất cũng như các di sản khác trong vùng Công viên địa chất, từ đó trở thành một công cụ phát triển bền vững vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai; quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục nâng cao nhận thức, chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường hội nhập quốc tế; tăng cường sự tham gia của người dân, chính quyền địa phương vì một khu vực bền vững. Quảng bá di sản, phát triển du lịch, kinh tế và xã hội để đảm bảo chất lượng cuộc sống trong vùng Công viên địa chất; hành động xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề môi trường và bảo tồn di sản địa chất, người dân tự hào về môi trường sống của mình. Công viên địa chất Lạng Sơn được vận hành vì một sự phát triển bền vững và thịnh vượng của vùng Công viên địa chất Lạng Sơn trên nền tảng giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu, bảo tồn, phát triển kinh tế xã hội bền vững, hội nhập quốc tế và lấy sự tham gia tích cực, hạnh phúc và tự hào về môi trường sống của người dân làm thước đo cho hành động; tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội vùng Công viên địa chất  Lạng Sơn Sơn nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung.

 

Cộng đồng có vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của Công viên địa chất Lạng Sơn. Cộng đồng nói chung: Đội ngũ cán bộ quản lý: Cán bộ, nhân viên bộ phận quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn; các ban, ngành đoàn thể có liên quan đến công tác phát triển, bảo tồn và phát huy giá trị Công viên địa chất; Hướng dẫn viên: Hướng dẫn viên là cầu nối giữa khách du lịch và người địa phương thường xuyên tiếp xúc với khách du lịch. Hơn ai hết phải là đối tượng nắm chắc và sâu sắc về Công viên địa chất để giới thiệu cho khách du lịch đồng thời cũng là những tuyên truyền viên hiệu quả cho chương trình giáo dục cộng đồng, đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sự giao tiếp giữa Phòng Quản lý Công viên địa chất của vùng và công đồng địa phương; Khách du lịch: Du khách đóng vai trò quan trọng trong nâng cao nhận thức chung. Du khách đến từ nhiều nền văn hoá, các địa phương khác nhau, nhận thức khác nhau. Vì vậy, qua các ấn phẩm, bảng hướng dẫn, quy tắc ứng xử rõ ràng và cụ thể, qua lời giới thiệu của hướng dẫn viên, thuyết minh viên và nhân viên phục vụ tại các khách sạn nhà hàng, khách du lịch sẽ có được những thông tin về Công viên địa chất và có hành vi ứng xử với các di sản một cách phù hợp. Việc tuyên truyền quảng bá và hướng dẫn cụ thể, niêm yết các nội dung yêu cầu về hành vi ứng xử sẽ có tác động đến du khách, vì thế có thể đóng góp vào những mục tiêu bảo tồn mà tỉnh Lạng Sơn định ra.

Cộng đồng địa phương trong vùng Công viên địa chất: Cán bộ quản lý (cán bộ lãnh đạo, nhân viên các phòng, ban, đơn vị của huyện); các lực lượng công an, biên phòng, quân đội đóng trên địa bàn huyện; Người dân: Cộng đồng địa phương (người dân lao động; cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh sản xuất trên địa bàn) là đối tượng quan trọng trong chương trình, nhận thức của người dân đóng vai trò quan trọng nhất bởi họ mới thật sự là chủ nhân của các di sản. Người dân phải nhận thức được vai trò của mình trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản một cách tích cực và tự giác (triển khai chương trình đối tác Công viên địa chất như gắn biểu tượng Công viên địa chất lên các nhà hàng, khách sạn, các phương tiện vận tải, các sản vật địa phương...); Học sinh, giáo viên các trường trong vùng Công viên địa chất: Học sinh - chủ nhân tương lai của di sản, giáo viên - nhân tố đóng vai trò quyết định đến thành công của công tác giáo dục di sản trong trường học, hai đối tượng này cần phải có sự quan tâm đặc biệt của chương trình; Nhân viên phục vụ: Thuyết minh viên, nhân viên phục vụ tại các điểm di sản, điểm du lịch, cơ sở cung cấp các dịch vụ phục vụ khách du lịch.

 

 

Tính đến 2024 đã có 213 công viên địa chất thuộc 49 quốc gia là thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, dự kiến trong tương lai sẽ có khoảng 500 khu vực trên thế giới mang danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu. Vào ngày 08/9/2024, trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Phiên họp Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã tiến hành đánh giá và biểu quyết, 100% các thành viên đã thống nhất công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn Lạng Sơn là Công viên địa chất Lạng Sơn toàn cầu UNESCO. Năm 2025, tỉnh Lạng Sơn sẽ chính thức đón nhận Bằng chứng nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn tại nước Cộng hoà Chi Lê.  Thương hiệu uy tín quốc tế “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn” được kỳ vọng sẽ có những đóng góp tích cực, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội vùng Công viên địa chất Lạng Sơn nói riêng, tỉnh Lạng Sơn nói chung. Cộng đồng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản có vai trò quan trọng cho sự phát triển thịnh vượng vùng Công viên địa chất Lạng Sơn.

 

 

 

 

 

 

Phòng Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn

 

 

 

 

Bài liên quan
Doanh nghiệp, cộng đồng đồng hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn năm 2024
22/12/2024

Doanh nghiệp, cộng đồng đồng hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn năm 2024

Thám hiểm tuyệt tác hang động vùng Công viên địa chất Lạng Sơn
20/12/2024

Thám hiểm tuyệt tác hang động vùng Công viên địa chất Lạng Sơn

Nhà cộng đồng (Story Room) và Homestay ở khu vực Hang Khuôn Bồng (Tuyến du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn số 02)
19/12/2024

Nhà cộng đồng (Story Room) và Homestay ở khu vực Hang Khuôn Bồng (Tuyến du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn số 02)

0.05488 sec| 864.617 kb