Sản vật và ẩm thực vùng Công viên địa chất Lạng Sơn

24/06/2024

 

 

Lạng Sơn là tỉnh miền núi có đường biên giới nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc. Với nền văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh… tạo nên bức tranh văn hóa đa màu, thống nhất. Lạng Sơn không chỉ là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp mà còn là vùng đất của “mùa nào, thức ấy” với nhiều món ăn đặc sản, đậm đà hương vị quê hương.

Vốn ẩm thực của Lạng Sơn rất phong phú và đa dạng với nhiều món ăn đặc trưng: lợn quay, vịt quay mác mật, thịt khau nhục, phở chua... các loại rau: cải ngồng, cải làn, rau bò khai, rau sau sau... Các loại bánh truyền thống: bánh chưng đen, bánh ngải...Về đồ uống, nổi tiếng có rượu Mẫu Sơn được chưng cất bằng phương pháp truyền thống từ bao đời nay của đồng bào dân tộc nơi vùng núi cao Mẫu Sơn. Mỗi món ăn đều mang hương vị đặc trưng của vùng miền. Thông qua bài viết chúng tôi mong muốn giới thiệu, quảng bá rộng rãi đến người dân và du khách trong và ngoài nước biết đến các món ăn, các sản vật nổi bật tiêu biểu, độc đáo, mang nhiều giá trị văn hóa dân tộc.

          1. Lợn quay

Lợn quay là món ăn đặc sản không thể thiếu trong các dịp lễ tế và trong đười sống hàng ngày ở Lạng Sơn bởi không chỉ ngon mà món ăn này còn mang hương vị riêng trong văn hóa của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Tày ở xứ Lạng.

          Gia vị để tẩm ướp lợn quay bao gồm nhiều loại như muối tiêu, lá mắc mật… nhồi vào trong bụng lợn. Dùng mật ong hòa với giấm bôi kĩ lên da lợn, vừa quay lợn vừa bôi để khi chín được giòn và có màu vàng sẫm.

          Món thịt lợn quay Lạng Sơn khi ăn có vị ngọt của thịt chín tới, mùi thơm của lá móc mật đậm đà, ăn một lần ai cũng nhớ mãi.

          2. Vịt quay

Lạng Sơn có đặc sản vịt Thất Khê, thịt dày mềm, xương nhỏ. Vịt được chọn để quay vừa lớn tới, không già quá mà cũng không quá non. Nhưng chọn vịt chỉ mới là khâu đầu. Còn để thịt quay ngon, nằm ở khâu tẩm ướp.  

Người dân địa phương dùng nhiều loại lá rừng có vị thơm, trong đó không thể thiếu lá mắc mật, quả mắc mật, mật ong, hắc xì dầu, sả, ớt, tiêu đen, dầu đậu nành, gừng, hạt nêm, chanh hoặc dấm, tỏi, mạch nha. Nghe thì có vẻ rất đơn giản, nhưng người dân nơi đây có những bí quyết đặc trưng và truyền thống mà không phải món vịt quay ở nơi nào cũng có được.

Ngay từ khi lựa chọn, vịt phải đúng tầm và ưng ý, người ta vặt lông vịt một cách chớp nhoáng tránh ngâm lâu trong nước sẽ bị nhạt thịt và bị tanh. Họ lấy hết ruột gan vịt rồi thổi cho da dẻ con vịt căng phồng lên bằng cách lấy ống của lá đu đủ thổi rửa qua rượu tránh vịt có mùi tanh. Vịt được để ráo nước rồi nhúng nhanh vào nồi nước sôi sùng sục cho thịt se lại. Sau đó phết ra ngoài và cả trong bụng vịt một loại nước sền sệt, trong đó bao gồm mật ong, ít xì dầu, đường mạch nha… tạo nên một màu nước quánh, nâu vàng.

Bụng vịt được nhồi nhiều thứ gia vị hái được trong rừng, trong đó đặc sắc nhất là lá mắc mật rồi khâu lại, để khoảng 2 đến 3 tiếng để thịt vịt ngấm gia vị rồi mang nướng nhẹ trên lò than hồng cho đến khi màu da vịt chuyển từ vàng sang nâu sẫm mới cho vào chảo mỡ đã phi xả, ớt, gừng…. hay dầu lạc nóng già đều tay lật con vịt qua lại. Khi ăn vịt quay, dân địa phương không bao giờ dùng nước mắm hay xì dầu. Họ có một loại nước chấm tự mình pha chế. Đó là thứ nước sóng sánh lấy từ bụng con vịt đã được quay chín cùng với một vài vị độc chiêu “bí truyền”.

 

3. Phở chua

          Phở chua là món ăn rất phổ biến ở thành phố Lạng Sơn. Đến nơi nào trong thành phố, bạn cũng có thể thưởng thức món ăn lạ miệng này.

Một bát phở chua bao gồm rất nhiều loại nguyên liệu khác nhau như: bánh phở, thịt xá xíu, khoai lang chao, lạc rang, dưa chuột, rau thơm… Bánh phở để làm phở chua thường là loại bánh phở được tráng bằng tay mới đảm bảo thơm ngon và độ dẻo. Thịt để làm xá xíu là thịt lợn nạc ngon, được chế biến kỹ từ khâu chọn thịt và tẩm ướp gia vị.

Phở chua ăn với nước sốt được làm theo công thức gia truyền. Nước sốt được trộn với hành, tỏi phi thơm cùng với giấm, đường, nước mắm, gừng, bột năng… rưới lên bát phở có đầy đủ nguyên liệu, ăn cùng rau thơm, món ăn có vị chua ngọt vô cùng ngon miệng.

 

        4. Khau Nhục

          Khau nhục Lạng Sơn không chỉ là đặc sản mà còn là niềm tự hào của đồng bào miền núi nơi đây. Món ăn này thường xuất hiện trong những bữa tiệc đặc biệt như lễ cưới, hỏi, đãi khách… Hương thơm của mác mật hòa quyện với các gia vị của núi rừng khác tạo nên món ăn trứ danh làm nên tinh hoa ẩm thực của nơi đây.

          Để cho ra đời được một bát khâu nhục thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn nhưng trước tiên phải chọn loại thịt ba chỉ lợn ngon, có đủ vừa nạc vừa mỡ miếng thịt không quá dày. Công đoạn khó nhất là chiên chao, phải làm sao cho phần bì thật giòn, không cháy nhưng vẫn giữ được phần thịt bên trong không chín quá.

Sau khi chọn được thịt lợn, tiếp đến là công đoạn chế biến và tẩm ướp gia vị. Nguyên liệu để làm nên món khâu nhục gồm có: húng lìu, ngũ vị hương, giấm, muối, hạt tiêu, nấm hương, quả mác mật khô… Phần rau củ thì không thể thiếu cây tàu soi (một loại rau cải muối mặn đặc trưng của bà con dân tộc Tày, Nùng). Cây tàu soi được ngâm nước khoảng 30 phút để nhả bớt vị mặn, sau đó để ráo nước, đem rửa sạch, cắt khúc khoảng 3 cm.

Thịt ba chỉ sau khi mua về rửa sạch, để nguyên miếng có trọng lượng khoảng 6 kg đến 7 kg cho vào luộc qua nước sôi khoảng 30 phút để loại bỏ chất bẩn, giúp miếng thị săn chắc hơn. Sau khi luộc, thịt được vớt ra để ráo và tiến hành công đoạn “châm thịt” với dụng cụ có đầu nhọn như dĩa, xiên tre, tăm nhọn… châm đều phần bì nhưng không châm sâu đến lớp mỡ phía dưới, để miếng thịt giữ được độ giòn và dễ ngấm gia vị hơn.

Sau đó thịt được đem chao ngập dầu từ 10 đến 15 phút. Khi thấy phần bì chuyển màu nâu cánh gián đẹp mắt là có thể vớt ra và cho vào ngâm nước khoảng 30 phút, việc ngâm trở lại nước giúp miếng thịt mềm hơn. Khi thịt còn ấm, người làm sẽ dùng dao thật sắc thái thịt thành từng miếng dày khoảng 2 cm, dài từ 10 – 15 cm.

Tiếp đến, xếp khoảng 6 đến 8 miếng thịt sao cho phần bì áp chặt vào đáy bát đựng canh. Cuối cùng rưới thêm hỗn hợp nước sốt theo công thức “bí truyền” của từng gia đình và xếp tàu soi ở cuối cùng trước khi dùng màng bọc thực phẩm bao kín lại. Đặt bát khau nhục vào nồi hấp cách thủy với lửa liu riu khoảng 3 đến 5 tiếng. Khi lấy ra ăn thì khéo lật úp bát thịt ra đĩa, mở bát ra là mùi thơm ngào ngạt tỏa ra cùng màu vàng ngon mắt.

             5. Bánh ngải

          Đồng bào miền núi phía Bắc thường dùng lá ngải cứu để làm bánh. Bánh ngải được làm từ lá ngải non đun với nước tro sạch cho nhừ, rồi rửa sạch, bỏ xơ, cho vào cối giã nhuyễn. Sau đó đổ xôi đã đồ chín vào cùng và giã đều cùng với lá ngải cho đến khi tạo thành thứ bột mịn và dẻo.

          Khi bột đã nhuyễn dẻo, bánh được tra nhân vừng với đường giã nhỏ mịn rồi hấp cách thủy trong vòng 10-15 phút. Khi chín, bánh sẽ có màu xanh sẫm với mùi thơm rất đặc trưng.

Bánh ngải ăn trong ngày sau khi chế biến là ngon nhất. Tuy nhiên, nếu không ăn hết, bạn có thể bảo quản bánh bằng cách cho vào ngăn mát tủ lạnh. Khi nào ăn thì có thể hấp lại để bánh có được độ dẻo như vừa chế biến.

 

 6. Bánh chưng đen Bắc Sơn

Bánh chưng đen được biết đến là một món bánh độc đáo của người dân tộc Tày ở huyện Bắc Sơn. Sở dĩ món bánh này được nhiều người yêu thích bởi nó có màu đen của tro rơm nếp, có vị thơm, mềm và ăn mát hơn so với bánh chưng truyền thống.

Nguyên liệu chính để tạo nên sự độc đáo của bánh chưng đen chính là gio của rơm nếp. Vào tháng 10 hằng năm, khi gặt lúa vụ đông, gia đình chị Chuyên sẽ lấy thân lúa nếp (rơm nếp) phơi khô sau đó đốt thành tro với số lượng lớn rồi bảo quản cẩn thận. Khi cần dùng đến chỉ cần rây lại để loại bỏ cặn, giúp bánh mịn hơn.

Nhân bánh sẽ là đỗ xanh và thịt lợn. Thịt được chọn làm nhân bánh phải là thịt ba chỉ, thái miếng to, đều, ướp gia vị vừa đủ. Rắc thêm ít hạt tiêu để tạo mùi thơm và vị cay nhẹ.

Sau khi cố định thân và đầu bánh bằng lạt xong, bánh sẽ được ngâm trong nước lạnh khoảng 30 phút rồi xếp vào nồi, đổ nước cho ngập mặt lá, đun khoảng 4-5 tiếng thì vớt ra.

7. Nem nướng

Ở Nam Định có nem nắm Giao Thủy, Hà Nội nổi tiếng với nem Phùng, Thanh Hóa có nem chua,...Đến với Lạng Sơn, du khách sẽ biết thêm món nem nướng Hữu Lũng vô cùng hút khách. Món ăn này mang hương vị thơm ngon đặc trưng riêng nơi xứ Lạng.

Nem nướng được làm từ các nguyên liệu gồm: thịt lợn, bì lợn, muối tinh, thính, bột ngọt… và được gói bằng nhiều lớp lá chuối. Sau khi gói được khoảng 2 đến 3 ngày thì nem bắt đầu lên men, có vị hơi chua, đó là lúc nem có thể ăn. Món nem được nướng trên than, khi ăn dùng kèm với lá ổi, đinh lăng, sung và ớt. Thời gian bảo quản vào mùa đông khoảng 01 tháng, mùa hè khoảng 02 tuần.

          Món nem này nếu nhìn bề ngoài chẳng khác mấy so với nem chạo, nem thính khá nổi tiếng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Nhưng cũng như món bánh cuốn, món nem ở từng địa phương lại chứa trong đó một thứ “đặc sản” đặc trưng riêng. Nó toát ra từ hình dáng, nguyên liệu và hương vị của món ăn.

          Đối với người dân trên địa bàn huyện, trong các mâm cỗ ngày lễ, ngày cưới và ngày tết không thể thiếu món nem nướng. Đây không chỉ là món ăn truyền thống mà còn là một nét đẹp văn hoá ẩm thực của người dân, món ăn đặc trưng cho thành quả lao động, cầu may mắn, mùa màng bội thu trong năm mới.

          Nem nướng Hữu Lũng có vị thơm, ngậy riêng chính là nhờ bột thính. Thính được làm từ gạo bao thai pha với gạo nếp thơm, rửa sạch, phơi cho khô nước. Sau đó, đem rang đều tay, đến khi vừa đủ độ vàng, giòn, có mùi thơm nức thì đem xay nhỏ thành bột. Đặc biệt, lượng thính phải cho vừa đủ để đảm bảo quả nem không bị khô quá mà cũng không bị dính. Một chiếc nem thường được làm từ khoảng 2 đến 3 lạng thịt, gói bởi 3 lớp lá chuối, bên ngoài buộc lạt tre hoặc dây tơ dứa.

 

8. Trám Đen

Từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch, trám đen xứ Lạng lại xuất hiện trong những phiên chợ để làm nên những món ăn ngon miệng, thơm, bùi. Cây trám đen lâu năm có chiều cao trên 20m, đường kính lên tới 90cm, thân cây to, tán xòe rộng. Để trèo lên độ cao như vậy phải là người gan dạ, có kinh nghiệm mới dám đứng trên cành trám dùng cây sào dài đập quả. Quả trám tươi cứng rơi từ trên cao xuống, người ở dưới phải đội mũ đề phòng khi đang nhặt bị quả rơi trúng đầu. Quả trám hình thoi, khi chín có màu tím thẫm, cùi màu vàng, hạt nhọn hai đầu, nhân hạt trắng ngần. Mùa thu hoạch trám bắt đầu từ tháng 7 âm lịch, kéo dài đến khoảng tháng 9 âm lịch, sau đó quả tự chín và rụng dần.

Trám đen là món ăn nổi tiếng của Lạng Sơn, trước khi ăn phải om trám cho mềm rồi tách hạt sau đó làm những món như xôi trám, thịt kho trám, trám ngâm tương… ăn bùi, thơm mà không bị ngậy. Trước đây, trám đen chỉ dùng trong gia đình, bán không được giá nên ít người quan tâm, nay cây trám đem lại giá trị kinh tế cao nên một số hộ dân đang ươm trồng, sau khoảng 7 – 8 năm cho quả. 

          9. Quýt Bắc Sơn

        Bắc Sơn là một huyện miền núi thuộc phía Tây tỉnh Lạng Sơn. Giống Quýt vàng được trồng trên các thung lũng, sườn đồi nơi đây từ lâu đã nổi tiếng khắp nơi bởi hương vị thơm ngon, đậm chất núi rừng.

        Quýt Bắc Sơn là loại cây bản địa, được bà con trồng trên dọc chân núi đá, thậm chí có những vườn quýt trồng ở lưng chừng núi cao, càng cao thì quýt lại có hương vị thơm, ngọt đậm đà. Nhờ có hương vị rất đặc trưng mà không vùng nào có được nên cây Quýt vàng Bắc Sơn ngày càng được trồng phổ biến, trở thành đặc sản và là cây ăn quả chủ lực của huyện, được coi là cây xóa đói giảm nghèo cho các hộ đồng bào dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, H’Mông ở đây. Mùa quýt chín vào khoảng cuối tháng 11 dương lịch đến tháng 1 năm sau, cũng là thời điểm giáp Tết Âm lịch.

        Là loại cây ưa ánh sáng tán xạ, độ ẩm vừa phải, thích hợp với thời tiết lạnh và khô mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa nên quýt Bắc Sơn sinh trưởng tốt nhất trong các khe núi, thung lũng thuộc vùng núi đá, độ cao 500 - 700 m so với mực nước biển.

Vùng núi Bắc Sơn sở hữu đất đai tương đối màu mỡ, chủ yếu là feralit nâu đỏ hoặc màu vàng nên là nơi hội tụ đầy đủ yếu tố cần thiết để tạo ra thứ quýt ngon với hương vị thanh mát hiếm có.

 

10. Na Chi Lăng

Na Chi Lăng được trồng ở huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn từ những năm 1980 và dần trở thành cây trồng chủ lực tại đây nhờ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn được nhiều người biết đến là “thủ phủ” của cây Na với tổng diện tích trên 1.500 ha.

Cây na theo chân đồng bào dân tộc Tày, Nùng lên những đỉnh núi có độ cao gần 800m rồi vào thung lũng. Nơi nào bước chân người dân đến được nơi đó có na. Nhiều gia đình những ngày này ở hẳn trên các nương na vừa thu hoạch vừa chăm sóc. Toàn huyện Chi Lăng có gần 2.000ha Na trên 9 xã.

Không phải tự nhiên mà Na Chi Lăng lại trở thành sản phẩm nổi tiếng, đặc biệt. Hầu như Na Chi Lăng đều được trồng trên những vách núi đá vôi cao chót vót. Đi qua Chi Lăng vào mùa thu hoạch Na, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh người nông dân cheo leo trên những ngọn núi để thu hoạch trái chín.

Na Chi Lăng được chia thành hai loại là na dai và na bở. Quả na dai có vỏ mềm, màu xanh, thịt trắng lại ít hạt. Loại na này có ưu điểm là ăn ngọt, để được lâu, không dễ nát, dễ bóc vỏ, khi ăn có cảm giác các múi cũng dai hơn. Trong khi đó, na bở thường mềm, dễ vỡ, nát, nhiều hạt và cũng không ngọt thơm như na dai.

Na Chi Lăng có hương vị và đặc điểm khác biệt so với những giống na ở vùng khác. Đối với na Chi Lăng, quả có vỏ mỏng, mắt nở và phẳng, hơi nứt nhưng vẫn còn cuống. Đó là na chín cây, ăn ngọt và thơm. Ngoài ra, vỏ na có màu xanh nhạt, kẽ mắt trắng hồng, cùi dày, ít hạt, vị ngọt thanh, thơm ngon đặc trưng.

Tháng 8 hàng năm - thời điểm vựa na Chi Lăng vào vụ, hàng trăm sọt na tươi theo ròng rọc xuống núi để kịp giờ thương lái thu gom. Giống na này được người tiêu dùng yêu thích bởi quả đều to, da xanh nhạt, kẽ mắt trắng hồng, cùi dày, ít hạt, ngọt thanh, thơm ngon đặc trưng.

 

11. Rau Bò Khai

Rau bò khai là một loại rau rừng có mùi vị hơi đặc biệt đó là mùi khai. Chính vì vậy mà dân gian gọi nó bằng cái tên là rau bò khai. Loại rau này còn được biết tới với nhiều tên gọi khác như: dây hương, rau dạ hiến, khau hương, rau ngót leo, rau nghiến…

Loại rau bò khai rất quen thuộc với bà con dân tộc. Rau này có lá khá giống với rau ngót, nhưng ngọn lại tròn và mập như ngọn su su. Phần ngọn và lá non của rau bò khai thường được sử dụng để làm thực phẩm, chế biến các món rau trong bữa ăn hàng ngày như luộc, xào tỏi, xào thịt, nấu canh…

Hương vị của rau bò khai rất đặc biệt. Nó không hề bị lẫn với các loại rau rừng khác, là sự hoà quyện của hương đất, hương rừng và sự tinh khiết của khí trời vùng núi cao.

Điểm đáng chú ý nhất của món ăn này chính là mùi hơi… khai. Vì vậy, khi chế biến món ăn, người ta sẽ phải vò qua lá rau cho bớt mùi khai. Mặc dù vậy thì khi ăn vẫn không thể tránh khỏi được việc có chút mùi nhẹ. Chúng ta hoàn toàn có thể liên tưởng đến cảnh tượng sau khi ăn bún đậu mắm tôm xong, thì ăn rau bò khai xong cũng tương tự, chỉ khác ở độ “mùi mẫn” khác nhau mà thôi.

Từ xa xưa, cây rau bò khai đã được sử dụng để làm thuốc chữa một số bệnh như: sỏi thận, viêm gan do siêu vi. Cách làm rất đơn giản, bạn chỉ cần sắc lá, cành, thân với nước và uống. Có thể sử dụng rau bò khai khô hoặc rau bò khai tươi đề hiệu quả nhé.

Rau bò khai có tác dụng phục hồi sức khỏe với những người suy nhược cơ thể, chán ăn, cơ thể mệt mỏi. Chỉ cần ăn canh rau bò khai hoặc dùng cây bò khai sắc lấy nước uống là sẽ cải thiện được tình trạng trên. Theo kinh nghiệm từ xưa, rau bò khai còn nguyên mùi vị sẽ có tác dụng chữa bệnh tốt hơn rất nhiều.

12. Tinh Dầu Hồi

Huyện Văn Quan được biết đến là “thủ phủ hoa hồi xứ Lạng” với 12.500ha cây hồi, chiếm 1/3 diện tích trồng cây hồi toàn tỉnh Lạng Sơn. Doanh thu từ hồi đem lại thu nhập cho người dân toàn huyện khoảng 350-450 tỷ đồng mỗi năm, góp phần giúp người dân giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Đây cũng là nơi lưu giữ kinh nghiệm về cách làm tinh dầu hoa hồi chuẩn nhất từ ngàn đời.

 

Bạn có biết những con số không tưởng khi chiết xuất ra một mẻ tinh dầu hồi chỉ vẻn vẹn vài lít là gì không? Hàng tấn quả hồi đã qua chọn lọc, thời gian nấu 3 ngày 3 đêm, 4 – 5 công nhân túc trực liên tục, kinh nghiệm của người hơn 20 năm trong nghề, lò nấu trị giá hàng tỉ đồng. Tất cả những con số đó tạo nên thương hiệu tinh dầu hồi xứ Lạng mà không nơi nào có được.Có thể nói, cách làm tinh dầu hoa hồi Lạng Sơn thật sự kỳ công và tỉ mẩn. Để có được những giọt tinh dầu hồi chất lượng thì người nấu phải trải qua biết bao nhiêu công sức. Điều đó cho thấy mỗi giọt tinh dầu hồi quý giá biết bao.

Chất lượng tinh dầu phụ thuộc rất nhiều từ nguồn nguyên liệu, vì thế giai đoạn lựa chọn hoa hồi là vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự tỉ mẩn, kĩ lưỡng. Hoa hồi dùng để chưng cất phải được lựa chọn trong khung giờ vàng từ 8 – 9h sáng. Bởi đây là khung giờ mà lượng tinh dầu chứa trong quả nhiều nhất.

Đối với những quả khô phải lựa chọn những quả vàng, đẹp tự nhiên, không trầy xước, đặc biệt nên chọn hồi 8 cánh bởi lượng tinh dầu chứa trong nó nhiều nhất, chất lượng nhất. Một điều lưu ý nữa là không dùng hồi đã qua chưng cất, đã qua sấy bởi lượng tinh dầu đã bị bay hơi rất nhiều, hoặc nếu còn sẽ rất ít và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tinh dầu.

Cách làm tinh dầu hoa hồi chất lượng nhất chính là phụ thuộc vào yếu tố chọn hoa hồi không có tồn dư chất bảo vệ thực vật. Thường thì người dân sẽ không chọn quả ở gần bờ ruộng. Bởi, nếu không cẩn thận, trong quá trình phun thuốc trừ sâu cho lúa sẽ tồn dư chất bảo vệ thực vật.

Hiện nay, khi tinh dầu hồi Lạng Sơn đã có tiếng trên thị trường nước ngoài. Người dân có cơ hội giao thương với nước ngoài nên việc chất lượng tinh dầu hồi càng được trú trọng hơn. Thêm nữa, chính quyền các cấp, các ngành đã quy hoạch những vùng trồng nguyên liệu sạch để sản xuất ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường khó tính bậc nhất trên thế giới.

Tổng hợp: Lương Như Quỳnh

 

 

 

 

 

Bài liên quan
Công viên địa chất Lạng Sơn được Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu đánh giá, biểu quyết công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO
08/09/2024

Công viên địa chất Lạng Sơn được Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu đánh giá, biểu quyết công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO

Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn làm việc trực tuyến với  các Công viên địa chất Khu vực Châu Á Thái Bình Dương
26/08/2024

Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn làm việc trực tuyến với các Công viên địa chất Khu vực Châu Á Thái Bình Dương

Khảo sát, nghiên cứu phương án thiết kế phối cảnh, cải tạo, nâng cấp  một số Điểm trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn
12/08/2024

Khảo sát, nghiên cứu phương án thiết kế phối cảnh, cải tạo, nâng cấp một số Điểm trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn

0.03898 sec| 923.906 kb