Trang phục truyền thống nam, nữ Tày

Tuấn Khanh 07/11/2023

Trang phục truyền thống nam, nữ Tày

1. Tên gọi: Trang phục truyền thống nam, nữ Tày

2. Loại hình: tri thức dân gian về trang phục

3. Địa điểm: Các huyện; Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Cao Lộc,thành phố Lạng Sơn tỉnh Lạng Sơn.

4. Chủ thể văn hoá: Cộng đồng dân tộc tày tại các huyện; Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Cao Lộc,thành phố Lạng Sơn tỉnh Lạng Sơn- Người đại diện am hiểu loại hình.

Những người đại diện:

Họ và tên: Lý Thị Nhình

Ngày, tháng, năm sinh:  1945                         Dân tộc : Tày

Nghề nghiệp: làm ruộng

Địa chỉ liên lạc: Thôn Nà Rẹ, xã Tràng Các, H .Văn Quan, T. Lạng Sơn

5. Miêu tả về Di sản văn hoá phi vật thể:

a. Quá trình ra đời, tồn tại của trang phục.

Người Tày là một trong 54 dân tộc ở Việt Nam, ngoài những yêu tố riêng về tập quán, tôn giáo tín ngưỡng thì trang phục của dân tộc tày còn mang nét đặc trưng riêng. Việc làm ra trang phục của người tày có truyền thống lâu đời. các dân tộc miền núi khi xưa rất nổi tiếng về nghề trồng bông, dệt vải, nhuộm chàm, cắt khâu y phục. Trang phục ra đời trước hết để bảo vệ cơ thể con người chống lại các tác động có hại của ngoại cảnh như: khí hậu, côn trùng.. do vậy y phục đã được hình thành từ thời kỳ nguyên thủy xa xưa nhất.

b. Đặc điểm nổi bật của trang phục ( kiểu dáng phong cách, trang trí hoa văn, màu sắc…)

Kiểu dáng phong cách:

- Trang phục nam giới người Tày: có quần chân què, đũng rộng, cạp lá tọa, áo ngắn cũng may năm thân, cổ đứng. Nam cũng có áo dài như cái áo ngắn kéo dài vạt xuống quá đầu gối. Ngoài ra, họ còn có thêm áo 4 thân, đây là loại áo xẻ ngực, cổ tròn cao, không cầu vai, xẻ tà, cài cúc vải và có hai túi nhỏ ở phía trước. Vào những ngày hội hè người ta mặc áo cánh trắng ở trong có lẽ vì vậy mà người Tày còn được gọi là người áo trắng (cần slửa khao) để phân biệt với người Nùng thường chỉ mặc áo chàm. Ngoài ra, đàn ông Tày còn mặc thêm loại áo dài 5 thân xẻ nách phải, đơm cúc vải hay cúc đồng. Quần (khóa) cũng làm bằng vải sợi bông nhuộm chàm như áo, cắt theo kiễu quần đũng chéo, độ choãng vừa phải dài tới mắt cá chân. Quần có cạp rộng không luồn rút, khi mặc có dây buộc ngoài. Khăn đội đầu màu chàm (30cm x 200cm) Quấn trên đầu theo lối chữ nhân.

- Trang phục nữ giới, đó là mặc áo cánh, áo dài năm thân, quần váy, thắt lưng, khăn đội đầu, hài vải. Phụ nữ Tày còn thắt lưng bằng những tấm vải chàm hay đũi dài khoảng hai sải tay làm tăng thêm vẻ duyên dáng nhất là với thanh nữ. Trong những ngày lễ tết, họ mặc thêm chiếc áo trắng ở bên trong. Quần nữ giới là loại quần được cắt may giống nam giới nhưng kích thước có phần hẹp hơn. Khăn phụ nữ Tày cũng là loại khăn vuông màu chàm khi đội gập chéo giống kiểu mỏ quạ của người Kinh. Nón của phụ nữ Tày khá độc đáo. Nón bằng nan tre lợp lá có mái nón bàng và rộng. Trang sức phụ nữ Tày đơn giản song có đủ các chủng loại cơ bản như vòng cổ, vòng tay, vòng chân, xà tích... Có nơi còn đeo túi vải.

Ngày nay, trang phục truyền thống Tày vẫn phổ biến nhất là trong các ngày lễ cổ truyền, nhưng áo cánh, áo sơ mi vẫn được nhiều thanh niên mặc, còn trong ngày thường, họ mặc trang phục gần như người Kinh

-  Trang phục trẻ em: Giống người lớn nhưng cắt theo kích thước nhỏ hơn, ngoài mũ áo quần trẻ em còn có đeo thêm trên ngực chiếc yếm bằng vải chàm để giữ cho chiếc áo bên trong không bị bẩn và để giữ ấm ngực khi trời lạnh.

-  Trang phục mặc trong tang ma: sử dụng chất liệu vải xô trắng. Nam giới đội trên đầu một mũ đan bằng rơm hay lá chuối bện, lạt tre tết, quấn vải trắng. quần áo may như quần áo mặc hàng ngày, nhưng quần áo mặc lộn ngược đường chỉ may ra bên ngoài, tay chống gậy tre. Nữ giới đầu đội khăn trắng trên chỏm gấp nhọn đầu, vạt khăn dài ngắn buông tua phía sau, quần áo mặc lộn ngược đường chỉ ra ngoài. Tất cả các trang phục tang ma đều không sử dụng cúc mà sử dụng dây buộc. Các cháu chắt không mặc quần áo như người lớn, chỉ thắt khăn trắng trên đầu ( không có khăn màu như người kinh).

-  Trang phục thầy tào, thầy mo (gồm áo và mũ)

Mũ được gọi là mũ nhạc: tạo nên bởi các vải lụa các màu ghép lại với nhau (gồm 5 màu chính: trắng, đỏ, xanh, vàng, đen) Thân mũ là một mảnh vải dài, khâu thành hình bồ đài, trên mũ có các họa tiết hoa văn ghép vải, ô ngoài là hình vuông, trong trang trí hình hoa lá cách điệu. Dải mũ là những dải vải, trên mặt ghép những bông hoa , trong mỗi cánh hóa có thêu chỉ đen làm đường gân.

Áo làm bằng vải màu đen, hoặc màu đỏ, may kiểu thụng không có tay, cổ áo liền nẹp ngực là một dải vải đỏ (rộng khoảng 7cm), trên nẹp áo đính 2 đôi dây vải để buộc khi mặc, xung quanh áo cũng viền vải rộng 7cm. Chức năng: chỉ sử dụng trong đám ma khi thực hiện các nghi lễ dẫn dắt hồn người chết về với tổ tiên ở thế giới bên kia.

- Trang phục của bà then (gồm áo và mũ, quần sử dụng quần mặc hàng ngày)

Áo: may bằng vải gấm đỏ hoặc vàng, trên nền vải có dệt hình hoa lá và chữ nho in chìm cách điệu, áo thiết kế kiểu 5 thân, cài khuy bên nách phải, cổ tròn, nẹp cổ áo ôm sát cổ, áo xẻ tà cao, sát cổ và ngực áo có 2 chiếc cúc xương, cạnh nách đính 3 đôi cúc vải, tay áo thuôn dần về phía cổ tay, tay liền với thân áo, có đường nối giữa cánh tay, cửa tay hẹp vừa cổ tay người mặc.

Mũ then: gồm thân mũ và tua mũ. Thân mũ làm bằng vải đen rộng do nhiều  lớp vải tạo thành để mũ cứng, hai cạnh đỉnh mũ đính 2 tua vải dài buông xuống trước ngực, phía sau mũ có các tua dải bằng vải đỏ (dài 120cm). Trên thân mũ phía trước thường thêu con phượng cây thông cách điệu, những bông hoa có hình dáng khác nhau, xung quanh diềm mũ có trang trí 1 hàng tam giác cân bằng vải các màu xen kẽ nhau. Tua mũ có nhiều họa tiết trang trí như hình lưỡi kiếm, hình hổ trắng thân khoang đen, hình ngựa thân vàng mặt xanh, ngựa phi nước đại, bướm 4 cánh, trên từng tua mũ đính nhiều vải nhỏ, ở mỗi đầu tua nhỏ có đính mảnh gương tròn như hạt bắp. Ngoài ra trên mũ còn thêu điểm xuyết hình ngôi sao, hình mây, hình kỷ hà…Khi hành lễ bà then còn đi giầy đỏ hoặc xanh bằng vải và sử dụng kèm bộ đồ then gồm :  đàn tính, dấu án, chuông đồng, xóc nhạc, khăn đệm nhạc xóc, túi vóc, quạt giấy.

Trang trí hoa văn: người Tày không trang trí hoa văn trên trang phục quần áo thường ngày, chỉ trang trí hoa văn trên mũ trẻ em, yếm, trang phục thầy m, túi vải, địu và chăn đắp

Màu sắc: chủ đạo của trang phục Tày là màu chàm. (Lí giả về màu sắc của áo chàm truyền thống, các cụ cao niên cho rằng, từ xa xưa, người Tày vốn sinh sống bằng canh tác nông nghiệp. Đặc trưng là làm lúa nương, lúa nước nên việc nhuộm áo trắng dệt từ sợi bông  trắng thành màu chàm (từ nước của cây chàm) vừa đỡ nhọc công giặt giũ, vừa hài hòa với tự nhiên và nhất là nước chàm khi ngấm vào áo sẽ làm cho vải bền màu và lâu hỏng hơn.)

c. Hình thức lưu truyền

Truyền nghề                             

d. Các tư liệu liên quan đến trang phục:

- Ảnh chụp trang phục của dân tộc Tày, bản vẽ tay cách phác họa cách cắt may trang phục của dân tộc Tày

e. Nội dung và quy trình sản xuất

- Cách đo trang phục của người tày:

+ Dài áo; đo từ cổ đến ngang bắp chân.  + Dài tay: đo từ cổ theo tay ra đến cổ tay

+ Vòng ngực:                                + Vòng cổ: áng chừng 2 gang tay của người may

+ Vòng Tay: 15cm               

- Cách cắt trang phục của người Tày: Khi cắt áo quần, vải được khâu liền với nhau theo chiều dọc tạo thành các mảnh vải lớn rồi mới gập đôi lại để cắt theo số đo đã được đo như trên. Sau khi cắt xong người may mới ráp các phần lại với nhau cho hoàn chỉnh.

6. Đánh giá thực trạng

Trang phục dân tộc tày là một giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, ở đó thể hiện nhiều về giá trị kinh tế của văn hóa tộc người (văn hóa kinh tế tự cung tự cấp).

Phản ánh nếp sống của một cộng đồng, trong xã hội cổ truyền trang phục không sản xuất nhằm phục vụ trao đổi hàng hóa mà chỉ phục  vụ nhu cầu mặc của các thành viên trong mỗi gia đình.

Trang phục đã dần mai một do nguyên nhân khách quan mức độ áp dụng vào đời sống ít

7. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị

- Với một nét đặc trưng về trang phục như vậy, xong trên thực tế áo chàm của người Tày đang dần mất đi. Việc tìm thấy những bộ áo thật sự bằng vải bông nhuộm chàm quả là rất ít. Bởi lẽ thời nay, các loại vải như lụa hay chất liệu nilon ngày càng đi lên miền ngược nhiều hơn, màu sắc đẹp hơn và giá cả rẻ hơn rất nhiều. Hơn thế nữa, người ta chỉ còn mặc áo chàm cách điệu trong những dịp lễ hội, dịp diễn văn nghệ hay cử đại biểu tham dự đại hội. Với tốc độ phát triển như bây giờ và với những chính sách văn hóa còn hạn chế về tầm nhìn, sẽ chẳng bao lâu nữa để lớp con em đồng bào dân tộc Tày ở Lạng Sơn không còn biết đến trang phục áo chàm truyền thống cũng cũng như “tiếng mẹ đẻ” của mình. Số lượng cá nhân còn am hiểu và biết cách cắt trang phục hiện nay không còn nhiều và số lượng người áp dụng trang phục trong cuộc sống hiện nay hầu như không còn.

8. Danh mục tài liệu có liên quan

Phiếu kiểm kê văn hoá phi vật thể tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 - 2015, loại hình tri thức dân gian về trang phục.

 

 

 

 

Bài liên quan
Lễ hội Háng pỉnh
13/11/2023

Lễ hội Háng pỉnh

Lễ hội Nhị - Tam Thanh
13/11/2023

Lễ hội Nhị - Tam Thanh

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
13/11/2023

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

0.03260 sec| 842.164 kb