Thờ cúng tổ tiên Tày

Tuấn Khanh 07/11/2023

Thờ cúng tổ tiên Tày

1. Tên gọi: Thờ cúng tổ tiên Tày

2. Loại hình: Tập quán xã hội

3. Địa điểm: Các huyện; Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Cao Lộc,thành phố Lạng Sơn tỉnh Lạng Sơn

4. Chủ thể văn hoá: Các huyện; Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Cao Lộc,thành phố Lạng Sơn tỉnh Lạng Sơn

 5. Miêu tả về Di sản văn hoá phi vật thể:

a. Quá trình ra đời, tồn tại của tập quán xã hội.

Đây là nét phong tục tập quán cổ truyền của người Tày nói riêng và cộng đồng các dân tộc trên cả nước nói chung được lưu truyền từ đời này sang đời khác nhằm giáo dục, nhắc nhở con, cháu luôn hướng về tổ tiên, cội nguồn, giữ gìn truyền thống gia tộc, dòng họ. Bàn thờ tổ tiên được đặt ở gian chính giữa nhà là nơi trang trọng nhất, cao ngang xà, được trang hoàng đẹp. Do tính chất thiêng liêng, trang trọng như vậy, nên người Tày thường nghiêm cấm phụ nữ nhất là con dâu, cháu dâu, những người lạ không được tới gần bàn thờ. Mỗi khi gia đình có việc đại sự như: Làm nhà mới, cưới vợ, sinh con, tang lễ đều phải cúng bái mời tổ tiên về chứng giám.

 b. Miêu tả hình thức biểu hiện, quy trình thực hành, các sản phẩm vật chất, tinh thần được tạo ra trong quá trình thực hành tập quán xã hội, không gian văn hóa liên quan v.v

Quy trình thực hành:

Người Tày không thắp hương, cúng hoa quả vào ngày rằm và mùng 1 như người Kinh. Riêng 3 ngày Tết, chủ nhà lấy nồi nước lá bưởi đun sôi đặt dưới bàn thờ, cho miếng gang hoặc miếng sắt nung nóng xuống nồi nước để hơi bưởi xông bàn thờ tổ tiên gọi là “rửa mặt” cho các cụ. Trong ngày tết, ngày lễ, ngày giỗ, đón dâu, làm nhà mới, ngày đi xa, ngày con cháu đi thi, đi học..., đều thắp hương báo cáo để tổ tiên phù hộ, độ trì gặp điều may mắn. Đặc biệt, ngày 30 tết, chủ nhà thường là đàn ông làm nhiệm vụ sửa sang bàn thờ, quét sạch bụi bẩn, đốt rơm lúa nếp sạch lấy tro bù vào bát hương, cắm lại 1 - 3 chân hương và đặt vào chỗ cũ; lấy nước lá bưởi lau rửa các đồ thờ. Rửa sạch khay, ấm chén rót nước chè đặt bên dưới bát hương một chén. Trước bát hương, bày khay ngũ quả vào chính giữa, gồm một nải chuối và các loại quả có hình thù đẹp (kiêng vị đắng, chua, cay); hai bên đặt bánh chưng, bánh khảo, mứt, kẹo... Dựng mỗi bên bàn thờ một cây mía to, lá được buộc túm cụm vào nhau như đầu rồng..., bày trí gọn, đẹp tạo được không khí tĩnh lặng và nghiêm trang. Mâm cúng được bày trí cẩn thận, đặt chính giữa là một con gà luộc nằm sấp có cả một số bộ phận phụ tạng đã luộc chín, như: tiết, gan, lòng, mề. Phía đầu mâm để 5 bát ăn cơm, 5 đôi đũa, 5 chén uống rượu, hai bên có cơm canh và các loại thức ăn ngon. Gà cúng thường là gà thiến sạch hay gà trống choai mới biết gáy tự nuôi mà có, khỏe mạnh, không khuyết tật, có màu lông đỏ, mào đơn thẳng đứng, mỏ vàng, chân vàng.

Trước khi cúng phải thắp hương, đặt vàng mã, tiền giấy và quần áo giấy lên bàn thờ nhằm hiến tặng tiền, quần áo cho tổ tiên sử dụng trong tết, đón năm mới. Nếu trong dòng họ có cụ nào trước đây làm thầy Tào, hoặc học hành đỗ đạt cao làm quan thì cắt quần áo bằng giấy đỏ, là đàn ông thì cắt quần liền áo ngắn, đàn bà thì cắt váy liền áo dài. Chủ nhà tự bày mâm, thắp hương, rót rượu. Sau vài lần rót rượu, khi hương cháy chỉ còn khoảng 1/3 thì rót rượu lần cuối, rồi đốt hết vàng mã, quần áo giấy để kết thúc lễ cúng. Cúng xong phải duy trì việc thắp hương, bảo đảm đèn sáng liên tục qua đêm giao thừa và ít nhất hết ngày mùng một. Đến ngày mùng 3 tết, chuẩn bị mâm cúng, vàng mã, quần áo giấy, hóa vàng như lần cúng ngày 30 tết để kết thúc thờ cúng trong ngày Tết.

Tổ tiên với người Tày là “kính phụng” như sờ thấy, mó thấy. Bàn thờ tổ tiên là nơi linh thiêng nhất trong nhà của người Tày, tuyệt đối không ai được quay lưng lại phía bàn thờ. Trong làng xóm dẫu có điều gì bất hòa, xung khắc có thể có vài lời nặng nhẹ với nhau nhưng tuyệt đối không ai dám đụng chạm đến tổ tiên của nhau.

Các sản phẩm vật chất được tạo ra trong quá trình thực hành, không gian văn hóa liên quan.

6. Đánh giá thực trạng

Đây là nét phong tục, tập quán của người dân địa phương đã được truyền đi truyền lại qua rất nhiều đời. Hiện nay, để phù hợp với cuộc sống dần hiện đại và nhiều luồng văn hóa khác nhau, phong tục này vẫn được duy trì tuy nhiên không nguyên vẹn.

- Thời gian tổ chức tang lễ đôi khi quá dài.

- Một số thủ tục được tổ chức rườm rà, kéo dài…làm cho những người tổ chức mệt mỏi.

- Đôi khi đám tổ chức to gây ồn ào và tốn kém.

7. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị

- Bảo tồn có chọn lọc các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc trong việc tang loại bỏ dần các hủ tục lạc hậu, kiên quyết xóa bỏ các tệ nạn mê tín dị đoan trong tang lễ,  xây dựng thêm các yếu tố văn hoá mới phù hợp với thuần phong, mỹ tục của từng dân tộc, gắn với việc xây dựng nông thôn mới. Hình thành phép ứng xử văn hoá, thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang phù hợp với truyền thống văn hoá và đạo lý của địa phương.

- Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước, quy ước, hương ước của lãng, xã trong tổ chức tang lễ. Mọi nghi thức tang lễ, phải được thực hiện gọn gàng, vệ sinh, văn minh, tiết kiệm, Hạn chế việc bày cỗ mời khách trong tang lễ, sử dụng nhạc tang phù hợp, giữ gìn bản sắc văn hóa của từng vùng miền.

8. Danh mục tài liệu có liên quan

Phiếu kiểm kê văn hoá phi vật thể tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 - 2015, loại hình tri thức Tập quán xã hội.

 

 

 

Bài liên quan
Lễ hội Háng pỉnh
13/11/2023

Lễ hội Háng pỉnh

Lễ hội Nhị - Tam Thanh
13/11/2023

Lễ hội Nhị - Tam Thanh

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
13/11/2023

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

0.03575 sec| 817.914 kb