Thờ cúng tổ tiên dân tộc nùng vùng Công viên địa chất Lạng Sơn

Văn Thức 03/11/2023

Thờ cúng tổ tiên Nùng

1.Tên gọi: Thờ cúng tổ tiên Nùng

Tên gọi khác: Không có.

2. Loại hình: Tập quán xã hội

3. Địa điểm: Các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Cao Lộc, Lộc Bình, Thành Phố, Chi Lăng, Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

4. Chủ thể văn hoá:

Cộng đồng người Nùng các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng, Hữu Lũng, Thành Phố, tỉnh Lạng Sơn.

Người đại diện:

Họ và tên: Ông Lâm Viết Văn

Ngày, tháng, năm sinh: 1959                     Dân tộc: Nùng Phàn Slình

Nghề nghiệp: Thầy cúng

Địa chỉ liên lạc: Thôn Nà Háng, xã Hồng Phong, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.

5. Miêu tả về nghệ thuật dân gian

Người Nùng thờ cúng tổ tiên trong từng căn nhà, không phân biệt gia đình đó thuộc chi trưởng hay chi thứ. Sau khi bố mẹ qua đời, vong linh được rước về thờ tại nhà của các con. Bàn thờ tổ tiên được đặt trang trọng nhất, thường ngang với sàn nhà ở gian giữa, nằm giữa 2 cột chính. Mỗi tháng 2 lần, vào ngày Rằm và mùng một, chủ gia đình quét dọn bàn thờ, thắp hương, cúng bằng chè hoặc rượu. Còn trong ngày lễ, tết, thì phải cúng bằng thức ăn, đồ uống mà con cháu dùng trong các dịp đó. Các bậc tổ tiên không cứ là bao nhiêu đời, từ bố mẹ trở lên đều được thờ tại đó.

Những gia đình có người làm Tào, Pụt, Then… thì có thêm một bàn thờ để thờ “thánh tướng và âm binh”. Cũng vào các dịp lễ, tết, ngày mùng một và ngày Rằm phải thắp hương, đèn, nến cúng và cấp vàng mã…

Thờ táo quân thì phải giữ gìn bếp cẩn thận, như không được nhổ, bỏ giấy đã viết vào bếp, không được xào nấu các thức ăn gọi là những “món ăn tạp” như thịt trâu, bò, chó…

Bàn thợ bà mụ thường được đặt ngay ở đầu giường của phụ nữ đã có con. Cúng vào các dịp lễ tết.

Khác với người Tày, ở người Nùng Phàn Slình phổ biến tục thờ “ma ở ngoài sàn” (phi thang slàn). Theo thần tích, vị thần này cũng là thần thổ địa. Nhưng đối với một số họ người Nùng, phi thang slàn lại là vị thần An Phủ Đại Vương, tức Nùng Trí Cao. Đồng bào cho rằng, vị thần này rất linh thiêng, mỗi khi mổ lợn phải cúng tại sàn phơi trước khi đem bán hoặc đem nấu nướng. Việc cúng chẳng lấy gì làm phức tạp, chỉ việc cắt lấy thủ lợn đặt trên tàu lá chuối, cắm vài nén hương.

Vào dịp Tết Nguyên đán, gia đình nào cũng có một bàn thờ cạnh cửa trước, tại đấy người ta đặt vài loại bánh và thắp hương trong suốt 3 ngày Tết. Theo quan niệm của họ, thì xung quanh con người có vô số ma quỷ, ngày tết cần bày các lễ vật tại đó, ma nào đi qua, cần thì nhận lấy, khỏi vào nhà người ta quấy rối.

Đồng bào Nùng còn thờ các thần thổ địa, thổ công, thành hoàng làng là những thần công cộng của cả thôn bản. Đối với thần thổ công, thì ngày mùng một Tết Nguyên đán, các gia đình mang lễ vật đến cúng.

Thờ thành hoàng hầu như địa phương nào cũng có, nhưng không nhất thiết bản nào cũng có miếu thờ. Có khi vài bản lân cận nhau mới có một đình chung, hằng năm vào mùa xuân các gia đình tụ tập lại để cún

6. Đánh giá thực trạng

Thời cúng tổ tiên của người Nùng là một trong những thành tố trong lĩnh vực văn hoá xã hội. Nó biểu hiện sâu sắc đạo hiếu, đạo nghĩa của người sống dành cho người đã mất. Vậy nên Thời cúng tổ tiên đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào dân tộc Nùng. Phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ mới trong tiến trình xây dựng làng bản văn hóa mới.

Các sách Hán nôm của thầy cúng sẽ là một nguồn tài liệu quý báu phản ánh những nét đẹp truyền thống mang tính chất tôn giáo tín ngưỡng và làm nổi bật quan niệm về đạo hiếu, việc đền công, báo đức đối với đấng sinh thành.

7. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị

Bài trừ các tập tục lạc hậu là việc làm quan trọng, tuy nhiên rất cần được đổi mới. Vì thế cần vận động, động viên bà con dân tộc không tham gia những hoạt động mê tín , trong hệ thống các giải pháp, có thể chú trọng đến việc xây dựng mô hình để nhân rộng phong trào bài trừ hủ tục.

 Theo đó, mô hình tại chỗ là tốt nhất, tránh việc lấy mô hình từ các địa bàn khác, dân tộc khác đem tới áp dụng cho vùng này, dân tộc này học tập. Vì ở mỗi địa phương bà con đều có nết văn hoá phong tục sinh hoạt khác nhau. Một gia đình, một bản làng làm tốt cũng có thể trở thành mô hình xứng đáng để nhiều gia đình, nhiều bản, làng noi theo.

8. Danh mục tài liệu có liên quan

Phiếu kiểm kê văn hoá phi vật thể tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 - 2015, loại hình tập quán xã hội.

 

 

 

 

Bài liên quan
Lễ hội Háng pỉnh
13/11/2023

Lễ hội Háng pỉnh

Lễ hội Nhị - Tam Thanh
13/11/2023

Lễ hội Nhị - Tam Thanh

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
13/11/2023

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

0.06071 sec| 813.023 kb