Tang ma người Nùng

Văn Thức 03/11/2023

Tang ma người Nùng

1.Tên gọi: Tang ma dân tộc Nùng (nhóm Nùng Phàn Slình).

Tên gọi khác: Không có.

2. Loại hình: Tập quán xã hội.

3. Địa điểm: Các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Cao Lộc, Lộc Bình, Thành Phố, Chi Lăng, Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

4. Chủ thể văn hoá:

Trường hợp chủ thể tập quán xã hội là cộng đồng, nhóm người: Cộng đồng người Nùng các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Cao Lộc, Lộc Bình, Thành Phố, Chi Lăng, Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

Những người đại diện:

1. Họ và tên: Hoàng Văn Bảo.

Sinh năm: 1934.    Dân tộc: Nùng Phàn Slình.

Nghề nghiệp: Thầy mo

Địa chỉ liên lạc: Thôn Cai Ất, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.

2. Họ và tên: Mỗ Quang Thọ

Ngày, tháng, năm sinh: sinh năm 1945.                Dân tộc: Nùng Cháo.

Nghề nghiệp: Cán bộ văn hóa xã Hoàng Văn Thụ đã nghỉ hưu..

Địa chỉ liên lạc: Thôn Phai Gianh, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia

5. Miêu tả về nghệ thuật dân gian

a. Quá trình ra đời, tồn tại của tập quán xã hội.

Nghi lễ này đã được tồn tại từ rất lâu trong đời sống của người dân, không ai biết nó này ra đời từ khi nào. Nhưng thực sự đã ăn sâu vào tiềm thức, vào đời sống tâm linh của nhân dân địa phương.

 b. Miêu tả hình thức biểu hiện, quy trình thực hành, các sản phẩm vật chất, tinh thần được tạo ra trong quá trình thực hành tập quán xã hội, không gian văn hóa liên quan v.v

Quy trình thực hành:

Nghi lễ Tang ma diễn ra trong 3 ngày và đều phải trải qua các bước thực hành như sau:

Chuẩn bị

- Chuẩn khi có người vừa mất: Người nhà tắm cho người chết bằng nước lá bưởi, lá chanh, lá xả sau đó mặc quần áo cho người chết, phải là đồ còn mới, người chết là nam sẽ mặc 4 áo, 3 quần ứng với 7 vía, nữ mặc 5 áo, 4 quần ứng với 9 vía; đội mũ (nam), vấn khăn (nữ) và đi giầy cho người chết. Sau đó cho người chết xuống nằm ở chiếu trải dưới đất, đặt dọc theo hướng cửa ra vào, chân hướng vào trong nhà. Nếu người chết còn bố mẹ thì sẽ không được đặt quan tài ở giữa nhà mà sẽ để chếch sang một phía (nam sẽ để phía bên trái, nữ để phía bên phải).

- Chuẩn bị mâm lễ cho bàn Thầy gồm: 3 bát gạo cắm hương, 5 chén rượu.

- Đón thầy mo: Người nhà khoảng 3 đến 4 người sẽ mang theo lễ gồm có: 3 nén hương, một vài gói bánh kẹo đến đón thầy đi cùng với những đồ nghề của thầy: sổ sách trống, chiêng, xá lạ, chuông, thần xích, cờ múa… Thầy mo sẽ gọi thêm con thớ theo phục vụ giúp việc, khoảng 3 người.

 Trước khi thầy mo đi sẽ phải thắp hương tại nhà thầy báo cáo các thánh thần, tổ tiên nhà thầy là hôm nay sẽ tới nhà nào làm giúp công việc cho người vừa mất. Và có dặn dò quân binh nhà thầy sẽ giúp trông nom nhà cửa cho yên ổn trong lúc Thầy mo đi xa làm lễ.

- Thầy tới nhà người chết. Trước khi tới nhà người chết, khi bước chân tới làng nơi có người chết Thầy mo sẽ làm lễ xin phép Thổ địa của vùng đó để vào nhà có tang để làm việc phúc cho gia đình họ.

Khi thầy Mo tới cổng Người con trai sẽ bưng  ra 1 đĩa có 2 chén rượu, và vài sợi dây xoắn vặn thừng làm bằng giấy bản tương ứng với số con trai, con dâu và con gái của người đã mất. Sau đó quỳ xuống dâng chiếc đĩa đó lên cho thầy Mo làm phép, xong sẽ buộn những sợi giấy xoắn đó vào tóc của những người con ấy với ý nghĩa là giữ hồn vía cho những người con này trong quá trình diễn ra lễ tang.

Thầy mo vào nhà, khấn để chào người chết, báo với người chết rằng hôm nay gia đình có việc và đã mời thầy tới để làm lễ cho người đó. Sau đó thầy Mo sẽ đến khấn tại bàn thờ tổ tiên báo cáo tổ tiên nhà người chết về công việc sẽ diễn ra.

Thầy mo sẽ ngồi vào bàn thầy để cúng thỉnh, an vị Thánh. Thầy ngồi trước bàn thờ mở sổ sách, lấy bút mực ra và hỏi tên, tuổi, địa chỉ ngày tháng năm sinh và mất của người vừa qua đời và đóng ấn của thầy, gấp vào để vào hộp ấn một lúc rồi lấy ra đặt vào dưới bát hương tại bàn thờ thánh. Thầy mo  sẽ xem ngày giờ hợp để quyết ngày chôn cất người chết.  

- Lấy nước tắm cho người chết: Sau khi thầy viết xong sẽ tiến hành thủ tục đi lấy nước về tắm cho người chết. Thầy mo sẽ cầm một cành phan và vài nén hương dẫn đầu, theo sau là hai người con của người chết ấy, nếu không thì có thì là con cháu trong họ phải khiêng một miếng vải trắng phía trên đặt 1 chậu không để đựng nước, tất cả ra tới nguồn nước sạch gần nhất để xin nước mang về. Khi về tới nhà tất cả thầy mo cùng hai người tham gia đi lấy nước sẽ đi vòng quanh người chết 3 vòng, sau đó Thầy mo sẽ múc vài chén nước sạch ấy để đổ vào chậu nước lá đã đun sẵn đê người nhà làm thủ tục tắm rửa cho người chết.

- Liệm cho người chết: Lúc này con cháu sẽ làm thủ tục đắp vải trắng lên người mất, mỗi con cháu một mảnh vải trắng khổ rộng phủ từ cổ cho tới chân cho người mất, thầy sẽ đếm xem có bao nhiêu tấm vải liệm của con cháu rồi khấn để cấp đồ cho người mất. Sau đó trừ thần mộc, các con cháu đứng quanh người chết khi thầy làm thủ tục vào áo quan.

- Nhập quan: sau khi niêm cho người chết xong thì thầy Mo sẽ làm thủ tục Nhập quan, thầy niệm thần chú, cho bỏng và tro bếp xuống quan tài, phát tướng phát binh, trừ thần mộc. Sau đó con cháu đưa thi hài vào trong quan tài, đầu người mất được quy định là ở trong, chân quay ra ngoài và không đi giầy, đưa quần áo và một số đồ dùng của người chết vào theo bên trong và đóng ván. Những việc này chỉ các con cháu nội mới được phép làm.

Sau đó cố định vị trí đặt quan tài (từ đây quan tài không được di chuyển cho đến khi di quan đưa người mất ra đồng); đầu người mất được quy định là ở trong, chân quay ra ngoài.

- Phát tang: Thầy làm thủ tục phát tang, Thầy yểm bùa khăn, áo rồi phát cho con cháu (phục tang). Con trai: mặc quần áo trắng, đội mũ rơm, chống gậy; con gái, con dâu: đội mũ mấn (vải trắng), mặc quần áo trắng; các cháu đội khăn trắng...  Thầy khấn và đi quanh áo quan 6 lần ( khấn với nội dung vào quan đã xong ).

- Lập bàn vong cho người chết và cúng thủ tục ban đầu cho người chết: Gia đình đặt một mâm lễ dưới chân người mất để tế. Mâm lễ gồm; 1 bát gạo cắm 3 nén hương, 1 đoạn thân chuối nhỏ để cắm bài vị người mất (họ tên, địa chỉ, ngày tháng năm sinh, ngày tháng năm mất của người chết)1 con lợn thit có đủ phần nội tạng, 1 con gà mái luộc, 1 con vịt luộc, xôi, bánh kẹo, rượu và hai chén. Thầy cúng mời người mất ăn cơm, các con cháu rót rượu mời người đã mất.

- Đi Tâng: con cháu thắp mỗi người 1 cây nến lấy từ bàn thầy cúng (nam đi ngược, nữ đi thuận chiều kim đồng hồ), trong lúc này Thầy sẽ cúng bài cúng đi tâng, sau khi đi tâng xong con cháu sẽ thắp hương lên bát hương ở bàn vong. Thời gian làm thủ tục này mất khoảng 4 tiếng.

+ Thắp nến soi đường cho người chết: đặt 8 chiếc nến ở quan tài theo vị trí như sau: ngang đầu và dưới chân quan tài người chết mỗi vị trí 1 chiếc, 4 nến chia hai bên sườn quan tài, 1 nến ở trên chính giữa, 1 nến ở dưới chính giữa quan tài.

+ Thắp đèn cho người chết đi qua thập điện Diêm vương, là những vị quan cai quản địa ngục.

- Lễ Khao tổ: lễ vật gồm: 1 con lợn, xôi, rượu thầy sẽ cúng mời tổ tiên 9 đời nhà người chết về ăn khao và nhận người chết là con cháu của mình về cõi âm.

- Lễ tế của họ Ngoại: lễ vật gồm: 1 con lợn thịt sống, 2 con gà luộc, rượu, bánh kẹo, 1 con ngựa hàng mã. Thầy mo sẽ làm thủ tục cúng.

- Lẽ tế của Con gái, cháu gái: lễ vật gồm: 1 con lơn thịt, 1 con gà luộc, 1 con vịt chín, qùa bánh, ngoài ra mỗi người con gái ruột sẽ phải chuẩn bị 1 cây tiền riêng để tế cho người đã mất ý nghĩa báo hiếu cho người đã khuất, các con cháu họ ngoại theo đó mà mỗi người có một cây tiền, hoặc có thể góp chung vào làm cây tiền cúng tế cho người đã khuất.

- Sau khi lễ tế kết thúc Thầy mo sẽ ra nơi gia đình đã sắp xếp để chôn cất người chết để xem xét hướng chôn, hướng chôn kị hướng Tam nương sát theo từng tháng.

- Lễ Hồi tâng: làm các thủ tục để chuẩn bị đưa người chết ra đồng, hồi tâng ý nghĩa là xin người chết để lại lộc cho con, cho cháu, phù hộ cho con cháu làm ăn tốt đẹp. Nội dung: Khai quang mở đường cho người chết đi lên trời, bắt vía người chết, trừ ta ma, bắt quỉ.

- Thư lẩu: anh em, họ hàng, con cháu trong nhà rót rượu mời người chết lần cuối trước khi đưa đi chôn.

- Đưa tang: lúc này o làm đủ các thủ tục để xuất áo quan ra cửa thì những người con trai của người chết sẽ nằm phục từ cửa ra sân để người khiêng quan tài đi qua trên lưng nhằm bắc cầu cho người chết đi. Sau đó quan tài sẽ được đặt lên chiếc bè làm bằng các ống tre để khiêng quan tài đi chôn, phía trên quan tài sẽ được phủ nhà táng hai tầng.

- Chôn cất: Thầy làm thủ tục Mở huyệt, sau đó chôn quan tài xuống. Khi chôn xong thì những thanh tre dùng để khiêng quan tài sẽ được dùng để cắm xung quanh mộ, và dùng để căng bạt che mộ cho người chết. Để lại mộ cho người chết 1 chiếc nón nếu người chết là con gái, 1 chiếc đèn dầu và luôn phải thắp sáng cả ngày lẫn đêm trong 1 tuần đầu.

- Lễ 3 ngày cho người chết: 3 ngày sau khi chết người nhà (con cháu trong nhà phải đi) sẽ mang một mâm cơm có 1 con gà luộc, cơm trắng, xôi, thịt, rượu đầy đủ mang ra mộ cúng và sửa sang lại mộ.

Lễ hồi lộc cho con cháu: Sau khi về nhà tang chủ, thầy sẽ cúng để lại lộc cho con cháu trong gia đình, lễ có: 1 mâm trong đó có 1 chiếc đèn dầu, 1 chén thịt, 1 chén gạo, 1 chén nước, tiền trả công cho thầy đặt lên mâm này để lễ. Sau đó, thầy Mo đưa bát gạo, đèn lên bàn thờ và huỷ bàn thờ thánh tại nhà tang chủ. Báo cáo với tổ tiên gia chủ là đã xong việc, rồi thầy sẽ ra về.

- Người chết được 49 ngày thì người nhà sẽ làm bữa cơm để cúng cho người đã khuất, mâm cơm gồm có 1 con gà luộc, rượu, cơm trắng, và thức ăn do gia đình chuẩn bị, lễ này mang ý nghĩa vừa để tổng vệ sinh nhà cửa sau khi nhà có tang, và cũng để tắm rửa thay quần áo cho người chết.

- Con cháu phải cúng cơm cho người chết ở bàn thờ riêng tới khi thôi tang(xưa để tang3 năm, nay rút gọn lạ chỉ còn 1 năm. Cơm cúng thường là những đồ ăn thức uống thường ngày trong gia đình. Khi thôi cúng cơm, bàn vong của người chết sẽ được rỡ bỏ và bát hương người sẽ  khuất được đưa lên bàn thờ tổ tiên.

Người Nùng không làm giỗ cho người đã chết mà sẽ làm lễ sinh nhật khi còn sống để con cháu baó hiếu cho bố mẹ.

Các sản phẩm vật chất được tạo ra trong quá trình thực hành, không gian văn hóa liên quan.

Trong đám tang gia đình tang chủ phải chuẩn bị các đồ lễ theo từng bước của nghi lễ, thường là: lợn cả con, gà, vịt, xôi, gạo, đèn, nến, tiền, vàng hương, quần áo tang và đồ hàng mã, vải...

Không gian diễn ra đám tang là tại nhà người mất: cả trong nhà và ngoài sân, đường đưa người mất đến mộ và nơi đặt mộ người mất người đồng (ruộng, đồi, vườn nhà...).

6. Đánh giá thực trạng

Hiện nay tang ma người Nùng vẫn được bảo tồn và duy trì đến ngày nay. Số lượng biết và am hiểu hiện chủ yếu là các thầy Mo và những người cao tuổi trong thôn, bản thường xuyên di phục vụ cho Thầy làm đám ma. Số lượng người thường xuyên thực hành chủ yếu là các thầy Mo và những người cao tuổi trong thôn, bản thường xuyên di phục vụ cho Thầy làm đám ma.

7. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị

- Các nghi lễ rườm rà, kéo dài trong nhiều ngày gây tốn kém cho gia chủ

- Nhiều người lợi dụng việc hiếu của gia chủ mà cờ bạc, rượu chè gây ra nhiều phiền nhiễu.

- Vì là hoạt động mang tính chất cá nhân, gia đình nên ranh giới giữa nét đẹp văn hóa và mê tín dị đoan là rất khó phân định.

8. Danh mục tài liệu có liên quan

Phiếu kiểm kê văn hoá phi vật thể tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 - 2015, loại hình tập quán xã hội.

 

 

Bài liên quan
Lễ hội Háng pỉnh
13/11/2023

Lễ hội Háng pỉnh

Lễ hội Nhị - Tam Thanh
13/11/2023

Lễ hội Nhị - Tam Thanh

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
13/11/2023

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

0.13166 sec| 873.898 kb