Lễ tết người dân tộc Nùng

Văn Thức 03/11/2023

Lễ tết người dân tộc Nùng

1.Tên gọi: Lễ tiết trong năm của người Nùng.

Tên gọi khác: Không có.

2. Loại hình: Tập quán xã hội.

3. Địa điểm: Các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Cao Lộc, Lộc Bình, Thành Phố, Chi Lăng, Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

4. Chủ thể văn hoá:

Trường hợp chủ thể tập quán xã hội là cộng đồng, nhóm người:

Tên thường gọi của cộng đồng, nhóm người Nùng các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Cao Lộc, Lộc Bình, Thành Phố, Chi Lăng, Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.Những người đại diện:

1. Họ và tên: Mỗ Quang Thọ

Ngày, tháng, năm sinh:  sinh 1945. Dân tộc: Nùng Cháo.

 Nghề nghiệp: Cán bộ văn hóa xã Hoàng Văn Thụ đã nghỉ hưu.

Địa chỉ liên lạc: Thôn Phai Danh, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia.

 5. Miêu tả về nghệ thuật dân gian

a. Quá trình ra đời, tồn tại của tập quán xã hội.

Lễ tết truyền thống của dân tộc gắn bó với con người từ xa xưa, người Nùng ăn tết âm lịch và quan niệm các dịp lễ tết là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ, tri ân ông bà tổ tiên.

b. Miêu tả hình thức biểu hiện, quy trình thực hành, các sản phẩm vật chất, tinh thần được tạo ra trong quá trình thực hành tập quán xã hội, không gian văn hóa liên quan v.v

Quy trình thực hành:

Tết Nguyên Đán:

Đến ngày 30 tết mỗi gia đình người Nùng đều dựng 1 cây nêu ở cổng nhà, cây được chọn về cắm phải có ngọn, có lá xanh tươi và được dán giữa thân cây một khoanh giấy đỏ, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc và để nhằm xua đuổi ma quỷ, ngăn không cho tà ma vào nhà. Khi dựng cây nêu phải làm một mân cúng nhỏ để cúng. Trước thời khắc đến giao thừa mang hương thắp ở bể, giếng, khe hàng ngày vẫn lấy nước sinh hoạt lấy nước về để đun nước cho việc thờ cúng và đun với lá bưởi, đào vào sáng mùng 1 tết rửa mặt, chân tay.

Sau đó sẽ làm cơm cúng bàn thờ tổ tiên mân cúng gồm có gà, các món ăn truyền thống như nem, chả, rượu, bánh chưng, hoa quả, đồ chay…, ngoài ra còn có một mân cỗ cúng cho các vong hồn bên ngoài nhà, và một mân cúng ở bàn thờ mụ. Ngày này, con trai sẽ cùng cả nhà về làm cơm đón tết cùng cha mẹ. Con gà đặt trên bàn thờ tổ tiên sẽ được cúng suốt đêm giao thừa. Sáng mồng 1 dậy sớm làm cơm, thịt gà chủ hộ đi cúng thổ công sau đó ăn cơm và suốt ngày mồng 1 người Nùng kiêng không đi chơi nhà ai đặc biệt là con gỏi không được vào nhà người khác (do quan niệm trọng nam và cho rằng phụ nữ không đem lại may mắn, tài lộc). Đến ngày 15 và 30 tháng giêng sẽ thịt gà, làm cơm cúng tổ tiên, và hạ cây nêu coi như tết đó hết (ngày 30).

Thanh Minh (03/03 âm lịch):

  Đúng ngày 3/3/ âm lịch là ngày tết Thanh Minh sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ. Người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của họ là có thể phạm tới linh hồn người đó khuất. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã cho linh hồn người đó khuất. Mân lễ đem lên cúng tổ tiên ngày 3/3 phải có gà, xôi, bánh dầy, đồ chay, xôi 3 màu hoặc 5 màu. Phải cúng ở nhà trước rồi mớ đi tảo mộ, tảo mộ theo thứ tự từ những ngôi mộ gần với gia đình chi tộc mình trước rồi lên cao dần, cuối cùng là mộ tổ chung của cả họ.

Các ngày lễ tiết khác:

Ngoài ra, người Nùng xã Hoàng Văn Thụ còn có các ngày lễ tiết khác như:

Ngày cuối tháng 2 âm lịch ăn “đắp hố moong”: gói bánh chưng, thịt gà làm các loại bánh để thắp hương cúng tổ tiên.

Ngày 5/5 âm lịch ăn tết Đoan ngọ (làm rượu nếp, thịt gà, làm 1 nồi tổng hợp có các loại rau xanh, cá, đỗ, sau khi nấu xong được đem cho chó trong nhà ăn trước với ý nghĩa tránh bệnh tật).

Ngày 14/7 âm lịch mang ý nghĩa xá tội vong nhân, cúng lế cho các vong hồn oan khuất, không có nơi nương tựa. Đây cũng là dịp để những người con gái và con rể về thăm gia đinh. Các món ăn gồm có: bánh gai, bánh dậm, bún, xôi cẩm.

Ngày 15/8 âm lịch: ăn tết trung thu, dùng hoa quả, đồ chay thắp hương cúng tổ tiên.

Ngày 9/9 âm lịch:  lễ cơm mới với ý nghĩa mong được vụ mùa tốt tươi, xua đuổi dịch bệnh. Nấu xôi bằng lá gừng (lá gừng được lấy về ngâm với gạo nếp rồi sau đó đồ thành xôi) thịt gà thắp hương cúng tổ tiên, ngắt bông lúa ở ruộng mang treo cửa nhà, trên bàn thờ tổ tiên, để trên nồi cơm

Ngày 10/10 âm lịch: làm bánh giầy, thịt gà để cúng tổ tiên.

Ngày Đông chí: làm bánh trôi để cúng tổ tiên và để ăn.

6. Đánh giá thực trạng

Đây là lễ tết truyền thống của dân tộc được cha ông đúc kết từ lâu đời và truyền lại cho con cháu nên hiện nay những nghi lễ này vẫn tiếp tục duy trì, phát triển. Nhà nước khuyến khích nhân dân gìn giữ, bảo tồn, phát huy nền văn hóa dân tộc mình. Cộng đồng dân tộc Nùng tại địa phương vẫn duy trì những nét tập quán xã hội của dân tộc mình.

7. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị

Các phong tục trong Ngày Lễ tết Nguyên Đán; Lễ rằm tháng 7; Lễ Ngày 3/3 được thực hiện theo tập quán truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, việc thực hiện quy trình các phong tục trên không được ghi chộp mà chỉ mang tính truyền miệng nên không truyền đạt được hết ý nghĩa và tầm quan trọng đối với thế hệ trẻ. Bên cạnh các nét văn hoá cổ truyền hiện nay một số nghi thức khác theo phong cách hiện đại cũng được áp dụng trong các ngày Lễ trên.

8. Danh mục tài liệu có liên quan

Phiếu kiểm kê văn hoá phi vật thể tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 - 2015, loại hình tập quán xã hội.

 

 

Bài liên quan
Lễ hội Háng pỉnh
13/11/2023

Lễ hội Háng pỉnh

Lễ hội Nhị - Tam Thanh
13/11/2023

Lễ hội Nhị - Tam Thanh

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
13/11/2023

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

0.05314 sec| 826.031 kb