Lễ hội Chùa Bắc Nga

Quỳnh Ngọc 13/11/2023

Lễ hội Chùa Bắc Nga

1. Tên gọi: Lễ hội chùa Bắc Nga

(Tên gọi khác: không)

2. Loại hình: Lễ hội truyền thống (dân gian).

3. Địa điểm: Thôn Bắc Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

4. Chủ thể văn hoá: Cộng đồng dân tộc Tày, Nùng xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn

5. Miêu tả về Di sản văm hoá phi vật thể

Thời gian: Ngày Mười lăm tháng Giêng âm lịch hàng năm tại Chùa Bắc Nga, thôn Bắc Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Quá trình ra đời của di tích và lễ hội chùa Bắc Nga gắn liền với câu truyện truyền thuyết liên quan đến tục thờ Tiên. Với mong muốn Tiên nữ phù hộ cho dân làng một cuộc sống bình an hạnh phúc” và lấy ngày 15 tháng giêng hàng năm để làm lễ hội và mời Tiên, mời Phật về phù hộ cho dân làng bình an hạnh phúc, mùa màng bội thu”.Cùng với các câu truyện truyền thuyết được lưu truyền trong đời sống nhân dân. Qua nghiên cứu hệ thống thư tịch cổ có ghi chép lại về chùa thì chưa có một tư liệu nào cho biết chính xác năm khởi dựng chùa. Tuy nhiên, qua một số văn bia còn lưu lại tại chùa cho biết chùa Bắc Nga có thể xây dựng vào khoảng thể kỷ XVI – XVII[1]. Từ lúc được khởi dựng lên chùa Bắc Nga đã được nhiều người biết đến vì linh ứng nên đã được thờ phụng hàng năm và được các bậc tiền nhân, công thần, văn sỹ, nhân dân địa phương và thủ nhang qua các thời kỳ hưng công xây dựng, trùng tu, tôn tạo thành chùa thờ Tiên, thờ Phật gọi là “chùa Bắc Nga”, tên chữ là “Tiên Nga Tự”.

Đến với Bắc Nga chúng ta không chỉ được tham quan, chiêm bái thưởng ngoạn nét đẹp của kiến trúc, của các văn bia, mộc bản, tượng thờ và các di vật cổ có giá trị lịch sử, văn hóa phản ánh quá trình xây dựng, hình thành, phát triển của chùa qua các thời kỳ. Mà còn được hòa mình vào không gian văn hóa hết sức đặc sắc và hấp dẫn của lễ hội chùa Bắc Nga - Một hoạt động phản ánh nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng hết sức đặc sắc của cư dân bản địa để tri ân, tưởng nhớ  công đức của các vị Tiên, Phật được phụng thờ tại chùa.

Phần lễ: Ngoài hương hoa, đăng, trà, quả, thực, đồ chay... được bày biện, trần thiết ở tất cả các các cung, các ban thờ trong suốt thời gian diễn ra lễ hội tùy theo từng cung thờ, ban thờ và các nghi lễ nghi thức, lễ vật trong ngày 15 tháng Giêng phải chuẩn bị xong trước giờ Thìn. Đúng giờ Thìn (Khoảng 8 - 9 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng) Ban tổ chức tiến hành dâng lễ. Đi đầu là đội múa sư tử, tiếp đến là các mâm lễ vật dâng lên Phật; các mâm lễ vật dâng lễ Tiên[2]. Cuối cùng là các thành viên Ban tổ chức lễ hội, chính quyền, nhân dân trong thôn và du khách tham dự đi sau tạo nên một quang cảnh trọn vẹn về nhiều mặt, gây ấn tượng sâu sắc về sự hoàn thiện, chu đáo của dân làng trong việc ứng xử tôn nghiêm, thành kính đối với vị Thần hộ mệnh của cộng đồng. Ngoài nghi thức trên trong những ngày này, nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh thường sửa soạn lễ vật dâng lên các vị Phật, Tiên để tri ân, tưởng nhớ, cầu mong các vị Phật, Tiên ban phước, ban lộc, phù hộ cho gia đình, người thân được mạnh khỏe, bình an.

Phần hội: Sau các nghi thức, nghi lễ tại di tích, lễ hội chùa Bắc Nga là hoạt động hội với các trò chơi, trò diễn như: múa sư tử, kéo co, đẩy gậy, lạy cỏ, sli,...và các trò chơi, trò diễn khác. Trong đó các trò chơi, trò diễn múa sử tử được cộng đồng quan tâm và chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Bởi ngoài việc thoả mãn nhu cầu vui chơi giải trí, múa sư tử còn thực hành các nghi thức nghi lễ khác và mang ý nghĩa phong tục, tâm linh nhất định đối với cư dân bản địa. Theo tục lệ địa phương, trước khi muốn múa sư tử bên cạnh việc tiến hành kiểm tra, sắp xếp lại các đạo cụ và tập dượt các bài múa các đội sư tử phải đến trình diện, xin phép các vị Thần, Thổ công, Thổ Địa tại đình, miếu để thực hiện nghi thức mở mắt (đón sư tử). Lễ vật cho nghi thức này gồm: 01 con gà, 01 chai rượu, 2 bát cơm, 3 gói muối, hương… Thông thường sau khi đã chuẩn bị đồ lễ xong thầy cúng và các thành viên đội sư tử mang lễ vật cùng đầu sư tử, nả lình, báo đông, bộ gõ (trống, chiêng, chum chọe), bộ võ (gậy, kiếm, đao, đinh ba…). Còn một số trò chơi, trò diễn dân gian đặc trưng như: Kéo co (xe thỏi), Đẩy gậy, Lày cỏ, Hát sli (vả sli). Ngoài các trò chơi, trò diễn mang tính chất truyền thống trên trong những năm gần đây tại lễ hội chùa Bắc Nga chương trình lễ hội được tổ chức long trọng với một số hoạt động tiêu biểu như: Chương trình, hoạt động giao lưu trình diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc của các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ trên địa bàn; hoạt động cắm trại của đoàn thanh niên và các hoạt động liên quan khác thu hút nhiều người dân và du khách  tham dự lễ hội.

Bên cạnh các trò chơi, trò diễn trên, một trong những hoạt động đặc trưng, tiêu biểu thu hút sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo nhân dân và du khách đến với lễ hội là không gian văn hóa ẩm thực. Cùng với các hoạt động tham quan, chiếm bái, hành lễ tại chùa đây là một trong những hoạt động lôi cuốn, hấp dẫn nhất trong lễ hội chùa Bắc Nga. Tại đây nhân dân và hàng ngàn du khách thập phương sẽ tự do, hòa mình, trải nghiệm và thưởng thức rất nhiều món ăn, sản vật đặc trưng, hấp dẫn của Lạng Sơn, tiêu biểu như: Lợn quay, vịt quay, bánh cuốn, bánh ngải, rượu men lá....cùng nhiều sản vật khác. Điều đặc biệt là không gian thưởng thức mang đậm tính chất dân dã, hòa mình với thiên nhiên và rất đa dạng, phong phú với nhiều loại hình không gian như: bãi cỏ, sườn đồi, dọc bờ sông...và tất cả các bãi đất trống xung quanh chùa Bắc Nga.

6. Hiện trạng Di sản văn hoá phi vật thể

Trong những năm qua, Lễ hội chùa Bắc Nga đã được cộng đồng nhân dân tổ chức rất chu đáo với các nghi lễ cổ truyền long trọng và trang nghiêm, mang đặc trưng riêng, đậm âm hưởng nghi lễ nông nghiệp cổ xưa thông qua tục thờ Tiên, Phật. Qua đó góp phần phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, đáp ứng nhu cầu giao lưu, giải trí, hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của cộng đồng. Đồng thời, thông qua các hoạt động tại lễ hội đã góp phần hình thành môi trường, không gian văn hóa lành mạnh - nơi gặp gỡ, trao đổi, giao lưu tình cảm, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó chặt chẽ trong nhân dân, tạo sự gắn kết giữa văn hóa cổ truyền và hiện đại, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc, giáo dục, bảo lưu, trao truyền lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc; góp phần củng cố, khẳng định vai trò, tầm vóc, sức sống và sự lan tỏa mạnh mẽ của các di sản văn hóa trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc; tăng thêm niềm tin, quyết tâm kế thừa và phát huy truyền thống đó trong thời kỳ cách mạng mới - thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

7. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị

- Duy trì, tổ chức lễ hội theo định kỳ hàng năm để tạo ra không gian văn hóa, môi trường văn hóa cho cộng đồng các dân tộc, các chủ thể văn hóa được bảo lưu, trao truyền, nuôi dưỡng và phát triển lễ hội phục vụ nhu cầu giao lưu giải trí, hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của nhân dân.

- Xây dựng đề án bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội chùa Bắc Nga, hướng tới tạo lập hình ảnh lễ hội chùa Bắc Nga với tư cách là một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tạo thành điểm nhấn để thu hút du khách, đáp ứng nhu cầu giao lưu, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, tích cực phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội, du lịch, dịch vụ của địa phương.

- Quan tâm quản lý, tổ chức lễ hội đảm bảo tính lịch sử, tính kế thừa và phát triển phù hợp với xu thế hiện nay. Gắn kết với không gian văn hóa xung quanh để hình thành chuỗi các sự kiện văn hóa phong phú, đa dạng, hấp dẫn nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh đến với địa phương.

- Tiếp tục nghiên cứu, phục dựng, khôi phục hệ thống các mộc bản, làm rõ các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học gắn liền với hệ thống mộc bản, văn bia tại chùa Bắc Nga để trưng bày, giới thiệu đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa; nhu cầu tham quan, chiêm bái, hành lễ của nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh.

8. Danh mục tài liệu có liên quan

1. Lê Trung Vũ, Lễ hội cổ truyền, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992.

2. Hoàng Quyết, Ma Khánh Bằng, Công Văn Lược, Vương Toàn, Văn hóa truyền thống Tày, Nùng, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1993.

3. Nhiều tác giả, Ai lên Xứ Lạng, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1994.

4. UBND tỉnh Lạng Sơn, Địa chí Lạng Sơn, Nxb Chính trị Quốc Gia, Hà Nội, 1999.

5. Hoàng Văn Páo (chủ biên), Lễ hội dân gian Lạng Sơn, Sở Văn hóa và Thông tin Lạng Sơn, 2002.

6. Ngô Đức Thịnh, Về tín ngưỡng và lễ hội cổ truyền, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007.

7. Hoàng Văn Páo, Trò chơi, trò diễn dân gian của người Tày Xứ Lạng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn, 2008.

          10. Hoàng Văn Páo – Hoàng Giáp, Văn hóa Lạng Sơn (Địa dư chí – văn bia – câu đối), Nxb Văn hóa Thông tin, 2012.

          12. Dương Thị Thùy, Lễ hội chùa Bắc Nga ở huyện Cao Lộc tỉnh Lạng Sơn, Báo cáo thực tập tốt nghiệp Khoa Văn – Xã hội, Trường Đại học Khoa học, Thái Nguyên, 2017.

13. BCH Đảng bộ xã Gia Cát, Lịch sử Đảng xã Gia Cát (1930 – 2015), Nxb Hồng Đức, 2018

 

 

 

 

 

Lễ hội Chùa Bắc Nga xã Gia Cát, huyện Cao Lộc (ảnh tư liệu)

 

 

 


[1] Theo lý giải của Hoàng Giáp – Hoàng Páo trong cuốn Văn hóa Lạng Sơn (địa dư chí văn bia câu đối)  về thời điểm dựng bia  và phong cách bia chùa có thể được tân tạo sớm nhất vào năm 1562 thời vua Mạc Mậu Hợp.

[2] Thường là mỗi người một mâm, nếu nặng hai người một mâm, riêng lợn quay phải 04 người khiêng.

Bài liên quan
Lễ hội Háng pỉnh
13/11/2023

Lễ hội Háng pỉnh

Lễ hội Nhị - Tam Thanh
13/11/2023

Lễ hội Nhị - Tam Thanh

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
13/11/2023

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

0.03496 sec| 864.32 kb