Lập bàn thờ Mụ dân tộc Nùng

Việt Hưng 03/11/2023

 Lập bàn thờ Mụ

1. Tên gọi: Lập bàn thờ Mụ

2. Loại hình: Tập quán xã hội.

3. Địa điểm: huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

4. Chủ thể văn hoá:

Đại diện

- Cộng đồng dân tộc Nùng xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

5. Miêu tả về Di sản văn hoá phi vật thể

Bàn thờ mụ có ý vô cùng to lớn đối với đồng bào dân tộc  Nùng tỉnh Lạng Sơn nói chung và của đồng bào dân tộc Nùng Ing tại huyện Chi Lăng nói riêng. Lập bàn thờ mụ là phong tục cổ truyền đã được lưu giữ và trao truyền từ nhiều đời ở xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng. Đây là phong tục không thể thiếu trong đời sống tâm linh của đồng bào Nùng nơi đây mỗi khi gia đình có thêm thành viên mới với ý nghĩa bà Mụ sẽ đại diện cho thần linh luôn bên cạnh, bảo vệ cho em bé mới sinh, xua đuổi tà mà giúp em bé được khỏe mạnh, lớn nhanh.

Trong đời sống tâm linh của đồng bào Nùng nơi đây, để việc sinh nở được thuận lợi, em bé sinh ra được khỏe mạnh thì trong quá trình mang thai, người phụ nữ cần kiêng kị một số điều như nhau: Không bước qua dây thừng, không bước qua hố sâu, gia đình có người mang thai và thai phụ kiêng không  mang cây Tre hoặc cây Vầu vào chỗ ngủ của người mang thai.

Nghi thức đặt bàn thờ mụ sẽ được tiến hành sau khi em bé chào đời được ba ngày nếu như sinh nở tại nhà. Đối với những em bé không sinh nở tại nhà, gia đình sẽ chọn ngày lành, tháng tốt để đón mẹ và em bé về nhà và chọn ngày lập bàn thờ mụ. Ông ngoại của em bé sẽ là người làm bàn thờ và đặt gần cửa phòng của con gái mình. Bàn thờ mụ được làm bằng Tre. Thân cây tre sau khi cắt ngắn thành từng đoạn dài khoảng 50cm sẽ được chẻ nhỏ và đan thành 4 tấm. Khi làm bàn thờ mụ, ông ngoại sẽ để một tấm phía dưới làm mặt bàn thờ và dựng ba tấm thanh ba vách của bàn thờ (một vách phía sau và hai vách hai bên). Trên bàn thờ mụ sẽ có các lễ vật như: ống hương, hai bát xôi đỏ có ngọn, một con gà mái, hai bông hoa (một xanh, một đỏ), một chai rượu và ba chếc chén. Nghi lễ lập bàn thờ mụ sẽ do thầy cúng làm. Khi em bé được một tuổi, gia đình bên nội sẽ làm lễ nhập bàn thờ mụ vào bàn thờ tổ tiên. Vào ngày này, gia đình bên ngoại sẽ chuẩn bị lễ cúng mang sang gia đình bên nội bao gồm: Một cỗ xôi, một đôi gà trống, thịt lợn, bánh kẹo, hoa quả. Nhà bên nội sẽ chuẩn bị lễ vật dâng lên bàn thờ tổ tiên bao gồm: xôi đỏ, thịt lợn, hoa quả...Nghi lễ nhập bàn thờ mụ sẽ được thầy cúng thực hiện.

Thông thường, việc dâng hương, dâng lễ cúng bàn thờ mụ sẽ được tiến hành đồng thời vào những dịp lễ, tết khi gia chủ thắp hương tổ tiên. Tuy nhiên, cúng bàn thờ mụ sẽ có một số điểm khác đó là: Khi hết thời gian kiêng cữ sau sinh, sản phụ sẽ đưa em bé về thăm nhà ngoại. Trước khi trở lại nhà nội, ông bà ngoại sẽ chuẩn bị lễ cho cháu mang về. Trong đó sẽ có bánh kẹo và một con gà mái với ý nghĩa gà mang về sẽ được nuôi và đẻ trứng, sinh sôi sau này, còn bánh kẹo sẽ đặt lên bàn thờ mụ. Mỗi khi gia đình bên ngoại có cỗ, ông bà ngoại sẽ chuẩn bị một phần lễ nhỏ để cháu ngoại mang về dâng lên bàn thờ mụ

Ngày nay, mặc dù cuộc sống hiện đại đã làm mai một phần nào các phong tục, tập quán nhưng lập bàn thờ mụ của người Nùng tại xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng vẫn được lưu giữ nguyên vẹn và sẽ được trao truyền cho những thế hệ mai sau.

6. Hiện trạng Di sản văn hoá phi vật thể

Hiện nay phong tục đặt bàn thơ Mụ vẫn thư­ờng xuyên đ­ược áp dụng trong đời sống.

7. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị:

- Bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc, loại bỏ dần các hủ tục lạc hậu, kiên quyết xóa bỏ các tệ nạn mê tín dị đoan,,  xây dựng thêm các yếu tố văn hoá mới phù hợp với thuần phong, mỹ tục của từng dân tộc, gắn với việc xây dựng nông thôn mới. Hình thành phép ứng xử văn hoá, thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang phù hợp với truyền thống văn hoá và đạo lý của địa phương.

8. Danh mục tài liệu có liên quan: Phiếu kiểm kê di sản văn hóa năm 2013 – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn.

 

Bài liên quan
Lễ hội Háng pỉnh
13/11/2023

Lễ hội Háng pỉnh

Lễ hội Nhị - Tam Thanh
13/11/2023

Lễ hội Nhị - Tam Thanh

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
13/11/2023

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

0.14953 sec| 812.516 kb