Đám cưới Nùng

Việt Hưng 06/11/2023

 Đám cưới Nùng

Cô dâu và chú rể Nùng Phàn Slình làm lễ vái lạy tổ tiên

2. Tên gọi: Đám cưới Nùng

3. Loại hình: Tập quán xã hội.

4. Địa điểm: : huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

5. Chủ thể văn hoá:

Đại diện:

Cộng đồng nhân dân huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

6. Miêu tả về Di sản văn hoá phi vật thể

Đám cưới là một trong những phong tục tập quán truyền thống, quan trọng của nhiều dân tộc trong đó có dân tộc Nùng ở huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Đây là một nghi lễ không thể thiếu khi hai bên gia đình thống nhất cùng tổ chức cưới – hỏi cho đôi thanh niên nam nữ. Lễ cưới không chỉ là để báo cáo với ông bà tổ tiên của nhà gái khi con gái xuất giá đi lấy chồng, nhà trai báo cáo với gia tiên khi cưới thêm một người con dâu về nhà mà còn là buổi lễ chính thức báo với họ hàng, làng xóm về sự kiện vui của hai bên gia đình và được mọi người cùng nhau chúc mừng cho đôi bạn trẻ

Cách thức tổ chức lễ cưới của người Nùng đã có từ lâu đời, trải qua bao nhiêu thời kì được cha ông truyền lại, và vẫn đươc duy trì và tồn tại cho đến ngày nay. Một đám cưới hoàn chỉnh sẽ trải qua bốn nghi lễ lần lượt là xin lá số, lễ ăn hỏi, lễ cưới và lễ lại mặt.

Lễ xin lá số sẽ bao gồm trầu cau và bánh kẹo do nhà trai chuẩn bị để đến nhà gái đặt vấn đề và xin nhà gái cho ngày, tháng và năm sinh của người con gái. Nhà trai sẽ xem tuổi cho đôi thanh niên nam nữ. Nếu đôi trai, gái hợp tuổi thì đôi bên trai gái bắt đầu quá trình tìm hiểu nhau và tiến tới hôn nhân trước sự đồng ý của hai bên gia đình. Nếu đôi trai gái không hợp tuổi gia đình nhà trai sẽ sẽ khéo léo thông tin đế nhà gái về việc xem tuổi không hợp, để gia đình nhà gái có thể xem xét và nhận lời gia đình khác

Lễ ăn hỏi sẽ được tổ chức vào ngày lành tháng tốt do 2 bên gia đình chọn. Thành phần đoàn nhà trai đi hỏi sẽ có đại diện họ nội và họ ngoại, bố mẹ của chú rể…Lễ vật mang đến nhà gái sẽ bao gồm: sáu con vịt, 10kg gạo tẻ, nửa thúng xôi đỏ, một chân thịt lợn và tiền mặt. Sau khi nhận lễ vật của nhà trai, nhà gái sẽ dâng lễ vật lên ban thờ để báo cáo với gia tiên về sự kiện này. Trong lễ ăn hỏi hai bên gia đình cùng tiến hành các nghi lễ, bàn bạc, thống nhất thời gian tiến hành lễ cưới, chuyện thách cưới và cuối cùng là quây quần cùng nhau thưởng thức bữa cơm gia đình. Kể từ sau lễ ăn hỏi, người con trai được coi như là con rể của nhà gái. Trong thời gian chờ tổ chức lễ cưới chính thứ, chú rể sẽ thực hiện đầy đủ các nghi lễ, lễ Tết nhà gái như: Rằm tháng bảy, Tết nguyên đán…

Lễ cưới là nghi lễ chính thức công nhận đôi trai gái là vợ chồng của nhau. Trước ngày cưới chính thức, gia đình nhà trai sẽ cử người mang đến nhà gái 120 kg thịt lợn, 3 đôi gà. Lễ rước dâu sẽ được thực hiện vào ngày chính của đám cưới. Đoàn rước dâu sẽ bao gồm: ông đón, bà đón, phù dâu, phù rể và một em bé gánh làn xôi. Lễ vật mang theo gồm một con lợn quay, một con gà và xôi. Trước khi rước dâu, phái đoàn nhà trai sẽ cùng ăn một bữa cơm tại nhà gái. Sau bữa cơm, chú rể và gia đình nhà trai sẽ làm nghi lễ thắp hương gia tiên nhà gái và thực hiện lễ xin dâu, phù rể sẽ mời trầu cau, thuốc tới quan viên hai họ. Sau khi thực hiện xong các nghi lễ, nhà trai sẽ chính thức được đón cô dâu về. Khi cô dâu bước ra cửa, gia đình nhà gái sẽ thắp một ngọn đèn để trong buồng của cô dâu và bếp lửa trong nhà cô dâu không được tắt. Theo phong tục của người Nùng nơi đây, khi cô dâu bước ra khỏi cửa nhà mình trong lễ rước dâu, cô dâu phải đi thẳng ra cửa, không được nhìn lại phía sau. Khi đến nhà trai, gia đình nhà gái sẽ cùng thưởng thức bữa tối tại nhà trai. Lúc này, cô dâu và phù dâu sẽ ở trong buồng cưới và chưa được ra ngoài cho đến khi ông đưa của đoàn nhà gái làm nghi lễ xin phép gia đình nhà trai cho cô dâu ra ngoài làm lễ, thắp hương báo cáo lên ông bà tổ tiên của gia đình nhà trai. Lúc này, cô dâu và chú rể sẽ cùng được nhận những lời chúc phúc từ mọi người tham gia lễ cưới. Đặc biệt, phù dâu và phù rể sẽ cùng nhau hát sli, lượn và cò lẩu hết đêm tổ chức lễ cưới trong không khí vui vẻ, hân hoan của gia đình, bạn bè của cô dâu và chú rể

Lễ lại mặt được tổ chức ngay ngày hôm sau lễ cưới chính thức. Lễ vật mang đến nhà gái trong Lễ lại mặt bao gồm xôi, gà và rượu. Lễ lại mặt là thời gian để đôi bên gia đình cùng nhau tổng kết, chia sẻ và nhắc lại những khoảnh khắc đáng nhớ của cô dâu, chú rể trong đám cưới

Ngày nay, dưới sự tác động của cuộc sống hiện đại và nên kinh tế thị trường, đám cưới người Nùng đã có nhiều thay đổi song vẫn giữ được nhiều nét đẹp truyền thống, hiện nay một số biểu tượng từ xưa vẫn được coi trọng như đôi gà, miếng trầu, chén rượu… Các nghi lễ cúng bái tổ tiên vẫn được lưu giữ do những phong tục tập quán từ lâu đời đã in sâu vào tiềm thức của đồng bào. Những chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc cưới đã có tác động tích cực đối với công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống trong đám cưới của dân tộc Nùng.

7. Hiện trạng Di sản văn hoá phi vật thể

Hiện nay phong tục truyền thống trông đám cưới vẫn đ­ược lưu truyền truyền.

8. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị:

- Tích cực tuyên truyền để nhân dân địa phương cố gắng gìn giữ, duy trì và phát huy những thủ tục, những nét tập quán đặc sắc của dân tộc.

- Duy trì, phát triển và khôi phục hát “Cò Lẩu” – một nét phong tục đặc sắc của người dân tộc Nùng.

9. Danh mục tài liệu có liên quan: Phiếu kiểm kê di sản văn hóa năm 2013 – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn.

 

 

Bài liên quan
Lễ hội Háng pỉnh
13/11/2023

Lễ hội Háng pỉnh

Lễ hội Nhị - Tam Thanh
13/11/2023

Lễ hội Nhị - Tam Thanh

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
13/11/2023

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

0.03445 sec| 825.813 kb