Các ngày tết trong năm của dân tộc Tày
Các ngày tết trong năm của dân tộc Tày
1.Tên gọi: Các ngày tết trong năm của dân tộc Tày
(Tên gọi khác: Không)
2. Loại hình: Tập quán xã hội
3. Địa điểm: Các huyện; Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Cao Lộc,thành phố Lạng Sơn tỉnh Lạng Sơn
4 Chủ thể văn hoá
Cộng đồng dân tộc Tày - Các huyện; Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Cao Lộc,thành phố Lạng Sơn tỉnh Lạng Sơn.
Những người đại diện:
1. Họ tên: Ông Vy Văn Thành.
- Ngày tháng năm sinh: 1969 Dân tộc: Tày
- Chức vụ: Trưởng thôn Hương Cốc 2.
- Địa chỉ liên lạc: Thôn Hương Cốc 2, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
5. Miêu tả về Di sản văm hoá phi vật thể
Là các ngày tết truyền thống của dân tộc gắn bó với người Tày từ xa xưa, ăn tết theo lịch âm lịch và quan niệm tết là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ, tri ân ông bà tổ tiên; các lễ chính như sau:
Tết năm mới (Tết Nguyên đán- Tháng giêng): Hàng năm vào cuối tháng Chạp, đồng bào dân tộc Tày tổ chức ăn Tết năm mới (nien), chiều ngày 30 tết người trong nhà đi vào rừng lấy cây nêu cho gia đình mình (mạy néo) được chọn từ cây tre trúc. đặt khay ngũ quả vào chính giữa ban thờ tổ tiên: một nải chuối và các loại quả có hình thù đẹp, không có vị đắng, chua, cay; khi chín ăn trực tiếp được, chủ yếu là những sản vật tự làm ra. Hai bên đặt bánh chưng, mứt kẹo, và các loại bánh tự làm như: Chà lam, bánh khảo, bánh bỏng...và một chai nhỏ đựng rượu tự nấu nút lá chuối. Bên phải để một đĩa trầu, cau, thuốc lào; bên trái để lọ cắm một cành đào phai nhỏ, có ít nhất 3 nhánh trở lên, hoa đang nở. Hai bên mép bàn để dựng 2 cây mía to cắm gốc xuống sàn nhà, lá được buộc túm, cụm vào nhau như 2 đầu rồng...nói chung việc bày trí làm sao cho cân đối, gọn đẹp. Đặt một cây đèn thắp dầu hỏa, thay bấc mới, có bóng và đế vững chắc đặt gần khay ngũ quả, để ánh đèn đủ sáng mờ ảo, tạo không khí tĩnh lặng mà trang nghiêm. Thời điểm cúng có thể là trước bữa ăn trưa hay trước bữa ăn tối tùy từng nhà; cúng xong phải duy trì việc thắp hương, bảo đảm đèn sáng liên tục qua đêm giao thừa và ít nhất là hết ngày mùng một. Đến ngày mùng 3 tết cũng chuẩn bị mâm cúng, vàng mã quần áp giấy (hiến tặng tiền và quần áo cho tổ tiên sử dụng trong năm mới), việc cúng, hóa vàng làm như lần cúng ngày 30, để kết thúc tết.
Tết diệt sâu bọ (5-5 âm lịch): Tết mùng 5 tháng 5 âm lịch (kín so hả): Thời điểm này mùa màng vừa thu hoạch xong nên đồng bào thường ăn tết khá to. Sáng mùng 5 tháng 5 các thành viên trong gia đình ăn các loại hoa quả chua với mong muốn diệt trừ các loại sâu bọ gây hại mùa màng, gia đình nào cũng làm bánh gio (pẻng dứt) để cúng tổ tiên.
Tết rằn tháng 7 âm lịch: Tết Rằm tháng 7 (kíp xíp xí bươn chất) đồng bào Tày có phong tục ăn tết về lễ tết bên ngoại ( pây tái- con gái đi lấy chồng đưa chồng con về tết gia đình bố mẹ đẻ và bên ngoại), lễ cúng thường có vịt quay, các món bánh vắt vai (pẻnh tải) và bánh dợm.
Tết mồng 10 tháng 10 âm lịch (tết cơm mới):Tết cơm mới tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 10 âm lịch hàng năm, người Tày gọi là só xíp bươn xíp. Thời điểm này mùa vụ đã thu hoạch xong, đồng bào làm tết để nhắc nhở con cháu tuy được mùa nhưng chớ quên những ngày khó khăn trước đây. Vì vậy tết này được làm đơn giản nhất trong các tết, các gia đình chỉ nấu cơm gạo mới, luộc con gà lên lễ gia tiên. Tết cơm mới đồng bào làm bánh dày (pẻng xi) và bánh bong (pẻng pong), đây là các loại bánh làm thủ công.
Còn một số ngày lễ tết theo tháng khác : Lễ thanh minh 3-3 âm lịch; lễ 6-6 âm lịch; lễ Trung Thu- mừng lúa mới…
6. Đánh giá thực trạng
Tập quán trên vẫn được áp dụng tại gia đình đồng bào dân tộc Tày; phong tục này vẫn được duy trì tuy thường xuyên diễn ra tại địa phương,vẫn được duy trì trong đời sống của cư dân người Tày. Nơi đây quần chúng nhân dân cùng tham gia lưu giữ và bảo tồn.
7 Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị
- Các biện pháp bảo vệ hiện nay: Sẽ tiếp tục lưu truyền các phong tục từ thế hệ này sang thế hệ khác để không bị mai một.
- Đề xuất biện pháp bảo vệ: Chính quyền địa phương, nhà nước quan tâm đến đời sống nhân dân từ đó có những biện pháp nghiên cứu, lưu giữ, ghi lại quy trình, thủ tục, ý nghĩa phong tục để làm tài liệu truyền lại cho thế hệ sau. Các cơ quan chuyên môn ghi chép, sưu tầm có hệ thống các tư liệu liên quan đến loại hình. Bảo tồn có chọn lọc các giá trị văn hoá, xây dựng thêm các yếu tố văn hoá mới phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, gắn với việc xây dựng nông thôn mới.
8 Danh mục tài liệu có liên quan
Phiếu kiểm kê văn hoá phi vật thể DSVH PHI VẬT THỂ TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2011 – 2015 (Loại hình Tập quán xã hội) Các ngày tết trong năm của dân tộc Tày.
Ngày tết rằm tháng 7 người dân tộc Tày (Ảnh tư liệu)
Ngày tết Nguyên đán người dân tộc Tày (Ảnh tư liệu)