Múa Sư tử

Văn Thức 07/11/2023

 Múa Sư tử

1.Tên gọi: Múa sư tử (mèo)

Tên gọi khác: Không có.

2. Loại hình: Trình diễn dân gian

3. Địa điểm: Các huyện: Bình Gia, Cao Lộc, Chi Lăng, Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.

4. Chủ thể văn hoá: Tên thường gọi của cộng đồng, nhóm người:  Dân tộc Tày – Nùng Các huyện: Bình Gia, Cao Lộc, Chi Lăng, Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.

Người đại diện: Thôn Bản Hỏi, xã Minh Khai, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.

- Họ và tên: Ma Viết Đôn

  - Ngày, tháng, năm sinh: 20-9-1938. Dân tộc : Tày

- Nghề nghiệp: Giáo viên nghỉ hưu.

- Địa chỉ liên lạc: Thôn Bản Hỏi, xã Minh Khai, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.

          5. Miêu tả về nghệ thuật dân gian

Ra đời từ thời kỳ phong kiến duy trì cho đến ngày nay. Nhưng có lúc bị lắng xuống do ảnh hưởng chiến tranh, thời kỳ bao cấp kinh tế khó khăn. Hiện tại vẫn duy trì do đội ngũ thanh niên trong thôn đảm nhiệm.

Thông thường để phục vụ cho buổi trình diễn múa sư tử phải có từ 7 – 9 người, trong đó phân công nhiệm vụ và số lượng người cụ thể cho từng hoạt động cụ thể như sau:

+ Múa sư tử  (2 người) : Mặc quần áo dân tộc, chân quấn xà cạp, đi giày.

+ Đánh trống (1 người): Mặc quần áo dân tộc, đi giầy.

+ Đánh chũm chọe (1 người) : Mặc quần áo dân tộc, đi giầy.

+ Đánh chiêng (1 người): Mặc quần áo dân tộc, đi giầy.

+ Người đóng vai Ông địa (1 người):  Mặc quần áo dân tộc hoặc áo dài đỏ - đen,  chân đi giầy, đeo mặt nạ, tay cầm quạt. Bụng Ông địa được cải trang thành bụng phệ (do độn vải).

+ Người đóng vai khỉ: (1 người):  Mặc quần áo dân tộc, chân đi giầy, đeo mặt nạ, tay cầm quạt.

+ Múa võ (1 – 2 người): Mặc quần áo dân tộc, chân quấn xà cạp, đi giầy.

Những người tham gia trình diễn phải là những thanh niên, trai tráng dẻo dai, nhanh nhẹn, khỏe mạnh

Dụng cụ dùng để múa sư tử là: Trống, thanh la, chũm chọe, đầu sư tử …ngoài phần đầu sư tử thường gắn thêm phần thân và đuôi; thân, đuôi con sư tử dài 5m, rộng 1,6m, được trang hoàng sặc sỡ, cầu kỳ. Người ta đính những tua chỉ vàng lóng lánh dưới hàm sư tử, những quả bông ngũ sắc lên đỉnh đầu và tai. Sư tử nào đẹp trông "dữ tướng" hơn, là một điểm để uy hiếp đối phương trong thi đấu. Ngoài ra còn có thêm mặt nạ ông địa, khỉ, vẽ rất ngộ nghĩnh, cùng các thứ võ khí: gậy, tay thước, côn, đinh ba, mã tấu... Các thứ này được gìn giữ cẩn thận, dùng cho nhiều nǎm.

Thông thường, múa sư tử được chia làm hai phần: múa sư tử và múa võ.

Trước khi biểu diễn phải có động tác chào khán giả với nhiều trò như: bái lạy, chào nhau…nhằm thể hiện về bản lĩnh uy danh, sức mạnh của sư tử, cũng như quan niệm, đạo lý trong việc đối nhân, xử thế.

Bước tiếp theo là biểu diễn thành các bài múa sư tử như: múa lộn đầu, múa tay không, nhảy qua bàn, xếp trồng lên bàn... tiếp đó là các bài biểu diễn võ thuật như:  biểu diễn võ tay không, võ gậy dài, gậy ngắn, tay không một mình, tay không có đối thủ, tay không với tay đao…

Khác với một số vùng đầu sư tử của cộng đồng các dân tộc thường do một người điều khiển. Động tác của người múa sư tử và các nhân vật phụ trợ như: ông địa, con khỉ…. nhanh hay chậm là do sự điều khiển của dàn nhạc đệm cho múa sư tử. Song song với hoạt động múa sư tử hay múa võ là các nhân vật như ông địa, khỉ. Ông địa tay cầm chiếc quạt giấy; khỉ tay cầm cành cây vừa đi theo giỡn lân (sử tử), hoặc làm các hành động ngộ nghĩnh, gây cười…

Dàn nhạc đệm cho múa sư tử là các nhạc cụ gõ có cường độ lớn như trống, thanh la, chiêng, chũm chọe Múa sư tử có nhiều kiểu gõ khác nhau, mỗi kiểu gõ tương ứng với một điệu múa. Để phục vụ các trò diễn, sự ngẫu hứng của dàn nhạc khi diễn tấu là vô cùng quan trọng. Người đánh trống phải nắm bắt nhanh sự chuyển động của động tác múa để sáng tạo kịp thời những tiết tấu phù hợp. Người đánh trống càng giỏi, sự hoà theo của thanh la, chiêng, chũm chọe … càng nhịp nhàng thì trò múa càng hấp dẫn và thu hút người xem.

6. Đánh giá thực trạng

Công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật múa sư tử còn gặp nhiều khó khăn do thiếu thốn về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất. Hiện nay, hoạt động múa sư tử chủ yếu diễn ra trong ngày lễ, ngày tết và còn mang tính chất tự phát do vậy việc duy trì hoạt động không thường xuyên, liên tục, hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.

Số lượng người hiểu biết chuyên sâu về loại hình nghệ thuật này ngày càng hạn chế, trong khi công tác bảo lưu, trao truyền cho thế hệ trẻ còn gặp nhiều khó khăn do gánh nặng, ảnh hưởng của đời sống kinh tế, thế hệ trẻ chưa có ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của ông cha.

7. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị

Hiện nay, để bảo vệ loại hình nghệ thuật này chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư quan tâm, động viên những người tham gia trình diễn sư tử tích cực rèn luyện để bảo lưu, trao truyền di sản văn hóa truyền thống của địa phương. Hàng năm vẫn dành ra một khoản kinh phí để động viên, khích lễ những tham gia trình diễn sư tử trong các hoạt động lễ, tết của địa phương. Tuy nhiên do nguồn kinh phí còn hạn chế nên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tế.

8. Danh mục tài liệu có liên quan

Phiếu kiểm kê văn hoá phi vật thể tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 - 2015, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.

 

 

Bài liên quan
Lễ hội Háng pỉnh
13/11/2023

Lễ hội Háng pỉnh

Lễ hội Nhị - Tam Thanh
13/11/2023

Lễ hội Nhị - Tam Thanh

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
13/11/2023

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

0.06859 sec| 824.219 kb