Lễ hội Ná Nhèm

Việt Hưng 08/11/2023

 Lễ hội Ná Nhèm

1. Tên gọi: Lễ hội Ná Nhèm

(Tên gọi khác: Lễ hội mặt nhọ, Lễ hội hóa trang)

2. Loại hình: Lễ hội Dân gian                   .

3. Địa điểm: Thôn Làng Mỏ, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn.

4. Chủ thể văn hoá: Cộng đồng các nhân dân Thôn Làng Mỏ, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn.

5. Thời Gian: Ngày 15 tháng giêng âm lịch

6. Miêu tả về Di sản văn hoá phi vật thể

Truyện xưa kể rằng: Cách đây khoảng 7- 8 đời có một toán giặc kéo đến chiếm đóng ngọn đồi Khau Dạ Háy. Hai ba năm sau khi Giết xong bọn giặc trong làng có nhiều người sinh bệnh, đau ốm làm người chết rất nhiều. Trâu bò, vật nuôi cũng bị bệnh dịch làm cho hao tổn lớn. Được các thầy cho biết những con ma này chết phải “giờ linh” không được cúng tế nên nó tâu với Ngọc Hoàng làm hạn hán, dịch bệnh. Muốn có mùa màng bội thu mưu thuận gió hòa với trời thì lập miếu thờ, tổ chức lễ hội. Kể từ đó cứ 3 năm dân làng lại mở hội gọi là “đại hội” vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Vào các năm mở đại hội thì các lễ hội trong năm được tổ chức quy mô hơn.

Lễ hội Ná Nhèm diễn ra vào ngày 15 tháng giêng (âm lịch) nhưng các công việc chuẩn bị đã được tiến hành triển khai thực hiện từ trước đó. Từ mùng 1 tết ở Đình diễn ra lễ cúng Thành Hoàng. Các cụ già tổ chức họp và bàn giao khóa lềnh, khóa mo, khóa hội giữa năm cũ và năm mới. Sau đó bàn và chuẩn bị các công việc liên quan đến lễ hội như: thành lập ban tổ chức, chuẩn bị kinh phí, nguồn nhân lực; phân công người đóng và luyện tập các vai diễn, chuẩn bị trang phục, đạo cụ, chuẩn bị lễ vật…và các điều kiện khác để phục vụ cho lễ hội. Tất cả mọi công việc phải chuẩn bị xong trước ngày rằm, trong đó mỗi một nhóm người tham gia đều quy định rõ số lượng và nội dung công việc khác nhau.

Nội dung phần lễ.

- Phần lễ ở Đình.

Sáng sớm ngày 15 tháng giêng làng bắt đầu vào hội. Ngay từ sáng sớm bốn ông lềnh trưởng phải mang lễ vật đến Đình, Miếu để ông Mo và hai ông hội làm lễ mời các thần về dự hội. Sau khi đã kiểm tra đầy đủ các lễ vật gồm một mâm xôi trắng, một con gà giò chưa gáy, một cỗ bánh tề (gồm 12 chiếc), một thủ lợn và ba đĩa thịt lơn luộc, rượu, 1 đĩa trầu, 3 nén hương, một đôi nến, 01 bình nước lấy ở suối Mỏ Vằn ông Mo và hai ông hội làm lễ.

Đọc hết bài cúng ông Mo cùng hai ông hội lạy 4 lạy rồi gieo hai que thẻ tre âm dương (so tén) xuống tảng đá trước bàn thờ. Nếu được một âm, một dương (một sấp một ngửa) tức là thần đã nghe thấy lời thỉnh cầu và bằng lòng về dự hội cùng dân làng, còn không phải xin đến khi nào được mới thôi. Khi đã xin được âm dương ông Mo đọc các bài tế dâng lễ vật tới thần theo lần lượt các tuần tế như: Tế hương, tế nước, tế trầu, tế lương thực, tế gà, tế lợn, tế rượu. Sau đó có 4 người vào rước Long ngai trên có bài vị thần và ngai hương ra ngoài nhập vào đoàn lên Miếu. Đi đầu đoàn lên Miếu là ông mo, tiếp đến là 2 ông hội đi hai bên, sau đó là đoàn rước long ngai, lọng, tàn và đội cờ. Ở trên Miếu đã được dựng sẵn một ngôi lều nhỏ bên cạnh Miếu để rước Long ngai thần vào trong đó. Sau khi đoàn lên Miếu đội cờ quay lại khu vực tập trung cùng đội quân để tiếp tục các hoạt động tiếp theo của lễ hội.

- Phần Lễ ở Miếu và Đình tượng trưng (Lều tạm):

Sau khi các đoàn rước đi lên trên Miếu và trải qua quá trình tra hỏi, thẩm vấn của các vị bô lão. Các đoàn đưa trống, chiêng cất vào trong miếu, cờ được cắm trước cửa và hai bên miếu, các lễ vật khác được đưa và miếu dâng thần. Bốn ông tướng vào Miếu lạy 4 lạy để chuyển sang mục tiếp theo của hội. Ông Mo và hai ông hội rước Đức vua Cao Quyết vào Đình tượng trưng (lều tạm) bên cạnh Miếu để tế thần và để ngài nhìn ra cánh đồng xem hội. Nội dung và nghi lễ tế thần cũng trải qua các tuần tế  giống như ở đình.

Ngoài ra các nghi thức tế lễ trên trước đây ở Đình còn diễn ra các nghi lễ, lễ hội khác như: Các nghi thức lễ trong ngày 18 tháng giêng, Lễ hội Cầu Mùa từ ngày 14 – 16 tháng 3 (âm lịch), cùng các ngày rằm, mùng một và các tiết, lễ tết khác trong năm.

Nội dung phần hội.

Sau khi làm lễ ở đình làng bắt đầu vào hội, diễn ra với nhiều trò chơi dân gian truyền thống: trò Sỹ - Nông – Công – Thương ( kén dâu, kén rẻ), chơi đu… đặc biệt nhất là trò diễn trò đánh trận tập và tiến cống lễ vật. Ngoài các hoạt động trên trong lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao khác để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách tham dự lễ hội.

7. Hiện trạng Di sản văn hoá phi vật thể

Lễ hội được tổ chức định kỳ thường xuyên, một năm 1 lần, 03 năm dân làng lại mở hội gọi là “đại hội” vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu.                                    

8. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị:

- Trùng tu, tôn tạo, phục dựng lại Dình Làng Mỏ để làm nơi sinh hoạt tôn giáo – tín ngưỡng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân, duy trì và phát triển các hoạt động của lễ hội theo truyền thông xưa bằng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.

9. Danh mục tài liệu có liên quan: Phiếu kiểm kê di sản văn hóa năm 2013 – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn.  

Lễ rước trong hội Ná Nhèm

 

 

Bài liên quan
Lễ hội Háng pỉnh
13/11/2023

Lễ hội Háng pỉnh

Lễ hội Nhị - Tam Thanh
13/11/2023

Lễ hội Nhị - Tam Thanh

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
13/11/2023

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

0.27813 sec| 948.914 kb