Lễ hội Háng Ví

Minh Chuyển 08/11/2023

           Lễ hội Háng Ví

1. Tên gọi: Lễ hội Háng Ví

2. Loại hình: Lễ hội dân gian.

3. Địa điểm: xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

4. Chủ thể văn hoá: Cộng đồng nhân dân xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

5. Thời gian: ngày 20 tháng Giêng hàng năm

6. Miêu tả về Di sản văn hoá phi vật thể

Hội Háng Ví là một lễ hội truyền thống của dân tộc Nùng ở xóm Háng Ví, thôn Nà Làng, xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng. Hội được tổ chức hàng năm vào ngày 20 tháng Giêng Âm lịch hàng năm tại Miếu Cống Pồ (Miếu Ông Bà) và khu vực chợ Háng Ví. Đây là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của cộng đồng hết sức đặc sắc. Thông qua lễ hội, dân làng tỏ lòng thành kính, nhớ ơn công lao của các vị thần đã che chở, bảo hộ cho dân làng, giúp nhân dân giữ làng giữ nước; đồng thời thể hiện mong muốn phòng tránh thiên tai, dịch bệnh, cầu mong mùa màng bội thu.

Trước đây, lễ hội Háng Ví là một trong những lễ hội đặc sắc của cộng đồng địa phương, thu hút sự quan tâm hưởng ứng của đông đảo quần chúng nhân dân trong và ngoài tỉnh thông qua những trò chơi, trò diễn đặc sắc. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, hội Háng Ví đã không được duy trì, tổ chức từ những năm 80 của thế kỷ XX. Sau hơn 30 năm gián đoạn, thể theo nguyện vọng của đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn xã Chiến Thắng nói riêng và huyện Chi Lăng nói chung; đồng thời, nhằm bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội, góp phần giáo dục và phát huy truyền thồng yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa, không gian văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí và hưởng thụ văn hóa tâm linh của nhân dân, năm nay lễ hội đã được phục dựng lại

Đến với lễ hội, du khách không chỉ được đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh mà còn được tham quan, hưởng thụ giải trí và trực tiếp tham gia các trò chơi, trò diễn như: múa sư tử, tung còn, đánh yến, đánh sảng, đánh pỏ mừ, kéo co, đẩy gậy… Đặc biệt, lễ hội Háng Ví là dịp để nhân dân trong vùng gặp gỡ, giao lưu; là ngày hội giao duyên, tâm sự đầu xuân, chúc tụng nhau một năm mới hạnh phúc và may mắn bằng những câu Sli, Lượn…Qua đó, nhắc nhở mỗi thành viên, đặc biệt là thế hệ trẻ ý thức về cội nguồn, ý thức về cái đẹp, ý thức trong lao động sản xuất, trong quan hệ đối nhân xử thế giữa con người với thiên nhiên và xã hội. Hơn thế, qua các hoạt động tại lễ hội cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương đến với đông đảo bạn bè, du khách trong và ngoài khu vực.

7. Hiện trạng Di sản văn hoá phi vật thể

Tổ chức mỗi năm một lần.

 8. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị:

 - Việc đã và đang triển khai:

Chính quyền và nhân dân trên địa bàn đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tìm hiểu, sưu tầm, thu thập thông tin, tư liệu liên quan đến lễ hội đồng thời tiến hành phục dựng lại lễ hội năm 2013 từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia. Thông qua qua trình phục dựng lễ hội đã tiến hành mở các lớp bồi dưỡng truyền dạy về múa lân sư, hát sli cho đồng bào đặc biệt là thế hệ trẻ để tiếp tục duy trì và phát triển trong những năm tiếp theo.

- Mong muốn, đề xuất:

 Trong những năm tiếp theo đề nghị các cấp chính quyền quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ về kinh phí để cải tạo, nâng cấp làm khang trang hơn miếu thờ ; mở rộng và nâng cao hơn nữa quy mô tổ chức và hoạt động lễ hội  để đáp ứng nhu cầu giao lưu hưởng thụ văn hóa tâm linh của nhân dân.

9. Danh mục tài liệu có liên quan: Phiếu kiểm kê di sản văn hóa năm 2013 – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn.

 

 

Bài liên quan
Lễ hội Háng pỉnh
13/11/2023

Lễ hội Háng pỉnh

Lễ hội Nhị - Tam Thanh
13/11/2023

Lễ hội Nhị - Tam Thanh

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
13/11/2023

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

0.14959 sec| 812.305 kb