Kèn Pí lè

Quỳnh Ngọc 07/11/2023

 Kèn Pí lè

1.Tên gọi: Kèn pí lè (Dao)

 (Tên gọi khác: không)

2. Loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian (âm nhạc)  .

3. Địa điểm: Các huyện Bắc Sơn, Hữu Lũng, Cao Lộc, Lộc Bình

4. Chủ thể văn hoá

Cộng đồng Dao Lo gang Các huyện: Bắc Sơn, Hữu Lũng, Cao Lộc, Lộc Bình

Đại diện cộng đồng người Dao xã Công Sơn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

5. Miêu tả về Di sản văm hoá phi vật thể

Các loại nhạc cụ này không ai biết và không ai nhớ rõ là nó có từ đời nào, thuở nào. Lớn lên đã thấy người lớn chơi những nhạc cụ này rồi. Chúng chỉ được sử dụng vào những dịp lễ hội truyền thống, như hội cúng thần lúa, thần rừng, cưới hỏi, Tết… Đó là lời tâm tình của lòng người với trời đất, với núi rừng, lời tâm sự của những đôi trai gái tìm duyên, lời của con cái với cha mẹ. Người dân trong bản quanh năm ở ngoài ruộng, ngoài nương. Khi tiếng kèn, chiêng, trống, thanh la cất lên và hòa quyện vào nhau, nam thanh nữ tú cùng hòa theo điệu nhảy làm ngây ngất đất trời. Họ cầm tay nhau, đứng bên nhau múa hát quên hết mọi mệt nhọc của cuộc sống thường ngày. Tiếng nhạc và con người hòa vào nhau, quyện với thiên nhiên cây cỏ, tạo nên nét văn hóa đặc sắc của dân tộc  Dao. Các cụ cao tuổi truyền dạy lại cho con cháu trong gia đình bằng hình thức truyền miệng. Kèn pí lè là nhạc cụ được sử dụng trong các dịp lễ hội, đám ma, đám cưới, các lễ cấp sắc…Do vậy trang phục mặc khi biểu diễn thường là trang phục truyền thống của dân tộc Dao và đạo cụ là chiếc kèn pí lè.Đối với dân tộc Dao, đám cưới là nghi lễ quan trọng nhất của đời người nên dù nghèo khó hay giàu sang thì trong lễ cưới cũng phải có tiếng kèn đưa sang nhà gái để thể hiện cho sự trang trọng, đàng hoàng của gia đình nhà trai. Tiếng kèn khi rộn rã khi buồn da diết như diễn tả tâm trạng của cô dâu mới trước khi về nhà chồng.

Với vai trò là “vật thiêng” xua đi sự xui xẻo, cản trở, mang lại sự may mắn, bình an và thể hiện sự uy nghi, hoành tráng của nhà trai trong ngày đại hỷ của gia đình nên trên đường đưa dâu, đội kèn luôn đi trước để dẫn đầu đoàn rước dâu. Khi rước dâu đến cửa nhà trai, đội kèn phải đứng trước ngưỡng cửa để cô dâu làm lễ trong sân thì mới bước vào nhà và hai người thổi kèn phải dàn ra hai bên để cô dâu và chú rể thực hiện nghi lễ trước bàn thờ tổ tiên nhà chồng trong sự thiêng liêng, trang trọng, tiếng kèn trong nghi lễ cũng trở nên dồn dập, da diết hơn, khiến cho người tham dự lễ cưới trào dâng cảm xúc để chung vui với đôi trai gái.

Kèn pí lè gồm 3 phần: đầu thổi, thân kèn và loa kèn. Đầu thổi là một ống đồng nhỏ bọc gỗ thông với thân kèn. Thân kèn là một ống gỗ đục rỗng hình trụ, có chiều dài từ 30 - 40cm, chia làm 10 đốt được dùi lỗ nhỏ hình tròn, các đốt tạo thành bởi sự phân chia giữa các gờ ở mỗi đốt (gần giống đốt tre), trong đó có 7 đốt ở giữa được dùi lỗ nhỏ phía trước, bố trí khoảng cách đều nhau tạo thành một hàng dọc. Loa kèn là phần cuối của cây kèn, được làm bằng lá đồng mỏng, uốn hình chóp cụt, có độ dài khoảng 10cm, đường kính 12cm, đầu nhỏ của loa nối liền với ống kèn. Phần đầu nhỏ của ống kèn được dùi một lỗ tròn dùng để buộc dây từ đầu tới loa kèn.

Người thổi Pí lè bằng cách lấy hơi đằng mũi, đẩy hơi ra miệng tác động vào những lỗ nhỏ thân kèn, hơi luồn qua lỗ nhỏ liên tục như vậy, nghệ nhân thổi kèn hàng giờ không cần ngắt hơi. Khi biểu diễn, tùy thuộc vào nội dung bài hát, trong mỗi nghi lễ khác nhau, người thổi kèn áp dụng các kỹ thuật rung hơi, vuốt hơi, phối hợp với các ngón bấm, ngón vuốt, ngón vỗ trên thân kèn… để tạo ra những âm thanh bay bổng, dồn dập, da diết nhưng phù hợp với khung cảnh diễn ra nghi lễ.

Không chỉ là nhạc cụ chứng giám cho hạnh phúc lứa đôi mà tiếng kèn pí lè còn là “ông Tơ, bà Nguyệt” đưa các đôi trai gái người Dao xích lại gần nhau hơn. Tiếng kèn như một lời thủ thỉ, nhắn nhủ tha thiết đối với người mà mình thương thầm nhớ trộm. Và cây kèn pí lè đã trở thành nhạc cụ không thể thiếu trong cuộc sống bình dị của người Dao. Khi thổi, người thổi phải đưa tay bấm nhịp sao cho âm thanh phát ra du dương theo làn điệu bài hát và tùy thuộc vào tính chất của nghi lễ mà có những giai điệu thổi phù hợp với các buổi lễ và nghi lễ diễn ra; trong các ngày lễ tết, lễ hội tuyền thống, các nghi lễ cúng tế, trong tang ma và đám cưới của dân tộc Dao.

6. Hiện trạng Di sản văn hoá phi vật thể

Thường xuyên sử dụng kèn pí lè trong các nghi lễ đám ma, cấp sắc, đám cưới, lễ hội… Kèn pí lè vẫn được duy trì trong đời sống của cư dân nơi đây, quần chúng nhân dân cùng tham gia lưu giữ và bảo tồn, vẫn được duy trì.

7. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị

- Tiến hành sưu tầm và ghi chép, tổng hợp các giai điệu của kèn pí lè để lưu giữ và tuyên truyền phổ biến rộng rãi trong cộng đồng.

- Thành lập đội văn nghệ của xã. Thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ và các buổi giao lưu giữa các địa phương để người dân được thể hiện, giao lưu, học hỏi.

 - Tuyên truyền vận động thế hệ trẻ nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ tuyên truyền, phát huy vốn văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.

8. Danh mục tài liệu có liên quan

  - Phiếu kiểm kê văn hoá phi vật thể DSVH PHI VẬT THỂ TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2011 – 2015 (Loại hình tập quán xã hôi)  Kèn pí lè  (Dao).

Thổi kèn Pí lè trong đám cưới người Dao LoGang Lạng Sơn (Ảnh tư liệu)

 

Bài liên quan
Lễ hội Háng pỉnh
13/11/2023

Lễ hội Háng pỉnh

Lễ hội Nhị - Tam Thanh
13/11/2023

Lễ hội Nhị - Tam Thanh

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
13/11/2023

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

0.05527 sec| 824.219 kb