Lễ hội Đình Làng Mỏ
Lễ hội Đình Làng Mỏ
1. Tên gọi: Lễ hội Đình Làng Mỏ
Tên gọi khác Hội xuống đồng Làng Mỏ
2. Loại hình: Lễ hội dân gian.
3. Địa điểm: TT Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.
4. Chủ thể văn hoá: Cộng đồng nhân dân TT Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.
5. Thời gian: ngày 07 tháng Giêng hàng năm
6. Miêu tả về Di sản văn hoá phi vật thể
Lễ Hội Đình Làng Mỏ đã có từ lâu đời và được tổ chức vào ngày 07 tháng Giêng hàng năm tại TT Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Lễ hội được coi là một nét đẹp truyền thống văn hóa của mảnh đất Chi Lăng lịch sử.
Do chiến tranh nên đình Làng Mỏ đã bị phá hoại vào năm 1968. Thêm vào đó là sự loạn lạc, li tán do ảnh hưởng của chiến tranh nên lễ hội bị thu hẹp dần mà mất hẳn. Tuy nhiên, Lễ hội Đình Làng Mỏ vẫn được nhân dân địa phương duy trì mở hội xuống đồng với tập tục là hạ cây nêu ngày tết, cúng lễ ở đình Làng Mỏ nơi thờ quan Đại Huề và đền Cấm nơi thờ quan Lư Văn Lá- một vị quan triều đình nổi tiếng là liêm khiết, chính trực để cầu một năm mới thuận lợi, mùa màng bội thu. Năm 2015 Lễ hội đình Làng Mỏ được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn phục dựng. Khôi phục Đình Làng Mỏ và khôi phục lễ hội xuống đồng là niềm mong mỏi của người dân quê hương Chi Lăng, đặc biệt là những người con xa quê hương
Lễ hội Đình Làng Mỏ được chia thành hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ được thực hiện bởi Ban tế lễ, đội rước cờ, rước kiệu; đội giúp việc...Ban tế lễ được lựa chọn kỹ càng bao gồm một ông lềnh trưởng và bốn ông phụ có độ tuổi từ 49 đến 50; bốn thanh niên chưa vợ tuổi từ 17 đến 18. Vào ngày diễn ra lễ hội, phần lễ diễn ra tại Đình Làng Mỏ và Đền Cấm với ý nghĩa xin phép và rước ông Đại Huề, ông Lưa Văn Lá cho phép mở hội và rước hai ông vui hội xuống đồng cùng dân làng. Đoàn rước sẽ cúng lễ theo trình tự: Đình Làng Mỏ trước để rước ngai ông Đại Huề ra kiệu. Tiếp theo, rước Bà Nàng (2 người con gái của ông Đại Huề) tại Mỏ Bạo và cuối cùng là ông Lư Văn Lá tại Đền Cấm. Kiệu được rước ra đồng – nơi nhân dân đã chuẩn bị sẵn mâm lễ để tổ chức cúng tế.
Phần hội sẽ được tổ chức sau khi phần lễ đã hoàn tất. Phần hội là phần vui nhất của lễ hội. Nhân dân cùng nhau hạ lễ, chơi các trò chơi dân gian như: ném còn, đẩy gậy, kéo co...cùng giao lưu hát những làn điệu dân gian như nhà tơ, hát sli, lượn và thưởng thức ẩm thực địa phương.
Lễ hội đươc tổ chức nhằm bảo lưu, trao truyền giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Khơi dậy, phát huy tiềm năng, giá trị di sản văn hóa hướng tới hình thành một số vùng không gian văn hóa - di sản tiêu biểu, xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh; huy động các nguồn lực để đầu tư, quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, dịch vụ, an ninh, quốc phòng, giao lưu đối ngoại theo hướng phát triển nhanh và bền vững.
7. Hiện trạng Di sản văn hoá phi vật thể
Tổ chức mỗi năm một lần.
8. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị:
Kết hợp hai biện pháp là: bảo tồn tĩnh ( ghi âm; ghi hình; phỏng vấn ghi tài liệu để lưu trữ bảo quản lâu dài ) và bảo tồn động ( cố gắng làm tốt công tác phục dựng và duy trì lễ hội ):
+ Sưu tầm, khai thác thông tin về lễ hội xưa từ các cụ cao tuổi còn minh mẫn, đã từng được tham gia và chứng kiến lễ hội
+ Bắt đầu phục dựng Đình Làng Mỏ, xây dựng kế hoạch hoàn thiện hồ sơ xin hỗ trợ của ngân sách nhà nước và kêu gọi các tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ
+ Kêu gọi sự giúp đỡ, hỗ trợ đóng góp về nhân lực và vật lực của nhân dân và các tổ chức xã hội để tổ chức, khôi phục hội làng.
- Đề xuất của chủ thể:
+ Huy động thêm nguồn vốn đầu tư xây dựng, khôi phục lại đình Làng Mỏ cũng như lễ hội Đình Làng Mỏ
+ Tích cực tìm hiểu, nghiên cứu và sưu tầm hơn nữa để phục dựng lại lễ hội xưa với đầy đủ ý nghĩa và những giá trị tốt đẹp của nó.
9. Danh mục tài liệu có liên quan: Phiếu kiểm kê di sản văn hóa năm 2013 – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn.