Tang ma người Tày
Tang ma người Tày
1. Tên gọi: Tang ma người Tày
2. Loại hình: Tập quán xã hội
3. Địa điểm: Các huyện; Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Cao Lộc,thành phố Lạng Sơn tỉnh Lạng Sơn
4. Chủ thể văn hoá: Cộng đồng dân tộc Tày - Các huyện; Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Cao Lộc,thành phố Lạng Sơn tỉnh Lạng Sơn.
Những người đại diện:
- Họ và tên: Lăng Văn Tăng.
Năm sinh: 1948 Dân tộc: Tày.
Địa chỉ liên lạc: Thôn Nà Chả, xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan.
Nghề nghiệp: Nông dân.
- Họ và tên: Hoàng Văn Nghi.
Năm sinh: 1941 Dân tộc: Tày.
Địa chỉ liên lạc: Thôn Nà Chả, xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan.
Nghề nghiệp: Nông dân.
5. Miêu tả về Di sản văn hoá phi vật thể:
a. Quá trình ra đời, tồn tại của tập quán xã hội.
Lâu đời, cổ truyền.
b. Miêu tả hình thức biểu hiện, quy trình thực hành, các sản phẩm vật chất, tinh thần được tạo ra trong quá trình thực hành tập quán xã hội, không gian văn hóa liên quan v.v
Quy trình thực hành:
Lễ rửa mặt cho người chết:
Khi gia đình có người tắt thở, con cháu phải nhịn ăn để tỏ lòng đau đớn, thương tiếc với người đã khuất. Và đặc biệt, khi chưa mời được thầy Tào về làm lễ khâm niệm, nhập quan cho người chết thì con cháu tuyệt nhiên không được cất tiếng khóc. Bởi họ cho rằng khi có người thân vừa mới qua đời, hồn của người chết vẫn còn lẩn quẩn ở trong nhà, chưa muốn rời xa con cháu nên nếu con cháu mà cất tiếng khóc sẽ níu giữ hồn người chết ở lại khiến hồn người đó không thể siêu thoát.
Khi có người vừa tắt thở người nhà báo tin cho họ hàng biết đồng thời tắm rửa cho người chết. Tắm cho người chết phải là em trai, con trai hoặc cháu trai của người chết. Đồng bào tắm cho người chết bằng nước lá thơm ( lá bưởi, hương nhu, lá tre...) sau đó mặc quần áo mới cho người chết.
Theo tục lệ nam mặc 7 áo, nữ mặc 9 áo. Sau đó người ta bỏ vào miệng người chết 1 hào bạc trắng để linh hồn người chết khỏi phát ngôn bừa bãi gây tai họa cho con cháu. Sau đó người nhà để người chết nằm ở gian thờ trên chiếc chiếu lật mặt trái, đầu kê gối quay về phía bàn thờ, buông màn và đi đón thầy Tào về làm lễ khâm niệm và phát tang. Đồng thời người nhà phải chuẩn bị nhà táng cho người chết.
Lễ khâm niệm:
Giờ liệm phải tránh trùng với giờ sinh của con cháu trong gia đình vì sợ người chết sẽ bắt đi theo. Lễ khâm liệm do thầy Tào đảm nhiệm. Khi liệm người chết được quấn 1-2 tấm vải trắng tự dệt tùy theo điều kiện kinh tế gia đình. Trải ít tro bếp sạch tượng trưng cho vật thiêng bảo vệ thi hài, một ít lúa nếp đốt cháy tượng trưng cho lúa giống chia cho người chết, đầu kê gối, đặt nằm trên chiếc chiếu đã được cắt một góc để lên bàn thờ ( đến khi làm ma xong mới mang góc chiếu đó đi đốt).
Sau khi nhập quan thầy Tào làm phép thu hồn người chết vào áo quan đồng thời làm phép thu hồn lại cho người sống. Theo quan niệm của đồng bào, việc thu hồn của người chết làm được chu đáo thì hồn người chết sẽ không lẩn quẩn trong nhà, cuộc sống con cháu mai này mới được bình yên. Việc thu hồn người sống bởi đồng bào sợ người sống vì quá thương tiệc người chết nên hồn sẽ đi theo người chết. Sau đó, với bó đước sáng lửa, thầy Tào niệm chú, trống chiêng dồn dập, con cháu họ hàng nâng bốn góc chiếu đưa xác vào quan tài. Sau khi đọc xong tờ phan có ghi rỏ họ, tên, ngày sinh, ngày mất của người chết và căn dặn người chết không được trở lại cõi trần với con cháu, tờ phan đó sẽ được bỏ vào quan tài.
Lễ thụ tang:
Con trai mặc áo ngắn, quần lộn trái bằng vải trắng tự dệt, buông gấu, đầu đội khăn vuông trắng, bên trên đội mũ rơm tay chống gậy đeo dao nhọn. Con gái, con dâu mặc áo dài trắng, váy trắng hoặc quần trắng khâu lộn trái bằng vải trắng. Con dâu đội mũ bằng vải trắng hình bồ đài, đằng trước che kín mặt, đuôi khăn dài tới gấu áo. Con gái cuốn khăn trắng bên ngoài lọn tóc. Các cháu nội, ngoại mặc áo trắng lộn trái, quấn khăn trắng, các chắt quấn khăn vàng.
Lễ dâng cơm:
Tế vào thời gian các bữa ăn hàng ngày. Một mâm cơm gồm rượu, thịt đặt trước linh cữu, chờ con cháu tụ tập đông đủ, thầy Tào nổi nhạc tang cúng mời cơm vong linh. Thầy Tào xúc thịt, cơm tượng trưng mời vong linh rồi đổ vào hai ống nứa để phía dưới chân linh cữu, hôm đưa tang sẽ mang đi chôn theo.
Lễ phá ngục:
Đồng bào cho rằng linh hồn người chết thường bị cầm tù dưới địa ngục. Mục đích của lễ này là nhằm đưa hồn người chết thoát khỏi địa ngục của Diêm Vương. Người ta lấy giấy hay vải thành một quây tròn, giữa để bài vị và một quả trứng sống, 1 ngọn nến đang cháy tượng trưng cho ngục giam. Lễ vật có 1 con lợn nhỏ, gà trống và vịt. Bên cạnh ngục quây, người ta dựng một lều để kê bàn thờ phụ trên có đặt một bát gạo, một quả trứng vịt sống và một chậu nước lá bưởi đun sôi để nguội. Thầy Tào đứng trước bàn thờ cầu khấn chiêu gọi các hồn về tập trung tại bát gạo sau đó thầy cầm kiếm, cho gióng trống khua chiêng cùng đồ đệ nhảy múa như một đạo quân hung hồn vượt qua những đoạn đường gian khổ, vượt bao nhiêu chướng ngại vật đi xuống địa ngục để tìm cứu linh hồn người chết. Sau đó thầy cầm kiếm đâm một nhát vào nhà ngục, tắt nến đèn dầu bên trong, lấy bài vị ra rước về nhà.
Lễ đưa ma:
Trước khi đưa người chết đi chôn, thầy tào phải chọn giờ tốt. Nếu con cháu nào có giờ sinh trùng với giờ sinh của người chết phải lánh mặt và phải đi bằng cửa phụ. Bởi họ sợ ma người chết sẽ bắt đi theo. Thầy Tào yểm vào nắm gạo rồi vãi qua trên nhà táng có ý báo cho hồn người chết chuẩn bị xuất hành. Sau đó thầy ra cửa chính để mở cửa ải cho vong cô, thầy quay vào tắt đèn trên quan tài và mời vong cô đi. Nhà táng được bỏ ra và mang đi đốt với ý để người chết có nhà mới ở ngay. Khi quan tài được khiêng ra cửa, các con trai nằm phủ phục ở cửa và dưới cầu thang 3 lần đầu hướng vào nhà để cho quan tài đi qua với ý nghĩa trải đường cho bố ( mẹ) đi. Khi quan tài đi đến nửa đường thì con gái, con dâu cũng phải nằm phủ phục như vậy để trả ơn cha ( mẹ) đã nuôi dưỡng. Đoàn đưa ma có một người cầm bó đuốc cháy to đi trước “ soi đường”. Các thứ đồ dùng thường ngày của người chết như chăn, mà, nón... cũng được con cháu mang theo để cho người chết.
Tại huyệt thầy Tào làm lễ và thắp hương cho những mộ xung quanh để bảo cho họ biết có người mới và để họ không bắt nạt. Sau đó thầy tào làm lễ hạ huyệt. Đồng bào Tày có tục chia của cho người chết. Người ta để quần áo, chăn màn, xôi, gạo, gà vào các cái sọt rồi để dưới huyệt cho người chết. Còn các công cụ lao động đưa cho thầy Tào làm phép và để trên mộ cho người chết. Con trai trưởng xúc một xẻng đất đầu tiên lấp cho bố mẹ, các con cháu bốc mỗi người một nắm đất bỏ xuống huyệt. Người làng giúp chôn cất đắp mộ cho người chết xong người ta đặt trên một bát hương, chén rượu rồi đặt một ngôi nhà bằng cây chuối có lợp mái.
Sau đó con cháu cùng người đi đưa ma hôm đó trở về nhà tang chủ, khi ra về họ kiêng không ngoái đầu lại vì sợ ma người chết sẽ theo về làm hại con cháu. Khi quay trở về con cháu không được khóc. Thầy cúng ở lại sau cùng để làm các thủ tục cúng yên mộ, không cho vong quay trở về theo con cháu.
Sau khi an táng, người sống coi như đã làm xong bổn phận của mình đối với người chết vì đã lo cho người chết mồ yên mả đẹp. Con cháu thay quần áo, làm cỗ bàn cúng gia tiên và thiết họ hàng, bà con bạn bè đến chia buồn. Khi đến 12 giờ đêm hôm đó con cháu người chết mang ra mộ cơm, rượu cúng cho người chết.
Con cháu phải làm lễ chuộc hồn cho người chết ba lần, sau 40 ngày, 1 năm và 3 năm. Lễ chuộc hồn cuối cùng cũng là lễ mãn tang. Trong lễ chuộc hồn, ma người chết sẽ nhập vào bà Then để báo tin về cuộc sống ở thế giới hồn ma cho người ở dương biết.
Các sản phẩm vật chất được tạo ra trong quá trình thực hành, không gian văn hóa liên quan.
- Những kiêng kị
+ Trong đám tang có một số kiêng kỵ như : khi gia đình có người chết, mọi người trong nhà không được khóc khi chưa có thầy Tào đến làm lễ. Chỉ đến khi thầy Tào đến làm lễ khâm niệm, nhập quan cho người chết thì con cháu trong gia đình mới được phép cất tiếng khóc cha ( mẹ).
+ Không được đi dự đám cưới, ăn mừng nhà mới khi chưa hết tang.
+ Không được cắt tóc, cạo râu khi chưa qua 40 ngày.
+ Không được sinh hoạt vợ chồng khi chưa qua 100 ngày.
+ Vào nhà người khác phải bỏ khăn tang.
c. Hình thức lưu truyền: Truyền khẩu, truyền miệng
d. Các tư liệu liên quan đến tập quán xã hội.
6. Đánh giá thực trạng
Đây là nét phong tục, tập quán của người dân địa phương đã được truyền đi truyền lại qua rất nhiều đời. Hiện nay, để phù hợp với cuộc sống dần hiện đại và nhiều luồng văn hóa khác nhau, phong tục này vẫn được duy trì tuy nhiên không nguyên vẹn.
- Thời gian tổ chức tang lễ đôi khi quá dài.
- Một số thủ tục được tổ chức rườm rà, kéo dài…làm cho những người tổ chức mệt mỏi.
- Đôi khi đám tổ chức to gây ồn ào và tốn kém.
7. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị
- Bảo tồn có chọn lọc các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc trong việc tang loại bỏ dần các hủ tục lạc hậu, kiên quyết xóa bỏ các tệ nạn mê tín dị đoan trong tang lễ, xây dựng thêm các yếu tố văn hoá mới phù hợp với thuần phong, mỹ tục của từng dân tộc, gắn với việc xây dựng nông thôn mới. Hình thành phép ứng xử văn hoá, thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang phù hợp với truyền thống văn hoá và đạo lý của địa phương.
- Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước, quy ước, hương ước của lãng, xã trong tổ chức tang lễ. Mọi nghi thức tang lễ, phải được thực hiện gọn gàng, vệ sinh, văn minh, tiết kiệm, Hạn chế việc bày cỗ mời khách trong tang lễ, sử dụng nhạc tang phù hợp, giữ gìn bản sắc văn hóa của từng vùng miền.
8. Danh mục tài liệu có liên quan
Phiếu kiểm kê văn hoá phi vật thể tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 - 2015, loại hình tri thức Tập quán xã hội.