Điểm Cầu Khánh Khê (huyện Cao Lộc) trên Tuyến Du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn số 02
Tuyến du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn số 02: Trải nghiệm cánh cổng kết nối những trái tim xuyên biên giới, ngôi đền vang vọng những lời kinh nhiệm mầu, cây cầu thanh bình nép mình giữa những vách đá cao chót vót, một rừng đá hỗn loạn tuyệt đẹp đang chờ đợi những nhà thám hiểm. Đó là một túi thời gian lưu giữ những câu chuyện thời tiền sử, một dòng sông chảy đầy bí ẩn qua các hang động. Đó là một đáy biển cổ xưa kể lại câu chuyện về bọ ba thùy, một khu rừng ẩn chứa những viên ngọc. Chuyến đi này kể về những câu chuyện diễn ra trên suốt hành trình chứ không chỉ là những điểm đến.
Cầu Khánh Khê (xã Bình Trung, huyện Cao Lộc)
Chiến thắng trong thanh bình: Cây cầu bên vách đá
Vắt ngang sông Kỳ Cùng, cầu Khánh Khê kết nối hai huyện Cao Lộc và Văn Quan giữa một vùng sông núi tuyệt mỹ. Dòng sông chảy đến đây gặp núi phải đổi hướng, nhưng vẫn kịp để lại trên vách đá ven sông những ngấn nước rộng rất đẹp. Đáy sông lộ ra những hòn cuội tròn trịa đủ mọi kích cỡ, thành phần, nhất là những hòn cuội đá núi lửa, minh chứng cho một giai đoạn phun trào rầm rộ trên vùng đất này từ hơn 200 triệu năm trước. Cảnh quan sông núi hùng vĩ nơi đây đã được người xưa ghi nhận, trong đó đặc biệt có một tấm bia được người dân địa phương gọi là Bia đá Ngô Thì Sĩ. Kích thước bia 1.5x1.2m, được khắc trên vách đá, ngay chỗ ngấn nước cao nhất, ở độ cao khoảng 10m. Nội dung là bài thơ Quan Trấn thủ Lạng Sơn Ngô Thì Sĩ cảm tác trong chuyến tuần du biên ải của ông năm 1779.
Phòng Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn (Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn)