Gặp gỡ, làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp Úc tại Việt Nam, CLB Hang động Hà Nội, Thành viên Hiệp hội Hang động Quốc gia Hoa Kỳ, Hiệp hội Hang động Quốc gia Pháp, Công ty Cổ phần Việt Nam Expeditions
Ngày 21/3/2025 Đoàn công tác Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch do ông Hoàng Xuân Thuận, Giám đốc làm Trưởng đoàn đi làm việc với một số đối tác tại Hà Nội. Thanh phần đối tác: Hiệp hội Doanh nghiệp Úc tại Việt Nam (Auscham) (ông David Whitehead - Chủ tịch Tập đoàn Mavin Group, thành viên Ban Lãnh đạo AusCham; bà Cynthia Mann - CEO Future Traditions, thành viên Ban Lãnh đạo AusCham; bà Trần Thị Lan Hương - Advocacy Manager (phụ trách mảng Quan hệ chính phủ và Chính sách); CLB Hang động Hà Nội, Hiệp hội Hang động Quốc gia Hoa Kỳ, Hiệp hội Hang động Quốc gia Pháp (ông Kevin John Ditamore, Thành viên Hiệp hội Hang động Quốc gia Hoa Kỳ; ông Alexander Scott, Thành viên Hiệp hội Hang động Quốc gia Hoa Kỳ; ông Vương Hữu Nghĩa, Thành viên CLB Hang động Hà Nội và Hiệp hội Hang động Quốc gia Pháp, ông Phạm Văn Mạnh, Phó Chủ tịch CLB Hang động Hà Nội, Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Expeditions, bà Trần Thanh Trà, Thành viên CLB Hang động Hà Nội).
Đoàn công tác Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch (Đoàn công tác) đã có buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp Úc tại Việt Nam, nhằm xúc tiến các hoạt động hợp tác về thương mại, đầu tư và du lịch, đặc biệt giới thiệu về CVĐC toàn cầu UNESCO Lạng Sơn.
Tại buổi làm việc Đoàn công tác đã giới thiệu tổng quan về tỉnh Lạng Sơn, tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách, danh mục thu hút đầu tư, CVĐC toàn cầu UNESCO Lạng Sơn; đề xuất Hiệp hội Doanh nghiệp Úc tại Việt Nam và các doanh nghiệp Úc đến khảo sát tại tỉnh Lạng Sơn/CVĐC toàn cầu UNESCOLạng Sơn để tìm hiểu cơ hội đầu tư, thương mại và du lịch; giới thiệu sản phẩm của Lạng Sơn đến thị trường Úc; hợp tác tổ chức đào tạo cho các doanh nghiệp Lạng Sơn, hội thảo/hội nghị về xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; trao đổi đoàn (đến Lạng Sơn và sang Úc).
Hiệp hội Doanh nghiệp Úc đánh giá cao hạ tầng giao thông của tỉnh Lạng Sơn, bày tỏ sự quan tâm đến các lĩnh vực đầu tư (cơ hội đầu tư, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh), nghề thủ công mỹ nghệ sản xuất quà lưu niệm phục vụ du lịch và xuất khẩu. Hiệp hội đề nghị sau chuyến công tác Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch gửi thông tin xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch của tỉnh tới các doanh nghiệp Úc (Hiệp hội có 600 thành viên).
Ông David Whitehead - Chủ tịch Tập đoàn Mavin Group, thành viên Ban Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Úc đánh giá cao việc CVĐC Lạng Sơn được UNESCO công nhận CVĐC toàn cầu. Vùng CVĐC có nhiều tiềm năng phát triển du lịch địa chất, du lịch sinh thái, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch đến từ Úc - những người yêu thích các hoạt động ngoài trời, môi trường thiên nhiên. Đối với lĩnh vực đầu tư, ông David cho biết, trước khi quyết định đầu tư, các nhà đầu tư Úc quan tâm đến logistics, khả năng tiếp cận thị trường, hạ tầng giao thông, tâm huyết của tỉnh trong việc thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, kết nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, đơn giản thủ tục hành chính trong cấp giấy phép kinh doanh, ưu đã thuế và các ưu đãi khác, cơ chế một cửa,…Đối với sản phẩm địa phương, ông David gợi ý tỉnh Lạng Sơn nên lựa chọn ra 5-6 sản phẩm chủ đạo, khác biệt, tạo ra sản phẩm thương hiệu nhận diện của tỉnh, phát triển chuỗi giá trị cho sản phẩm.
Bà Cynthia Mann - CEO Future Traditions, thành viên Ban Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Úc chia sẻ kinh nghiệm triển khai các dự án với nhóm người dân tộc thiểu số trong việc sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ làm đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch và xuất khẩu đến nhiều thị trường khác nhau, qua đó góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng.
Cùng ngày Đoàn công tác gặp gỡ, làm việc với Thành viên Hiệp hội Hang động Quốc gia Hoa Kỳ (NSS), Hiệp hội Hang động Quốc gia Pháp, Công ty Viet Nam Expeditions, Câu lạc bộ Hang động Hà Nội thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch, đặc biệt du lịch thám hiểm hang động, hố sụt, các ý tưởng giải pháp xây dựng các sản phẩm du lịch thám hiểm, du lịch mạo hiểm, cắm trại vùng CVĐC toàn cầu UNESCO độc đáo, bền vững, có tính cạnh tranh trong khu vực, tầm cỡ quốc tế, thu hút các chuyên gia, nhà nghiên cứu về đa dạng sinh học, địa chất, hang động đến hợp tác nghiên cứu tại vùng CVĐC toàn cầu UNESCO Lạng Sơn; xúc tiến hoạt động truyền thông về du lịch thám hiểm hang động, hố sụt, leo núi thể thao, trekking, camping vùng CVĐC toàn cầu UNESCO Lạng Sơn trong nước và vươn ra thế giới.
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác giới thiệu về tiềm năng phát triển du lịch thám hiểm hang động, hố sụt, vượt thác, trekking,… trong vùng CVĐC toàn cầu UNESCO Lạng Sơn; đề xuất hợp tác với Câu lạc bộ hang động Hà Nội, Hiệp hội Hang động quốc gia Hoa Kỳ, Hiệp hội Hang động quốc gia Pháp tổ chức khảo sát một số hang động, hố sụt tiềm năng để thám hiểm hang động; lập bản đồ Hố sụt Ùng Roặc, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia; đào tạo người dân địa phương làm hướng dẫn viên, chuyên gia an toàn, cứu hộ; tổ chức các chuyến Famtrip cho các công ty lữ hành, doanh nghiệp đi thám hiểm hang động, hố sụt; tổ chức các hội nghị quốc tế về thám hiểm hang động; quảng bá hoạt động thám hiểm hang động trong CVĐC tới các Hiệp hội/Nhóm thám hiểm hang động. Nhóm chuyên gia dự họp tư vấn tỉnh Lạng Sơn thành lập Câu lạc bộ Hang động nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, quảng bá, nuôi dưỡng đam mê thám hiểm hang động, tăng cường công tác bảo tồn, bảo vệ hang động, phát huy giá trị hang động gắn với phát triển du lịch, du lịch thám hiểm hang động tỉnh Lạng Sơn nói chung, vùng CVĐC toàn cầu UNESCO nói riêng. Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia cũng khuyến nghị ở Việt Nam nên thành lập Hiệp hội Hang động Quốc gia.
Hiệp hội Hang động quốc gia Hoa Kỳ, Công ty Cổ phần Việt Nam Expeditions cho biết đang kết nối mời một số nhà thám hiểm hang động Hoa Kỳ tham gia khảo sát, tư vấn hình thành sản phẩm du lịch địa chất vùng CVĐC Lạng Sơn (Hang Rắn, xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng) do Trung tâm Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch dự kiến tổ chức vào cuối tháng 4/2025. Bên cạnh đó, Hiệp hội Hang động quốc gia Hoa Kỳ, Công ty Cổ phần Việt Nam Expeditions đang nghiên cứu đưa 02 tệp khách từ Hoa Kỳ đến thám hiểm hang động, hố sụt CVĐC toàn cầu UNESCO Lạng Sơn (nhóm chuyên gia đến nghiên cứu, lập bản đồ, huấn luyện cứu hộ, cứu nạn; nhóm khách du lịch là những người yêu thích, đam mê thám hiểm hang động) (dự kiến thực hiện trong tháng 11/2025).
Trong chương trình cuộc họp, các chuyên gia tích cực gợi ý một số sản phẩm du lịch độc đáo cho vùng CVĐC toàn cầu UNESCO Lạng Sơn. Vùng CVĐC toàn cầu UNESCO Lạng Sơn có rất nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch leo núi thể thao, thám hiểm hang động, hố sụt, vượt thác, cắm trại (camping), cắm trại sang trọng, cao cấp, lãng mạn (glamping), trekking đến các ngôi làng có người dân tộc sinh sống (ethnic trekking), Via Ferrata (Cổng trời Yên Sơn, xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng, Dãy núi Khánh Khê, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc) - tuyến đường leo núi được tạo nên từ dây sắt và đinh, cho phép du khách treo người bên vách núi và khám phá khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ từ trên cao.
Một số hình ảnh thám hiểm hang động, hố sụt CVĐC chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn
Một số hình ảnh leo núi thể thao, khám phá hang động tại xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng
Một số hình ảnh Via Ferrata ở một số quốc gia trên thế giới (sản phẩm du lịch độc đáo, có sức hút đối với du khách)
Một số hình ảnh sản phẩm du lịch vượt thác (Canyoning) trên thế giới
Một số hình ảnh Công viên thám hiểm Kong Forest Nha Trang
Một số hình ảnh sản phẩm du lịch Glamping trên thế giới
Một số hình ảnh trekking đến các ngôi làng có người dân tộc sinh sống (ethnic trekking)
Công ty Cổ phần Việt Nam Expedtions đề xuất Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch xem xét, báo cáo, xin chủ trương của UBND tỉnh Lạng Sơn cho phép Công ty Cổ phần Việt Nam Expedtions phối hợp với một số chuyên gia hang động, địa chất và một số doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất phương án bảo tồn, phát triển sản phẩm du lịch thám hiểm hang động, hố sụt tại huyện Bình Gia (kinh phí do Công ty Cổ phần Việt Nam Expedtions và các doanh nghiệp tự chi trả).
Chương trình làm việc với một số đối tác tại Hà Nội có ý nghĩa quan trọng trong việc xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, quảng bá hình ảnh CVĐC toàn cầu UNESCO Lạng Sơn đến với một số đối tác trong nước và quốc tế, xúc tiến hợp tác khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, góp phần phát triển du lịch, du lịch địa chất (leo núi thể thao, thám hiểm hang động, hố sụt, vượt thác, cắm trại (camping), cắm trại sang trọng, cao cấp, lãng mạn (glamping), trekking đến các ngôi làng có người dân tộc sinh sống (ethnic trekking), Via Ferrata), kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, vùng CVĐC toàn cầu UNESCO Lạng Sơn nói riêng.
Phạm Hương