Lễ hội lồng tồng

Tuấn Khanh 08/11/2023

 Lễ hội lồng tồng

1. Tên gọi: Lễ hội lồng tồng

2. Loại hình: Lễ Hội

3. Địa điểm: Xã Vân An, Việt Yên, Phú Mỹ, Tràng Các, Vân Mông, Trấn Ninh, Hữu Lễ, Tri Lễ, Tú Xuyên, Xuân Mai, Bình Phúc, Yên Phúc, Tràng Phái, Tân Đoàn, Chu Túc, Đồng giáp, Hòa Bình huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.

4. Chủ thể văn hoá: Cộng đồng các dân tộc xã  Vân An, Việt Yên, Phú Mỹ, Tràng Các, Vân Mông, Trấn Ninh, Hữu Lễ, Tri Lễ, Tú Xuyên, Xuân Mai, Bình Phúc, Yên Phúc, Tràng Phái, Tân Đoàn, Chu Túc, Đồng giáp, Hòa Bình huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.

Địa điểm: Thôn Hà Quảng - xã Hòa Bình - huyện văn Quan - Tỉnh Lạng Sơn

Phần hội diễn ra trên khu đất ruộng xung quanh 03 ngôi Đình tại làng thôn Hà Quảng - xã Hòa Bình (theo lời các cụ mỗi  ngôi Đình đều do 01 dòng họ quản lý cụ thể là: Họ Hoàng (02 Đình) , họ Nông (01 Đình).

5. Miêu tả về Di sản văn hoá phi vật thể:

Thời gian: Mùng 8 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm

a. Quá trình ra đời, tồn tại của lễ hội.

Đã có từ lâu đời (không rõ nguồn gốc, thời gian) và được tồn tại đến ngày nay. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, các thông tin, tư liệu liên quan đến các vị Thành Hoàng tại các ngôi đình trên hầu như không còn.

b. Nội dung trình tự lễ hội.

- Quá trình chuẩn bị (nhân lực, cơ sở vật chất và các điều kiện khác).

Lễ hội Lồng tồng diễn ra vào ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch nhưng các công việc chuẩn bị đã được tiến hành triển khai thực hiện từ trước đó khoảng 15 ngày. Thời gian bắt đầu công tác chuẩn bị thường diễn ra từ ngày 25/12 âm lịch, có thể diễn ra sớm hoặc muộn hơn, tùy theo điều kiện cụ thể từng năm.

- Chuẩn bị về nhân lực:

Thành phần những người tổ chức lễ hội gồm: trưởng thôn, các Pú mo (02 ông Pú mo đứng ra làm chủ lễ hội), Đội múa sư tử, đại diện các gia đình được phân công (cử 5 người phục vụ lễ hội làm xôi , gà).

Tiến hành họp trước khi Lễ hội diễn ra khoảng 10 ngày.

- Chuẩn bị đồ lễ: Các hộ gia đình chuẩn bị chung mâm cỗ làm đồ lễ. Cỗ được chuẩn bị từ 1-2 hôm trước. Cỗ to hay nhỏ tùy thuộc vào điều kiện của các gia đình. Mâm cỗ thường có:

    • 01 làn xôi
    • 07 con gà
    • Bánh khoai
    • Khẩu sli
    • Hương, hoa quả

- Chuẩn bị khác:

+ Các hộ gia đình thuộc 02 dòng họ: họ Nông và họ Hoàng cùng nhau dọn dẹp sân đình, sửa chữa những chổ hỏng, dột trước khi lễ hội diễn ra 1 – 2 ngày.

+ Chi đoàn thanh niên, trưởng thôn phối hợp chuẩn bị tổ chức các trò chơi, trò diễn: lập danh sách người chơi kéo co (04 người), phân công người lấy dây kéo co, cử trọng tài...

Phần lễ: Nội dung chính phần lễ (số lượng người tham gia tế lễ (chủ tế, hội đồng tế,  và các đối tượng khác), các loại lễ và các bước quy trình tế lễ, khái quát nội dung chúc văn, diễn văn liên quan đến phần tế lễ....)

- Pú mo là người chủ tế. Trang phục của Pú mo là bộ quần áo, mũ truyền thống. Ở cả 2 đình, các nghi thức tế lễ diễn ra về cơ bản giống nhau.

- Quy trình tế: Mâm lễ của Pú mo được dâng lên đầu tiên và đặt ở vị trí cao hơn những mâm cỗ khác.

- Nội dung bài chúc văn (văn tế): báo cáo tình hình làm ăn của dân làng trong một năm qua; đồng thời cầu mong một vụ mùa mới bội thu, mong mưa thuận, gió hòa thuận lợi cho sản xuất.

          - Sau phần dâng lễ của Pú mo, các mâm cỗ do các hộ gia đình lần lượt được dâng lên và đặt tại cửa đình, thắp hương liên tục trong suốt quá trình diễn ra phần Hội.

Phần hội. (Gồm các trò chơi dân gian, diễn xướng dân gian tại lễ hội; Nội dung chính, quy trình tổ chức và  ý nghĩa của các trò chơi dân gian, diễn xướng dân gian):

Phần hội ở Lễ hội Lồng tồng 8/1 thường gồm trò chơi kéo co và 1 số trò chơi tự phát khác như: chơi quay, đánh yến..

- Kéo co: khoảng 4 người 1 đội chơi; Dây kéo co được chia đôi đánh dấu bằng 1 dây lụa đỏ ở giữa; kẻ 3 vạch, buộc 3 dây đỏ để bắt đầu chơi dây sẽ ko lệch về bên nào.

- Thành phần tham gia : vui chơi tự do (những thanh niên nam nữ trong thôn và du khách có thể đăng kí tham gia ngay tại lễ hội, miễn là cân bằng về số lượng người chơi ở hai đội).

- Thể lệ chơi: vui chơi không thưởng phạt.

6. Đánh giá thực trạng

Do trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, các thông tin, tư liệu liên quan đến các vị Thành Hoàng tại các ngôi đình trên hầu như không còn nữa. Những cụ già trong làng cũng không biết về các sự tích liên quan. Do vậy mặc dù lễ hội hiện nay vẫn được duy trì nhưng các thần phả, thần tích và nghi lễ đã bị mai một ở mức độ nhất định.

Khả năng khôi phục, duy trì phát triển lễ hội vẫn còn, nhưng cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Do trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, các thông tin, tư liệu liên quan đến các vị Thành Hoàng tại các ngôi đình trên hầu như không còn nữa. Do vậy mặc dù lễ hội hiện nay vẫn được duy trì nhưng các thần phả, thần tích và nghi lễ đã bị mai một ở mức độ nhất định

7. Các biện pháp bảo vệ và kiến nghị

a, Việc đã và đang triển khai:

Chính quyền xã, thôn nơi diễn ra lễ hội có sự quan tâm nhất định đến việc tổ chức và duy trì lễ hội. Tuy nhiên việc sưu tầm, lưu giữ các tư liệu liên quan đến việc tổ chức lễ hội chưa được địa phương lưu tâm, chú trọng.

b, Mong muốn, đề xuất:

- Sưu tầm, ghi chép, hệ thống các tư liệu liên quan đến Lễ hội đầy đủ hơn.

- UBND xã, Phòng VHTT huyện và các cấp chính quyền liên quan hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất để phục vụ cho các hoạt động tại lễ hội.

- Khôi phục lại những trò chơi dân gian đã mất như: đẩy gậy, ném còn.  Bổ sung thêm những trò chơi mới để phần hội phong phú,sinh động,thu hút được nhiêù quần chúng tham gia.

- Có chính sách ưu đãi, trưng dụng đối với các nghệ nhân múa sư tử, hát sli và các làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc. Đồng thời có kế hoạch truyền dạy lại cho thế hệ trẻ để bảo lưu, duy trì các giá trị văn hóa truyền thống được lâu dài.

8. Danh mục tài liệu có liên quan

Phiếu kiểm kê văn hoá phi vật thể tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 - 2015, loại hình lễ hội.

 

 

 

 

Bài liên quan
Lễ hội Háng pỉnh
13/11/2023

Lễ hội Háng pỉnh

Lễ hội Nhị - Tam Thanh
13/11/2023

Lễ hội Nhị - Tam Thanh

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
13/11/2023

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

0.14322 sec| 825.898 kb