Tín ngưỡng thờ Mẫu  tại Công viên địa chất Lạng Sơn - Việt Nam

24/06/2024

 

Ngoài những giá trị địa chất, vùng Công Viên Địa chất (CVĐC) Lạng Sơn còn nổi bật hơn cả bởi Tín ngưỡng thờ Mẫu trong cộng đồng dân cư, là một hình thức thờ cúng người Mẹ (Mẫu), hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần.

1.Tục thờ Mẫu đã xuất hiện từ lâu đời và phát triển trong lịch sử trên cơ sở coi trọng vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Tín ngưỡng thờ Mẫu bắt nguồn từ quan niệm về vai trò tối cao của người mẹ (mẹ con người, mẹ thiên nhiên và các nữ thần). Có nguồn gốc từ thời tiền sử, trong quá trình phát triển hình tượng người mẹ đã được thần thoại hóa, cung đình hóa, lịch sử, nhân cách hóa thành các mẫu thần và được các triều đại nhà nước phong kiến phong thần, được nhân dân tôn thờ. Hình thức thờ mẫu thần với các danh xưng như: Quốc Mẫu, Vương Mẫu, Thánh Mẫu như hiện tượng: Quốc Mẫu Âu Cơ, Mẹ Thánh Gióng, Tứ vị Thánh Nương…Tín ngưỡng này tôn thờ và đề cao vai trò của người phụ nữ khởi nguồn từ sự biết ơn người Mẹ, biết ơn đấng tối cao thiên nhiên biểu hiện qua Mẹ Đất, Mẹ Nước, Mẹ Lúa, Mẹ Cây, Mẹ Lửa,…cho đến các vị nữ anh hùng, những Công Chúa, Hoàng Hậu, Tổ cô của dòng họ, bà Tổ nghề của một làng nghề… trong dân gian đã cho con người sự sống, có công lao dạy dỗ, che chở, giúp đỡ cho cộng đồng.

Nền văn minh cũng như của một số nước Đông Nam Á  (trong đó có Việt  Nam) đã được giới khoa học quốc tế mệnh danh là các nền văn minh của cây lúa (civilisations du riz, rice civilizations). Trong nền văn minh ấy có nhiều tập tục gắn với quy trình canh tác đặc thù của cây lúa, với các tập tục ấy là những tín ngưỡng và lễ thức liên quan đến đất, đến nước và đến cây lúa. Đất và nước là những điều kiện quan trọng hàng đầu cho việc sinh sản của cây lúa, được người xưa coi như thần linh, có thần đất, thần nước và thần lúa. Vì gắn với việc sinh sản ra thóc gạo nuôi sống con người cho nên các vị thần ấy là nữ thần. Ở nước ta, người ta gọi đó là Mẹ Đất, Mẹ Nước, Mẹ Lúa. Như thế tín ngưỡng này đã góp phần vào việc xác định thêm vai trò quan trọng của phụ nữ trong sản xuất, góp phần vào việc xác định vai trò quan trọng của phụ nữ trong gia đình và trong xã hội, vai trò ấy đã được củng cố dưới chế độ mẫu quyền thời xa xưa.

Việc coi trọng phụ nữ, việc coi trọng vai trò của người mẹ, người vợ, một truyền thống tốt đẹp và có sức sống mạnh mẽ của văn hoá dân gian ở nước ta là cơ sở chính trị xã hội, cơ sở tinh thần và tâm lý trên đó đã hình thành và phát triển tục thờ nữ thần. Tục thờ các bà mẹ, các mẫu, một tục có từ thời Văn Lang, Âu Lạc và còn truyền lại cho đến ngày nay chính là tục thờ nữ thần của người Việt cổ.

2. Tục thờ Mẫu là một tín ngưỡng gắn với yêu cầu thiết thực của đời sống tâm linh của nhân dân trong xã  hội vùng Lạng Sơn, Việt Nam.

Thờ Mẫu là một tín ngưỡng có nguồn gốc dân gian, một tín ngưỡng bản địa; là loại hình tín ngưỡng dân gian của người Việt được tích hợp bởi ba lớp tục thờ: thờ Nữ thần; thờ Mẫu thần; thờ Tam phủ - Tứ phủ. Tại mỗi địa phương, tín ngưỡng này cũng có sự tiếp thu, giao lưu với các tín ngưỡng dân gian bản địa khác, trong đó Lạng Sơn là điểm dừng chân thú vị của chuyến hành trình này và dần trở thành trung tâm thờ Mẫu lớn ở khu vực vùng núi phía Bắc Việt Nam. Các Thánh Mẫu, các vị thần trong điện thần tam phủ có nguồn gốc không chỉ của người Việt, mà còn của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam như người Tày, Nùng, v.v. thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam.

Tục thờ thờ Mẫu gắn với uy lực của các bà mẹ và mỗi địa phương lại có bà mẹ (hoặc nhiều bà mẹ) của mình. Mẹ xứ sở, mẹ Đất, mẹ Nước, mẹ Rừng, mẹ Lúa, mẹ của tộc người (lớn hơn nữa của Dân tộc), v.v…Có nhiều bà mẹ cụ thể trong mỗi loại bà mẹ và từng bà mẹ cụ thể ấy lại gắn với từng địa phương cụ thể.

Tượng Thánh Mẫu(Ảnh TL-st)

Theo các tài liệu lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu có mặt ở Lạng Sơn từ khoảng cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, ngay từ khi du nhập đã có sự giao lưu và tiếp nhận mạnh mẽ với tín ngưỡng dân gian bản địa, đến nay đã ăn sâu vào đời sống văn hóa tâm linh của đại đa số người dân Lạng Sơn. Việc tôn thờ hình tượng Mẫu là một nét đẹp văn hóa truyền thống của một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, thể hiện sự hòa hợp văn hóa, đạo lý uống nước nhớ nguồn, đề cao vai trò của người phụ nữ. Tại Lạng Sơn, song song với thờ Mẫu tại các đền, chùa thì người Tày, Nùng còn thờ cả mẹ Hoa (Mẻ Bjoóc), đây là nét đặc trưng khác biệt của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Lạng Sơn so với các vùng khác. Tín ngưỡng thờ Mẫu thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân. Tín ngưỡng này tôn thờ hơn 50 vị thánh khác nhau, vừa là nhân thần (nhân vật lịch sử có thật) vừa là nhiên thần với đặc trưng là nghi lễ hầu đồng và hát chầu văn.Tháng 12/2016, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh Lạng Sơn có hơn 100 di tích trực tiếp thờ Mẫu hoặc phối thờ (có ban thờ Mẫu).

Tín ngưỡng thờ Mẫu là loại hình tín ngưỡng đặc biệt, đa văn hoá (của người Việt, Tày, Nùng, …), chứa đựng nhiều tục thờ, tín ngưỡng, tôn giáo, có sự giao lưu, tiếp biến với các loại hình tín ngưỡng dân gian của nhiều tộc người; tinh thần người Việt luôn sẵn sàng mở cửa để tiếp nhận đa văn hóa. Tục thờ Mẫu vẫn còn đang sống động, trong tâm thức của nhân dân, các Mẫu luôn luôn ở gần con người, thậm chí ở ngay xóm làng, và luôn đáp ứng những thỉnh cầu cụ thể của xóm làng.

3. Hệ thống thờ Mẫu trong vùng Công viên địa chất  Lạng Sơn.

“Trong các loại hình tín ngưỡng tồn tại ở vùng đất Lạng Sơn, tín ngưỡng thờ Mẹ (Mẫu) đã xuất hiện và có chiều dài lịch sử gắn chặt với tâm thức cộng đồng người Tày (lớp dân cư bản địa của vùng đất này) và người Nùng (phần lớn di cư từ Trung Quốc sang). Sống giữa thiên nhiên, gần gũi với núi rừng cỏ cây, trong quan niệm của người Tày, Nùng còn ít nhiều duy trì dấu vết của chế độ Mẫu hệ. Dấu vết ấy bắt gặp qua tục thờ cúng Mẹ Trăng, Mẹ Hoa, Mẹ Pựt... Trong đó tiêu biểu hơn cả là tục thờ Mẹ Hoa (Mẻ Bjoóc)”[1]. Qua quá trình một bộ phận người Việt lên định cư, giao thương buôn bán đã đem theo tín ngưỡng của họ. Sự xuất hiện ban thờ Mẫu tại Lạng Sơn có nhiều dạng thức khác nhau. Ngoài ra, tại Lạng Sơn, người ta dễ nhận thấy có một số di tích có đối tượng thờ phụng gắn với thần linh Tứ phủ đã đi vào lời ca chầu văn, đó là đền Bắc Lệ thờ Chầu Bé Bắc Lệ; đền Mỏ Ba thờ Chầu Mười; đền Suối Ngang, Suối Lân thờ Mẫu Liễu Hạnh và các thánh trong hệ thống Tứ phủ...

Các ngôi đền tiêu biểu của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Lạng Sơn phần lớn đều nằm trong vùng lõi của Công viên địa chất, trong đó tập trung nhiều và phổ biến nhất là huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Thành phố Lạng Sơn và Cao Lộc. Đây là tiềm năng lớn để phát triển loại hình du lịch tâm linh gắn với xây dựng, phát huy hiệu quả hoạt động của Công viên địa chất Lạng Sơn. Một số ngôi đền, chùa tiêu biểu như đền Bắc Lệ (huyện Hữu Lũng); đền Chầu Năm, đền Chầu Mười (huyện Chi Lăng); Tứ trấn Thành Lạng Sơn[2], chùa Tam Thanh (thành phố Lạng Sơn)…

Hệ thống Tứ Phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu (Ảnh TL-st)

Hệ thống thần linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu hết sức đa dạng, phong phú, với hơn 60 vị và phân cấp theo chiều dọc. Ngoài ra, theo quan niệm của tín ngưỡng thờ Mẫu còn hệ thống các vị chúa cai quản các cửa rừng, các vị nữ thần bản cảnh như Chúa Cà Phê, Chúa Năm Phương, Chúa Ba Nàng... Các vị thánh trong tín ngưỡng này không chỉ được phân theo hàng mà còn chia thành các phủ. Đứng đầu mỗi phủ là một vị Thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên cai quản Thiên phủ; Mẫu địa (Địa Tiên Thánh Mẫu) cai quản Địa phủ; Mẫu Thoải cai quản Thoải phủ; Mẫu Thượng Ngàn cai quản Nhạc phủ. Giúp việc cho các Thánh Mẫu là các vị thuộc hàng Quan, Chầu bà, ông Hoàng, Thánh cô, Thánh cậu... cũng phân theo 4 phủ. Dưới đây là hệ thống thần linh chung nhất thường tại các ngôi đền trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn: Phật Bà Quan Âm; Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu;Tam tòa Thánh Mẫu; Ngũ vị Quan lớn (5 vị); Chầu bà (12 vị); Thập vị Quan Hoàng (10 vị);Thánh cô (12 vị);Thánh cậu (10 vị); Ngũ hổ ; Lốt (rắn). Các đặc điểm này hoàn toàn trùng khớp với tín ngưỡng thờ Mẫu trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn cụ thể: thứ nhất, các di tích thờ Mẫu ở Lạng Sơn thường xuất hiện ở các trung tâm buôn bán của người Việt dọc tuyến quốc lộ 1A; thứ hai, các ngôi đền thờ Mẫu ở Lạng Sơn thường có nguồn gốc là những di tích cổ của địa phương (thờ thần tự nhiên; thờ người có công; thờ người chết trẻ linh thiêng; thờ thổ công; các ngôi đền xây mới hoàn toàn); thứ ba, điện thần Mẫu ở Lạng Sơn thể hiện sự thống nhất của mô hình Phật - Mẫu - Thánh nhà Trần; thứ tư, sự đa dạng trong thực hành nghi lễ lên đồng.

Đền Công đồng Bắc Lệ, huyện Hữu Lũng (Ảnh TL-st)

Bắt đầu từ Đền Công Đồng Bắc Lệ Là điểm khởi đầu của CVĐC Lạng Sơn, đồng thời cũng là điểm khởi đầu của quá trình lan toả, du nhập, giao thoa và bản địa hoá Tín ngưỡng thờ mẫu  từ vùng đồng bằng, đền Mẫu Bắc Lệ là trung tâm của một quần thể gồm hàng chục ngôi đền thờ Mẫu…trong Bắc từ bao đời nay. Nét đặc biệt của đền Mẫu Bắc Lệ là trải qua nhiều lớp thần tích gồm phạm vi huyện Hữu Lũng và các vùng lân cận, đã trở nên nổi tiếng toàn miền Thánh mẫu Thượng ngàn (mẫu bản địa) và Chầu Bé Bắc Lệ, vị thánh Chầu hách danh trong tam, tứ phủ cũng như tại khu vực này. Mẫu Bắc Lệ, Chầu Bé Bắc lệ có công, hiển linh phù trợ cho các triều đại đánh giặc bảo vệ quê hương, bờ cõi đất Việt.

Đền Chầu Mười Đồng Mỏ được lập gần khu ải Chi Lăng, nơi Chầu trấn giữ năm xưa, chính thờ là Đền Chầu Mười Đồng Mỏ hay Mỏ Ba Linh Từ – ngôi đền nổi tiếng xứ Lạng thờ phụng Chầu Mười thuộc xã Hoà Bình, huyện Chi Lăng. Chầu Mười Đồng Mỏ là vị thánh chầu thứ mười trong hàng Tứ phủ Thánh chầu, đứng sau Chầu Chín Cửu Tỉnh, cũng giống như Chầu Tám Bát Nàn, Chầu Mười Đồng Mỏ là vị nữ tướng anh linh hiển hách nhất vùng Lạng Sơn. Tên gọi Đồng Mỏ được lấy từ địa danh nơi chầu đã lập được nhiều chiến công hiển hách trong công chiến đấu trấn giữ bảo vệ bờ cõi trước quân xâm lược nhà Minh.

Thành phố Lạng Sơn nơi thành cổ Lạng Sơn (Đoàn Thành) xưa, có bốn cổng chính (Cổng Thành) ở bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc và tương ứng với bốn cổng này có bốn ngôi đền linh thiêng trấn giữ bảo vệ tòa thành bao gồm: đền Cửa Đông (Đông Môn Từ); đền cửa Tây (Tây Môn Từ); đền cửa Nam (Nam Môn Từ) và đền cửa Bắc (Bắc Môn Từ) được xây dựng khoảng cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX. Hiện nay, các đền đều tọa lạc tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn và hướng ra dòng sông Kỳ Cùng. Điểm chung của các ngôi đền này đều thờ các vị thần của tín ngưỡng thờ Mẫu và thờ nhà Trần. Trong đó, tiêu biểu có đền Cửa Đông là nơi thờ thần Bạch Đế (thần sông Kỳ Cùng) đã được sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn chép lại. Năm 2013, các ngôi đền này đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Tại thành phố Lạng Sơn còn nhiều di tích có phối thờ Mẫu.

Đền Mẫu Đồng Đăng, huyện Cao Lộc (Ảnh TL-st)

Đến Đền Mẫu Đồng Đăng (Đồng Đăng Linh Tự hay Quan Âm Linh Tự) nằm ở thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, cách thành phố Lạng Sơn 15 km. Đền Mẫu thờ tín ngưỡng thánh Mẫu và phật theo kiểu "Tiền Thánh - Hậu Phật". Tượng phật được bài trí tại cung cấm trên vị trí cao nhất (Tòa bảo tháp 7 tầng) tiếp đến là hệ thống tượng thờ của tín ngưỡng Mẫu (Tứ phủ) gồm có Mẫu Thiên (Đệ nhất), Mẫu Thoải (Đệ Tam), Mẫu Địa (Đệ tứ), Mẫu Thượng Ngàn (Đệ nhị). Hệ thống tượng thờ bài trí tại các ban thờ trong Đền Mẫu rất phong phú, đầy đủ các thứ bậc. Đền Mẫu Đồng Đăng thu hút đông đảo nhân dân trong nước và du khách quốc tế, nhất là trong dịp lễ hội tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm. Di tích Đền Mẫu Đồng Đăng đã được công nhận di tích cấp tỉnh năm 2002.

4. Nghi lễ hầu đồng – một nghi lễ điển hình trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Bên cạnh hệ thống các di tích, trong tín ngưỡng thờ Mẫu có một nghi lễ điển hình nhất - đó chính là nghi lễ hầu đồng. 

Hầu đồng là một hình thức diễn xướng dân gian dựa trên việc kết hợp hát chầu văn, một loại hình âm nhạc mang tính tâm linh với lời ca trau chuốt, giai điệu dặt dìu cuốn hút cùng với những điệu múa uyển chuyển và các nghi lễ trang nghiêm... từ đó đưa con người (thanh đồng) vào trạng thái thăng hoa. Đây là một kho tàng nghệ thuật diễn xướng dân gian rất đặc biệt với nhiều câu chuyện truyền thuyết, thần tích hấp dẫn về các thần linh;  tạo nên một không gian tâm linh huyền bí mà còn thể hiện được nét uy nghi, sang trọng, cũng như niềm hân hoan và vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng của người Việt trong một thế giới văn hóa đa sắc màu, đa dân tộc.Chầu văn còn gắn liền với đạo Tam, Tứ phủ và nghi lễ Lên đồng. Văn chầu nói về sự tích, công trạng của một vị thánh nào đó trong hệ thống các thánh của đạo Mẫu Tam, Tứ phủ. các danh lam thắng cảnh, nhiều sự kiện lịch sử, nhiều sinh hoạt văn hóa xã hội cũng được mô tả khá sinh động làm nên những bức tranh về lịch sử, xã hội văn hóa của đất nước.

Hát văn là loại hình nghệ thuật diễn xướng cổ truyền của Việt Nam (Ảnh TL-st)

 “Trong giới nghiên cứu trong và ngoài nước có nhiều quan điểm khác nhau về hầu đồng (lên đồng), đó có phải là hình thức Shaman[3] hay không? M.Durand trong công trình nghiên cứu “Kỹ thuật và điện thần của lên đồng ở Việt Nam” (1959), tuy gọi các thầy đồng là người môi giới (Mediem) nhưng vẫn cho rằng lên đồng là một dạng thức Shaman”[4]. Khi lên đồng, các thầy đồng đều phải tự đưa mình vào trạng thái ngây ngất (estacy), với sự trợ giúp của âm nhạc, lời hát Văn rộn ràng, múa nhảy sôi động, màu sắc rực rỡ, rượu, thuốc, hương hoa ngào ngạt... Khi vị Thánh nào nhập, thì phải mặc lễ phục của vị Thánh đó. Lễ phục Thánh Quan uy nghi, lễ phục Chầu bà mang đầy màu sắc của dân tộc thiểu số, lễ phục của Ông Hoàng phong nhã, lễ phục của Thánh Cô tha thướt, lễ phục Thánh Cậu mang vẻ nghịch ngợm. Thậm chí màu sắc các lễ vật dâng Thánh trong buổi lễ cũng phải phù hợp với màu biểu trưng của các phủ của vị Thánh đó. Nhộn nhịp nhất trong nghi lễ Lên đồng là khi các vị Thánh phát lộc và phán truyền.

Các nghệ nhân thực hành tín ngưỡng trong vùng CVĐC Lạng Sơn (Ảnh TL-st)

Hầu đồng là nghi lễ độc đáo trong Tín ngưỡng thờ Mẫu (Ảnh TL-st).

 Lộc Thánh bằng tiền, đồ vật (hoa quả, bánh trái, vật dụng...) mà theo quan niệm dân gian, là thứ thiêng liêng“Một chút lộc Thánh còn hơn gánh lộc trần”. Để phát huy những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng này, tỉnh Lạng Sơn đang tiếp tục đẩy mạnh vai trò kết nối giữa các bên liên quan, nhà nước và cộng đồng, trong việc giáo dục và truyền dạy. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý văn hóa cần nâng cao vai trò trách nhiệm của các thủ nhang, đồng đền, thanh đồng..., tập hợp được các đồng thầy, chủ đền có uy tín để tạo ảnh hưởng tích cực đến các thanh đồng thờ Mẫu.

Thay lời kết

Công viên Địa chất Lạng Sơn đã phối hợp với các chuyên gia tư vấn nước ngoài và Việt Nam tiến hành khảo sát, xây dựng 4 tuyến tham quan; mỗi tuyến tham quan đều có các điểm hóa thạch cổ sinh, di sản địa chất và có các điểm di tích gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu.

  Từ các hoạt động thực tiễn của du lịch tâm linh; các cơ sở di tích, các lễ hội tín ngưỡng tâm linh sẽ được cộng đồng cùng quan tâm và chia sẻ trách nhiệm trong công tác bảo vệ, lưu giữ và phát huy các giá trị vốn có của di sản trên các mặt, như: duy trì tổ chức các hoạt động lễ hội; huy động công tác xã hội hóa trong hoạt động bảo tồn các di tích để đảm sự tồn tại bền vững dài lâu của di tích, từ đó đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ của du khách và cộng đồng… qua hoạt động thực tiễn từ du lịch tâm linh, trong thời gian qua công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá của tỉnh đã đạt được nhiều tiến bộ. Nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được bảo vệ và phát huy giá trị, công tác xã hội hóa được tăng cường và thu hút được đông đảo các tổ chức và cá nhân tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá. Thông qua các hoạt động du lịch tâm linh, công tác tuyên truyền, quảng bá bảo tồn và phát huy giá trị di tích đã được được thực hiện nghiêm túc, khoa học, nhiều lễ hội của Lạng Sơn đã được phục dựng và tổ chức, đã thu hút đông đảo du khách và nhân dân hưởng ứng tham gia

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Giá trị văn hóa Lạng Sơn chứa đựng trong tín ngưỡng thờ Mẫu đã tạo nên sức sống lâu bền của tín ngưỡng độc đáo này. Tín ngưỡng này hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn. Giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu là cái tâm hướng thiện, bởi mỗi người mẹ đều dạy con sống hướng thiện. Người đến với Mẫu tâm phải sáng, trong cuộc sống thể hiện là người biết ăn ở, biết đối nhân xử thế, thành tâm thờ phụng ông bà tổ tiên, cao hơn là biết ơn những người có công với dân, với nước theo đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của người Việt. Đây là nguồn tài nguyên di sản văn hóa quý giá, góp phần tạo nên sự độc đáo, riêng có cho Công viên địa chất Lạng Sơn. Qua đó, giúp kết nối và làm nổi bật hơn giá trị của Công viên địa chất Lạng Sơn, góp phần tạo nên sự đa dạng cho tài nguyên di sản văn hóa Lạng Sơn./.

Vi Thị Quỳnh Ngọc


[1] Ngô Đức Thịnh (2019), Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb. Tri thức, Hà Nội, tr.199.

[2] Tứ trấn gồm các di tích: Đền Cửa Đông, đền Cửa Tây, đền Cửa Nam, đền Cửa Bắc thuộc phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn bốn ngôi đền đều cùng có thờ Mẫu.

[3] Shaman là một hình thức tôn giáo mang tính phổ biến của xã hội loài người, hưng thịnh dưới chế độ bộ lạc, theo đó, con người thông quan với thế giới thần linh (siêu nhiên) phải thông qua một người trung gian (thầy Shaman) có khả năng phù phép, tự đưa mình vào trạng thái ngây ngất. Khái niệm này được dùng từ thế kỷ XVIII để gọi thầy đồng ở vùng Xibêri (Nga) và đông bắc Trung Quốc.

[4] Ngô Đức Thịnh (2008), Lên đồng hành trình của thần linh và thân phận (len dong – Journeys of spirits, bodies and destinies), Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, tr.107

Bài liên quan
Tổ chức Đoàn công tác Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn đi làm việc với một số đối tác nước ngoài tại Hà Nội
21/10/2024

Tổ chức Đoàn công tác Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn đi làm việc với một số đối tác nước ngoài tại Hà Nội

Công tác chuyển đổi số trong bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn và quảng bá, lan tỏa hình ảnh, xúc tiến đầu tư, vận động các nguồn tài trợ, hỗ trợ cho việc xây dựng, vận hành, phát huy các giá trị của công viê
27/09/2024

Công tác chuyển đổi số trong bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn và quảng bá, lan tỏa hình ảnh, xúc tiến đầu tư, vận động các nguồn tài trợ, hỗ trợ cho việc xây dựng, vận hành, phát huy các giá trị của công viê

Lạng Sơn tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 8  của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO  khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại tỉnh Cao Bằng
22/09/2024

Lạng Sơn tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại tỉnh Cao Bằng

0.02532 sec| 897.117 kb