Giá trị di sản, địa chất của hệ thống hang động huyện Bình Gia
Địa hình huyện Bình Gia bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi đất và núi đá có độ dốc từ 250m – 300m trở lên. Các dải thung lũng hẹp có diện tích nhỏ. Huyện Bình Gia có 02 lớn: sông Bắc Giang với chiều dài trên 50km và sông Pác Khuông chảy qua là nguồn nước quan trọng, mặt khác có rất nhiều con suối lớn nhỏ phân bổ ở khắp các xã. Dạng địa hình núi đá với nhiều hang động lớn nhỏ khác nhau và hệ thống sông suối phong phú là điều kiện thuận lợi cho hoạt động cư trú của con người. Các nhà khảo cổ trong và ngoài nước đã phát hiện nhiều hiện vật khảo cổ có giá trị nghiên cứu khoa học rất lớn mang tầm quốc tế: 01 mảnh xương trán và 02 mảnh xương hàm của người Homo Spiens (Người Khôn ngoan sớm) tại hang Thẩm Hai có niên đại cách ngày nay 470.000 năm; 09 chiếc răng người Homo Erectus (Người đứng thẳng), 01 chiếc răng người vượn khổng lồ (Gigantopithecus) tại hang Thẩm Khuyên; 01 mảnh xương sọ người tiền sử, 01 chiếc răng gấu tre, 01 hàm răng của người Hoiosapiens có niên đại cách ngày nay 30.000 năm tại hang Kéo Lèng; các hiện vật thuộc văn hóa Bắc Sơn (di cốt người, dấu Bắc Sơn, rìu đá…) được phát hiện tại nhiều hang động trên địa bàn huyện Bình Gia: hang Duộc Giáo, Mái đá phố Bình Gia II, Mái đá Thẩm Thời...chứng minh rằng Bình Gia là một trong những chiếc nôi của người Việt cổ.
Hệ thống hang động huyện Bình Gia cùng với những hiện vật khảo cổ đã được tìm thấy có giá trị nghiên cứu khoa học rất lớn đối với các nhà khoa học trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, cũng có rất nhiều hang động đẹp, với nhiều tầng hang, suối chảy trong hang, cùng với đó là hệ thống thạch nhũ được bảo tồn tương đối nguyên vẹn…, đây cũng chính là những điểm tham quan, học tập, nghiên cứu rất bổ ích.