Tập huấn trực tuyến “Phát huy vai trò của thanh niên trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản địa chất, Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn gắn với xây dựng các mô hình du lịch địa chất”
Ngày 19/5/2025, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Tỉnh đoàn Lạng Sơn và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức lớp tập huấn trực tuyến “Phát huy vai trò của thanh niên trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản địa chất, Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn gắn với xây dựng các mô hình du lịch địa chất”.
Chương trình tập huấn đã diễn ra thành công tốt đẹp; thu hút sự tham gia của 53 đại biểu theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu cấp tỉnh và 3.000 đoàn viên, thanh niên tham gia theo hình thức trực tuyến tại 11 điểm cầu cấp huyện và 194 điểm cầu cấp xã.
Đ/c Nguyễn Hữu Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn phát biểu khai mạc lớp tập huấn
Tại buổi tập huấn Ban Tổ chức lớp tập huấn chiếu Video Clip về Du lịch địa chất (thám hiểm hang động, hố sụt, abseiling, trekking vùng CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn). Đường dẫn Video Clip: https://drive.google.com/file/d/1kRpebBuW1V_AFVBkoQjqPRRvKeF1QeiK/view?usp=drive_link
Lãnh đạo Phòng Quản lý CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn (Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch) phát biểu
Phòng Quản lý CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn (Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch) đã giới thiệu tổng quan về CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn; định hướng phát triển du lịch địa chất của UNESCO qua Sách hướng dẫn "Du lịch địa chất cho Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO" hỗ trợ các điểm đến, cộng đồng và các bên liên quan trong việc phát triển và thúc đẩy các sáng kiến du lịch địa chất bền vững tại Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO, các dự án Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO; tiềm năng phát triển mô hình du lịch địa chất, du lịch mạo hiểm trong vùng CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn. Phòng Quản lý CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn đề xuất các nội dung hợp tác với đoàn viên, thanh niên hình thành các Con đường mòn địa chất (Geotrail) CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn (Con đường mòn địa chất“Hành trình đến với Trái tim Hồ Lân Ty”, Con đường mòn địa chất “Kỳ vĩ Sống Khủng long - Đỉnh Phja Pò”, Con đường mòn địa chất “Thì thầm Hoa Đỗ Quyên - Đỉnh Phja Mè”; Con đường mòn địa chất “Hành trình đến với Hố sụt Thẩm Lũm”; Con đường mòn địa chất“Hành trình đến với Viên ngọc quý của CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn” (có Hang Khuôn Bồng dài gần 5 km đẹp kỳ vĩ), Con đường mòn địa chất “Hành trình đến với ngôi bí ẩn mang tên Hạnh Phúc”); phát triển sáng kiến Tour du lịch thám hiểm “Cuộc viễn du kỳ vĩ” vùng CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn và các sáng kiến: Đối tác, Đại sứ, Ẩm thực, Sản phẩm, Nhà hàng, Khách sạn, Homestay CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn, sản xuất quà lưu niệm, tặng phẩm; triển khai các dự án cải tạo, chỉnh trang cảnh quan làng du lịch cộng đồng, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch; thành lập Câu lạc bộ/Hiệp hội Hang động CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn.
Đại biểu tại điểm cầu cấp tỉnh
PGS.TS. Trần Tân Văn, Chuyên gia Cao cấp về CVĐC trình bày về tiềm năng và thách thức trong phát triển du lịch thám hiểm hang động bền vững tại CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn. Cụ thể như sau:
Chuyên gia đưa ra một số lưu ý trong bảo vệ và khai thác hang động, các vùng đá vôi: Đánh giá đầy đủ tất cả các giá trị kinh tế, khoa học và nhân văn của chúng trong bối cảnh văn hóa và chính trị địa phương. Hiểu rõ đặc điểm hang động và các giá trị độc đáo của chúng. Mọi hoạt động trên mặt đất đều tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến dưới lòng đất hoặc dưới hạ lưu. Yêu cầu quản lý lưu vực tổng thể các vùng đá vôi quan trọng hơn so với nhiều vùng đất khác. Các vùng đá vôi nguyên sơ hiện nay còn lại khá ít, cần ưu tiên bảo tồn, phát huy giá trị của chúng. Ở những vùng đá vôi khác cần chú trọng khắc phục mọi tác động tiêu cực từ các hoạt động quản lý trong quá khứ và hiện tại; bảo vệ các quá trình tự nhiên, đặc biệt là hệ thống thủy văn karst, là cơ sở để bảo vệ và quản lý hiệu quả các vùng đá vôi. Chẳng hạn quá trình lưu chuyển khí carbonic (CO2), từ nồng độ thấp trong khí quyển tăng lên trong đất rồi lại giảm xuống trong các hang động - một quá trình đặc biệt quan trọng trong số các quá trình karst. Nồng độ carbonic trong đất tăng cao là kết quả của quá trình hô hấp của rễ cây, hoạt động của vi sinh vật và côn trùng như giun và các loài động vật không xương sống khác. Cần duy trì dòng lưu chuyển này để các quá trình hòa tan, rửa lũa karst có thể diễn ra một cách thuận lợi.
Khi lập kế hoạch quản lý hang động, các vùng đá vôi cần tính đến các yếu tố phạm vi, quy mô của hệ thống karst. Vì chỉ áp dụng duy nhất một quy định quản lý cho cả hệ thống thủy văn karst (hoặc hệ thống hang động) phức tạp là không đủ để bảo vệ các quá trình tự nhiên đang diễn ra ở các phần khác nhau của hệ thống. Hệ sinh thái hang động phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thức ăn đưa xuống từ trên mặt đất. Để các quần xã sinh vật trong hang có thể tồn tại và phát triển bình thường cần bổ sung đầy đủ và đều đặn các nguồn thức ăn và năng lượng từ bên ngoài vào. Một hệ thống thủy văn karst (hoặc hệ thống hang động) có thể gồm một số đường dẫn hoặc kiểu loại đường dẫn, từ các dòng chảy đang hoạt động đến các lối đi không còn hoạt động nữa ở các tầng cao hơn, cũng như các đường dẫn tàn dư kết nối kém khác. Mỗi kiểu loại đường dẫn như vậy cần có cách thức quản lý khác nhau. Trong một vùng đá vôi, nước dưới đất ở một số khu vực có thể rất dễ bị ô nhiễm trong khi một số khu vực khác lại ít nhạy cảm hơn. Vì vậy để bảo vệ nước dưới đất ở các vùng đá vôi cần quy hoạch sử dụng đất một cách tổng thể, toàn diện. Cần điều tra, kiểm kê hang động để làm cơ sở cho công tác quản lý. Những đặc điểm cần đặc biệt lưu ý trong mỗi hang động cần được đo vẽ, thể hiện trên bản đồ. Tùy trường hợp cụ thể cần đánh giá rủi ro cho các nhóm hang động, từng hang động riêng lẻ hoặc từng phần trong một hang động. Cần đánh giá cả rủi ro đối với người thám hiểm cũng như rủi ro họ có thể gây ra cho hang động. Cần đánh giá mức độ dễ bị tổn thương của từng loại đặc điểm để xác định các hang động, hoặc các phần/đoạn hang động phù hợp với từng mục đích sử dụng cụ thể. Cách tiếp cận tốt nhất trong quản lý tác động của việc sử dụng, khám phá hang động là xây dựng một kế hoạch chiến lược, dài hạn, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan; có thể cần kết hợp nhiều sáng kiến, trong đó chính sách sử dụng, khám phá hang động luôn đóng vai trò quan trọng.
Người hướng dẫn, cung cấp dịch vụ thám hiểm hang động cần chứng minh rằng họ được đào tạo đầy đủ về các khía cạnh an toàn và bảo tồn hang động. Người thám hiểm hang động cần làm quen và tuân thủ bộ “Quy tắc tác động hang động tối thiểu” (minimal impact caving code, MICC). Trường hợp chưa áp dụng MICC quốc gia hoặc khu vực đối với một khu bảo tồn, cần xây dựng bộ quy tắc riêng trên cơ sở các bộ quy tắc hiện có. Cần kiểm soát mọi hoạt động khai quật, thăm dò, nghiên cứu hang động trong các khu bảo tồn bằng giấy phép hoặc các thỏa thuận cụ thể. Ban quản lý các khu bảo tồn cần xây dựng kế hoạch ứng phó khả thi đề phòng các sự cố hang động có thể xảy ra, với sự tham gia của tổ chức hang động khu vực hoặc quốc gia và cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm cứu hộ, cứu nạn. Kế hoạch này đồng thời cũng cần hướng dẫn giảm thiểu tác động của hoạt động cứu hộ, cứu nạn đối với hang động và trên mặt đất. Mọi hình thức vận chuyển cơ giới vào các hang động còn nguyên sơ đều không phù hợp. Không sử dụng những hang động này vào bất kỳ sự kiện quảng bá hoặc thể thao nào.
Cần quản lý hoạt động tham quan hang động theo các tiêu chuẩn cao nhất có thể và tuân thủ các hướng dẫn của Hiệp hội quốc tế các hang động dành cho hoạt động tham quan (International Show Caves Association, ISCA) hoặc các đề xuất ở đây. Cần đánh giá kỹ tính bền vững về kinh tế và môi trường trước khi triển khai hoạt động tham quan hang động. Trong mọi hoạt động tham quan hang động an toàn là trên hết. Đánh giá sức chứa du khách của một hang động tham quan là bài toán cân bằng giữa việc đem lại trải nghiệm tham quan hang động an toàn, thú vị, nhiều thông tin cho du khách và giảm thiểu tác động đến hang động, đồng thời đạt được các mục tiêu kinh tế. Cần xem xét cả ba yếu tố - trải nghiệm của du khách, tác động môi trường và kinh tế. Cần lập sơ đồ thể hiện các chi tiết trên mặt đất cũng như dưới sâu của hang động để đánh giá tác động tiềm ẩn các công trình trên mặt đất có thể gây ra cho hang động. Cơ sở hạ tầng ở hang tham quan cần vừa đủ để duy trì môi trường hang động tự nhiên. Cần đánh giá, thiết kế và triển khai cẩn thận mọi hoạt động xây cất mới, dù ở các hang hiện có hay các hang mới, trên cơ sở những thực tiễn hiện tại tốt nhất. Mạng lưới điện chiếu sáng trong hang tốt nhất nên được chia thành các khu; chỉ chiếu sáng vừa đủ một số đặc điểm nhất định ở những phần hang hiện có du khách để tăng thêm trải nghiệm của du khách. Để quản lý hiệu quả và linh hoạt các hang động tham quan cần tiến hành quan trắc. Tối thiểu cần quan trắc định kỳ động thái hang, hệ động thực vật, khí hậu và nồng độ khí CO2 trong hang.
Đơn vị quản lý hang động tham quan phải có đủ năng lực quản lý cả hoạt động kinh doanh lẫn bảo vệ môi trường hang. Hướng dẫn viên tham quan hang động đóng vai trò rất quan trọng - là cầu nối giữa hang động và du khách. Họ cần được đào tạo bài bản về các giá trị cụ thể của hang và cách thuyết trình cho du khách. Các hang động tham quan cần có hệ thống thuyết minh, giới thiệu chất lượng cao để giúp công chúng hiểu rõ và trân quý môi trường hang động. Các vùng đá vôi xa xôi, hẻo lánh, hiểm trở có thể có những giá trị đa dạng sinh giới và đa dạng địa chất chưa được nhận biết và chúng cần được khảo sát, đánh giá trước khi quyết định có nên cho phép triển khai các hoạt động du lịch mạo hiểm ở đó hay không, trong những điều kiện nào và ở đâu. Cần thiết kế, xây cất cơ sở hạ tầng hỗ trợ các hoạt động trên mặt đất ở các vùng đá vôi sao cho ít tác động đến môi trường cảnh quan nhất, cả trực quan lẫn tính toàn vẹn của chúng, để khi cần, có thể dễ dàng dỡ bỏ, trả lại hiện trạng tự nhiên ban đầu.
Khu bảo tồn có hang động và đá vôi cần có chính sách quản lý nghiên cứu khoa học và chỉ được triển khai sau khi đăng ký và được phê duyệt. Các hang động đã có kế hoạch quản lý cần có chuyên mục về hoạt động nghiên cứu. Nhà khoa học muốn nghiên cứu trong hang động cần chứng minh được rằng họ quen thuộc với môi trường hang động và bộ “Quy tắc tác động hang động tối thiểu MICC” của địa phương, hoặc họ cùng làm việc với các nhà khoa học hang động có kinh nghiệm để đảm bảo tuân thủ bộ quy tắc trên. Nhà khoa học muốn nghiên cứu trong hang động hoặc ở những vùng đá vôi, cả trong lẫn ngoài các khu bảo tồn cần xem xét cẩn thận các đề xuất của họ, so sánh các lợi ích tiềm năng với nguy cơ gây thiệt hại đến môi trường hoặc các giá trị văn hóa. Cần chú trọng áp dụng các phương pháp lấy mẫu tối thiểu đối với hệ động thực vật, thạch nhũ và trầm tích hang động. Nhà khoa học cần cam kết công bố kết quả dưới dạng dễ hiểu cho công chúng cũng như trên các phương tiện truyền thông chuyên ngành, đồng thời dỡ bỏ thiết bị và hoàn phục môi trường (nếu cần) khi kết thúc dự án.
TS. Nguyễn Xuân Hải, Khoa Du lịch và Ngoại Ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam trình bày về đào tạo, giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức về du lịch thám hiểm hang động bền vững tại CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn. Cụ thể như sau:
Xây dựng chương trình đào tạo bài bản và chuyên sâu: Nội dung đào tạo: Kiến thức về địa chất, sinh thái, văn hóa, du lịch có trách nhiệm, kỹ năng thám hiểm an toàn và phương pháp hướng dẫn chuyên nghiệp; Đối tượng đào tạo: Hướng dẫn viên, nhân viên công viên, cộng đồng địa phương, doanh nghiệp lữ hành, du khách yêu thích thám hiểm; Tài liệu đào tạo: dành cho hướng dẫn viên, nhân viên vận hành tour, cộng đồng địa phương, và doanh nghiệp khai thác du lịch hang động tại CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn. Phương pháp đào tạo: Kết hợp lý thuyết và thực hành tại thực địa trong hệ thống hang động; mời chuyên gia quốc tế và trong nước hướng dẫn chuyên sâu; xây dựng video hướng dẫn và tài liệu số hóa để dễ dàng tiếp cận; Ứng dụng hực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), hệ thống giám sát môi trường (cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, CO); chứng nhận & cấp phép; cấp chứng chỉ du lịch thám hiểm chuyên sâu cho hướng dẫn viên, nhân viên tour; doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn an toàn mới được cấp phép khai thác; hợp tác đào tạo: Liên kết với trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế về du lịch mạo hiểm; hợp tác với chính quyền địa phương để đào tạo cộng đồng và quản lý điểm đến.
Ông Phạm Văn Mạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Expeditions đưa ra các giải pháp quản lý và phát triển du lịch hang động bền vững tại CVĐC Lạng Sơn. Cộng Đồng: Khuyến khích nâng cao nhân thức, về việc bảo vệ và phát huy giá trị hang động. Doanh Nghiệp: Khuyến kích, hướng dẫn, chọn lọc và tạo điều kiền cho doanh nghiệp phát triển trong các lĩnh vực về du lịch, bảo tồn hang động. Nhà Nước: Tháo gỡ các khó khăn để khơi thông nguồn lực cho cộng đồng và doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình phát triển du lịch hang động.
Bà Nguyễn Hồng Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Cready đề xuất mô hình “1 Làng – 1 Kênh – 1 Thương hiệu” nhằm phát triển kinh tế bản địa tại vùng CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn thông qua việc xây dựng thương hiệu sản vật, phát triển kênh truyền thông do thanh niên địa phương vận hành và kết nối tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử. Chuyên gia nhấn mạnh địa phương không thiếu sản phẩm – mà thiếu sự đồng bộ, thương hiệu chuẩn chỉnh và hệ sinh thái bán hàng. Mỗi làng có một đặc sản – thì mỗi làng phải có một thương hiệu sản phẩm riêng, một “giọng nói” riêng trên mạng xã hội. Tạo ra những kênh truyền thông bản địa – do chính thanh niên địa phương làm chủ. Giải pháp đề xuất - 3 trụ cột của Mô hình: 1 LÀNG – 1 KÊNH – 1 THƯƠNG HIỆU” - Mô hình phát triển kinh tế bản địa + du lịch + truyền thông.
Thương hiệu sản phẩm bản địa (HTX – sản vật đặc trưng): Mỗi HTX được hỗ trợ định danh thương hiệu: logo, bao bì, câu chuyện, nguồn gốc; gắn sản phẩm với không gian địa chất – văn hoá (VD: Măng đá Na Dương – từ trũng hoá thạch cổ); Tích hợp mã QR để truy xuất nguồn gốc, dẫn link đến video/ website kể chuyện về vùng đất và con người. Kênh truyền thông do chính thanh niên địa phương vận hành: Thành lập mỗi làng/xã một nhóm “Thanh niên kể chuyện bản địa” ồm 3–5 bạn trẻ: quay – viết – dựng – lên ý tưởng. Mỗi nhóm xây 1 kênh TikTok/ Instagram/ Facebook Reels. Nội dung: kể chuyện về sản phẩm, về con người, về văn hoá bản địa, về điểm đến trong công viên địa chất: Livestream bán sản vật địa phương. Sáng tạo content với sản vật địa phương trên bối cảnh không gian làng quê và đời sống văn hoá dân tộc (Tày, Nùng, Dao...). Được đào tạo: sáng tạo nội dung – sản xuất video – livestream bán hàng. Có cơ chế chia sẻ doanh thu khi hỗ trợ HTX hoặc bán hàng thành công. Được hướng dẫn tổ chức trải nghiệm làm sản phẩm trực tiếp cho khách du lịch.
Kênh bán - Sàn thương mại điện tử và liên kết đặc sản: Xây dựng gian hàng “Sản vật CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn” trên Shopee, TikTok Shop. Đưa sản phẩm của các HTX lên hệ thống (ưu tiên nhóm có nội dung tốt). Tỉnh hỗ trợ vận hành logistics, đào tạo cách đóng gói – quản lý kho – chốt đơn. Có thể xây gian hàng riêng cho từng làng sau này nếu đủ điều kiện vận hành.
Lộ trình triển khai đề xuất:
Trong suốt quá trình tập huấn, đại biểu và đoàn viên thanh niên tại các điểm cầu cấp tỉnh, huyện và xã đã tích cực tham gia thảo luận, đặt câu hỏi và chia sẻ ý tưởng, quan điểm về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất. Không khí học tập sôi nổi, thể hiện tinh thần cầu thị, chủ động tiếp thu và mong muốn đóng góp thiết thực cho sự phát triển bền vững của vùng CVĐC. Qua chương trình, nhận thức và kiến thức chuyên sâu về CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn của đoàn viên, thanh niên trên toàn tỉnh đã được nâng lên, tinh thần xung kích, sáng tạo và vai trò tiên phong của thế hệ trẻ trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản được khơi dậy và củng cố. Góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch địa chất bền vững, tăng cường sự gắn kết cộng đồng và phát triển kinh tế địa phương.
Phạm Hương