Hành trình 5 năm phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn "Bảo tồn Di sản - Khẳng định Vị thế"
Lạng Sơn, với lịch sử văn hóa lâu đời và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đã và đang khẳng định vị thế nổi bật trên bản đồ di sản thế giới. Sau nhiều nỗ lực, Công viên địa chất Lạng Sơn chính thức được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào ngày 17 tháng 4 năm 2025. Đây là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu thành quả của 5 năm kiên trì xây dựng và phát triển, đồng thời mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Ý tưởng về một Công viên địa chất tại Lạng Sơn đã được ấp ủ từ sớm, với những nghiên cứu ban đầu về tiềm năng di sản địa chất vào năm 2008-2010. Đến cuối năm 2020, ý tưởng này nhận được sự quan tâm chính thức từ UBND tỉnh. "Đề án Thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025" đã được phê duyệt vào tháng 12 năm 2021.
Công viên địa chất Lạng Sơn, có tên tiếng Anh là LANG SON GEOPARK, ban đầu trải rộng trên 5 huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng với tổng diện tích 3.845,8 km2. Sau đó, vào tháng 7 năm 2023, phạm vi và ranh giới đã được điều chỉnh, mở rộng bao gồm toàn bộ địa giới hành chính các huyện Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Quan, Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn, cùng một phần huyện Bình Gia và Cao Lộc, với tổng diện tích 4.842,58 km2 và dân số khoảng 627.500 người, chiếm khoảng 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh.
Với chủ đề "Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng", Công viên địa chất Lạng Sơn hội tụ các giá trị nổi bật về địa chất và tiến hóa sự sống trong hơn 500 triệu năm, với nhiều hệ tầng và phức hệ địa chất phong phú, cùng các hệ thống di chỉ hóa thạch mang tầm quan trọng quốc tế. Đặc biệt, vùng bồn trũng Na Dương được đánh giá là "cửa sổ đặc biệt nhìn vào hệ sinh thái Eocene muộn từ Đông Nam Á". Bên cạnh đó, Lạng Sơn còn sở hữu sự đa dạng sinh học đặc trưng của núi đá vôi như Khu dự trữ thiên nhiên Hữu Liên, cùng những giá trị văn hóa lâu đời của 7 dân tộc chính như Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, Mông. Tín ngưỡng thờ Mẫu và thực hành Then đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể, cùng với 182 lễ hội truyền thống, trong đó có Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ và Lễ hội Ná Nhèm được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Công tác xây dựng hồ sơ đề cử đã diễn ra tích cực, nhận được sự hỗ trợ từ Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và các chuyên gia. Vào tháng 7 năm 2024, Đoàn chuyên gia Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã đến thẩm định thực địa tại Lạng Sơn. Chuyến thăm này được đánh giá thành công, với những phản hồi tích cực về tiềm năng của Lạng Sơn. Kết quả, ngày 8 tháng 9 năm 2024, tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Cao Bằng, Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã nhất trí 100% công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Văn bản chính thức từ Ban điều hành UNESCO được phê duyệt vào tháng 4 năm 2025.
Để tiếp tục quản lý, bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 223-NQ/TU ngày 30 tháng 5 năm 2025. Nghị quyết này đặt ra tầm nhìn và các mục tiêu chiến lược cho giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2035.
Theo Nghị quyết số 223-NQ/TU, Lạng Sơn hướng đến một mô hình phát triển mở, đáp ứng các yêu cầu bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên của tỉnh. Công viên địa chất sẽ là trung tâm nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, với mục tiêu đón 6 triệu lượt khách du lịch vào năm 2030, trong đó có 1,4 triệu lượt khách quốc tế. Đến năm 2035, con số này dự kiến tăng lên 9 triệu lượt khách, với 2,5 triệu lượt khách quốc tế. Các mục tiêu cụ thể cũng được đề ra nhằm:
Bảo tồn giá trị di sản: Triển khai các dự án nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa, thiên nhiên; bảo vệ môi trường sinh thái và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Phấn đấu lập hồ sơ xếp hạng ít nhất 06 điểm, khu di tích, và có ít nhất 01 điểm nằm trong danh sách Di sản địa chất quốc tế của IUGS vào năm 2030. Duy trì đầy đủ các tiêu chí tái thẩm định của UNESCO.
Phát huy hiệu quả giá trị Công viên địa chất: Hoàn thiện 04 tuyến tham quan với 38 điểm du lịch nổi bật. Xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm phức hợp cùng các trung tâm thông tin. Tổ chức ít nhất 01 sự kiện quốc tế trong khuôn khổ mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức cộng đồng: Thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ quản lý Công viên địa chất và du lịch. Phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức và 80% người dân được tuyên truyền về giá trị Công viên địa chất, đồng thời đảm bảo 80% trường học đưa nội dung này vào chương trình giảng dạy.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Nghị quyết số 223-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cần tập trung vào 6 giải pháp chính:
Một là, Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo: Phát huy vai trò của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cùng sự phối hợp giữa các cấp, các ngành.
Hai là, Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ, về bảo tồn và phát huy giá trị Công viên địa chất.
Ba là, Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực: Tập trung huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, trong đó xã hội hóa là chủ yếu, ngân sách nhà nước đóng vai trò khuyến khích, hỗ trợ.
Bốn là, Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước: Đảm bảo quản lý hiệu quả trong bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất.
Năm là, Nâng cao hiệu quả bảo tồn và khai thác giá trị: Gắn kết với nghiên cứu khoa học, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển du lịch.
Sáu là, Tăng cường hợp tác quốc tế: Đẩy mạnh liên kết trong phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn, đóng góp tích cực cho sự phát triển của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Việc Công viên địa chất Lạng Sơn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO là một niềm tự hào lớn, khẳng định tiềm năng và vị thế của tỉnh. Đây là cơ hội để Lạng Sơn tiếp tục phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đồng thời trở thành một điểm đến hấp dẫn, có trách nhiệm trong Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.