Đưa Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn ra thế giới qua Mạng lưới đối tác
Ngày 2/6 vừa qua, tại trụ sở của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ở Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp, Công viên địa chất Lạng Sơn đã chính thức được trao bằng công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO - Danh hiệu uy tín quốc tế trao cho Công viên địa chất Lạng Sơn trở thành động lực để tỉnh Lạng Sơn xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch địa chất tầm cỡ quốc tế, độc đáo, khác biệt, có sức cạnh tranh.
Ban Thường vụ tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 223-NQ/TU ngày 30/5/2025 về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2035, trong đó một trong những quan điểm thể hiện: huy động tổng hợp các nguồn lực trong xã hội, trong đó xác định nguồn xã hội hóa là chủ yếu, ngân sách nhà nước đóng vai trò khuyến khích, hỗ trợ, tạo cơ sở ban đầu để thực hiện. Một số mục tiêu chung liên quan đến phát triển Mạng lưới đối tác Công viên địa chất, huy động nguồn lực phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn: Công viên địa chất đóng vai trò là trung tâm nghiên cứu khoa học, hợp tác và liên kết quốc tế; khẳng định vai trò, vị thế của Công viên trong Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Mục tiêu đến năm 2030 liên quan đến phát triển Mạng lưới đối tác Công viên địa chất, huy động nguồn lực phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn: liên kết hợp tác với ít nhất 05 Công viên địa chất thuộc Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu và các Công viên địa chất các tỉnh trong nước trong bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn.
Năm 2025, Phòng Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn (Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn) tích cực nghiên cứu phát triển quan hệ đối tác với cộng đồng địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp, thành viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, Mạng lưới Công viên địa chất Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (đang xúc tiến tham mưu Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với một số Hiệp hội hang động, Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, Công ty lữ hành, doanh nghiệp).
Mạng lưới đối tác Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn dự kiến bao gồm nhiều thành phần khác nhau như: chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học, trường đại học, viện nghiên cứu, bảo tàng, doanh nghiệp, công ty lữ hành, hoạ sĩ, phòng triển lãm, nhà hát, quán cà phê, viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ, trường học, tình nguyện viên, cộng đồng địa phương,…Các đối tác sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn trên các lĩnh vực bảo tồn, gắn kết cộng đồng, giáo dục, tạo thương hiệu, tiếp thị và xúc tiến quảng bá du lịch, nghệ thuật, văn hoá và di sản, tổ chức triển lãm, lễ hội Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn,…
Sau khi định vị sản phẩm du lịch cốt lõi vùng Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn là sản phẩm du lịch địa chất (Con đường mòn địa chất, Bảo tàng thiên nhiên ở Điểm Thế giới đầm hồ Na Dương), du lịch mạo hiểm (thám hiểm hang động, hố sụt, Via Ferrata, vượt thác, trekking, zipline, chèo SUP, Kayak) và xác định sản phẩm du lịch vệ tinh là 38 điểm trên 4 tuyến du lịch CVĐC, Làng du lịch, Làng văn hoá du lịch trong vùng CVĐC Toàn cầu Lạng Sơn.
Với sản phẩm du lịch cốt lõi được định vị như trên, xác định đối tượng khách tiềm năng là khách trong nước (cho các sản phẩm con đường mòn địa chất, Bảo tàng thiên nhiên ở Điểm Thế giới đầm hồ Na Dương), khách quốc tế (cho du lịch mạo hiểm: thám hiểm hang động, hố sụt, Via Ferrata, vượt thác, trekking, zipline, chèo SUP, Kayak và trekking Con đường mòn địa chất).
Sau khi xác định được sản phẩm du lịch cốt lõi vùng CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn là sản phẩm du lịch địa chất, du lịch mạo hiểm, xác định đối tượng khách tiềm năng từ đó tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, phát triển sản phẩm du lịch, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhận lực, quảng bá mạnh sản phẩm du lịch CVĐC ra thế giới.
Học tập kinh nghiệm của tỉnh Quảng trong tăng cường đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch, dịch vụ dưới nhiều hình thức, như: Quảng bá, giới thiệu các tuyến, điểm du lịch trên trang mạng xã hội, website của đơn vị và facebook của cá nhân; tiếp cận phương thức quảng bá thông qua phim điện ảnh, các kênh truyền hình nổi tiếng trong nước và quốc tế, qua các nhân vật nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn để tạo ra hiệu ứng lan tỏa. Đồng thời tăng cường xúc tiến, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch, nhất là trên các nền tảng số; đẩy mạnh hợp tác cùng các công ty lữ hành, đối tác trong và ngoài tỉnh nhằm thu hút khách du lịch; tổ chức các đoàn đi xúc tiến, tìm kiếm đối tác để hợp tác đưa khách đến các tuyến, điểm của đơn vị…
Nghiên cứu chiến lược truyền thông của một số tỉnh, thành Việt Nam, một số CVĐC toàn cầu UNESCO, công ty lữ hành như: Oxalis, Việt Nam Expeditions, Tổ Ong Adventures, Jungle Boss,…và kết nối, hợp tác với các chuyên gia truyền thông trong truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch.
Trong thời gian tới cần đẩy mạnh truyền thông, quảng bá CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn ra thế giới qua Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, Mạng lưới CVĐC Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, rên trang mạng xã hội, website của đơn vị và facebook của cá nhân. Ứng dụng công nghệ số trong quảng bá các giá trị hang động, hố sụt, thác nước, Con đường mòn địa chất. Tạo các từ khoá cốt lõi về du lịch CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn cho hoạt động tìm kiếm trên Google. Tổ chức các đoàn đi xúc tiến, quảng bá du lịch ở nước ngoài (gặp gỡ các chuyên gia, doanh nghiệp, công ty lữhành, hiệp hội hang động, nhà thám hiểm hang động để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch, đặc biệt sản phẩm du lịch địa chất, du lịch mạo hiểm, thám hiểm hang động). Truyền thông, quảng bá du lịch CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn qua phim điện ảnh, các kênh truyền hình nổi tiếng ở trong nước và trên thế giới, qua người nổi tiếng, các hoạ sỹ, nhiếp ảnh gia nổi tiếng trong nước và trên thế giới,…
Tiếp tục giữ liên lạc với Hiệp hội Hang động Bỉ (thành viên Hiệp hội đã thông tin về việc đến thám hiểm hang động CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn vào tháng 7/2025), Hiệp hội Hang động Quốc gia Hoa Kỳ (dự kiến tổ chức một Đoàn thám hiểm hang động CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn vào tháng 10/2025), Hiệp hội Hang động Hàn Quốc và Hiệp hội Hang động Croatia đang xem xét tổ chức Đoàn thám hiểm đến CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn. Thông qua các Hiệp hội Hang động trên thế giới cũng góp phần đưa Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn ra thế giới.
Phạm Hương, Phòng Quản lý CVĐC Lạng Sơn, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn