Tập huấn bồi dưỡng kiến thức về Công viên địa chất, xây dựng hình ảnh làng nghề, sản phẩm tiềm năng mang thương hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO tại xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn
Ngày 20 tháng 02 năm 2023, Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn đã phối hợp với Tổ giúp việc tham mưu xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn của huyện Chi Lăng, Ủy ban nhân dân xã Vạn Linh tổ chức Lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về Công viên địa chất, xây dựng hình ảnh làng nghề, sản phẩm tiềm năng mang thương hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO dành cho người dân, HTX tại các làng nghề, vùng sản xuất sản phẩm tiềm năng mang thương hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, đồng thời lồng ghép hoạt động môi trường “Vì một xã Vạn Linh không rác thải năm 2023 – Xây dựng hình ảnh Làng nghề tiêu biểu vùng Công viên địa chất Lạng Sơn”.
Tại Lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về Công viên địa chất, xây dựng hình ảnh làng nghề, sản phẩm tiềm năng mang thương hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, Lãnh đạo Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn đã khái quát về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc thành lập Công viên địa chất Lạng Sơn, tình hình triển khai và những kết quả đạt được trong công tác xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn; tổng quan về di sản địa chất, Công viên địa chất, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, hiệu quả của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, Công viên địa chất Lạng Sơn, sản phẩm mang Logo Công viên địa chất, một số Làng nghề tiêu biểu của Việt Nam gắn với phát triển du lịch, Bộ tiêu chí quan hệ đối tác giữa Công viên địa chất Lạng Sơn và một số làng nghề trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn. Học viên đã tích cực thảo luận Câu hỏi “Tại sao Cao khô/Gà vàng Vạn Linh ngon?” và các bước tiếp theo để xây dựng Làng nghề Cao khô/Gà vàng Vạn Linh thành một Làng nghề tiêu biểu trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn.
Hoạt động môi trường “Vì một xã Vạn Linh không rác thải năm 2023 – Xây dựng hình ảnh Làng nghề tiêu biểu vùng Công viên địa chất Lạng Sơn” được tổ chức dưới dạng cuộc thi gồm có 08 đội tham gia trong tổng số 13 thôn trên địa bàn xã Vạn Linh. Các đội dọn vệ sinh từ trong nhà ra cổng, đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa (tổng số rác thu về trên 300 túi)… Cuộc thi đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực từ chính quyền địa phương, tổ chức chính trị- xã hội và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã; thể hiện được tinh thần, trách nhiệm, niềm vui, tự hào của cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ môi trường, hướng tới xây dựng hình ảnh vùng Công viên địa chất Lạng Sơn phát triển bền vững và khẳng định tính khả thi trong xây dựng mô hình “Một xã Vạn Linh không rác thải năm 2023 - Xây dựng hình ảnh Làng nghề tiêu biểu vùng Công viên địa chất Lạng Sơn”. Ban tổ chức đã trao giải thưởng cho các đội (01 giải nhất, 02 giải nhì, 02 giải ba, 03 giải khuyến khích).
Hoạt động gắn kết cộng đồng bảo vệ môi trường “Vì một xã Vạn Linh không rác thải năm 2023 – Xây dựng hình ảnh Làng nghề tiêu biểu vùng Công viên địa chất Lạng Sơn” góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, ý thức, vai trò và trách nhiệm về bảo vệ môi trường cho cán bộ, nhân dân xã Vạn Linh; vận động không sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, không vứt rác bừa bãi, thực hành thói quen dọn vệ sinh từ trong nhà ra cổng, đường làng, ngõ xóm, các khu làng nghề, giữ gìn vệ sinh chung…Qua đó góp phần hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan môi trường trong sạch của địa phương; giúp người dân trách nhiệm, tự hào trong việc chung tay bảo vệ môi trường, hướng tới xây dựng hình ảnh một Làng nghề Cao khô/Gà vàng Vạn Linh bền vững, kiểu mẫu trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn; tạo sức lan toả trong việc bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với du khách trong nước và quốc tế khi đến thăm vùng Công viên địa chất Lạng Sơn.
Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn đánh giá cao sự quyết tâm của chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt sau sự kiện “Vì một Làng nghề Cao khô xã Vạn Linh không rác thải trước thềm năm mới 2023”, Đoàn công tác Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn quay trở lại xã Vạn Linh với sự ngỡ ngàng, ấn tượng về cảnh quan, đường xá, sân phơi Cao khô Vạn Linh sạch - đẹp, không còn nhiều rác thải dọc các con đường, đồng thời cũng rất ấn tượng vì quãng đường từ thị trấn huyện Chi Lăng đến xã Vạn Linh, qua các xã Thượng Cường, Hoà Bình rác thải không còn nhiều như trước đây, hai bên đường chỉ có cây xanh, cánh đồng, núi non trùng điệp.
Lớp tập huấn và hoạt động gắn kết cộng đồng bảo vệ môi trường “Vì một xã Vạn Linh không rác thải năm 2023 – Xây dựng hình ảnh Làng nghề tiêu biểu vùng Công viên địa chất Lạng Sơn” đáp ứng một trong những tiêu chí để UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu là Công viên địa chất phải tham gia vào các hoạt động liên quan đến thích ứng, giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu; phát triển giáo dục để giảm thiểu biến đổi khí hậu và các hiểm họa thiên nhiên; Ban Quản lý có đủ năng lực và quyền hạn để điều hành mọi hoạt động của Công viên địa chất, cung cấp chương trình đào tạo cho hướng dẫn viên hoặc Người điều hành tour làm việc với Ban Quản lý, các cán bộ, nhà quản lý, lãnh đạo địa phương có tham gia tích cực và chính thức vào các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực, quá trình hoạt động của Công viên địa chất; cộng đồng địa phương, người dân bản địa tham gia tích cực và chính thức vào hoạt động của Công viên địa chất, đại diện trong cơ cấu quản lý Công viên địa chất và tham gia vào việc soạn thảo, thực hiện các hành động và dự án Công viên địa chất; Công viên địa chất chuyển giao kiến thức, thực hành và hệ thống quản lý cho thế hệ trẻ.
Phạm Hương