Làm việc trực tuyến với Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Rinjani Lombok, Indonesia và Công ty Cổ phần Dịch vụ Thể thao và Giải trí Việt Nam
Ngày 31 tháng 10 năm 2022, Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn đã tổ chức họp trực tuyến với Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Rinjani Lombok, Indonesia và Công ty Cổ phần Dịch vụ Thể thao và Giải trí Việt Nam (VietClimb). Phía tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Phạm Thị Hương, Phó Trưởng Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn cùng thành viên Ban Quản lý, Tổ giúp việc tham mưu xây dựng, phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn của các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Quan.
Tại buổi làm việc đại biểu đã được xem Video Clip giới thiệu Công viên địa chất Lạng Sơn và Video Clip giới thiệu về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Rinjani Lombok. Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn giới thiệu sơ lược về Công viên địa chất Lạng Sơn, tiềm năng di sản địa chất quốc tế, du lịch địa chất, du lịch thể thao trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn, một số hoạt động của Công viên địa chất Lạng Sơn trong thời gian qua.
Đại biểu xem Video Clip giới thiệu về Công viên địa chất Lạng Sơn
Ông Jean Verly, Giám đốc VietClimb chia sẻ về mô hình leo núi thể thao - sản phẩm du lịch địa chất độc đáo vùng Công viên địa chất Lạng Sơn. Hoạt động leo núi thể thao đã bước đầu phát triển ở xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng từ những năm 2012 với hai hình thức leo dẫn đường và leo với dây neo sẵn. Đến năm 2018 hoạt động này đã có sự đầu tư và phát triển mạnh mẽ hơn. Hiện nay có 11 điểm leo, với khoảng hơn 150 đường leo ở nhiều cấp độ khác nhau. Tại mỗi khu vực có thiết kế bản đồ leo núi do các chuyên gia nghiên cứu và phát triển, bản thông tin cơ bản các đường leo. Sản phẩm du lịch “Leo núi thể thao” tại xã Yên Thịnh đã được khai thác xây dựng thành những tour du lịch 2 ngày 1 đêm hoặc tour du lịch 1 ngày. Tour có một hướng dẫn viên và một trợ lý hướng dẫn kỹ thuật. Thông thường, tour có tối đa 20 người leo tại một điểm leo để đảm bảo an toàn vì giới hạn chỗ đứng, đường leo. Tour du lịch leo núi thể thao mạo hiểm thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm thực tế, trong đó 80% lượng du khách leo núi là người nước ngoài như: Pháp, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Đức,... Bên cạnh đó, một lượng lớn du khách là học viên của các câu lạc bộ leo núi hoặc một số trường học phổ thông quốc tế có môn học leo núi. Leo núi thể thao là một sản phẩm du lịch bền vững, mang lại trải nghiệm thú vị cho du khách, cộng đồng địa phương nâng cao thu nhập từ việc cung cấp dịch vụ ăn, nghỉ cho du khách.
VietClimb chia sẻ mô hình leo núi thể thao trong nhà
VietClimb chia sẻ mô hình leo núi thể thao tại xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng
Đại diện Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Rinjani Lombok giới thiệu về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Rinjani Lombok, chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch địa chất, du lịch thể thao (leo núi, đi bộ đường dài, xe đạp leo núi, dù lượn, chạy việt dã,…). Hàng năm Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Rinjani Lombok tổ chức Lễ hội du lịch thể thao trong vùng Công viên địa chất, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế tham gia. Quá trình tổ chức các Lễ hội đã góp phần tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, làm thay đổi hạ tầng giao thông, sân bay, tuyến đường, nâng cao chất lượng phục vụ của các hãng vận tải hành khách, dịch vụ lưu trú, nhà hàng tăng thu nhập do du khách đến tham quan, trải nghiệm vùng Công viên địa chất ở lại lâu hơn, các cửa hàng, chợ truyền thống bán được nhiều sản vật của địa phương, đồ lưu niệm của địa phương ngày càng phong phú, đồng thời chất lượng nguồn nhân lực làm hướng dẫn viên du lịch được cải thiện đáng kể. Đại biểu phía Indonesia đề xuất hai bên xúc tiến hợp tác quảng bá Công viên địa chất lẫn nhau, tổ chức hoạt động thăm, giao lưu giữa hai Công viên địa chất; mời Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn tham dự Hội thảo về Du lịch thể thao vùng Công viên địa chất năm 2023.
Mô hình xe đạp leo núi thể thao của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Rinjani Lombok, Indonesia
Trung tâm Thông tin Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Rinjani Lombok được nâng cấp trước khi các Lễ hội Du lịch thể thao được tổ chức
Lễ hội Du lịch thể thao vùng Công viên địa chất giúp nâng cao năng lực tổ chức, tiếp thị và đấu thầu của cộng đồng địa phương
Đại biểu hai bên tích cực trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm phát triển Du lịch địa chất, du lịch thể thao trong vùng Công viên địa chất. Hai bên thống nhất tiếp tục giữ liên lạc, chia sẻ thông tin về các sự kiện do mỗi bên tổ chức, tăng cường công tác quảng bá sản phẩm du lịch địa chất, du lịch thể thao của hai Công viên địa chất.
Chương trình làm việc với Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Rinjani Lombok đã diễn ra thành công tốt đẹp, góp phần giới thiệu, quảng bá Công viên địa chất Lạng Sơn đến các đối tác, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế, tham gia các hoạt động của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Đồng thời đây là cơ hội cho cán bộ của Tổ giúp việc tham mưu xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn quảng bá tiềm năng thế mạnh của địa phương đến đối tác nước ngoài, tìm hiểu về ý nghĩa, giá trị, hoạt động của các Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ, nâng cao kỹ năng hội nhập quốc tế trong xây dựng Công viên địa chất.
Phạm Hương