Họp thảo luận về tiềm năng xây dựng Mô hình Làng nghề du lịch, trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử, văn hoá tại xã Vạn Linh,
huyện Chi Lăng
Thực hiện Kế hoạch số 258/KH-UBND ngày 26/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Kế hoạch số 16/KH-BCĐ ngày 19/01/2023 của Ban Chỉ đạo xây dựng Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Lạng Sơn, Kế hoạch số 68/KH-BQLCVĐC ngày 27/01/2023 của Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn về việc triển khai hoạt động xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn năm 2023, Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn đã phối hợp chặt chẽ với Tổ giúp việc tham mưu xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn của huyện Chi Lăng tổ chức thành công hoạt động gắn kết cộng đồng bảo vệ môi trường “Vì một Làng nghề Cao khô xã Vạn Linh không rác thải trước thềm năm mới 2023” và Cuộc thi “Tìm hiểu về di sản địa chất, Công viên địa chất Lạng Sơn và chiến thắng Chi Lăng” năm 2023.
Tiếp sau đó, Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn tiếp tục phối hợp với Tổ giúp việc tham mưu xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn của huyện Chi Lăng tổ chức họp, trao đổi về Mô hình Làng nghề du lịch trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, nâng tầm thương hiệu Cao khô và Gà vàng Vạn Linh. Tham dự cuộc họp có Lãnh đạo và Viên chức Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn; thành viên Tổ giúp việc tham mưu xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn của huyện Chi Lăng; đại diện Ủy ban nhân dân xã Vạn Linh, Ban Quản lý Chợ xã Vạn Linh; đại diện HTX, hộ sản xuất Cao khô, Gà vàng Vạn Linh.
Tại cuộc họp đại biểu đã trao đổi, thảo luận về tiềm năng hợp tác xây dựng Mô hình Làng nghề du lịch trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa (kết nối tour du lịch từ Khu di tích lịch sử Chi Lăng), xây dựng thương hiệu Cao khô, Gà vàng Vạn Linh gắn Logo Công viên địa địa chất Lạng Sơn, hướng tới gắn Logo Công viên địa chất toàn cầu UNESCO; đánh giá thực trạng, đưa ra giải pháp bảo vệ môi trường tại các làng nghề trên địa bàn xã Vạn Linh, thực trạng và giải pháp môi trường và tình hình sử dụng túi nilon, rác thải nhựa tại Chợ xã Vạn Linh, tình hình xây dựng và phát triển thương hiệu Cao khô, Gà vàng Vạn Linh; các điểm di sản, di tích, đình đền và tiềm năng phát triển du lịch, chất lượng nguồn nhân lực tại xã Vạn Linh; câu chuyện về lịch sử hình thành Làng nghề Cao khô Vạn Linh, truyền thuyết, thơ ca, hò vè về Làng nghề Cao khô Vạn Linh, quy trình sản xuất, đặc biệt công đoạn phơi Cao khô.
Đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dẫn xã Vạn Linh ghi nhận hoạt động gắn kết cộng đồng bảo vệ môi trường “Vì một Làng nghề Cao khô xã Vạn Linh không rác thải trước thềm năm mới 2023” đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt tại Làng nghề Cao khô Vạn Linh. Trong thời gian tới, xã Vạn Linh sẽ quyết liệt triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường như: thí điểm xã hội hoá cho hoạt động thu gom rác (hợp tác với công ty thu gom rác) tại Thôn Phố Cũ, Thôn Phố Mới (Làng nghề Cao Khô Vạn Linh), tổ chức họp với các tư thương Chợ xã Vạn Linh để quán triệt công tác bảo vệ môi trường, qua các tư thương tuyên truyền đến người đi chợ về giữ gìn vệ sinh chung tại Chợ xã Vạn Linh; nghiên cứu về chế tài xử phạt đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn đánh giá cao sự quyết tâm của chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt sau sự kiện “Vì một Làng nghề Cao khô xã Vạn Linh không rác thải trước thềm năm mới 2023”, Đoàn công tác Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn quay trở lại xã Vạn Linh với sự ngỡ ngàng, ấn tượng về cảnh quan, đường xá, sân phơi Cao khô Vạn Linh sạch - đẹp, không còn thấy rác thải dọc các con đường, đồng thời cũng rất ấn tượng vì quãng đường từ thị trấn huyện Chi Lăng đến xã Vạn Linh, qua các xã Thượng Cường, Hoà Bình không còn rác thải như trước đây, hai bên đường chỉ có cây xanh, cánh đồng, núi non trùng điệp. Trong thời gian tới, Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn tiếp tục phối hợp với Tổ giúp việc tham mưu xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn của huyện Chi Lăng tổ chức Lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về Công viên địa chất, xây dựng hình ảnh làng nghề, sản phẩm tiềm năng mang thương hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, lồng ghép hoạt động môi trường “Vì một xã Vạn Linh không rác thải năm 2023 – Xây dựng hình ảnh Làng nghề tiêu biểu vùng Công viên địa chất Lạng Sơn” và Hội thảo “Nâng cao năng lực của phụ nữ trong xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn, trong đó có hoạt động đưa các hộ sản xuất cao khô, gà vàng Vạn Linh đi khảo sát, học tập kinh nghiệm tại Làng nghề Cao khô, Hồi Chợ Bãi, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan; nghiên cứu tổ chức Cuộc thi dành cho 200 hộ sản xuất Cao khô và một số hộ sản xuất Gà vàng Vạn Linh về quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, qua đó lựa chọn ra 05 hộ xuất sắc nhất để hỗ trợ xây dựng bao bì, nhãn mác của sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng vùng Công viên địa chất Lạng Sơn, hướng tới gắn Logo Công viên địa địa chất Lạng Sơn và Logo Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn, Cuộc thi “Thiết kế Demo Làng nghề Du lịch Cao khô Vạn Linh mơ ước” dành cho học sinh THPT, THCS trên địa bàn huyện Chi Lăng (Cuộc thi có thể mở rộng bằng hình thức mời một số Công ty kiến trúc trên địa bàn thành phố Lạng Sơn tham gia).
Phạm Hương