Đoàn chuyên gia tư vấn xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn đến khảo sát, làm việc tại tỉnh Lạng Sơn

Phạm Hương 15/10/2022

 

        Trong khuôn khổ triển khai Nhiệm vụ: Mời chuyên gia tư vấn xây dựng, đánh giá, hoàn chỉnh Hồ sơ và triển khai công tác chuẩn bị đón đoàn thẩm định của UNESCO, t ngày 09 đến ngày 14 tháng 10 năm 2022, Đoàn chuyên gia tư vấn xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn do Tiến Guy Martini, Chuyên gia tư vấn cao cấp quốc tế, Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO làm Trưởng Đoàn đã đến khảo sát, làm việc tại tỉnh Lạng Sơn (sau đây gọi tắt là Đoàn chuyên gia).

 

Đoàn chuyên gia tham quan Ải Chi Lăng, huyện Chi Lăng trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn

 

Đoàn chuyên gia khảo sát, tìm hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu tại huyện Hữu Lũng trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn

 

Đoàn chuyên gia khảo sát Hang Dơi, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn

Đoàn chuyên gia khảo sát Hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai, xã Tân Văn, huyện Bình Gia trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn

Đoàn chuyên gia khảo sát Hang Nà Lả, xã Liên Hội, huyện Văn Quan trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn

Chiều 14/10, sau chuyến khảo sát 05 ngày tại tỉnh Lạng Sơn, Đoàn chuyên gia đã có buổi làm việc với Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn. Đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Lạng Sơn chủ trì buổi làm việc với Đoàn.

 

Đại biểu dự họp xem Video Clip quảng bá Công viên địa chất Lạng Sơn

Tại buổi làm việc, Tiến Guy Martini đã trình bày báo cáo kết quả khảo sát tổng quan hiện trạng giá trị di sản địa chất, đa dạng sinh học, di chỉ khảo cổ, di sản văn hóa, sản phẩm du lịch tại 05 huyện trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn và huyện Lộc Bình; đánh giá tiềm năng thế mạnh, cũng như chỉ ra những thách thức, cơ hội của Lạng Sơn trong xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn trở thành Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

 

Tiến Guy Martini, Chuyên gia tư vấn cao cấp quốc tế, Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO phát biểu

Đoàn chuyên gia cho biết thách thức lớn nhất đối với Công viên địa chất Lạng Sơn là cần tìm ra những giá trị khác biệt, bổ trợ cho những giá trị của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Nếu Công viên địa chất Lạng Sơn chỉ dựa vào cảnh quan Karst, hệ thống hang động, suối và thác nước thì sẽ khó đạt mục tiêu được công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. 

Sau khi khảo sát hơn 30 địa điểm, Đoàn đã lựa chọn 15 địa điểm có tiềm năng, triển vọng và đánh giá hiện trạng, mức độ đầu tư để phát triển thành các điểm đến trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn. Tiêu biểu như: Mỏ than Na Dương, Núi Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình); Ải Chi Lăng (huyện Chi Lăng); Hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai (huyện Bình Gia); Đền Bắc Lệ, Khu Du lịch sinh thái Đồng Lâm, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên (huyện Hữu Lũng), Khu Du lịch sinh thái Mỏ Mắm (huyện Bắc Sơn); Hang Nà Là, Đèo Lùng Pa (huyện Văn Quan)… Trong số đó, bước đầu đã tìm thấy một số di sản địa chất có tiềm năng được đánh giá là di sản địa chất quốc tế, gồm: Trũng Na Dương, huyện Lộc Bình (một địa điểm độc đáo tương ứng với môi trường nước hồ 20 triệu năm trước, hệ động vật khổng lồ (cá sấu, rùa, kỳ đà), nơi được mô tả trên nhiều ấn phẩm quốc tế); Đá trầm tích biển từ 200 triệu năm trước cùng với các hóa thạch (cá, lươn, động vật có xương sống) là cơ sở của nhiều công bố khoa học quốc tế; Hang Thẩm Khuyên, huyện Bình Gia (Di chỉ 470.000 năm với Homo Erectus (người cổ đại hơn ở Việt Nam) gắn liền với hệ động vật phong phú (khỉ, voi, tê giác, v.v.). Sự hiện diện của 03 địa điểm này bên trong lãnh thổ Công viên địa chất Lạng Sơn là cần thiết và cần cung cấp các luận cứ khoa học để chứng minh giá trị quốc tế của Công viên địa chất Lạng Sơn. Đoàn chuyên gia nhấn mạnh khái niệm Công viên địa chất Lạng Sơn nên dựa trên hai trụ cột: Nguồn gốc sự sống và tín ngưỡng thờ Mẫu (đây là một khía cạnh đặc sắc chưa tìm thấy ở hai Công viên địa chất toàn cầu UNESCO ở Đông Bắc Việt Nam). 

Đoàn chuyên gia đề xuất lộ trình cụ thể để tiến hành xây dựng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO như: xác định và thông qua khái niệm, định hướng xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn; tiến hành điều tra, khảo sát bổ sung thêm 35 địa điểm để có đủ 50 địa điểm tiềm năng phát triển thành các điểm tham quan, sản phẩm của vùng Công viên địa chất; xây dựng hình ảnh, chiến lược phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn; khoanh vùng, xác định lại phạm vi, ranh giới của Công viên địa chất Lạng Sơn theo hướng mở rộng sang phạm vi địa bàn huyện Lộc Bình; xây dựng chiến lược truyền thông, trung tâm thông tin, bảng chỉ dẫn, thuyết minh, website quảng bá Công viên địa chất Lạng Sơn; xây dựng kế hoạch dài hạn, dự toán kinh phí cho việc phát triển, vận hành Công viên địa chất…

Đoàn chuyên gia nhận định Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn có vai trò quan trọng trong việc quản lý, vận hành Công viên địa chất, trước mắt tăng cường hợp tác với Nhóm chuyên gia tư vấn thu thập thông tin hành chính còn thiếu cần thiết (bản đồ, phân vùng dân tộc theo xã,…); hiện diện thường xuyên tại các huyện trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn nhằm tuyên truyền, điều tra về truyền thuyết, thực hành của nhóm tộc người trong vùng Công viên địa chất, tham gia vào việc kiểm kê các địa điểm văn hóa và tự nhiên mới; tìm kiếm và đề xuất các địa điểm mới cần thiết phù hợp với “địa điểm nổi bật” của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, phát triển các sản phẩm phụ Công viên địa chất Lạng Sơn để có tác động kinh tế đến người dân địa phương (Làng sản xuất ngói âm dương, v.v.), phát triển hành động chống biến đổi khí hậu (quản lý chất thải, sử dụng thay thế chai nhựa, v.v.), xác định loại hạ tầng cơ bản tại điểm đến quan trọng trong toàn bộ lãnh thổ Công viên địa chất Lạng Sơn (thiết kế tuyến đường, thiết bãi đậu xe, bảng biển thuyết minh),…; tổ chức các cuộc họp định kỳ và thường xuyên với Nhóm chuyên gia tư vấn để hỗ trợ triển khai hoạt động của Công viên địa chất Lạng Sơn trong điều kiện tốt hơn. Hiện nay Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn mới có 05 người làm việc chuyên trách, chưa đáp ứng tiêu chí của một Ban Quản lý đủ mạnh để quản lý, vận hành hiệu quả Công viên địa chất Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn cần bổ sung nhân lực cho Ban Quản lý trong thời gian tới). Bên cạnh đó, để hiện thực hoá mục tiêu Đề án thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025 cần huy động/hợp tác mạnh mẽ của tất cả các cấp, ngành tỉnh Lạng Sơn (hành chính, tài chính, đường xá, v.v.), sự phối hợp/lợi ích tốt nhất của tất cả các huyện có liên quan đến Công viên địa chất Lạng Sơn (Lãnh đạo và dân cư); đầu tư mạnh mẽ để trang bị và mở cửa đón du khách tới 50 địa điểm Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Lạng Sơn trong tương lai và tiến tới việc hình thành, hiện thực hóa các cơ sở hạ tầng liên quan đã được điều chỉnh. Đoàn chuyên gia khẳng định nếu thực hiện nghiêm túc các định hướng này và với sự hợp tác toàn diện giữa Nhóm chuyên gia tư vấn, Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn, Công viên địa chất Lạng Sơn có cơ hội thành công lớn.

Tại buổi làm việc, trước ý kiến về việc mở rộng thêm Công viên địa chất Lạng Sơn bao gồm huyện Lộc Bình có gặp khó khăn về khoảng cách địa lý, vận hành Nhà máy nhiệt điện Na Dương; trong phạm vi Công viên địa chất thời gian tới tỉnh Lạng Sơn triển khai một số dự án phát triển kinh tế có thể tác động đến nguyên trạng địa hình có phải xin phép UNESCO không, Đoàn chuyên gia cho biết hoạt động kinh tế diễn ra bình thường trong vùng Công viên địa chất trên cơ sở tuân thủ luật pháp của nước sở tại và sau khi Công viên địa chất Lạng Sơn được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các hoạt động kinh tế trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn diễn ra theo quy hoạch của tỉnh.

 

Đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao những khuyến nghị của Đoàn chuyên gia; đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn tiếp thu ý kiến của Đoàn, hoàn thiện báo cáo gửi Ủy ban nhân dân tỉnh kèm theo Dự thảo Tờ trình xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về mở rộng phạm vi, ranh giới của Công viên địa chất Lạng Sơn; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt kế hoạch mua sắm và kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu: Điều tra, khảo sát, nghiên cứu bổ sung, đánh giá, xếp hạng các giá trị di sản để minh chứng các giá trị di sản địa chất tầm cỡ quốc tế, bổ sung những điểm còn thiếu của Công viên địa chất, kịp thời hoàn thiện Hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu; Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn phối hợp với các cơ quan, đơn vị rà soát, điều chỉnh lại 12 nhiệm vụ của Đề án thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025, xây dựng lại dự toán kinh phí sát với tình hình thực tiễn; in ấn biển báo, hướng dẫn phù hợp; tiếp tục tăng cường tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Đề án thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025…Đồng chí bày tỏ tỉnh Lạng Sơn quyết tâm xây dựng Công viên địa chất Lạng Sơn thành Công viên địa chất toàn cầu UNESCO; mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của các chuyên gia để Lạng Sơn có hướng đi phù hợp, đáp ứng được các điều kiện của UNESCO để Công viên địa chất Lạng Sơn trở thành Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

 

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp

      Chuyến công tác của Đoàn chuyên gia tư vấn xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn tại tỉnh Lạng Sơn đã diễn ra thành công tốt đẹp. Qua đó đánh giá tổng quan hiện trạng giá trị di sản địa chất, đa dạng sinh học, di chỉ khảo cổ, di sản văn hóa, sản phẩm du lịch vùng Công viên địa chất Lạng Sơn, tiềm năng, triển vọng xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn thành Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, đề xuất định hướng, khuyến nghị để phát triển các điểm đến của Công viên địa chất Lạng Sơn xứng tầm một Công viên địa chất toàn cầu./.

Phạm Hương  

 

Bài liên quan
Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn tổ chức Đoàn công tác đi làm việc với các đối tác tại Hà Nội
18/03/2024

Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn tổ chức Đoàn công tác đi làm việc với các đối tác tại Hà Nội

Tổ chức tập huấn nghiệp vụ trang trí bàn ăn cho các homestay  trên địa bàn huyện Bắc Sơn   
02/03/2023

Tổ chức tập huấn nghiệp vụ trang trí bàn ăn cho các homestay trên địa bàn huyện Bắc Sơn  

Tổ chức Hội thảo tập huấn về di sản địa chất, Công viên địa chất, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO và triển khai hoạt động gắn kết cộng đồng thu gom rác “Vì một xã Vũ Lăng, huyện Bắc Sơn xanh – sạch – đẹp, tiêu biểu trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơ
02/03/2023

Tổ chức Hội thảo tập huấn về di sản địa chất, Công viên địa chất, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO và triển khai hoạt động gắn kết cộng đồng thu gom rác “Vì một xã Vũ Lăng, huyện Bắc Sơn xanh – sạch – đẹp, tiêu biểu trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơ

0.16498 sec| 864.688 kb