Tổ chức Chương trình làm việc với Đoàn công tác Văn phòng UNESCO Việt Nam và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tại tỉnh Lạng Sơn

Phạm Hương 02/03/2023

 

 

 

Ngày 22-23/02/2023, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức thành công chương trình làm việc với Đoàn công tác Văn phòng UNESCO Việt Nam và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tại tỉnh Lạng Sơn. Đoàn đã tiến hành khảo sát tại các huyện trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn và huyện Lộc Bình và có buổi chào xã giao Lãnh đạo UBND tỉnh, Lãnh đạo Ban Chỉ đạo xây dựng Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Lạng Sơn, báo cáo đánh giá kết quả khảo sát các huyện trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn, đánh giá tiềm năng hợp tác giữa tỉnh Lạng Sơn và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam đã đánh giá cao các tiềm năng trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn (giá trị địa chất, văn hoá, lịch sử, ẩm thực và kiến thức bản địa); tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Đề án Thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025, có bộ máy quản lý Công viên địa chất và lãnh đạo các cấp của tỉnh thể hiện cam kết chính trị cao trong việc triển khai nhiệm vụ xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn, quyết tâm hoàn thiện Hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu; tỉnh Lạng Sơn đang làm rất tốt công tác giáo dục và đào tạo, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của việc thành lập Công viên địa chất. Ông khẳng định: Các chuyên gia UNESCO sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ để tỉnh Lạng Sơn hoàn thiện hồ sơ, xây dựng Công viên địa chất toàn cầu và khuyến nghị tỉnh Lạng Sơn cần xây dựng một Kế hoạch quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn tổng thể, bảo tồn và phát huy các giá trị về văn hóa, lịch sử, giá trị khảo cổ học của vùng; khu vực Hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai không nên bê tông hoá làm mất đi cảnh quan, ý nghĩa của giá trị khảo cổ có niên đại cách ngày nay 470.000 năm, không nên xây dựng các nhà chòi dừng nghỉ dưới các thửa ruộng gần đường lên Hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai (nếu bảo tồn tốt điểm di tích này sẽ là điểm đến hấp dẫn trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn thời gian tới), đồng thời cần tiến hành đánh giá độ an toàn cấu trúc tại Hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai. 

 

 

Đoàn chuyên gia cũng nhấn mạnh Công viên địa chất Lạng Sơn cần phát huy và khai thác hiệu quả những thế mạnh của địa phương trong vùng Công viên địa chất nhất là các giá trị về văn hóa, lịch sử, giá trị khảo cổ học nhằm đáp ứng tiêu chí UNESCO trong việc công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.

Đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam thông tin về quy trình xây dựng và đệ trình Hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn, nhấn mạnh tỉnh cần quan tâm đến mốc thời gian theo quy định của UNESCO (Việt Nam cần gửi UNESCO Thư quan tâm về việc trình Hồ sơ trước ngày 30 tháng 6 và gửi hồ sơ đề cử trước ngày 30 tháng 11…) và quy trình nội bộ (theo quy định của Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022). Đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị như: khuyến nghị tỉnh Lạng Sơn cần tiếp tục kiện toàn, bổ sung nhân lực cho Ban Quản lý trong thời gian tới. Bên cạnh đó, để hiện thực hoá mục tiêu của Đề án thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025 cần huy động các nguồn lực nhà nước và xã hội, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân; tăng cường đầu tư công tác nghiên cứu về các giá trị di sản (văn hoá, địa chất, khảo cổ…); xây dựng quy hoạch (quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản CVĐC, quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển du lịch), kế hoạch quản lý, lộ trình và kế hoạch trình UNESCO thẩm định hồ sơ; học tập kinh nghiệm của Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO tại Việt Nam và các nước trong xây dựng và phát triển Công viên địa chất, hoàn thiện Hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu. Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ phối hợp với tỉnh và các bên liên quan triển khai hiệu quả công tác xây dựng hồ sơ, công nhận danh hiệu  Công viên địa chất toàn cầu.

 

Tại buổi làm việc, đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giới thiệu sơ lược về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Lạng Sơn nói chung, Công viên địa chất Lạng Sơn nói riêng; nhấn mạnh: CVĐC Lạng Sơn được bảo tồn nguyên vẹn và khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững, tổng thể các giá trị di sản địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, đa dạng sinh học. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai 12 nhiệm vụ trọng tâm tại Đề án thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025, đáp ứng tiêu chí công nhận Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO; Công viên địa chất Lạng Sơn được công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO sẽ góp phần hiện thực hoá mục tiêu của Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng năm 2025, ngành kinh tế mũi nhọn năm 2030. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ mong muốn UNESCO quan tâm, ủng hộ tỉnh trong công tác xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu và đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực khác mà tỉnh Lạng Sơn có thế mạnh như: văn hóa, di sản, hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…; giao Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp thu những định hướng, khuyến nghị xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn đáp ứng tiêu chí Công viên địa chất toàn cầu.

Tỉnh Lạng Sơn tổ chức thành công chương trình làm việc với Đoàn công tác Văn phòng UNESCO Việt Nam Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; đảm bảo tuân thủ các quy định của Đảng và Nhà nước về trao đổi, làm việc với người nước ngoài; giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Lạng Sơn nói chung và Công viên địa chất Lạng Sơn nói riêng đến đối tác; xúc tiến xây dựng và phát triển Công viên địa chất, hoàn thiện Hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu. Kết quả chuyến công tác của Đoàn công tác Văn phòng UNESCO Việt NamỦy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tại tỉnh Lạng Sơn đã giúp tỉnh Lạng Sơn có cái nhìn đánh giá tổng quan hiện trạng giá trị di sản địa chất, đa dạng sinh học, di chỉ khảo cổ, di sản văn hóa, sản phẩm du lịch vùng Công viên địa chất Lạng Sơn, tiềm năng, triển vọng xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn thành Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, định hướng, khuyến nghị xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn đáp ứng tiêu chí Công viên địa chất toàn cầu.

Phạm Hương

 

Bài liên quan
Khảo sát, kiến tạo cảnh quan tại một số điểm du lịch trên địa bàn huyện Cao Lộc, Văn Quan
20/07/2024

Khảo sát, kiến tạo cảnh quan tại một số điểm du lịch trên địa bàn huyện Cao Lộc, Văn Quan

Khảo sát, đánh giá tiềm năng hợp tác phát triển du lịch vùng Công viên địa chất Lạng Sơn
19/07/2024

Khảo sát, đánh giá tiềm năng hợp tác phát triển du lịch vùng Công viên địa chất Lạng Sơn

Xúc tiến hợp tác tuyên truyền, quảng bá, phát triển du lịch, dịch vụ du lịch vùng Công viên địa chất Lạng Sơn
19/07/2024

Xúc tiến hợp tác tuyên truyền, quảng bá, phát triển du lịch, dịch vụ du lịch vùng Công viên địa chất Lạng Sơn

0.09856 sec| 840.938 kb