Khảo sát, làm việc với Nhóm chuyên gia tư vấn UNESCO và Việt Nam tại tỉnh Lạng Sơn

Tuấn Khanh 30/03/2023

 

 

Từ ngày11 đến ngày 16 tháng 3 năm 2023, Nhóm chuyên gia tư vấn xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn đã đến khảo sát tuyến du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn, làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan. 

 

 

 

 Tại buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, đơn vị liên quan, Tiến sĩ Guy Martini đã trình bày báo cáo kết quả khảo sát tổng quan hiện trạng giá trị di sản địa chất, đa dạng sinh học, di chỉ khảo cổ, di sản văn hóa, xây dựng tuyến du lịch tại 05 huyện trong vùng CVĐC Lạng Sơn, huyện Cao Lộc, huyện Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn; đánh giá tiềm năng thế mạnh, cũng như chỉ ra lộ trình, những thách thức, cơ hội của Lạng Sơn trong xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn, hoàn thiện Hồ sơ trình UNESCO công nhận CVĐC Lạng Sơn là CVĐC Toàn cầu. Báo cáo bước đầu xác định, cơ bản được bộ khung 04 tuyến tham quan chính: Tuyến số 01: Hà Nội - huyện Hữu Lũng - thành phố Lạng Sơn; Tuyến số 02: thành phố Lạng Sơn - huyện Văn Quan - huyện Bình Gia - huyện Bắc Sơn; Tuyến số 03: huyện Bắc Sơn - huyện Văn Quan - huyện Chi Lăng - thành phố Lạng Sơn; Tuyến số 04: thành phố Lạng Sơn - Mẫu Sơn - Na Dương - thành phố Lạng Sơn.

Theo các chuyên gia tư vấn để đạt tiêu chí của UNESCO phải có 3 đến 4 tuyến tham quan toàn cảnh CVĐC cho du khách trong nước và quốc tế, các huyện có thể bổ sung xây dựng tuyến du lịch nội huyện riêng. Với dự kiến 4 tuyến tham quan như trên riêng CVĐC Lạng Sơn sẽ đáp ứng một số tiêu chí về đa dạng di sản, địa chất, địa mạo, về văn hóa lịch sử khảo cổ, các giá trị vi vật thể, các ngành nghề truyền thống địa phương tiêu biểu nhất.

 

Ông Guy Martini – Chuyên gia tư vấn cao cấp Quốc tế, Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất

toàn cầu UNESCO phát biểu tại buổi làm việc

 

Nhóm chuyên gia tư vấn cũng nêu một số đề xuất cụ thể và giải pháp để phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn như: Xác định lại phạm vi, ranh giới của Công viên địa chất Lạng Sơn theo hướng mở rộng sang địa bàn thành phố Lạng Sơn, một số xã thuộc huyện Cao Lộc và thu hẹp phạm vi huyện Bình Gia trong Vùng Công viên địa chất… Bên cạnh đó, Nhóm chuyên gia tư vấn cũng đề xuất một số điều kiện tối thiểu mà tỉnh cần hoàn thiện trong thời gian tới, như: Xây dựng trung tâm thông tin; xây dựng kế hoạch tổng thể Vùng Công viên địa chất gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại địa phương…

 

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã phát biểu thảo luận làm rõ một số tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn các huyện trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn và một số địa bàn thuộc huyện Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn, đồng thời đề xuất đưa thêm một số địa điểm tiêu biểu bổ sung vào các tuyến tham quan dự kiến.

Kết thúc buổi làm việc nhóm chuyên gia tư vấn khuyến nghị Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn cần sớm báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn xin chủ trương về mở rộng phạm vi, ranh giới của Công viên địa chất Lạng Sơn. Qua đó, giúp tỉnh Lạng Sơn có hướng đi phù hợp, đáp ứng được các điều kiện của UNESCO để Công viên địa chất Lạng Sơn trở thành công viên địa chất toàn cầu.

Đình Khanh

 

Bài liên quan
Khảo sát, kiến tạo cảnh quan tại một số điểm du lịch trên địa bàn huyện Cao Lộc, Văn Quan
20/07/2024

Khảo sát, kiến tạo cảnh quan tại một số điểm du lịch trên địa bàn huyện Cao Lộc, Văn Quan

Khảo sát, đánh giá tiềm năng hợp tác phát triển du lịch vùng Công viên địa chất Lạng Sơn
19/07/2024

Khảo sát, đánh giá tiềm năng hợp tác phát triển du lịch vùng Công viên địa chất Lạng Sơn

Xúc tiến hợp tác tuyên truyền, quảng bá, phát triển du lịch, dịch vụ du lịch vùng Công viên địa chất Lạng Sơn
19/07/2024

Xúc tiến hợp tác tuyên truyền, quảng bá, phát triển du lịch, dịch vụ du lịch vùng Công viên địa chất Lạng Sơn

0.07414 sec| 812.438 kb