Hội nghị thường niên Tiểu ban chuyên môn Công viên địa chất toàn cầu Việt Nam năm 2023
Ngày 20/7/2023 tại Khách sạn Four Points by Sheraton Lang Son, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tiểu ban chuyên môn Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên của Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất toàn cầu Việt Nam năm 2023.
Tham dự Hội nghị có ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng CVĐC toàn cầu tỉnh Lạng Sơn; ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Công viên đại chất toàn cầu tỉnh Lạng Sơn; Đại diện Tiểu ban Khoa học Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ; Đại diện Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; TS. Trịnh Hải Sơn, Trưởng Tiểu ban chuyên môn về CVĐC toàn của Việt Nam; ông Trần Mỹ Dũng - Phó Cục Trưởng Cục Địa chất, Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, bà Khúc Thị Thoi, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đắk Nông, Phó Giám đốc Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông; Lãnh đạo các sở ban ngành của địa phương, Đại diện 03 Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO (Non nước Cao Bằng, Cao nguyên đá Đồng Văn và Đắk Nông) và các doanh nghiệp quan tâm tới lĩnh vực CVĐC cùng đông đảo các nhà khoa học.
Toàn cảnh Hội nghị Tiểu ban chuyên môn CVĐC toàn cầu Việt Nam năm 2023. Ảnh: Tuyết Mai - Báo Lạng Sơn
Hội nghị đã thảo luận về báo cáo của Tiểu ban chuyên môn về CVĐC Toàn cầu Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Theo đó trong 6 tháng đầu năm Tiểu ban chuyên môn đã tham gia nhiều hoạt động do Mạng lưới CVĐC toàn cầu và Mạng lưới CVĐC khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; tích cực chuẩn bị cho công tác định kỳ kiểm tra, đánh giá, tái thẩm định danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, Non nước Cao Bằng và CVĐC Đắk Nông; phối hợp tư vấn, hỗ trợ CVĐC Lạng Sơn trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định CVĐC toàn cầu…Về nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm, Tiểu ban chuyên môn tiếp tục phối hợp tư vấn hoàn thiện Hồ sơ trình UNESCO công nhận CVĐC Lạng Sơn là CVĐC toàn cầu vào tháng 11 năm 2023; đề xuất với chính quyền các tỉnh có CVĐC quan tâm nghiên cứu, bố trí không gian xây dựng các trung tâm nghiên cứu khoa học kết hợp với trung tâm tổ chức hội nghị, hội thảo, dịch vụ lưu trú du lịch, không gian văn hóa chuyên đề trong vùng CVĐC; xây dựng các BQL CVĐC TC UNESCO trở thành đơn vị hành chính sự nghiệp tiến tới tự chủ kinh phí hoạt động,...
Tại Hội nghị, ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn bày tỏ mong muốn trong thời gian tới Ủy ban Quốc gia UNESCO, Tiểu ban chuyên môn CVĐC toàn cầu Việt Nam và bạn bè các tỉnh được công nhận CVĐC toàn cầu tiếp tục quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh Lạng Sơn về chuyên môn, kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, phát triển CVĐC, hoàn thiện hồ sơ đáp ứng các tiêu chí thẩm định CVĐC toàn cầu của UNESCO đối với CVĐC Lạng Sơn. Đề nghị Ban Chỉ đạo xây dựng CVĐC toàn cầu Lạng Sơn, UBND các huyện, thành phố các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh bạn, tham mưu đề xuất những giải pháp thiết thực, cụ thể trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu Lạng Sơn trong thời gian tới.
Ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ xây dựng CVĐC toàn cầu Lạng Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tuyết Mai - Báo Lạng Sơn
Trong Hội nghị, đại diện Ban Quản lý các CVĐC toàn cầu các tỉnh và Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn đã tham gia phát biểu, thảo luận với chủ đề: Chia sẻ kinh nghiệm quá trình xây dựng và phát triển CVĐC, việc hoàn thiện Hồ sơ trình UNESCO công nhận CVĐC toàn cầu, các tham luận với chủ đề “Quá tải trong phát triển du lịch CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, một số giải pháp đề xuất”; hoạt động giáo dục về CVĐC toàn cầu UNESCO”; CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông – Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản địa chất”; tiềm năng di sản địa chất Lạng Sơn. Hiện nay tỉnh Lạng Sơn đang tích cực triển khai xây dựng CVĐC tuân thủ chặt chẽ các tiêu chí, tiêu chuẩn của UNESCO, trước mắt đang tập trung xây dựng 04 tuyến du lịch với 38 điểm tham quan. Trong đó có việc hợp tác nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các tuyến, điểm tham quan trong vùng CVĐC, hợp tác phát triển kinh tế, hướng tới xây dựng và nâng cao chất lượng của hệ thống các đối tác vùng CVĐC Lạng Sơn, là cơ sở để xây dựng CVĐC toàn cầu.
Cũng tại Hội nghị, ông Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Tiểu ban chuyên môn về CVĐC toàn cầu Việt Nam đã trình bày về Mô hình Trung tâm nghiên cứu khoa học, tổ chức hội nghị, hội thảo và khu lưu trú, dịch vụ cho chuyên gia gắn với công viên văn hóa tại các CVĐC.
Trong khuôn khổ Hội nghị Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn và đại diện 13 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng, quán cafe trên 04 tuyến tham quan du lịch trong vùng CVĐC Lạng Sơn tiến hành ký kết Thỏa thuận đối tác CVĐC Lạng Sơn. Bên cạnh đó Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn ký kết Bản ghi nhớ hợp tác xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn với Viettel Lạng Sơn, Ngân hàng VietcomBank Lạng Sơn nhằm hợp tác quảng bá CVĐC Lạng Sơn, các đối tác, hợp tác xây dựng hệ thống pano, bảng biển thuyết minh Tuyến du lịch CVĐC Lạng Sơn.
Lễ ký kết Thỏa thuận đối tác CVĐC Lạng Sơn. Ảnh: Tuyết Mai - Báo Lạng Sơn
Trước đó, từ ngày 17/7 đến ngày 19/7/2023 các hoạt động bên lề đã được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị, gồm: khảo sát, trải nghiệm di sản địa chất, di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên CVĐC Lạng Sơn tại tuyến du lịch số 2 (thành phố Lạng Sơn, Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, các huyện Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn); tổ chức Hội thảo tập huấn các nội dung liên quan đến Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với Ban Quản lý CVĐC các tỉnh, thi tìm hiểu kiến thức về di sản địa chất, CVĐC trong khuôn khổ Hội thảo tập huấn; giao lưu thi đấu bóng chuyền hơi giữa Ban Quản lý CVĐC các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Đắk Nông, Lạng Sơn, Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh…tạo không khí vui tươi, gắn kết đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác xây dựng và phát triển CVĐC.
Chụp ảnh lưu niệm giao lưu thi đấu bóng chuyền hơi
Đoàn khảo sát chụp ảnh lưu niệm tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị
Chiều 19/7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tiểu ban chuyên môn về CVĐC toàn cầu Việt Nam (Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam) tổ chức Hội thảo công tác quản lý CVĐC ở Việt Nam trong tình hình mới.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham gia thi 40 câu hỏi trắc nghiệm về Mạng lưới CVĐC toàn cầu, Mạng lưới CVĐC Việt Nam, CVĐC Lạng Sơn, Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường trên phần mềm Kahoot; được nghe các chuyên gia, nhà nghiên cứu trình bày tham luận với các nội dung: mức độ phù hợp của hệ thống cơ sở pháp lý trong quản lý nhà nước đối với di sản địa chất, CVĐC ở Việt Nam; chia sẻ về mô hình các ban quản lý CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Non nước Cao Bằng (Cao Bằng), Đắk Nông (Đắk Nông); mô hình quản lý CVĐC Lạng Sơn theo khuyến nghị của nhóm chuyên gia tư vấn; một số mô hình ban quản lý CVĐC toàn cầu trên thế giới.
Hội thảo góp phần tăng cường hoạt động kết nối giữa các thành viên mạng lưới CVĐC toàn cầu Việt Nam, hợp tác chia sẻ kinh nghiệm qua đó từng bước xây dựng, phát triển, quản lý hiệu quả CVĐC, hướng tới xây dựng một mô hình quản lý CVĐC địa cầu UNESCO ở Việt Nam thông nhất, hiệu quả, xứng tầm một danh hiệu uy tín quốc tế. Đối với tỉnh Lạng Sơn, hiện địa phương đang bước đầu xây dựng và phát triển CVĐC, hoàn thiện Hồ sơ trình UNESCO công nhận CVĐC toàn cầu. Đây dịp để tỉnh Lạng Sơn tiếp thu những kinh nghiệm quý báu của các tỉnh bạn trong xây dựng, phát triển CVĐC Lạng Sơn, hướng tới danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO, thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội địa phương trong thời kỳ hội nhập khu vực, quốc tế.
Hội thảo“Công tác xây dựng và phát triển CVĐC Việt Nam năm 2023”
Hội nghị thường niên Tiểu ban chuyên môn Công viên địa chất toàn cầu Việt Nam năm 2024 dự kiến sẽ được tổ chức tại tỉnh Cao Bằng.
Nguyễn Minh Chuyển