Di chỉ khảo cổ học Mai Pha

Việt Hưng 03/06/2023

 

                Văn hóa Mai Pha (niên đại 5000 – 3500 năm cách ngày nay) là một văn hóa quan trọng ở miền núi biên giới Đông Bắc của nước ta, các nhà khảo cổ học người Pháp như H.Mansuy và M.Colani là những người phát hiện và công bố đầu tiên. Nhưng việc phân lập thành một văn hóa riêng – văn hóa Mai Pha là công lao của các nhà khảo cổ học Việt Nam, trong đó có TS. Nguyễn Cường.

                Các nhà khảo cổ đã khảo sát và rút ra từ 32 địa điểm hậu kỳ đá mới – sơ kỳ kim khí ở Lạng Sơn được 12 địa điểm Pha (hang Mai Pha, Ba Xã (hang cao), Ba Xã (hang đông nam), Mè Bạc, hang Phia Thình, núi Phia Điểm (lớp trên), hang Kéo Vãng, hang Ngườm Sâu, hang Tu Lầm, hang Lạng Nắc, Hang Dơi, hang Phai Vệ 2) với những đặc trưng cơ bản ổn định về di tích và di vật để phân lập một văn hóa khảo cổ độc đáo - văn hóa Mai Pha. Những đặc trưng cơ bản của văn hóa Mai Pha được thể hiện rõ nhất trong di chỉ Mai Pha.

                Di chỉ Mai Pha là một hang đá nằm trong núi đá nhỏ đơn độc giữa thung lũng ở phía nam xã Mai Pha, tên núi theo tiếng địa phương là núi Phjia Nùn có nghĩa là Núi Tuyết, núi đó độ cao 70m.

Toàn cảnh Di chỉ Mai Pha

                Di chỉ Mai Pha được chính thức khai quật năm 1996, các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật trong diện tích rộng khoảng 80m2 đã phát hiện, thu thập được 29.500 mảnh gốm, 123 công cụ bằng đá, trong đó có: rìu, bôn, đục bằng đá mài, vòng tay, khuyên tai, 23 đồ xương như: đục vũm, dùi xương, đặc biệt có 7 rìu bôn có vai làm bằng vỏ trai, ốc biển Cypreac được mài thủng xâu lỗ làm đồ trang sức cùng rất nhiều xương, răng động vật; phát hiện dấu tích mộ kè đá, với xương răng bị đốt cháy. Có thể khẳng định, di chỉ khảo cổ học Mai Pha đã từng là nơi sinh sống của người tiền sử có niên đại cách ngày nay khoảng 3.500 năm.

Rìu bôn làm từ vỏ trai di chỉ Mai Pha

Rìu, bôn đá tứ giác mài toàn thân

Văn thừng chải trong gốm Di chỉ Mai Pha

Bản vẽ hoa văn khắc vạch trang trí trên gốm Di chỉ Mai Pha

            Qua nghiên cứu di cốt người có thể thấy rằng cư dân văn hóa Mai Pha mang đặc trưng chủng tộc Mogoloid, tuy vẫn còn đan xen những nét Autraloid. Có khả năng họ là hậu duệ của người Indonesien vốn tồn tại phổ biến trong văn hóa Bắc Sơn. Cư dân văn hóa Mai Pha cư trú trong các hang động hoặc mái đá, những hang động này thường nhiều ngách và diện tích hang nhỏ hơn so với các hang chứa vết tích văn hóa Bắc Sơn, Hòa Bình, hướng cửa hang không một hướng chủ đạo nào thường mở về hướng đông nam hoặc tây nam, các hang phân bố ở mọi độ cao, nhưng phần lớn không cao lắm so với thung lũng chân núi, các hang đã tách dần khỏi vùng sơn khối đá vôi Bắc Sơn chuyển dần về phía nam, đông nam. Đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào nền kinh tế hỗn hợp: săn bắt, hái lượm, thủ công chế tác đồ đá, đồ xương, đồ vỏ trai, làm gốm, làm nông và trao đổi sản phẩm, đặc biệt đã thuần hóa được lợn, trâu, chó để phục vụ cho đời sống của mình.

Mộ kè đá Di chỉ Mai Pha

Xương răng người Di chỉ Mai Pha

          Văn hóa Mai Pha được tiếp nối từ văn hóa Bắc Sơn và có mối liên hệ chặt chẽ với các văn hóa đồng đại như văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Hạ Long, một trong những nguồn hợp tạo dựng văn hóa Việt cổ sau này. Với những giá trị tiêu biểu đó Di chỉ Mai Pha đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia theo quyết định số 05/QĐ-BVHTT ngày 12/02/1999 của Bộ Văn hóa Thông tin.  

Dương Việt Hưng

Bài liên quan
Khảo sát, kiến tạo cảnh quan tại một số điểm du lịch trên địa bàn huyện Cao Lộc, Văn Quan
20/07/2024

Khảo sát, kiến tạo cảnh quan tại một số điểm du lịch trên địa bàn huyện Cao Lộc, Văn Quan

Khảo sát, đánh giá tiềm năng hợp tác phát triển du lịch vùng Công viên địa chất Lạng Sơn
19/07/2024

Khảo sát, đánh giá tiềm năng hợp tác phát triển du lịch vùng Công viên địa chất Lạng Sơn

Xúc tiến hợp tác tuyên truyền, quảng bá, phát triển du lịch, dịch vụ du lịch vùng Công viên địa chất Lạng Sơn
19/07/2024

Xúc tiến hợp tác tuyên truyền, quảng bá, phát triển du lịch, dịch vụ du lịch vùng Công viên địa chất Lạng Sơn

0.28735 sec| 807.492 kb