Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về Công viên địa chất Lạng Sơn
Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn được thành lập ngày 16/12/2021 theo Quyết định số 2424/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, trên phạm vi hành chính của 05 huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Chi Lăng, Hữu Lũng và Văn Quan với tổng diện tích 3.845,8 km2, dân số 375.656 người (chiếm khoảng 46,3% diện tích và 48,1% dân số toàn tỉnh). CVĐC Lạng Sơn hướng tới bảo tồn nguyên vẹn và khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững các giá trị di sản địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa (vật thể, phi vật thể), đa dạng sinh học…
Công tác xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn năm 2022 đã được các cấp, ngành của tỉnh Lạng Sơn quan tâm, triển khai và đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của Công viên địa chất Lạng Sơn được chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, các tin, bài viết đăng tải trên báo in và báo điện tử, tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình, tuyên truyền qua các cuộc họp trực tuyến, tuyên truyền trực quan, trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội; xây dựng nội dung xuất bản ấn phẩm, tờ gấp, bưu thiệp giới thiệu về Công viên địa chất Lạng Sơn, Bản tin Công viên địa chất Lạng Sơn; xây dựng video clip quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của vùng Công viên địa chất Lạng Sơn.
Giáo dục cộng đồng về Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn nhằm hỗ trợ các hoạt động bảo tồn và quản lý CVĐC. Thông qua giáo dục cộng đồng làm thay đổi các ứng xử của các bên liên quan để có những tác động có lợi cho các khu vực cần bảo tồn. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhất là người dân địa phương trong vùng CVĐC, giúp họ hiểu rằng di sản địa chất và các giá trị di sản khác thật sự là “kho báu” ở nơi họ sinh sống, từ đó nâng cao tinh thần, trách nhiệm và tham gia một cách tích cực, tự giác trong bảo tồn khai thác CVĐC. Làm thay đổi những ý nghĩ, thói quen trong tập quán sống và sinh hoạt có ảnh hưởng đến công tác bảo tồn di sản địa chất và các giá trị di sản khác (ví dụ: Giáo dục cộng đồng địa phương không đập bỏ tai đá để làm nương, không lấy nhũ đá trong hang động về trang trí gia đình...). Quảng bá rộng rãi đến mọi đối tượng về CVĐC để phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho các huyện vùng CVĐC nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung. Nâng cao nhận thức về CVĐC ở trong nước và quốc tế để có thể liên kết tốt hơn với các tổ chức quốc tế và các CVĐC khác trong bảo tồn và phát huy giá trị của CVĐC, đảm bảo đạt các tiêu chí đánh giá của UNESCO để CVĐC Lạng Sơn trở thành CVĐC toàn cầu.
Hang Nà Lả- Nà Phia, xã Liên Hội, huyện Văn Quan
Một số nội dung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng trong thời gian tới: Giới thiệu những thông tin tổng quát nhất về CVĐC (chủ trương, chính sách lớn của quốc gia và địa phương về xây dựng và phát triển CVĐC); bản đồ di sản; các điểm di sản địa chất, di sản văn hoá, đa dạng sinh giới... có giá trị khoa học và thực tiễn; cung cấp các kiến thức cơ bản phổ thông về địa chất (kiến thức về địa chất, kiến tạo, địa mạo, cổ sinh, địa tầng, cổ môi trường, địa chất karst, địa chất thuỷ văn...); các dạng tài nguyên du lịch khác (giá trị đa dạng sinh giới trong các khu bảo tồn thiên nhiên, các giá trị văn hóa, xã hội, lịch sử... (người dân địa phương sẽ rất hài lòng nếu như các truyền thống văn hóa hay, đẹp của họ được trân trọng và giới thiệu rộng rãi); sự phát triển du lịch bền vững; quan hệ giữa du lịch và sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; quan hệ giữa du lịch với chất lượng cuộc sống; giáo dục môi trường, môi trường du lịch; cách bảo tồn di sản, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch; cách sống trong vùng di sản; cách phát huy khai thác các di sản một cách khoa học để góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững mà không làm ảnh hưởng đến di sản; khêu gợi ý thức trách nhiệm công dân của cộng đồng địa phương tham gia vào bảo tồn tài nguyên du lịch, góp phần vào khai thác, quảng bá các giá trị về du lịch Việt Nam. Đào tạo kỹ năng giáo dục tuyên truyền cho cộng đồng của đội ngũ tuyên truyền viên của chương trình; kỹ năng, nghiệp vụ, ngoại ngữ cho đội ngũ nhân viên của Ban Quản lý CVĐC, hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên, nhân viên phục vụ tại các điểm di sản và du lịch đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Nhằm hiện thực hoá mục tiêu Đề án thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 2386/QĐ-UBND ngày 08/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Công viên địa chất Lạng Sơn sớm được UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế xã hội vùng Công viên địa chất Lạng Sơn nói riêng, tỉnh Lạng Sơn nói chung, cần tiếp tục quan tâm, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên về ý nghĩa, tầm quan trọng trong công tác xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản vùng Công viên địa chất Lạng Sơn.
Phạm Hương tổng hợp