KHÁI NIỆM & LỊCH SỬ HÌNH THÀNH KHÁI NIỆM ĐA DẠNG ĐỊA CHẤT

Phạm Hương 24/09/2022

 

Bảo tồn tự nhiên là một trong những vấn đề đã được quan tâm từ rất sớm, khi con người nhận thức được giá trị mà chúng mang lại. Khái niệm bảo tồn thiên nhiên đã hình thành từ khá lâu, vào khoảng năm 680 sau CN với hình thức Khu bảo tồn Động vật hoang dã tại Anh [1]. Bảo tồn sinh học – bảo tồn thế giới sự sống đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học nhất là từ thế kỷ 18 tại các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Anh Quốc. Khái niệm về sự đa dạng sinh học lần đầu tiên (biological diversity) đã được đề cập trong tác phẩm The Variable Desert từ năm 1916 [2]. Cho đến năm 1972, bảo tồn tự nhiên cũng được nhắc đến trong Công ước di sản Thế giới về bảo vệ thiên nhiên và văn hóa thế giới của UNESCO. Đến năm 1988, thuật ngữ Đa dạng sinh học (ĐDSH) – “biodiversity” chính thức được Edward Osborne Wilson (cha đẻ của ĐDSH [4]) đề xuất và sử dụng trong các công bố khoa học [5]. Và đến 1992, Công ước về Đa dạng sinh học ra đời và ngày Quốc tế Đa dạng sinh học cũng được tổ chức đầu tiên vào năm 1993.

Bảo tồn sinh học và sự hình thành khái niệm đa dạng sinh học

Còn về mảng địa chất, mặc dù ý thức về bảo tồn địa chất cũng được hình thành từ lâu, ví dụ như bảo tồn Hang động tại Đức (1668), hay hình thành Công viên Quốc gia Yellowstone tại Mỹ để bảo tồn thiên nhiên (chủ yếu là bảo vệ giá trị địa di sản) (1872) hay các hoạt động bảo tồn tại Tasmania (Úc) trong những năm 1990s [2], nhưng khái niệm về Đa dạng địa chất (ĐDĐH) và tầm quan trọng của nó đối với Trái đất vẫn chưa được thực sự quan tâm chú ý. Phần lớn trọng tâm bảo tồn thiên nhiên trong giai đoạn đó là về sinh vật –  đa dạng sinh học chứ chưa nhà khoa học nào nói đến sự quan trọng của yếu tố nền – địa chất. Sự phát triển của ĐDSH đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học địa chất với câu hỏi đặt ra rằng họ cũng nên nghiên cứu sự đa dạng địa chất trên trái đất này. Mãi đến cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, các Chương trình, tổ chức với mục tiêu bảo tồn địa chất mới lần lượt ra đời như GEOSITES của IUGS (1996) và Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO (2004). Và một cột mốc quan trọng là ngày Quốc tế Đa dạng địa chất đã được thông qua vào năm 2021 và sẽ tổ chức lần đầu tiên vào 06/10/2022.

Bảo tồn địa chất và sự hình thành khái niệm đa dạng địa chất

Tương tự về quá trình bảo tồn địa chất, các định nghĩa về ĐDĐH cũng xuất hiện khá lâu sau khi có khái niệm ĐDSH. Một số định nghĩa ĐDĐH được ghi nhận dưới đây.

  1. Các định nghĩa của Úc (1980s – 1990s)

Vào những năm 1980, một số khái niệm đầu tiên về các đối tượng phi sinh đã được tác giả Kevin Kiernan (Đại học Tasmania) sử dụng. Trong các nghiên cứu của mình, ông đưa các thuật ngữ như “đa dạng địa hình” (landform diversity), “đa dạng địa mạo” (geomorphic diversity) và đã vẽ sự tương đồng giữa khái niệm ĐDSH đối với các loài theo địa hình (landform species) và cộng đồng theo địa hình (landform communities) [3]. 

Và không lâu sau đó, trong nghiên cứu năm 1993, Sharples đã đưa ra thuật ngữ “Đa dạng địa chất” (geodiversity) và thuật ngữ này được chính thức công nhận vào tại Malvern International Conference cũng trong năm 1993 [4] [5].

Định nghĩa phổ biến nhất về Đa dạng địa chất (ĐDĐH) được đưa ra bởi Hiến chương Di sản Thiên nhiên Úc (AHC 2002): ĐDĐH có nghĩa là phạm vi tự nhiên (đa dạng) của địa chất (đá gốc), địa mạo (địa hình) và các đặc điểm, tổ hợp, hệ thống và quá trình của đất. Đa dạng địa chất bao gồm bằng chứng về cuộc sống trong quá khứ, các hệ sinh thái và môi trường trong lịch sử trái đất cũng như một loạt các quá trình khí quyển, thủy văn và sinh học hiện đang tác động lên đá, địa hình và đất. [6]

2. Murray Gray (2004)

Khái niệm ĐDĐH được giới thiệu vào đầu những năm 1990 và được phát triển đầy đủ như một dạng mô hình một thập kỷ sau bởi Murray Gray trong tác phẩm Geodiversity được xuất bản lần đầu tiên năm 2004, tái bản lần hai 2013 và ĐDĐH cũng được ông định nghĩa qua các công bố năm 2005, 2012, 2013 [7], [8], [9], [10].

Murray Gray (2004 và 2013) định nghĩa rằng:

“Đa dạng địa chất là sự đa dạng phạm vi tự nhiên của thành phần địa chất (đá, khoáng sản, hóa thạch), địa mạo (địa mạo, địa hình, các quá trình vật lý), đất và đặc điểm thủy văn. Chúng bao gồm các tập hợp, cấu trúc, hệ thống và những đóng góp của chúng đối với cảnh quan”. [11]

3. UNESCO (2021)

Đến năm 2021, đa dạng địa chất được định nghĩa một cách hoàn chỉnh và thống nhất trong đề xuất của UNESCO trong dự thảo đề xuất ngày Quốc tế Đa dạng địa chất đầu tiên của Thế giới [12]: “Đa dạng địa chất được định nghĩa là sự đa dạng của các yếu tố phi sinh vật của tự nhiên – bao gồm khoáng vật, đá, hóa thạch, đất, trầm tích, địa mạo, địa hình, các quá trình địa chất và hình thái, và các đặc điểm thủy văn như sông, hồ. Đa dạng địa chất làm nền tảng cho đa dạng sinh học và là cơ sở của mọi hệ sinh thái, nhưng có những giá trị riêng độc lập với đa dạng sinh học ”. [13]


 

Bài liên quan
Đa dạng địa chất, Di sản địa chất & Bảo tồn địa chất
24/09/2022

Đa dạng địa chất, Di sản địa chất & Bảo tồn địa chất

What is a Geopark
21/07/2022

What is a Geopark

Leo núi thể thao - Mô hình du lịch địa chất đặc sắc tại xã Yên Thịnh
07/07/2022

Leo núi thể thao - Mô hình du lịch địa chất đặc sắc tại xã Yên Thịnh

0.04104 sec| 812.133 kb