Di sản địa chất trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn có tiềm năng được đánh giá là di sản địa chất quốc tế
Đoàn chuyên gia tư vấn xây dựng, đánh giá, hoàn chỉnh Hồ sơ và triển khai công tác chuẩn bị đón đoàn thẩm định của UNESCO đã khảo sát hơn 30 địa điểm trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn và bước đầu xác định, lựa chọn 15 địa điểm có tiềm năng, triển vọng và đánh giá hiện trạng, mức độ đầu tư để phát triển thành các điểm đến trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn. Tiêu biểu như: Mỏ than Na Dương, Núi Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình); Ải Chi Lăng (huyện Chi Lăng); Hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai (huyện Bình Gia); Đền Bắc Lệ, Khu Du lịch sinh thái Đồng Lâm, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên (huyện Hữu Lũng), Khu Du lịch sinh thái Mỏ Mắm (huyện Bắc Sơn); Hang Nà Là, Đèo Lùng Pa (huyện Văn Quan)…
Ải Chi Lăng, huyện Chi Lăng
Thảo nguyên Đồng Lâm, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng
Khu Du lịch sinh thái Mỏ Mắm, huyện Bắc Sơn
Hang Nà Lả- Nà Phia, xã Liên Hội, huyện Văn Quan
Ranh giới giữa đá vôi tuổi Permi (P3 dd) và trầm tích lục nguyên tuổi Trias (T1 ls) và hóa thạch Trùng thoi trong đá vôi tuổi Permi
Trong số đó, bước đầu đã tìm thấy một số di sản địa chất có tiềm năng được đánh giá là di sản địa chất quốc tế, gồm: Trũng Na Dương, huyện Lộc Bình (một địa điểm độc đáo tương ứng với môi trường nước hồ 20 triệu năm trước, hệ động vật khổng lồ (cá sấu, rùa, kỳ đà), nơi được mô tả trên nhiều ấn phẩm quốc tế); Đá trầm tích biển từ 200 triệu năm trước cùng với các hóa thạch (cá, lươn, động vật có xương sống) là cơ sở của nhiều công bố khoa học quốc tế; Hang Thẩm Khuyên, huyện Bình Gia (Di chỉ 470.000 năm với Homo Erectus (người cổ đại hơn ở Việt Nam) gắn liền với hệ động vật phong phú (khỉ, voi, tê giác, v.v.). Sự hiện diện của 03 địa điểm này bên trong lãnh thổ Công viên địa chất Lạng Sơn là cần thiết và cần cung cấp các luận cứ khoa học để chứng minh giá trị quốc tế của Công viên địa chất Lạng Sơn. Đoàn chuyên gia nhấn mạnh khái niệm Công viên địa chất Lạng Sơn nên dựa trên hai trụ cột: Nguồn gốc sự sống và tín ngưỡng thờ Mẫu (đây là một khía cạnh đặc sắc chưa tìm thấy ở hai Công viên địa chất toàn cầu UNESCO ở Đông Bắc Việt Nam).
Mỏ than Na Dương, huyện Lộc Bình
Khu vực mỏ đang khai thác lộ ra quần thể thân gỗ đã bị silic hóa
Nơi tập kết các thân gỗ hóa thạch của mỏ than Na Dương
“Dấu chân của các loài thú” còn được lưu giữ rõ nét trong lớp trầm tích của Mỏ than Na Dương
Hang Thẩm Hai, thôn Còn Nưa, xã Tân Văn, huyện Bình Gia – nơi phát hiện các di chỉ khảo cổ có tuổi 470.000 năm
PGS.TS Trần Tân Văn đang trao đổi với ông Guy Martini về các giá trị khảo cổ học của hang Thẩm Hai
Hang Thẩm Khuyến – các nhà khảo cổ đã thu được nhiều hóa thạch quý, trong đó có răng của người vượn khổng lồ mang tính chất đặc nguyên thủy với niên đại cách đây 250 nghìn năm
Phạm Hương tổng hợp từ Báo cáo của Đoàn chuyên gia tư vấn xây dựng, đánh giá, hoàn chỉnh Hồ sơ và triển khai công tác chuẩn bị đón đoàn thẩm định của UNESCO